Lục lại tài liệu về chiến tranh Việt Nam Phần 2 - 4 (*)

Ngọc Thu dịch

Ðể làm sáng tỏ thêm xuất xứ của nguồn tài liệu mà chúng tôi cung cấp tới bạn đọc, xin được nói rõ thêm như sau: Theo ông Ilya Guiduk, nhà sử học người Nga, cho biết, thì số tài liệu này xuất phát từ cơ quan lưu trữ hồ sơ của Liên Xô. Khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã tạo điều kiện cho các tổ chức khoa học tiếp xúc với khối tài liệu nói trên. Trung tâm lưu trữ hồ sơ hiện hành (tên sau khi Liên Xô sụp đổ) đã ký thỏa thuận với Trung tâm Wilson (và Viện hàn lâm khoa học Nga), cho phép các cơ quan này tiếp cận các tài liệu. Họ đã phân loại, hệ thống hóa số tài liệu đó và dịch ra tiếng Anh.

Người dịch và cung cấp tài liệu cho BVN từng bỏ ra nhiều tháng trời để tìm kiếm từ Trung tâm Woodrow Wilson, là nơi lưu trữ tài liệu cho các học giả nhiều nước nghiên cứu, rồi đọc, đối chiếu, chọn lọc một cách cẩn thận những gì đáng dịch, để công bố làm tư liệu tham khảo cho giới khoa học nước ta. Vì thế đây là tài liệu có xuất xứ đáng tin cậy, được dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt.

Bauxite Việt Nam

1. Chu Ân Lai nói chuyện với Hồ Chí Minh

CWIHP (Cold War International History Project - Đề án Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh Lạnh)

01-03-1965

Mô tả: Chu Ân Lai thảo luận về lãnh đạo đảng mới của Liên Xô, một tuyên bố chung hỗ trợ Việt Nam từ các nước Xã hội Chủ nghĩa và quan sát chặt chẽ các hoạt động quân sự của Liên Xô.

Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh (1)

Hà Nội, ngày 1 tháng 3 năm 1965

Chu Ân Lai: Khi Khrushchev bước xuống (thực ra Khrushchev bị các đồng chí của mình hạ bệ - ND) và lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Liên Xô lên nắm quyền [giữa tháng 10 năm 1964], chúng tôi nghĩ rằng chính sách của họ sẽ thay đổi phần nào. Đó là lý do tại sao chúng tôi đề nghị tất cả chúng ta nên đến Moscow để ăn mừng, cùng lúc quan sát tình hình ở đó. Nhưng kết quả đã làm cho chúng tôi vô cùng thất vọng. Về phần các lãnh đạo mới của Liên Xô, chúng tôi tin rằng chỉ quan sát một lần sẽ không đủ, chúng ta nên quan sát thêm nhiều lần nữa. Bây giờ thì đã rõ. Lãnh đạo mới của Đảng CS Liên Xô không thực thi điều gì khác, ngoại trừ chủ nghĩa Khrushchev. Họ hoàn toàn không thể thay đổi.

...

Kosygin cho rằng các nước xã hội chủ nghĩa nên có một tuyên bố chung để hỗ trợ Việt Nam (2). Tôi bảo ông ấy rằng, mỗi nước có lập trường và quan điểm riêng của mình, cho nên sẽ tốt nếu mỗi nước có tuyên bố riêng. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Việt Nam, họ (những người Liên Xô) có thể có một tuyên bố chung [với Việt Nam].

....

Vì vậy, trong quá trình cách mạng, và trong cuộc đấu tranh của chúng ta chống lại Hoa Kỳ, những vấn đề bí mật hàng đầu không nên tiết lộ cho họ. Dĩ nhiên, chúng ta có thể đề cập đến các nguyên tắc, mà chúng tôi cũng muốn công bố. Chúng tôi phản đối các hoạt động quân sự của [Liên Xô], bao gồm việc gửi hàng tiểu đoàn sử dụng tên lửa và 2 máy bay MiG-21, cũng như đề nghị thiết lập một cầu không vận, sử dụng 45 máy bay để vận chuyển vũ khí.

Chúng ta cũng phải cảnh giác với các giảng viên quân sự. Các chuyên gia Liên Xô đã rút, vậy thì mục đích của họ là gì [khi họ] muốn quay trở lại? Chúng tôi có kinh nghiệm trong quá khứ khi có những hoạt động lật đổ ở Trung Quốc, Triều Tiên, và Cuba. Do đó, chúng tôi để mắt tới các hoạt động của họ, cụ thể là việc vận chuyển vũ khí và huấn luyện quân sự của họ. Nếu không, quan hệ giữa hai nước chúng ta có thể chuyển từ tốt sang xấu, ảnh hưởng đến hợp tác giữa hai nước.

Ghi chú:

1. Phía Trung Quốc có những người tham dự buổi họp: Chu Ân Lai, Bành Chân (Ủy viên Bộ Chính trị TW Đảng và Thị trưởng Bắc Kinh), Dương Thành Vũ (Phó Tổng Tham mưu Quân đội Trung Quốc, quyền Tổng Tham mưu cho đến khi bị thanh trừng hồi tháng 3 năm 1968), Ngô Lãnh Tây (Giám đốc Tân Hoa xã và Tổng biên tập Nhân dân nhật báo); phía Việt Nam gồm có: Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và Phạm Hùng.

2. Từ ngày 4 đến ngày 11 tháng 2 năm 1965, Thủ tướng Liên Xô Aleksei Kosygin viếng thăm Bắc Kinh và Hà Nội và tổ chức hàng loạt cuộc hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam, gồm năm cuộc họp với Chu Ân Lai và một cuộc họp với Mao Trạch Đông.

Dịch từ: http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=5034C7E2-96B6-175C-9CCD13AA8FE7FDCF&sort=Collection&item=Vietnam%20%28Indochina%29%20War%28s%29

2. Thảo luận giữa Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh

CWIHP (Cold War International History Project - Đề án Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh Lạnh)

16-05-1965

Mô tả: Hồ Chí Minh yêu cầu Mao Trạch Đông giúp đỡ xây dựng các tuyến đường dọc biên giới miền Nam Việt Nam; Mao đồng ý.

Chủ tịch Hồ: Chúng tôi phải cố gắng xây dựng đường giao thông mới. Chúng tôi đã thảo luận với đồng chí Đào Chú (1) về vấn đề này. Nếu Trung Quốc có thể giúp chúng tôi xây dựng một số tuyến đường ở miền Bắc, gần biên giới với Trung Quốc, chúng tôi sẽ gửi các lực lượng để dành cho công việc này ở miền Nam.

Mao Trạch Đông: Đó là một chính sách hay.

Đào Chú: Tôi đã báo cáo điều đó qua điện thoại với đồng chí Chu Ân Lai. Ông ấy nói: Trung Quốc có thể làm điều đó.

Hồ Chủ tịch: Trước hết, chúng tôi cần Trung Quốc giúp chúng tôi xây dựng 6 tuyến đường từ các khu vực biên giới. Những con đường này chạy về phía Nam, đi qua phía sau của chúng tôi. Và trong tương lai nó sẽ được kết nối với phía trước. Hiện tại, chúng tôi có 30 ngàn người xây dựng các tuyến đường này. Nếu Trung Quốc giúp chúng tôi, những người này sẽ được gửi vào Nam. Đồng thời chúng tôi phải giúp đỡ các đồng chí Lào để xây dựng các tuyến đường từ đường Samneua đến Xiengkhoang và từ Xiengkhoang đến Hạ Lào, và đến miền Nam Việt Nam.

Mao Trạch Đông: Vì chúng tôi sẽ đánh những trận đánh quy mô lớn trong tương lai, sẽ rất tốt nếu chúng tôi xây dựng các tuyến đường tới Thái Lan ...

Hồ Chủ tịch: Nếu Mao Chủ tịch đồng ý, Trung Quốc sẽ giúp chúng tôi, chúng tôi sẽ gửi người của chúng tôi vào Nam.

Mao Trạch Đông: Chúng tôi đồng ý theo yêu cầu của ông. Chúng tôi sẽ làm điều đó. Không có vấn đề gì (2).

Ghi chú:

1. Đào Chú là Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thứ nhất Trung ương ĐCS Trung Hoa - Cục Hoa Nam. Sau này, ông ta bị thanh lọc trong cuộc Cách mạng Văn hóa.

2. Tại Hà Nội vào ngày 13, Đào Chú đã nói với ông Hồ rằng “Trung ương Đảng và Chủ tịch Mao đã đưa bốn tỉnh biên giới của chúng tôi chịu trách nhiệm làm hậu phương trực tiếp cho Việt Nam. Dĩ nhiên, toàn bộ Trung Quốc là hậu phương của Việt Nam. Nhưng bốn tỉnh này đại diện trực tiếp”.

Dịch từ: http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=5034C820-96B6-175C-90CBCFCB37536D19&sort=Collection&item=Vietnam%20%28Indochina%29%20War%28s%29

3. Thảo luận giữa Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng

CWIHP (Cold War International History Project - Đề án Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh Lạnh)

09-10-1965

Mô tả: Chu Ân Lai nói với Phạm Văn Đồng không hỗ trợ ý kiến về các tình nguyện viên Liên Xô đến Việt Nam và thảo luận về sự tham gia của Campuchia trong chiến tranh.

Chu Ân Lai: ... Trong thời kỳ Khrushchev nắm quyền, Liên Xô không thể chia rẽ chúng ta vì Khrushchev đã không giúp các ông nhiều. Bây giờ Liên Xô đang giúp các ông. Nhưng sự giúp đỡ của họ không phải thật lòng. Mỹ rất thích điều này. Tôi muốn nói cho ông biết ý kiến ​​của tôi. Tốt hơn là không cần sự trợ giúp của Liên Xô. Đây có thể là ý kiến của những người cánh tả quá khích. Tuy nhiên, đó là ý của tôi, không phải của Trung ương Đảng CSTQ.

... Bây giờ, vấn đề các tình nguyện viên quốc tế đến Việt Nam sẽ rất phức tạp. Nhưng như ông đã đề cập đến vấn đề này, chúng ta sẽ thảo luận và lúc đó ông có thể đưa ra quyết định của mình.

Như ông hỏi ý kiến ​​của tôi, tôi muốn nói với ông một điều sau đây: Tôi không ủng hộ ý kiến về các tình nguyện viên của Liên Xô đến Việt Nam, tôi cũng không [hỗ trợ] sự viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam. Tôi nghĩ không có viện trợ thì tốt hơn. Đó là ý kiến ​​của riêng tôi, không phải ý kiến ​​của Trung ương Đảng. Đồng chí Bành Chân và La Thụy Khanh (2) có mặt ở đây hôm nay cũng đồng ý với tôi.

[Đối với] Việt Nam, chúng tôi luôn muốn giúp đỡ. Trong tâm trí của chúng tôi, suy nghĩ của chúng tôi, chúng tôi không bao giờ nghĩ đến việc bán đứng Việt Nam. Nhưng chúng tôi luôn sợ những người theo chủ nghĩa xét lại đứng giữa chúng ta (3).

Chu Ân Lai: ... chiến tranh đã mở rộng ra ở miền Bắc Việt Nam. Do đó, Lào và Campuchia không thể không tham gia. Sihanouk hiểu điều đó. Khi chúng tôi đang đi tham quan ở Dương Tử, tôi hỏi ông ấy, làm thế nào đối phó với tình trạng này và liệu ông ấy có cần vũ khí hay không. Hiện nay, Trung Quốc đã cung cấp cho Campuchia 28.000 đơn vị vũ khí. Sihanouk nói với tôi rằng số lượng này đủ để trang bị cho các lực lượng thường xuyên và cấp tỉnh của Campuchia và rằng tất cả vũ khí của Mỹ đã được thay thế.

Tôi cũng hỏi ông ta xem liệu ông ta có cần thêm vũ khí không. Sihanouk trả lời rằng, bởi vì ông ấy không có đủ khả năng để gia tăng quân số, các loại vũ khí này đã đủ. Ông ấy chỉ yêu cầu máy bay chống pháo và vũ khí chống tăng.

Đó là những gì ông ấy trả lời câu hỏi của tôi về vũ khí. Ông ấy cũng nói thêm rằng nếu chiến tranh bùng nổ, ông ấy sẽ rời khỏi Phnom Penh, đến các vùng nông thôn, nơi ông ấy đã xây dựng các căn cứ. Năm ngoái, Chủ tịch Lưu [Thiếu Kỳ] nói với Sihanouk: "đánh nhau quy mô lớn ở nước ông không bằng [đánh nhau] ở biên giới của chúng tôi". Nếu Hoa Kỳ tấn công dọc biên giới Trung Quốc, Trung Quốc sẽ đưa các lực lượng tới đó, do vậy, làm giảm gánh nặng cho Campuchia. Bây giờ Sihanouk đã hiểu và chuẩn bị để về nông thôn và để lấy lại các vùng thành thị khi có điều kiện thuận lợi. Đó là những gì ông ấy nghĩ. Tuy nhiên, liệu các cán bộ của ông ta có thể thực hiện chính sách này hay không, lại là chuyện khác.

Những thay đổi về tình hình này cho thấy, rằng Sihanouk đã chuẩn bị để hành động trong trường hợp có một cuộc xâm lược của Mỹ. Hiện nay, Sihanouk hỗ trợ mạnh mẽ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, bởi vì ông ta biết rằng các ông càng chiến đấu chống Mỹ thì dân Campuchia càng bớt gặp khó khăn hơn. Hơn nữa, Sihanouk hiểu rằng ông ta cần Trung Quốc. Nhưng cùng lúc, Sihanouk không muốn đứng về phía bên nào, bởi vì ông ta sợ mất sự hỗ trợ của Pháp, làm mất vị trí trung lập của ông ta. Ít ra, những gì ông ta nói cho thấy, ông ta có vẻ suy nghĩ và hiểu được tính logic của chiến tranh: nếu Hoa Kỳ mở rộng chiến tranh tới Bắc Việt, thì Hoa Kỳ sẽ mở rộng khắp nơi Đông Dương (4).

Ghi chú:

1. Phạm Văn Đồng nói chuyện với Chu Ân Lai tại Bắc Kinh trước khi ông ta đi thăm Moscow. Đây là cuộc họp thứ ba của phái đoàn Việt Nam tại Bắc Kinh.

2. La Thụy Khanh là Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng và là Tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc cho đến khi bị thanh trừng vào tháng 12 năm 1965.

3. Trong cuộc hội đàm tổ chức tại Quảng Đông, ngày 8 tháng 11 năm 1965, Chu Ân Lai nói với Hồ Chí Minh rằng: "Mục đích của Liên Xô viện trợ cho Việt Nam là: (a) để cô lập Trung Quốc (b) cải thiện quan hệ Xô-Mỹ, (c) tiến hành các hoạt động lật đổ cũng như hành vi phá hoại, gây khó khăn cho Trung Quốc, và cũng có thể cho Việt Nam”.

4. Buổi nói chuyện này được xem như mối quan hệ tam giác giữa ĐCS Trung Quốc, Việt Nam, và Campuchia. Pol Pot (1923-1998) trở thành Tổng Bí thư Đảng Lao động Campuchia hồi năm 1963 (sau đó đổi tên thành Đảng Cộng sản Campuchia, và nói chung được gọi là Khơ-me đỏ), đã đến Hà Nội vào tháng 6 năm 1965 và đi đến Bắc Kinh vào cuối năm 1965. Ông ta đã gặp các nhà lãnh đạo đảng lỗi lạc của hai nước. Các bất đồng nghiêm trọng đã nảy sinh giữa ông ta và Lê Duẩn ở Hà Nội: Xem thêm Thomas Engelbert và Christopher E. Goscha, Falling Out of Touch: Một nghiên cứu chính sách Cộng sản Việt Nam về một phong trào Cộng sản Campuchia đang trỗi dậy, 1930-1975 (Clayton, Victoria, Australia: Đại học Monash, 1995); và David Chandler, Brother Number One: Tiểu sử chính trị của Pol Pot (Boulder, CO: Westview, 1992), trang 73-77.

Trong giai đoạn này, Pol Pot muốn đấu tranh vũ trang ở Campuchia, nhưng tại thời điểm này cả Việt Nam và Trung Quốc luôn muốn tránh bất kỳ cuộc đấu tranh nào chống lại Sihanouk. Họ muốn thấy Sihanouk tiếp tục chính sách trung lập của ông ta hơn, và nếu Hoa Kỳ can thiệp vào Campuchia, họ hy vọng rằng Sihanouk và những người cộng sản Campuchia sẽ tham gia lực lượng.

Dịch từ:

wilsoncenter.org

N.T.

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

(*) Xem trên BVN từ ngày 29-4-2011

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn