Phái bộ Liên hiệp Châu Âu tại Hà Nội đã lên tiếng về vụ án Cù Huy Hà Vũ sau khi có dư luận chỉ trích “khối 27 nước” phản ứng quá chậm

1. Đến lượt Châu Âu phản đối Việt Nam về vụ kết án ông Cù Huy Hà Vũ

Trọng Nghĩa

clip_image001  

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ tại phiên xử (DR)

 

Trong một bản thông báo công bố ngày hôm nay, 07/04/2011, Phái bộ Liên hiệp Châu Âu tại Hà Nội đã bày tỏ mối quan ngại về bản án 7 năm tù đối với ông Cù Huy Hà Vũ. Theo Liên hiệp Châu Âu, hành động này có nguy cơ làm sứt mẻ uy tín của Việt Nam trên chính trường quốc tế.

Bản thông cáo của Liên hiệp Châu Âu nói rõ : «Việc kết án không phù hợp với quyền căn bản của mỗi người được quyền có ý kiến và phát biểu quan điểm một cách tự do và ôn hòa». Đánh giá rằng bản án 7 năm tù kèm theo 3 năm quản chế dành cho ông Vũ là «đặc biệt nặng nề», Liên hiệp Châu Âu còn tỏ ý «rất quan ngại trước các biểu hiện thiếu vắng thủ tục đúng đắn trong quá trình tiến hành phiên tòa».

Các Luật sư bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ đã nộp đơn kháng án lên Tòa án Tối cao và các định chế chính thức khác với lý do là phiên tòa vừa qua không tôn trọng quyền của bị cáo.

Bên cạnh trường hợp của ông Cù Huy Hà Vũ, Liên hiệp Châu Âu cũng tỏ thái độ quan ngại trước sự kiện nhiều người khác bị bắt giữ mà theo Liên hiệp Châu Âu, chỉ vì muốn theo dõi phiên xử một cách ôn hòa. Trong toàn cảnh đó, Liên hiệp Châu Âu đã lưu ý chính quyền Việt Nam về tác hại của các hành động đàn áp.

Bản thông cáo nêu bật : «Lòng tôn trọng của quốc tế đối với Việt Nam, và tiến bộ kinh tế lâu dài của Việt Nam sẽ không bền vững nếu các hành động phát biểu ý kiến một cách hòa bình, đặc biệt trên các vấn đề thiết yếu cho tương lai của người dân và đất nước lại bị đàn áp».

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại là hôm 04/04, Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, 53 tuổi, đã bị kết án tù về tội tuyên truyền chống nhà nước, trong đó có việc đề nghị xóa bỏ chế độ độc đảng. Theo AFP, đây là một vụ án mang tính chất chính trị nặng nề nhất trong những năm gần đây ở Việt Nam.

Như tin chúng tôi đã loan, bản án đối với ông Cù Huy Hà Vũ đã bị tất cả các tổ chức bảo vệ nhân quyền và tự do ngôn luận trên thế giới phản đối, từ Phóng viên không Biên giới Reporters Sans Frontières tại Pháp, Ân xá Quốc tế Amnesty International tại Anh, cho đến Human Rights Watch tại Mỹ…

Ở cấp nhà nước, trước Liên hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng phản đối ngay từ hôm 04/04. Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ thái độ "quan ngại sâu sắc" về bản án tù đối với ông Cù Huy Hà Vũ.

Tương tự như Liên hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ cho rằng việc kết án ông Vũ không phù hợp với các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết. Hà Nội đã phản bác những lời cáo buộc, cho rằng không có "cái gọi là tù nhân lương tâm" ở trong nước Việt Nam.

Vào hôm qua, nhân một cuộc điều trần tại Thượng viện, ông David Shear, người sắp là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, đã hoan nghênh quan hệ được tăng cường giữa hai nước, nhưng cho rằng Việt Nam cần phải cải thiện tình trạng nhân quyền nếu muốn quan hệ song phương được toàn diện hơn.

T.N.

Nguồn: Viet.rfi.fr

2. Vụ TS Hà Vũ: EU 'quan ngại sâu sắc'

clip_image002

Công an ngăn chặn vòng quanh khu vực dẫn đến Tòa án Hà Nội ngày xử TS Hà Vũ hôm 4/4

Phái đoàn Liên hiệp Châu Âu tại Việt Nam bày tỏ sự 'quan ngại' về vụ xử Tiến sỹ Hà Vũ và những vụ bắt người muốn tới dự phiên xử.

Thông cáo đăng trên trang mạng của Phái đoàn nói tuyên bố của Liên minh Châu Âu (EU) được sự tán thành của các Đại sứ của các quốc gia thành viên EU ở Việt Nam.

Khối đại diện cho 27 nước Châu Âu nói:

"EU lấy làm tiếc và bày tỏ quan ngại sâu sắc về phiên xử ông Cù Huy Hà Vũ tại Hà Nội hôm thứ Hai, ngày 4 tháng Tư.

"Ông Cù Huy Hà Vũ bị buộc tội theo khoản 1, điều 88, Bộ luật Hình sự, tội tuyên truyền chống Chính phủ trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến tháng Mười năm 2010 thông qua các bài viết và trả lời phỏng vấn, và phỉ báng chính quyền cũng như ủng hộ đa đảng.

"Việc buộc tội này không phù hợp với quyền cơ bản của con người về việc có ý kiến và biểu đạt ý kiến một cách tự do và ôn hòa theo Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Điều 19 của Công ước Quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam tham gia.

"Bản án này, bao gồm 7 năm tù và 3 năm thử thách dành cho ông Cù Huy Hà Vũ là đặc biệt khắt khe và chúng tôi cũng quan ngại sâu sắc về sự thiếu vắng một cách rõ ràng quy trình tiêu chuẩn trong xét xử".

'Đàn áp'

Trong thông cáo ra ngày 6/4 và được ký ngày 5/4, EU cũng đề cập tới việc Hà Nội bắt giam một số người tới tham dự phiên tòa mà chính quyền nói là phiên xử công khai.

Hai nhà bất đồng chính kiến hàng đầu của Việt Nam, Luật sư Lê Quốc Quân và Bác sỹ Phạm Hồng Sơn hiện vẫn đang bị giam giữ sau khi công an bắt và khám nhà họ đêm 4/4.

Một quan ngại lớn nữa của EU là việc giam giữ nhiều cá nhân, những người tìm cách quan sát phiên xử một cách ôn hòa.

Phái đoàn EU tại Việt Nam

Thông cáo của EU nói:

"Một quan ngại lớn nữa của EU là việc giam giữ nhiều cá nhân, những người tìm cách quan sát phiên xử một cách ôn hòa.

"EU tin rằng Việt Nam chỉ có thể phát triển thành một dạng xã hội tri thức, hội nhập và sung túc như mong muốn của người dân nếu tự do ngôn luận được bảo đảm.

"Sự kính trọng của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam và quá trình phát triển kinh tế lâu dài của Việt Nam sẽ không bền vững nếu việc biểu đạt một cách ôn hòa đặc biệt là các vấn đề quan trọng đối với tương lai của người dân và đất nước bị đàn áp.

"EU nhắc lại sự sẵn sàng của mình trong việc tiếp tục hợp tác với Việt Nam bao bồm cả việc đối thoại và hỗ trợ thiết thực để cải thiện vệc đánh giá và tôn trọng nhân quyền".

Gia đình và Luật sư bào chữa cho TS Cù Huy Hà Vũ nói họ sẽ kháng cáo án sơ thẩm với ông.

Chậm lên tiếng?

Trước EU, Hoa Kỳ cũng đã có tuyên bố phản đối việc tuyên án ông Cù Huy Hà Vũ và kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho vị tiến sỹ.

Một số blogger chỉ trích Châu Âu chậm lên tiếng về vụ xử TS Cù Huy Hà Vũ

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner nói:

"Việc kết án ông Vũ đi ngược lại với Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về cam kết của Việt Nam về nền pháp trị và cải cách. Không cá nhân nào đáng bị bỏ tù vì thực hiện quyền tự do ngôn luận".

"Chúng tôi thúc giục Chính phủ Việt Nam thả ngay lập tức ông Cù Huy Hà Vũ và tất cả các tù nhân lương tâm khác".

Hà Nội chưa có phản ứng gì đối với tuyên bố của EU nhưng trước đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có phản ứng đối với tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Bà Nguyễn Phương Nga nói: "Việt Nam là một Nhà nước pháp quyền. Việt Nam xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị".

Trước khi EU có tuyên bố, một số blogger đã chỉ trích khối 27 nước này vì chậm lên tiếng.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn