Việt Nam trước cuộc tổng rà soát về điện hạt nhân trên toàn thế giới

GS.TS Phạm Duy Hiển

clip_image002

Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận do Nga xây dựng. Ảnh: Tiến Dũng

 

SGTT.VN - Cuộc tổng rà soát điện hạt nhân hiện nay trên toàn thế giới sẽ quyết định số phận của ngành công nghiệp này thời hậu Fukushima. Điện hạt nhân sẽ rơi vào vòng xoáy thoái trào mới sau một giai đoạn hồi sinh quá ngắn ngủi, hay sẽ gượng đứng dậy bước tiếp?

Nếu bước tiếp, chắc chắn những chuẩn mực an toàn mới sẽ cao hơn hẳn, tiêu chí lựa chọn địa điểm sẽ gắt gao hơn, cần phải có nhân lực chuyên nghiệp hơn nhất là ở các nước đang phát triển, sẽ có thêm nhiều ràng buộc hơn trong luật pháp và quan hệ quốc tế, thời gian thẩm định và xây dựng nhà máy sẽ kéo dài..., tất cả sẽ đẩy điện hạt nhân lên một mặt bằng giá mới.

Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc tổng rà soát này. Không nên vội vàng tuyên bố “chương trình điện hạt nhân của chúng ta đã được nghiên cứu kỹ lắm rồi, không cần phải thay đổi gì”, hoặc “không lo, chúng ta sẽ có những lò phản ứng (LPU) thế hệ 3 an toàn hơn”. Ngược lại, thiết nghĩ cũng không nên vội vàng giã từ một mục tiêu đã chọn khi chưa luận chứng được phương án nào khả dĩ thay thế nó.

Vậy hãy dành thời gian xem lại mình qua những bài học nóng hổi từ Fukushima trước khi quyết định dừng lại hay bước tiếp.

Nhưng bài học cho Việt Nam khác hẳn với những nước đang sở hữu nhà máy điện hạt nhân. Chưa nên mất thì giờ luận bàn những chuyện quá rắc rối về công nghệ, hãy để các nước tiên tiến lo chuyện này. Chúng ta có những vấn đề của mình, vả lại chúng ta chỉ mới đi một vài bước đầu tiên trên quỹ đạo đầy chông gai phía trước. Hành trang lớn nhất mà chúng ta mang theo lên quỹ đạo mới chỉ là ý muốn. Vậy hãy xem lại tại sao chúng ta muốn?

Quyết định làm điện hạt nhân do Quốc hội thông qua tháng 11.2009 trên thực tế đã dựa trên chuỗi logic sau: thứ nhất, để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao cần phải có rất nhiều điện. Thứ hai, điện hạt nhân rẻ và là giải pháp cơ bản để bảo đảm an ninh năng lượng. Thứ ba, điện hạt nhân rất an toàn, thậm chí an toàn tuyệt đối. Thứ tư, mọi chuyện đã sẵn sàng để bước lên quỹ đạo.

Để quyết định dừng điện hạt nhân hay bước tiếp, Chính phủ còn phải giải một bài toán nữa, có thể còn khó khăn và quan trọng hơn nhiều. An toàn điện hạt nhân luôn chống đối với lợi ích kinh tế, lợi ích nhóm, và là kẻ thù không đội trời chung với tham nhũng, dối trá trong công nghiệp. Nếu bước tiếp liệu Chính phủ có giải pháp gì để ngăn chặn chúng?

Không phải đợi đến thảm họa Fukushima mới thấy cả bốn mắt xích trong chuỗi logic trên đều có những lỗ hổng. Có lỗ hổng thuộc về tư duy phát triển, như mắt xích thứ nhất mà tôi đã liên tục vạch ra trong nhiều năm qua. Chúng ta đã phí phạm điện năng vào hàng kỷ lục trên thế giới, và đây là lỗi của nền kinh tế. Cứ duy trì tốc độ tăng trưởng điện năng gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế như lâu nay mà lại muốn vươn tới mục tiêu hiện đại hóa vào năm 2020 tức là nói một đường làm một nẻo. Đặc điểm của thời đại ngày nay là tạo ra ngày càng nhiều tiện ích cho cuộc sống với năng lượng tiêu tốn cho các tiện ích ấy ngày càng ít đi.

Nhưng cũng có lỗ hổng do hời hợt trong nhận thức, thí dụ xem nhà máy điện hạt nhân chẳng khác gì nhà máy nhiệt điện thông thường, như một quan chức bộ Công thương đã trả lời trước báo chí. Và chính vì thế mới dám chủ trương xây một lèo 15 lò phản ứng LPU trong mười năm 2020 – 2030. Một số tập đoàn điện hạt nhân nước ngoài đã điểm huyệt đúng chỗ này, và họ đã thành công. Còn những người lâu nay làm việc trong ngành hạt nhân tuy không nghĩ đơn giản như vị quan chức kia, song lại luôn vẽ ra bức tranh lạc quan về nhân lực đã sẵn sàng. Lý ra, lãnh đạo ngành hạt nhân phải báo cáo trung thực với Chính phủ rằng trong chúng tôi chẳng có ai là chuyên gia về điện hạt nhân cả, và từ nhiều năm nay chúng tôi vẫn lúng túng không biết khắc phục nhược điểm này bằng cách nào.

Vì tự nhận thấy thiếu nhân lực trình độ cao nên để trấn an dân chúng, một số người phải huyễn hoặc về sự màu nhiệm của các LPU thế hệ 3 có khả năng khắc phục mọi sơ suất do con người gây ra. Hãy sang Phần Lan, một nước có trình độ công nghệ rất cao, mà xem. Họ đang ì ạch xây LPU thế hệ 3 của AREVA (Pháp), trễ thời hạn hơn bốn năm, đội giá thành lên hơn 2 tỉ euro, bởi vì họ đã phát hiện ra hàng ngàn lỗi trong thiết kế và xây dựng, bắt buộc AREVA phải chữa. Họ không chui vào cái tổ kén “thế hệ thứ ba” để dễ dàng cho qua từng sai sót nhỏ. Phải thật chuyên nghiệp mới làm cho AREVA tâm phục khẩu phục mà chịu bồi thường thiệt hại do những lỗi ấy và sự chậm tiến độ gây ra.

Thảm hoạ Fukushima chắc chắn sẽ thức tỉnh các nhà lãnh đạo đất nước về vai trò của nhân lực trình độ cao như một điều kiện tiên quyết để có điện hạt nhân. Nhưng xin mạn phép bày tỏ một quan ngại: liệu Chính phủ có nhận ra rằng việc này không dễ chút nào, thậm chí sẽ bất thành nếu không có những đột phá về chính sách khoa học công nghệ và những cải cách đặc biệt, ít nhất trong giáo dục đại học.

Để quyết định dừng điện hạt nhân hay bước tiếp, Chính phủ còn phải giải một bài toán nữa, có thể còn khó khăn và quan trọng hơn nhiều. An toàn điện hạt nhân luôn chống đối với lợi ích kinh tế, lợi ích nhóm, và là kẻ thù không đội trời chung với tham nhũng, dối trá trong công nghiệp. Nếu bước tiếp liệu Chính phủ có giải pháp gì để ngăn chặn chúng?

P. D. H.

Nguồn: sgtt.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn