VŨ QUỐC TRÂN VÀ BÍCH CÂU KỲ NGỘ(*)

Phạm Ngọc Lan

imageVũ Quốc Trân nguyên quán làng Đan Loan huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương (nay là Hải Hưng). Chưa rõ năm sinh, năm mất, chỉ biết ông sinh ra, lớn lên và sống hầu hết đời mình ở Thăng Long (Hà Nội) vào khoảng giữa thế kỷ XIX và là người đồng thời với các nhà thơ nổi tiếng như Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), Chu Thần Cao Bá Quát (1808-1855). Ông còn được gọi là ông Mền Đại Lợi vì sống ở phường Đại Lợi (một phần phố Hàng Đào bây giờ) và từng đỗ mấy khoa Tú tài. Ngoài việc dạy học, đào tạo được nhiều học trò thành đạt, ông còn sáng tác thơ văn và để lại một tác phẩm bằng chữ Nôm khá đặc sắc là Bích Câu kỳ ngộ(1). Những vấn đề mà tác phẩm này đặt ra cũng như sức hấp dẫn của nó qua nhiều đời đến nay vẫn có ý nghĩa.

Bích câu kỳ ngộ - như tên gọi của nó - là một câu chuyện truyền kỳ xảy ra dưới thời Hồng Đức nhà Lê, kể về một kỳ ngộ yêu đương giữa nàng tiên Giáng Kiều và chàng thư sinh Tú Uyên ở bên bờ con ngòi biếc.

Đề tài của tác phẩm thực ra không có gì mới - đó cũng là đề tài tình yêu giữa giai nhân và tài tử, một đề tài quen thuộc của nhiều truyện Nôm. Có khác chăng là ở màu sắc không tưởng, hoang đường của câu chuyện chàng Nho sĩ nghèo lấy vợ tiên, mơ một cuộc sống tốt đẹp và ái ân dài lâu ở nơi tiên cảnh. Nhưng màu sắc lãng mạn thoát ly này - vốn là một trong những môtip quen thuộc của truyện dân gian - cũng đã từng xuất hiện trong nhiều tác phẩm ra đời trước đó như truyện Duyên lạ nước hoa trong Thánh Tông di thảo hay Từ Thức lấy vợ tiên trong Truyền kỳ mạn lục. Vả chăng cũng có chung một cốt truyện dân gian, trước Bích Câu kỳ ngộ bằng chữ Nom đã có Bích Câu kỳ ngộ ký bằng chữ Hán của Đoàn Thị Điểm (1705-1748). Song không thể phủ nhận sức sống rộng rãi, lâu bền của Bích Câu kỳ ngộ Nôm. Vậy điều gì đã tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm này?

Phần nào vượt ra khỏi hạn chế của văn tự sự dân gian chỉ chú trọng hành động, Bích Câu kỳ ngộ là sự tiếp nối các tác phẩm văn xuôi tự sự đã nói ở trên về phương diện miêu tả nội tâm nhân vật. Có điều, câu chuyện tình trong tác phẩm của nữ sĩ họ Đoàn chẳng những đã không còn giữ được vẻ đẹp mộc mạc của câu chuyện tình yêu dân gian mà còn trở nên nặng nề bởi tính chất thuyết lý đạo đức và sự phô trương khả năng thơ phú của một ngòi bút Nho học. Những điển cố, điển tích và công thức miêu tả gò bó ít nhiều đã hạn chế khả năng biểu hiện một câu chuyện mang phong vị dân tộc và một tình cảm phóng khoáng hồn nhiên. Hơn nữa, Đoàn Thị Điểm thiên về kể sự việc hơn là đi sâu vào nội tâm nhân vật của mình. Đến giai đoạn Vũ Quốc Trân - ngót một trăm năm sau - văn học đã cởi bỏ khá nhiều ràng buộc và đạt đến những đỉnh cao chói lọi, được coi là những mẫu mực cổ điển. Truyện thơ Nôm lục bát của dân tộc cũng đã đi qua một chặng đường rực rỡ với những ảnh hưởng khó phai mờ trong cảm hứng sáng tạo của cả một thế hệ cầm bút. Có lẽ vì vậy Vũ Quốc Trân đã đưa được vào tác phẩm một cách thể hiện mới mẻ hơn, đó không phải là vẻ đẹp đơn sơ chất phác của câu chuyện tình yêu trong truyện cổ tích mà là những tình tiết éo le, những cảm xúc tinh tế, cái xôn xao thầm kín trong quan hệ yêu đương ở chốn thị thành. Từ nguyên bản chữ Hán của Đoàn Thị Điểm, cốt truyện dân gian qua ngòi bút sáng tạo uyển chuyển của ông đã trở nên thú vị hơn nhiều. Đặc biệt phong vị, màu sắc Thăng Long được tác giả sử dụng như một ưu thế, trở thành sức mạnh nghệ thuật của tác phẩm. Phong vị màu sắc ấy nổi bật lên không phải chỉ đơn giản vì có những tên đất, tên người Thăng Long xuất hiện trong câu chuyện. Một Bích Câu Đạo quán hiện còn ở phố Cát Linh gần Văn miếu Hà Nội, tương truyền là nơi nhà học của chàng Tú Uyên thuở xưa, và bao nhiêu sự tích trong truyện: nào sông Tô Lịch, nào chùa bà Ngô, nào đền Bạch Mã, nào hồ Kim Quy, nào phố Cầu Đông, nào hồ Cánh Phượng... ở quanh thành Thăng Long cũ cũng không thể cho thấy hình ảnh một xã hội Thăng Long trọn vẹn nếu không có những tính cách, những số phận của người Thăng Long thông qua các nhân vật của truyện. Cốt lõi hiện thực hiển nhiên của Bích Câu kỳ ngộ có lẽ cũng chính là ở các chi tiết sống thực còn nhiều dấu vết như vậy trong tác phẩm mà những tình tiết hoang đường kỳ ảo không thể xóa mờ. Tác giả đã dành cho mối tình của Tú Uyên - Giáng Kiều nhiều cảm thông trân trọng, cũng như ông đã gửi gắm rất nhiều tâm đắc trong hình tượng chàng thi sĩ Tú Uyên tài hoa đa tình.

Một trong những thành công của Bích Câu kỳ ngộ Nôm là việc xây dựng hình tượng Tú Uyên - một đại diện của tầng lớp Nho sĩ nghèo ở Thăng Long, chưa thành đạt trên con đường công danh sự nghiệp. Qua Tú Uyên, Vũ Quốc Trân đã cho người đọc tiếp xúc với một mẫu người trí thức khá lý tưởng. Là công tử con quan huyện, Tú Uyên đã đẹp người lại có tư chất thông minh và được giáo dục đúng với nghĩa con nhà nền nếp gia giáo:

Phúc lành nhờ ấm thông huyên,

So trong tài mạo kiêm tuyền kém ai.

Thông minh vốn sẵn tư trời

Còn khi đồng ấu mải vui cửa Trình.

 

Vì thế ở Tú Uyên đã sớm nảy nở tinh thần ham học và chí hướng nam nhi của kẻ theo nghiệp sách đèn. Cho đến cả khi bố mẹ đã qua đời, phải rơi vào cảnh côi cút của một hàn sĩ: “Lơ thơ nửa mái thảo đường / Phên gianh vết gió vôi tường ngấn mưa”, chàng vẫn một niềm tu chí học hành:

 

Đói no cơm giỏ nước bầu,

Những phường yến tước biết đâu chí hồng.

Thề xưa đã nặng với lòng,

Dù sao trắng nợ tang bồng mới thôi.

Rất dễ dàng nhận thấy trong Tú Uyên có bóng dáng của một Tống Trân, một Phạm Công... là những hình tượng hàn sĩ đã một thời là lý tưởng tuyệt đẹp của nhiều truyện Nôm. Nhưng Tú Uyên còn là hiện thân của một quan niệm khác trước về hạnh phúc, ở chàng kết hợp hài hòa những phẩm chất truyền thống với những nét đẹp tinh thần của thời đại, được biểu hiện ở phong thái “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” kiểu các nhà nho tài tử chốn thị thành. Phải chăng nhà thơ đã “hóa thân” vào nhân vật, gửi gắm vào đấy những mong ước và cảm nhận của chính thế hệ Nho sĩ trong thời buổi mình đang sống, khiến cho nhân vật không những giàu chất lý tưởng mà cũng sống động hơn. Đó hẳn là lý do tạo nên sức sống nội tại và giá trị chân thực của bản thân hình tượng Tú Uyên. Mỗi khi nói về cái nghèo hay cái dáng dấp tinh thần của chàng, tác giả đều dùng một cách nói bóng bẩy, rất giàu chất thơ, qua đó tâm hồn chàng trai Thăng Long dần dần hiện lên, gợi cho người xem một sức hấp dẫn. Cuộc sống của chàng như là thơ, là nhạc. Ở đó cái giản dị thanh bạch của nếp sống nhà nho, cái cốt cách thanh tao của thi nhân mặc khách kết hợp với sự thông minh nghiêm túc của trí tuệ:

Trên gò giùm một lều thơ

Lau già chắn vách, trúc thưa lát rèm.

Thờ ơ phách bướm ca chim,

Nửa song đèn sách, bốn thềm gió trăng.

Thi hào dậy tiếng thị thành,

Vào nhòng Lý, Đỗ nức danh Tôn, Tào.

Sách nghiên lưng túi phong tao,

Nước non trăng gió chất vào còn vơi.

 

Hình ảnh “một lều thơ”, “một túi phong tao” “nước non trăng gió chất vào còn vơi”, nhất là hình ảnh “nửa song đèn sách, bốn thềm gió trăng” là những hình ảnh tuyệt đẹp, lãng mạn, cho thấy cuộc sống của Tú Uyên rất giàu ý nghĩa tinh thần. Vẻ đẹp của chàng có thể coi là trọn vẹn, song ở chàng còn thêm sức sống nồng nhiệt của trái tim thanh xuân trước tiếng gọi của tình yêu. Có lẽ trong xã hội coi trọng chữ nghĩa thời kỳ bấy giờ, hình ảnh chàng hàn sĩ hiếu học này đã là niềm mong ước tơ tưởng của nhiều thiếu nữ Kinh kỳ. Tác giả đã rất có dụng ý xây dựng ở chàng những nét thanh lịch hào hoa, đồng thời cũng hé lộ những phẩm chất đa tình, dễ cảm. Là một chàng trai phóng khoáng, lý tưởng, hạnh phúc của chàng đối lập với chủ nghĩa khắc kỷ của Nho giáo và chủ trương diệt dục của Phật giáo bởi vì trong nó chứa đựng những niềm vui trần tục của cuộc đời. Ngòi bút kết hợp chặt chẽ tự sự với trữ tình của Vũ Quốc Trân quả là thích hợp để kể về những đổi thay trong cuộc đời của chàng hàn sĩ ở một góc thành Thăng Long khi có sự xuất hiện của một tình cảm có sức lôi cuốn mãnh liệt.

Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và giàu niềm tin của chàng thư sinh nghèo bỗng trở nên sinh sắc hơn khi trái tim đa cảm của chàng có thêm những nhịp đập thổn thức vì một hình bóng giai nhân. Câu chuyện tình bắt đầu từ một cuộc gặp gỡ kỳ lạ. Với một túi thơ bầu rượu bên mình như các tài tử văn nhân du ngoạn kinh thành, trong một cuộc thưởng xuân,Tú Uyên đã bị choáng ngợp trước vẻ đẹp “chim sa cá lặn” của một thiếu nữ đang độ xuân sắc. Chỉ bằng đôi câu lục bát, Vũ Quốc Trân đã thể hiện một cách tinh tế mối giao cảm đặc biệt nảy sinh giữa hai người và những bước đi đầu tiên của tình yêu:

Dầu mặt lạ đã lòng quen,

Cả liều đến gốc thu thiên ướm nàng.

 

Tú Uyên tuy rất biết “phép nhà” nhưng tình cảm đã đẩy chàng tới một thái độ chủ động và táo bạo: chàng “quên” cả lễ giáo, “cả liều” ướm hỏi, chuyện trò với một người con gái lần đầu quen biết. Mặt khác, khi tiếp xúc với Giáng Kiều, tâm hồn chàng đã cảm nhận ngay được vẻ đẹp của người con gái, nó như một chất men bất ngờ làm say lòng chàng:

Lắng nghe lọt hết chung tình,

Lòng thơm quanh cả bên mình mỹ nhân.

 

Có thể nói, tính cách tài hoa đa tình đã dẫn dắt Tú Uyên đến với một mối duyên kỳ ngộ và cũng từ đó, tình yêu sôi nổi thiết tha đã làm thay đổi hẳn đời chàng. Ngòi bút tác giả đã đi sâu miêu tả những biến chuyển tâm lý và sự chân thành sâu sắc trong tình cảm của nhân vật. Từ bước chân thơ thẩn bâng khuâng đến nỗi vấn vương canh cánh của buổi ban đầu, từ tiếng đàn chén rượu buồn nhớ đến niềm khắc khoải thâu canh của chàng... tất cả đều xuất phát từ những nhịp đập thổn thức của trái tim đã nặng lòng vì một người con gái:

Ngổn ngang cảnh nọ tình kia,

Nỗi riêng, riêng biết dãi dề với ai.

Vui xuân chung cả một trời,

Buồn xuân riêng nặng một người tương tư.

 

Nỗi niềm tương tư trở thành một tình cảm thường xuyên giày vò Tú Uyên, đến nỗi chàng nhìn cảnh, cảnh cũng lây buồn, thấy tâm sự ngẩn ngơ trĩu nặng của mình càng đâm ra ngỡ ngàng vì sự hồn nhiên của tạo vật.

Non nước cỏ hoa xung quanh chỉ càng khiến chàng thêm cô đơn, thiếu vắng hơn, càng làm sâu sắc hơn nỗi buồn trong lòng chàng:

Còn trời còn nước còn non,

Mây xanh nước biếc vẫn còn như xưa.

Hoa đào còn đó trơ trơ,

Mà người năm ngoái bây giờ còn đâu?

Hiu hiu gió phất bông lau,

Càng như dệt mối tơ sầu vào thêm.

 

Dù rất ước lệ, nhưng sự giãi bày tâm trạng yêu đương bằng hình ảnh được Vũ Quốc Trân thể hiện rất hợp lý và có chuyển biến, vận động. Tâm trạng ấy khi man mác da diết, khi dồn nén bức bách, khi khát khao được tâm sự, bộc bạch, song bao giờ cũng là một thái độ trân trọng nâng niu:

Nói dầu nghe cũng thế nào,

Lặng dầu nghe cũng nao nao chẳng đành.

 

Nhưng trong tình yêu, Tú Uyên không đơn độc và không chỉ có chàng “Lâu nay vắng bóng thư trai / Vóc xương nghe đã kém vài bốn phân”. Giáng Kiều tuy xuất hiện với tư cách một nàng tiên nhưng thực ra nàng vẫn là hiện thân của một người phụ nữ với đầy đủ vẻ đẹp tinh thần và những rung động trần thế:

Cho hay tình cũng là chung,

Khách tiên chưa dễ qua vòng ái ân.

 

Có thể nói, tiếp thu sâu sắc trào lưu tư tưởng cởi mở của thời đại, Vũ Quốc Trân đã xây dựng thành công một mối tình với từng bước phát triển tâm lý hồn nhiên của nó: Tú Uyên, Giáng Kiều gặp nhau, thương mến rồi tương tư, buồn nhớ, không khuôn sáo vẽ vời, họ tìm đến nhau bằng tình yêu chân thành, xuất phát từ những rung động khó cưỡng của trái tim. Đâu phải là khi biến hình vào bức tranh để về với Tú Uyên, Giáng Kiều chỉ tuân theo một nghiệp duyên tiền định. Đi theo tiếng gọi yêu đương và nhu cầu hưởng hạnh phúc ái ân, nàng đã chủ động quyết định cuộc sống của mình, tìm cách vượt qua những ngăn trở để có được hạnh phúc lứa đôi lý tưởng:

Khi gió mát, lúc trăng trong,

Bầu tiên chuốc rượu, phím đồng lựa tơ.

Khi tuyết sớm lúc hoa trưa,

Bàn cờ trước mái, câu thơ bên bình,

Người tuấn tú, kẻ khuynh thành,

Cầm kỳ thi tửu đủ vành trần duyên.

Người tao nhã, kẻ thuyền quyên,

Phong hoa tuyết nguyệt là tiên trong đời.

Nhà lan sum họp ban mai,

Đã trong tần tảo lại ngoài huyền ca.

 

Dẫu vẫn là cái êm đềm, thuận hòa kiểu gia đình truyền thống giữa “người tao nhã, kẻ thuyền quyên” với những thú phong nhã “cầm, kỳ, thi, tửu” trong khung cảnh “phong, hoa, tuyết, nguyệt” nhưng hạnh phúc ở đây thực sự dựa trên cơ sở kết hợp hôn nhân, tình yêu và sự hòa hợp tinh thần. Đó chính là kết quả của con tim biết đập vì nỗi nhớ, biết tìm đến với nhau vì nhớ thương. Hơi thở của thời đại, sức lôi cuốn của tác phẩm cũng là ở trong nhân tố đó.

Từ trong trong diễn biến của cuộc tình Tú Uyên – Giáng Kiều (người trần và nàng tiên), Vũ Quốc Trân còn góp phần tô đậm thêm một sắc thái mới, một tầng bậc mới trong những cung bậc cảm xúc của tình yêu từng được thể hiện sâu sắc trong trào lưu tư tưởng nhân văn xuất hiện ở giai đoạn trước. Xét ra, tình yêu từ trong bản chất của nó không chỉ có sự quyến luyến lẫn nhau bởi vẻ đẹp thuần khiết tinh thần mà còn tiềm ẩn một sức hút khó cưỡng trong nhu cầu tự thân của con người về một sự hòa hợp thể xác. Với khía cạnh thứ hai này của tình yêu, Vũ Quốc Trân không tránh né, cũng không sỗ sàng phô diễn mà ông mô tả, nói đúng hơn là gợi tả một cách khá kín đáo, ý nhị. Chúng ta đã từng thấy những nhân vật trong thế giới “hư - thực” của Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả… chia sẻ, “nhân đôi” niềm vui, hạnh phúc bằng những giây phút đam mê sắc dục. Chúng ta cũng thấy cả đến những nhân vật hào hoa phong nhã, thấm nhuần thi thư lễ nghĩa như Kim Trọng của Nguyễn Du, khi kề cận bên người yêu cũng không phải không từng có ham muốn được chiếm lĩnh “Xem trong âu yếm ra chiều lả lơi”. Nhân vật của Vũ Quốc Trân cũng cùng một dạng như thế khi đạt đến cao trào của tình yêu, song họ đã đối diện và thể hiện một ứng xử tình dục khác với các nhân vật “truyền kỳ” và cũng khác với cái vẻ thỏa mãn dâng hiến của nàng cung nữ trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều. Trong Bích Câu kỳ ngộ, đôi tình nhân có được một hạnh phúc trọn vẹn, hòa hợp cả thể xác và tâm hồn là nhờ rất nhiều ở tài hoa đức hạnh và khả năng vun đắp xây dựng của Giáng Kiều. Ở nàng, tình yêu và đạo đức gắn với nhau không phải ở khuôn khổ lễ giáo mà xuất phát từ lòng tự trọng, phẩm chất trong sạch nó là cơ sở cho một tình yêu bền vững. Không giống với Giáng Kiều trong tác phẩm của Đoàn Thị Điểm đưa ra những lời thuyết lý đạo đức có tính chất kinh viện sách vở: “Nàng Thôi Oanh Oanh vì khinh thường thân ngọc nên không đền được cuộc vui hồng hạnh. Nàng Kim Oanh theo chiều gió dễ dãi rồi trọn đời mang cái hận thanh mai. Cho nên việc gì dễ được thì dễ bỏ, nên phải đợi thời, hàng năm hàng tháng, mong chàng biết duyên hội ngộ là khó mà đem lòng mến tiếc”(2), Giáng Kiều của Vũ Quốc Trân đã biết thuyết phục người yêu bằng tiếng nói tự nhiên của tình cảm mà vẫn giữ được sự đoan trang cần thiết để ngăn những bước đi quá trớn, ngả sang “sàm sỡ” trong cơn ngây ngất vì tình của chàng Tú Uyên:

Dám đâu học thói yến oanh,

Mặn tình trăng gió, lạt tình lửa hương.

Gieo cầu trước đã dễ dàng,

Sau nên nát đá phai vàng như chơi.

 

Dĩ nhiên, có giữ gìn đến đâu thì tình yêu giữa Tú Uyên và Giáng Kiều rồi cũng đến ngày “đơm hoa kết trái”. Vũ Quốc Trân với cái nhìn thông cảm, đồng điệu, đã dám đi xa hơn Đoàn Thị Điểm, và chắc là gần với cốt truyện dân gian hơn - mô tả hạnh phúc lứa đôi của họ với sự toàn vẹn riêng tư, thế giới của một đôi tình nhân say sưa dấn mình vào hoan lạc:

Tả tơi mấy lũ hoa hoàn,

Giải chăn phỉ thúy buông màn phù dung,

Phòng tiên dìu dặt chén đồng,

Rèm tương rủ thấp, đuốc hồng điểm cao.

Buồm ngư đóng cửa động đào,

Mây tuôn bể ái, mưa dào sông ân.

Mấy vàng giá được khắc xuân,

Xưa nay tài tử giai nhân lạ gì.

 

Dường như với những dòng thơ ý nhị và còn khá ước lệ trên đây, Vũ Quốc Trân đã cấp cho người đọc các sắc thái biểu cảm của một tình yêu chăn gối vượt ra khỏi quan hệ thuần túy tinh thần – platonique – vốn có trong mọi truyện Nôm trước ông. Bước tiến quan trọng nhất của Bích câu kỳ ngộ chính là ở chỗ này. Đôi trai tài gái sắc đã được sống hết mình với tình yêu, đi đến tận cùng các cung bậc cảm xúc của chính mình. Những câu thơ mang màu sắc dục như vậy, phải chăng chính là sự thể hiện có ý nghĩa nhất tiếng nói đòi quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc thực sự của con người trong xã hội còn nhiều cấm kỵ.

Nhưng Giáng Kiều không phải là người bị chữ tình làm cho mê đắm mà quên mất thực tế. Khi Tú Uyên vì ham chơi bời rượu chè, lơ là việc học hành thì nàng lại trở lại là người vợ thủy chung, kiên trì nhẫn nại và dịu hiền khuyên can chồng. Nàng khoan dung và vị tha nhưng cần thiết cũng rất quyết liệt, để làm cho người chồng sa ngã phải thay đổi. Ở đây bên cạnh việc ca ngợi tình yêu, ca ngợi nữ tính của Giáng Kiều, tác giả cũng cho thấy mặt trái trong tính cách của những Nho sĩ tài tử thời đó: sự yếu đuối, lối sống buông thả, tài thơ phú văn chương, ham thích sách vở của họ chỉ dừng lại ở mặt hứng thú cá nhân chứ chưa tìm được mảnh đất để phát huy tác dụng thiết thực.

Quả thật từ bước đi đầu tiên của tình yêu cho tới khi thành đôi lứa hạnh phúc, mối quan hệ Tú Uyên - Giáng Kiều đã phải trải qua không ít những thăng trầm, thử thách. Con đường tìm đến hạnh phúc của họ dù đã được tác giả trải dài bằng hàng loạt những sự kiện hoang đường thần bí như việc bốc tiêm cầu duyên, thần linh báo mộng hay việc sinh sinh hóa hóa của Giáng Kiều (sự biến hình vào bức tranh bước ra làm việc và sống cuộc sống của người trần, việc trở đi trở lại cõi tiên - cõi đời...) vẫn không thể che mờ một hiện thực tâm lý là những rung động tinh tế, sâu sắc dấy lên một cách tự nhiên như một bản năng sống không gì ngăn cản được của hai con người trẻ trung khác giới. Những tâm tình và ước vọng lãng mạn, mộng và thực tạo nên không khí kỳ ảo, hư hư thực thực viền quanh câu chuyện tình, đã giúp cho tác phẩm phản ánh được một cách khá thuyết phục khuynh hướng khát khao hạnh phúc cá nhân và tình yêu tự do ngoài lễ giáo của con người thời đại. Chính những điều này đã làm nên giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm.

Đằng sau câu chuyện tình, Bích Câu kỳ ngộ Nôm còn đặt ra một vấn đề xã hội. Đó là quan điểm nhân sinh lãng mạn và thoát ly được thể hiện qua con đường biến đổi của Tú Uyên. Từ một Nho sĩ chuyên tâm học hành, ôm mộng công danh để thỏa chí kinh bang tế thế chàng trở thành một người chỉ còn coi tình yêu là lẽ sống tuyệt đối, là cuộc đời của chính mình. Là một thư sinh dùi mài Nho học, không phải không có lúc trong tư tưởng Tú Uyên không xẩy ra những băn khoăn day dứt về phận sự của một chàng trai muốn nhập thế giúp đời:

Đã đeo túi sách con gươm,

Ví ta Sài, Hứa, ai làm Y, Chu

 

Nhưng ngay sau đó, nhìn vào thực tại, chàng thấy cuộc đời như mây nổi, như chim bay, nhất thời mù mịt, vì vậy lòng mong muốn thoát ly cương tỏa và khao khát hạnh phúc dài lâu đã thúc đẩy chàng đi đến quyết tâm tu tiên học đạo, hướng về tiên giới. Rõ ràng hành động của Tú Uyên dù có chút bi quan yếm thế, có biểu hiện của tình cảm cá nhân hơi có phần cực đoan thì cũng đã bộc lộ thái độ chán ghét thế tục, những bế tắc trong định hướng cuộc đời, cũng tức là sự suy sụp tinh thần, tư tưởng của tầng lớp Nho sĩ, sự rạn nứt không tránh khỏi của ý thức hệ phong kiến trong đời sống xã hội lúc bấy giờ. Và điều đó cũng có nghĩa là Bích Câu kỳ ngộ chính là tiếng nói gián tiếp phê phán trật tự xã hội phong kiến và báo hiệu sự sụp đổ của nó.

*

* *

Với 678 câu thơ Nôm viết theo thể lục bát, bằng cảm quan và tài năng của một nghệ sĩ sinh ra ở Thăng Long giữa thế kỷ XIX đầy biến động, Vũ Quốc Trân đã đóng góp cho nền văn học dân tộc một tác phẩm có giá trị. Bích Câu kỳ ngộ của ông đã làm sống lại câu chuyện một mối tình thơ mộng và lãng mạn giữa chàng Nho sĩ nghèo ở góc thành Thăng Long và một nàng tiên, qua đó đã thể hiện được những vấn đề lớn của thời đại. Xét về ý nghĩa nào đó, tình yêu của Tú Uyên - Giáng Kiều trong truyện Nôm của Vũ Quốc Trân đã thể hiện ở chừng mức nhất định sự phản ứng lại lễ giáo phong kiến, sự cởi mở trong nhận thức của con người thời đại về tình yêu tự do vượt ra ngoài sự sắp xếp của cha mẹ, về tính chủ động và ý thức cá nhân, và đồng thời cũng là một thách thức đối với ngòi bút nhà nho trong việc biểu hiện khía cạnh thứ hai của tình yêu, đó là vấn đề sắc dục, hưởng thụ hạnh phúc ái ân - một vấn đề nhạy cảm nhưng lại mang tính nhân loại trong đời sống của con người. Nói lên được yêu cầu đó vào thời Vũ Quốc Trân thật không dễ, tuy ngòi bút còn rất dè dặt cũng đã phải xem là một đột phá táo bạo. Và dẫu rằng hơi hướng câu chuyện còn mang màu sắc hư vô, song điều đó vẫn không thể làm mờ đi giá trị đích thực của tác phẩm. Với đóng góp quý báu của mình, Vũ Quốc Trân xứng đáng được trân trọng như một nhà thơ không thể thiếu của dòng văn học Thăng Long.

Chú thích:

(*) Trích Mục 11, Chương III: “Cảnh và người Thăng Long trong con mắt xưa”, trong Gương mặt văn học Thăng Long, Bộ mới. Xem trên BVN từ ngày 20-3-2011.

([1]) Bích Câu kỳ ngộ đã được phiên âm ra quốc ngữ từ khá sớm. Học giả Trần Văn Giáp tìm được 2 bản Nôm và 3 bản quốc ngữ sau đây: 1. Bản Nôm do Cẩm văn đường tàng bản, in năm Tự Đức thứ 26 (1873), ký hiệu Thư viện Viễn Đông bác cổ: AB.83, bản này do Bùi Cao Mỹ biên soạn, Trần Tử Hiến sao lại từ bản in của Cẩm văn đường, và tại Thư viện Paris còn có thêm 2 bản in của Thịnh văn đường cũng vào năm 1873 này (xem Thư mục đề yếu, Tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993; tr. 138); 2. Bản Nôm lưu giữ trong gia phả gia đình dòng họ Vũ ở Đan Loan mà Trần Văn Giáp dùng làm bản chính; 3. Bản Bích Câu kỳ ngộ dẫn giải của Nguyễn Đỗ Mục, Nxb. Tân dân, Hà Nội, in trong loại sách phổ thông năm 1945; 4. Bản do Nxb. Phúc Chi in tại Hà Nội năm 1950; 5. Bản do Thi Nham Đinh Gia Thuyết hiệu đính và chú giải, in trong loại sách giáo khoa năm 1952 (?). Từ 5 bản nói trên Trần Văn Giáp đã biên soạn thành Bích Câu kỳ ngộ khảo thích, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1958. Các trích dẫn dưới đây dựa theo bản này.

(2) Đoàn Thị Điểm. Truyền kỳ tân phả. Ngô Lập Chi - Trần Văn Giáp phiên dịch và chú thích; Hoàng Hữu Yên hiệu đính và giới thiệu. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1962, truyện “Cuộc gặp gỡ kỳ lạ ở Bích Câu”; tr. 117-118.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn