Những thách thức đang lớn dần khi sức mạnh quân sự của Trung quốc ngày càng tăng

Nguyễn Hoàng Hà

clip_image002  

Cận cảnh hạm đội lớn đầu tiên của Trung quốc cho ra mắt thế giới. (Tân Hoa xã)

 

Theo các hãng tin phát đi từ chính Tân Hoa xã của Trung quốc thì tới đây họ sẽ cho hạ thủy chiếc hạm đội lớn có sức chứa hơn 50 máy bay chiến đầu cùng hàng trăm xe tăng, xe quân sự và hàng chục dàn hỏa tiễn hạ máy bay và cả hạm đối hạm, hạm đối địa và hàng ngàn bộ đội cho một cuộc chiến nếu phải xảy ra. Như Tân Hoa xã nói sẽ sớm triển khai chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này, và trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Bắc Á làm như vậy. Chiếc Varyag được Trung Quốc mua của Ukraine và làm lại tại một xưởng đóng tàu ở Đại Liên từ năm 2002, đã gần hoàn tất. Cũng chính từ tiết lộ này, tới đây ngay sau khi hạ thủy xong hạm đội này thì họ sẽ lại đúc kết kinh nghiệm cho ra đời nhanh chóng một hạm đội khác lớn hơn do chính họ đóng với sức chứa máy bay, hỏa tiễn và các phương tiện chiến tranh có thể gấp rưỡi hoặc gần 2 lần só với Hạm đội này.

Chiếc tàu sân bay này được đặt tên theo tiếng Trung Quốc là "Shi Lang", đó là tên vị Đô đốc đã chinh phục Đài Loan năm 1681.

Hải trình thử nghiệm chiếc tàu sân bay này được hoạch định vào 23/4 - đánh dấu ngày thành lập lực lượng Hải quân hoặc 1/7, kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng điều mà người ta quan ngại lớn hơn đó là Trung quốc hôm nay không hề còn tránh né giấu giếm về ý đồ phô trương sức mạnh của mình và như các báo chí đã nói, họ (Trung Quốc) còn giơ cao rung lắc bao hầu tiền khổng lồ khoe chuyện sắp tới họ sẽ chi ra 23 tỷ đô-la cho việc củng cố và xây dựng các đảo và căn cứ quân sự ở Vịnh Bắc Bộ, trong đó có nhiều đảo của Việt nam trên Hoàng sa và Trường sa bất chấp phía Việt Nam đã mạnh mẽ phản đối.

Như nhiều nhà bình luận quốc tế đã phân tích thì đây là một động thái rất đáng lo ngại vì như vậy Trung Quốc đã như là công bố sự đàm phán không còn cho vấn đề biển Đông mà nay chuyển sang ai mạnh nấy thắng và biển Đông ngày nay là của Trung Quốc hùng mạnh.

Các báo chí mấy ngày qua liên tục đăng tin là Trung quốc không còn coi đàm phán song phương hay đa phương có giá trị nữa và chiến thuật kéo dài đàm phán theo hướng tôn trọng nghị quyết ứng xử hòa bình biển Đông với các quốc gia Đông Nam Á đã được khai tử, hay những khẩu hiệu hữu nghị mấy chục chữ vàng chói lọi về tình hữu nghị với Việt Nam chỉ là phương cách câu giờ khi mà nay họ đã có đủ sức mạnh thì các khẩu hiệu hay cái mớ tinh thần ứng xử kia, v.v. mà họ đã khôn khéo bày ra đến nay coi như bị họ thẳng tay vứt bỏ, còn ai luyến tiếc thì cứ nhặt lấy mà dương cao, càng lâu càng tốt. Đến đây thách thức không chỉ với các quốc gia trong khu vực này mà ngay cả với Hoa Kỳ kẻ từ xưa đến nay vốn là đối thủ đáng gờm của họ cũng là như vậy. Thời gian như đang ủng hộ Trung Quốc. Những diễn biến từ Afganitan, I-rắc, Libya và những vết thương mất đoàn kết nghiêm trọng giữa hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ, thảm họa đang vùi dập nước Nhật, một đồng minh lớn của Hoa Kỳ ở khu vực này đang khiến cho Trung Quốc múa tay trong bị thậm chí hân hoan ra mặt.

Báo chí Trung Quốc còn lớn tiếng nói rằng các hạm đội lớn trên biển dù ở tầm 2.000 hải lý vẫn không thể an toàn trước các hỏa tiễn tầm xa của quân đội nhân dân Trung Hoa.

Người ta còn nhớ kể từ năm 2009, Trung Quốc đã thay đổi chiến lược hải quân và tìm cách mở rộng địa bàn chiến lược tới Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã triển khai ba tàu hải quân tới vùng biển ngoài khơi Somalia kể từ 2008 và tiến hành một cuộc diễn tập hải quân quy mô lớn từ tháng 4 năm ngoái, trong đó, tàu chiến nước này vượt qua vùng biển phía Nam Nhật và đi vào tây Thái Bình Dương. Một chiếc tàu sân bay là yếu tố then chốt để Trung Quốc thực hiện thành công chiến lược này như là muốn nói cho thế giới biết họ không chỉ làm chủ biển Đông trước các hạm đội khổng lồ của Hoa Kỳ mà còn vươn tay ra ngoài khu vực khác nếu họ muốn. Một chuyên gia chính trị quốc tế ở Trường đại học Bắc Kinh đã không úp mở khi nói rằng: "Khi sự quan tâm của Trung Quốc mở rộng khắp toàn cầu, thì chiến lược hải quân vốn chỉ tập trung vào lợi ích quốc gia sẽ không còn phù hợp, bị hạn chế ở lãnh hải Trung Quốc. Do đó, nước này cần tàu sân bay để mở rộng vùng hoạt động khắp thế giới".

Cùng với những việc trưng các hạm đội lớn ra đời, các tuần dương hạm, các đội tàu ngầm và máy bay tàng hình cho đến hỏa tiễn hạ vệ tinh v.v. thì bên kia, họ cũng đã lắp nanh vuốt mới cho người chiến sỹ tiền đồn Bắc Triều Tiên không còn lo sợ trước các cuộc tập trận đã và đang diễn ra liên tục với Hàn quốc. Bắc Triều tiên cũng đã tân trang vũ khí mới hiện đại cho 200 ngàn đặc công tinh nhuệ và hơn một triệu lính thường trực với xe tăng và các tàu đệm khí nhỏ với tốc độ cao sẵn sàng đổ bộ vào Nam Triều Tiên bất cứ lúc nào để thống nhất đất nước. Trước cuộc tập trận của Hoa Kỳ và Nam Hàn đang diễn ra tuần qua, Phó Tổng tư lệnh Bắc Triều Tiên đã tuyên bố chắc nịch là họ không thụ động đứng nhìn kẻ thù dương oai.

Rõ ràng vấn đề Bắc Phi so với mặt trận này một khi xảy ra thì chỉ là đám lửa nhỏ so với một biển lửa lớn mênh mông. Mùi thuốc súng đã bắt đầu nghe khen khét và chỉ cần một động thái nhỏ như trận Bắc Triều Tiên nã pháo sang Nam Hàn hay một cuốc tấn công vào tàu chiến mới đây thì không ai dám nói là chiến tranh sẽ diễn ra như thế nào?

Nhiều nhà phân tích quân sự hàng đầu thế giới cho rằng một cuộc chiến tranh lớn chưa từng có sẽ bùng nổ khi chính họng súng đôi bên Bắc Nam Triều Tiên khai hỏa và hai ông lớn phía sau không thể ở trong tình thế ngồi nhìn đàn em choảng nhau chí tử mà sẽ phải xung trận. Đến lúc đó Mỹ và châu Âu sẽ làm gì với một Trung Quốc con hổ xám lớn mạnh không còn như ngày nào với dáo mác, súng thần công nơi Cấm thành Thiên An Môn như xưa mà là cả một kho vũ khí hiện đại đang có trong tay mà họ đã cho trình diễn?

Biển Đông và biển Hoàng Hải sẽ luôn là vấn đề thử thách của thế giới trước một Trung Quốc thời hiện đại hôm nay. Bài toán này rõ ràng đòi hỏi Hoa Kỳ càng phải nhanh tay liên kết với các đồng minh trong khối Asean để đối phó với một hung thần đang lớn mạnh cũng chẳng khác gì khi xưa Mỹ phải liên kết với các nước châu Âu khác để chống phát xít Đức hùng hậu.

Việc Philipine tuyên bố vùng chủ quyền và đưa quân đội ra bảo vệ vùng biển đang tranh chấp hay việc Việt Nam thử các loại hỏa tiễn đối không, đối biển đã cho thấy quyết tâm không thể khoan nhượng lùi mãi của mình trước kẻ có đầy mưu mô và xảo thuật nuốt biển. Tổng thống Philipine và các tướng lĩnh của nước này đang phải trang bị nhiều loại hỏa tiễn và pháo tầm trung, tầm xa để bảo vệ lãnh hải, lãnh thổ của mình. Việt Nam cũng không thể ngoại lệ. Cuộc chiến ở Irac hay nay đang diễn ra ở Libya đã cho thấy ông Sadam Hoetsen và cả ông Gaddafi không có đủ hỏa tiễn và pháo phòng không và đối hạm để bảo vệ chính thể của mình trước các đối thủ phương Tây nên bị họ sớm khóa tay, phong tỏa cả trên không và dưới biển.

Người Tây Nguyên có câu: “Không đánh hổ lúc mới lớn còn chờ khi nó đủ nahh vuốt?” Câu nói này quả là tuyệt hay. Cho đến hôm nay, Thế giới mới càng khen ngợi người Việt Nam xưa thật khéo đặt tên cho Trung Quốc là “đội quân bành trướng” thật là chính danh, không có từ nào chính xác hơn.

Ngày 11 tháng 4 năm 2011.

N.H.H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn