Những “Nỗi buồn không tên”

Nguyễn Trung (*)

clip_image002

Đám tang của Cụ Phan Châu Trinh

1. Hôm nay, ngày 04 tháng 04 năm 2011 là một ngày buồn. Có lẽ, nhiều người sẽ không đồng ý với tôi điều này. Không những vậy, họ còn cảm thấy rất vui trong cái ngày buồn 04 tháng 04 năm 2011 này. Vâng. Đó là cái quyền “Tự Do” trong tư tưởng và nhận thức của mỗi người. Một điều “Thiêng Liêng” mà mỗi con người trên trái đất này được hưởng – trừ phi họ bị tước đoạt hay bị ép buộc phải từ bỏ. Không những vậy, cái quyền “Tự Do Thiêng Liêng” này còn là một nhu cầu thiết yếu với con người như là hơi thở, nước uống, và dinh dưỡng để duy trì sự sống của con người. Hơn nữa, Nhà thơ Kalil Gibran đã để lại cho đời một câu thơ rất hay và ý nghĩa.

-Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương.

Qua câu thơ trên, chúng ta có thể thấy được sự trân quý của một ngày mới – để chúng ta có thêm ngày nữa đẻ yêu thương. Thế nhưng, chúng ta có thể “để yêu thương” hay “để vui” khi một ngày mới bắt đầu hay không? Không hẳn hoàn toàn như vậy. 85 năm trước đây, ngày 04 tháng 04 năm 1926, hàng trăm ngàn người đã tập trung ở Sài Gòn để đưa tiễn Cụ Phan Châu Trinh, một Người Yêu nước, một Nhà Văn hóa, và cũng Nhà Tư tưởng lớn của Dân tộc Việt Nam về nơi an nghỉ cuối cùng.

 

Chúng ta nên nhớ, cái thời điểm cách đây 85 năm trước là một thời điểm đen tối của nước nhà bởi vì đất nước chúng ta còn đang bị chủ nghĩa thực dân cai trị bằng những chính sách khắc nghiệt vô nhân tính. Thế nhưng, bọn mật thám Pháp cùng tay sai cũng không mất hết tính người để có những hành động bắt bớ, đánh đập, xua đuổi những người dân vô tội vì mến mộ Cụ Phan Châu Trinh mà đã đến tiễn đưa Cụ về nơi an nghỉ.

85 năm sau, ngày 04 tháng 04 năm 2011, một người Vợ đảm đang, một người Em chí tình, hai người Con chí hiếu, và rất nhiều bằng hữu xa gần, từ các bậc trưởng thượng râu tóc bạc phơ cho đến những người trẻ tuổi tóc còn xanh, tất cả chúng ta đã phải chứng kiến một người Công dân, một Con dân của Đất Việt, của Tổ quốc Việt Nam đã vì đất nước mà phải lâm vào cảnh tù đày.

2. Hơn 85 năm trước đây, thực dân Pháp đã không thể nào bỏ tù được “Tư tưởng yêu nước” của cụ Phan Châu Trinh và nhiều chí sĩ yêu nước của Tổ quốc. 81 năm trước, những cỗ máy chém của thực dân Pháp có thể sát hại người anh hùng trung lương Nguyễn Thái Học và các đồng chí của Ông – nhưng thực dân Pháp không thể giết chết “Tinh thần yêu nước của Nguyễn Thái Học và các đồng chí của Ông”.

clip_image004

Người anh hùng Nguyễn Thái Học

81 năm trước đây, thực dân Anh có thể bỏ tù Ông Gandhi nhưng thực dân Anh không thể đè bẹp “Tinh thần yêu nước và đường lối đấu tranh ôn hòa cho Lẽ phải và Tự do của Ông Gandhi”.

clip_image006

Ông Gandhi

Đúng 43 năm trước đây, ngày 04 tháng 04 năm 1968, một phát súng ác nghiệt của một người Mỹ trắng đã cướp đi mạng sống của ông Martin Luther King Jr. – nhưng tinh thần “Martin Luther King Jr.” vẫn sống mãi trong tim hàng triệu người yêu chuộng “Lẽ phải, Công lý, và Hòa bình” trên thế giới.

clip_image008

Ông Martin Luther King Jr.

55 năm trước đây, Bà Rosa Parks đã từ chối nhường chỗ ngồi trên xe buýt của mình cho một người da trắng. Hành động của Bà Rosa Parks đơn giản chỉ là đòi hỏi một sự “Công bằng”. Và Bà Rosa Parks đã thắng bởi “Lương tâm, Công lý, Lẽ phải” đã ủng hộ bà. Từ một người đàn bà da màu bị phân biệt, Bà Rosa Parks đã dũng cảm để đứng dậy đòi lại “Quyền được sống của một Con Người” mà Bà được hưởng như những công dân khác.

clip_image010

Bà Rosa Parks và Tổng thống Bill Clinton.

Từ một người đàn bà da màu bị phân biệt, Bà Rosa Parks đã trở thành biểu tượng của nước Mỹ. Bà đã được nhiều tưởng thưởng nhiều Huân chương cao quý của Chính phủ Mỹ. Năm 2005, nước Mỹ đã tổ chức tang lễ cho Bà Rosa Parks như một Quốc tang dành cho những người có công với đất nước. Vì sao có những sự thay đổi này? Không có gì phải khó hiểu cả. Tất cả chỉ là sự dũng cảm đứng lên đòi lại những gì mà người khác đã tước mất cùng với sự thấy được cái sai trái từ những kẻ cưỡng đoạt những quyền được sống này.

3. Ngồi xem chương trình “thế giới động vật” trên tivi cùng mấy đứa cháu. Những con nai, ngựa vằn ăn cỏ ăn lá cây luôn bị rình rập và giết chết bởi những loài thú ăn thịt hung dữ như sư tử, báo đen, và beo gấm. Chỉ một cú vồ của thú dữ là các chú nai chú ngựa bỏ mạng và trở thành bữa tối cho các loài mãnh thú. Bởi nơi rừng sâu, luật lệ chỉ là luật của kẻ mạnh. Móng sắc nanh dài và một sức mạnh trời cho sư tử có thể cai cả một vùng – và đó là Luật của Rừng xanh mà chúng ta quen gọi là Luật rừng.

Con người và con vật cũng bắt đầu bằng chữ “Con”. Chỉ khác là con người dùng lý trí để hành xử với nhau. Còn mãnh thú thì dùng nanh nhọn và vuốt sắc. Bởi thế, luật loài người không thể nào giống như luật rừng – một sự khác biệt khác biệt cả triệu lần – nhất là con người Văn minh ở thế kỷ XXI.

N.T.

(*) Không phải Nguyễn Trung tác giả “Thời cơ vàng”.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn