Đằng sau sự cố Fukushima

Pierre Darriulat

clip_image001  

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại

sau thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3

(ảnh:DigitalGlobe/AFP/Getty Images)

 

Năng lượng hạt nhân là một vấn đề kinh tế - chính trị lớn của thế giới hiện nay. Nó có tác động khác nhau đến các nước phát triển và đang phát triển. Sự cố gần đây tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, đã tạo nên một làn sóng phản ứng gay gắt trên toàn thế giới, đòi hỏi cần phải có những nhận định về nó.

Khái quát tóm tắt tình hình ở các nước phát triển

Các nhà vật lý hạt nhân cùng thế hệ với tôi đã trưởng thành, trở thành các nhà khoa học, song hành cùng sự phát triển của nhà máy điện hạt nhân và các ứng dụng khác vì mục đích hòa bình − như chúng ta vẫn nói - của năng lượng hạt nhân. Một thập kỷ sau, chúng tôi đã được chứng kiến sự ra đời của Câu lạc bộ Rome do Aurelio Peccei với những bày tỏ lo ngại nghiêm túc về “Giới hạn của sự phát triển” (The Limits to Growth). Tại thời điểm đó, chúng tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng: điện hạt nhân sẽ giải quyết vấn đề về suy giảm nguồn dự trữ nhiên liệu hóa thạch và điện hạt nhân sẽ là chìa khóa cho nhu cầu phát triển đang bùng nổ của hành tinh. Người ta kỳ vọng trong vòng vài thập kỷ, năng lượng nhiệt hạch sẽ mang đến cho nhân loại một nguồn năng lượng sạch, không giới hạn. Dĩ nhiên, chúng tôi nhận thức được những đòi hỏi khắt khe về an toàn khi vận hành các lò phản ứng hạt nhân, nhưng chúng tôi đã nghĩ rằng, đó là vấn đề có thể giải quyết được và theo thời gian chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện khả năng kiểm soát năng lượng hạt nhân.

Sự kiện Hiroshima và Nagasaki đã để lại dấu ấn sâu sắc lên tất cả chúng ta, nhưng chúng tôi đã mong đợi rằng, việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình sẽ có thể xua đuổi những ám ảnh đó và rằng, lãnh đạo các quốc gia sẽ đủ thông minh để không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân nữa. Điểm cuối cùng, chúng tôi cho rằng mình có nghĩa vụ giáo dục công chúng, xua tan tâm lý sợ hãi trước bức xạ nguy hiểm vô hình. Chúng tôi đã nghĩ rằng có thể làm được điều đó.

Nhiều năm sau đó, chúng tôi vẫn yên tâm vào những điều mình tin tưởng và vẫn bị thuyết phục rằng năng lượng hạt nhân thực sự tốt cho hành tinh này. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, cái nhìn của chúng tôi về tương lai hồi đó khá đơn giản.

Không lâu sau, người ta nhận ra rằng giữ plasma ổn định trong tokamak (thiết bị dùng từ trường giữ plasma để tạo phản ứng nhiệt hạch hạt nhân) khó hơn so với dự đoán. Khi tôi ra trường, năm 1958, các nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực nhiệt hạch hạt nhân đã cố gắng thuyết phục chúng tôi tham gia vào lĩnh vực đó vì nhiệt hạch sẽ cứu thế giới: đó là nguồn năng lượng của tương lai và những trở ngại nó đang phải đối mặt sẽ được giải quyết chỉ trong vòng 20 năm. Tuy nhiên, hơn nửa thế kỷ sau, không ai có thể khẳng định được chắc chắn về một ngày như vậy; thậm chí không ai dám chắc rằng chúng ta sẽ có lúc điều khiển được nhiệt hạch hạt nhân.

Nhiều vấn đề mới không được nghiêm túc lường trước đã xuất hiện trong công tác quản lý nhà máy điện hạt nhân. Trong đó, quan trọng nhất là những câu hỏi về rác thải hạt nhân: chúng ta nên làm gì với nhiên liệu đã sử dụng? Cất giữ vật liệu cực kỳ nóng như vậy một cách an toàn hàng thế kỷ và phải đảm bảo chúng không làm ô nhiễm môi trường là những vấn đề khó chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Nhiên liệu hạt nhân qua sử dụng gần đây được cất giữ trong các bể nước, được thiết kế để lưu giữ tạm thời, nhưng thực tế chúng được giữ ở đó dài hơn so với dự kiến. Chúng ta đã thấy rằng, tại Fukushima, những bể chứa nhiên liệu đó là mối nguy hiểm tiềm tàng khi hệ thống làm lạnh không hoạt động.

Việc tháo dỡ những lò phản ứng hạt nhân đã hết hạn sử dụng hóa ra lại đắt đỏ và tốn thời gian hơn nhiều so với dự kiến và các quốc gia có xu hướng giữ lại các nhà máy này và tiếp tục cho chạy mặc dù tuổi đời của chúng đã vượt tuổi giới hạn thiết kế tối đa, bất chấp những điểm sai sót, ví dụ các vết rạn nứt trên cấu trúc lò.

Đã có những sự cố mà tâm lò phản ứng bị nóng chảy một phần đã xảy ra. Trong đó được biết đến nhiều nhất là sự cố tại Three Mile Island, Chernobyl và bây giờ là Fukushima. Nguy hiểm chính −có thể nói là duy nhất− trong một sự cố hạt nhân là việc rò rỉ chất phóng xạ từ lõi nhà máy điện ra môi trường. Cho đến nay vụ tai nạn tồi tệ nhất là vụ Chernobyl. Tại thời điểm đó, quyết định di tản dân ra khỏi vùng ô nhiễm không được thực hiện đủ sớm và, nghiêm trọng hơn, vụ tai nạn đã sinh ra một đám mây phóng xạ phóng vào khí quyển làm ô nhiễm nhiều vùng của các quốc gia lân cận, đặc biệt là Belarus. Luôn có nhiều điều cần phải rút kinh nghiệm từ những tai nạn này và trong những năm qua nhận thức về tầm quan trọng của tính an toàn ngày càng tăng. Kết quả là thiết kế lò phản ứng cho những thế hệ lò tiếp theo đã liên tục chú ý đến vấn đền an toàn.

Ban đầu, dự trữ uran được cho là đủ và sẽ không bao giờ trở thành vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, phí khai thác mỏ tăng nhanh hơn so với dự kiến và do đó những nguồn quặng mới, bao gồm cả loại được lọc ra từ nước biển, đang được xem xét. Con người nghiên cứu ra  các lò phản ứng tái sinh, tạo ra vật liệu có thể dễ dàng tách bóc hơn, đem lại những đóng góp đáng kể cho lời giải đối với cả hai vấn đề: lưu trữ vật liệu thải và dự trữ nhiên liệu. Tuy nhiên, ngày nay, việc sử dụng những lò phản ứng loại này vẫn còn rất hạn chế.

Gần đây, khoảng 14% lượng điện của thế giới được tạo nên bởi các nhà máy điện hạt nhân. Lượng điện này ít hơn so với mong đợi vì nhu cầu năng lượng tăng chậm hơn so với dự kiến và vì những nguồn nhiên liệu hóa thạch mới đang được khai thác mặc dù với giá cao hơn đáng kể so với những nguồn trước đây.

Phong trào chống hạt nhân

Trớ trêu khi gợi lại rằng, phong trào chống hạt nhân bắt đầu vào năm 1950 với Bản kiến nghị Stockholm được nhiều nhà khoa học, trí thức và nghệ sỹ ký dưới sự khởi xướng của Frederic Joliot-Curie. Bản kiến nghị kêu gọi cấm tuyệt đối vũ khí hạt nhân. Phong trào chống hạt nhân dần dần mở rộng ra và bao gồm cả năng lượng hạt nhân mà ngày nay nó trở thành chủ đề chính của phong trào. Trong bài báo này, tôi không định phân tích luận điểm của những người ủng hộ và chống hạt nhân nhưng tôi muốn bình luận về thành công không mong muốn của phong trào chống hạt nhân và vai trò chính mà nó đã đóng trong việc làm chậm sự phát triển và tiến bộ của lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Những luận điểm được sử dụng dù đúng hay sai ở một mức độ nào đó đã trở nên không còn quan trọng. Quan trọng là sức mạnh chính trị của chúng.

Quản lý lành mạnh năng lượng hạt nhân ở tầm quốc tế đòi hỏi sự ủng hộ của một xã hội trưởng thành và có trách nhiệm, nhận thức rõ được sự nguy hiểm tiềm tàng của công nghệ hạt nhân, cam kết nỗ lực tiến bộ không ngừng trong việc kiểm soát, chấp nhận dành đủ các nguồn lực vì mục đích này và cho đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để giải quyết những vấn đề mà công nghệ hạt nhân đang phải đương đầu, như an toàn, chất thải hạt nhân và nguồn nhiên liệu. Dù có muốn hay không, chúng ta vẫn chưa có được một xã hội như thế.

Không ai có thể quyết định cho số đông điều gì tốt cho họ. Người cố gắng thực hiện điều đó, dù động cơ là tốt tới đâu, chỉ đơn giản xuất hiện như một kẻ ngạo mạn. Người ta không nên áp đặt năng lượng hạt nhân vào một xã hội đang muốn từ chối nó. Càng không thể chấp nhận việc đưa công nghệ hạt nhân vào một xã hội đầy sự thù địch và bất đồng vì những động cơ xấu, phi lý, hoặc cảm tính. Sự cố gần đây tại Fukushima đưa ra một cơ hội để đo mức độ hiếu chiến và kém hiểu biết được thể hiện trong những cuộc đối thoại giữa những người ủng hộ và chống nó. Động đất và sau đó là sóng thần đã lấy đi sinh mạng của hơn hai mươi lăm nghìn người Nhật, nhưng các phương tiện truyền thông lại chỉ tập trung vào Fukushima mặc dù sự thật là chưa có một nạn nhân nào thiệt mạng vì nó.

Sự bất ngờ tại Fukushima là sức mạnh của sóng thần, chứ không phải tai nạn hạt nhân. Nhưng một nhà lãnh đạo quốc gia đáng kính như bà Angela Merkel lại sử dụng nó làm nguyên do để tuyên bố lệnh cấm năng lượng hạt nhân tại đất nước mình. Bà là một người có năng lực và cũng được thông tin đầy đủ về sự việc; bà biết rất rõ những rủi ro cố hữu trong việc khai thác nhà máy điện hạt nhân; bà là một nhà lãnh có trách nhiệm; bà hiểu phải hành động thế nào khi đã chấp nhận những rủi ro như vậy; bà biết tuy sóng thần và động đất khó có khả năng xảy ra ở Đức, nhưng mối đe dọa về một cuộc tấn công khủng bố vào nhà máy hạt nhân luôn hiện diện và tồn tại ở mọi nơi. Lẽ ra dù điều gì có xảy ra ở Fukushima cũng không thể tác động làm bà thay đổi suy nghĩ về một vấn đề có tầm quan trọng như vậy cho nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, thực tế là nó đã tác động. Các nhà lãnh đạo quốc gia làm những gì họ nghĩ là tốt cho đất nước của mình, cho dù hợp lý hay không. Và chính trị thường không hợp lý.

Ngày nay rõ ràng rằng, chúng tôi, những nhà vật lý, đã thất bại trong nỗ lực trước đây nhằm xua đi những ý nghĩ tiêu cực của cộng đồng về công nghệ hạt nhân. Ý nghĩ cho rằng cung cấp thông tin thích hợp về lĩnh vực này thì có thể xóa đi nỗi sợ hãi sâu sắc về bức xạ hạt nhân và phản ứng hủy diệt, nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Sự thù địch chống lại năng lượng hạt nhân đã ảnh hưởng vô cùng bất lợi tới tiến trình phát triển của nó. Một số nước đã ra lệnh cấm năng lượng hạt nhân và giảm mạnh nhân lực hoạt động trong ngành này. R&D về nhà máy điện tái sinh đã bị dừng hoặc bị làm chậm lại một cách nặng nề, mặc dù trước đó đã có nguồn đầu tư lớn cho sự phát triển của nó. Quyết định này có thể được thực hiện trong giây lát, nhưng để phục hồi sự chậm trễ mà nó gây ra phải mất hàng thập kỷ. Trong những năm gần đây, khi ngành công nghiệp điện hạt nhân đã viện tới hiện tượng nóng lên toàn cầu làm động lực cho "thời kỳ phục hưng hạt nhân", nhưng nhiều quốc gia đã nhận ra rằng, họ đã bỏ phí nhiều thời gian khi làm chậm tiến trình phát triển của công nghệ hạt nhân. Ngày nay, sau sự cố Fukushima, ai có thể biết điều gì sẽ xảy ra với sự phục hưng này?

Thế giới phương Tây hiện chia thành hai trường phái đối lập nhau và không thể đối thoại. Bất kỳ phát biểu nào của những người ủng hộ năng lượng hạt nhân đều trở nên đáng ngờ với đa số công chúng. Fukushima đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện rõ mức độ sâu sắc của sự đối nghịch này. Trong điều kiện như vậy, chúng ta thực sự băn khoăn liệu năng lượng hạt nhân có thể có tương lai ở các nước phương Tây hay không.

Các vấn đề gây tranh cãi

Để hiểu rõ toàn cảnh vấn đề ta nên xem xét lại một cách ngắn gọn các vấn đề gây tranh cãi chính.

Một điều quan trọng là việc đánh giá số người chết do những tai nạn hạt nhân lớn gây ra. Chẳng sung sướng gì khi phải đề cập đến con số này, như thể chúng ta là những kế toán, nhưng cái tôi nhấn mạnh ở đây là số người chết trực tiếp vì tai nạn hạt nhân tương đối ít. Thực tế, số người chết trung bình trên một Gigawatt (GW) điện do nhà máy điện hạt nhân là rất nhỏ so với số ca tử vong để tạo ra cùng một lượng điện từ than và dầu. Nhưng tranh cãi xuất hiện khi nhìn dưới góc độ thời gian hạn dài. Bức xạ, giống như nhiều chất ô nhiễm hóa học, có thể gây hại cho một số tế bào và các tế bào đó lại không thể tự sửa chữa lại một cách hoàn chỉnh dẫn đến ung thư hay dị tật mà hậu quả của nó có thể xuất hiện ở thế hệ tiếp theo hoặc sau nữa. Nghiên cứu những hiệu ứng như vậy chỉ có thể được thực hiện một cách thống kê và đòi hỏi thời gian dài trước khi có thể rút ra kết luận đáng tin cậy. Điều đó làm giảm đi sự tin cậy vào năng lượng hạt nhân và xuất hiện những phát biêu gây tranh cãi từ cả những người muốn giảm thiểu và nâng cao quan điểm về hậu quả của nó.

Nguyên nhân thứ hai gây tranh cãi là sự thiếu minh bạch trong thông tin. Năng lượng hạt nhân khi nằm trong tay một Chính phủ, Chính phủ đó sẽ bị nghi ngờ che giấu sự thật vì lợi ích quốc gia; còn khi nó nằm trong tay tập đoàn công nghiệp, tập đoàn đó bị nghi ngờ che giấu sự thật vì lý do tài chính. Mặc dù rất nhiều tổ chức kiểm soát độc lập đã ra đời nhưng sự tin tưởng của xã hội vào những báo cáo chính thức vẫn liên tục giảm. Sau sự cố Fukushima đã có nhiều cuộc biểu tình diễn ra; và khi không biết tin vào ai người ta thường chọn giải pháp an toàn.

Một mối lo lắng thứ ba thể hiện bởi phe chống điện hạt nhân là việc phổ biến vũ khí hạt nhân, cụ thể họ lo sợ rằng kiến thức trong công nghệ hạt nhân có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí. Sự lo lắng đó được thể hiện trong việc làm chậm hoặc dừng hẳn sự phát triển dạng lò tái sinh nhanh. Mức độ nghiêm trọng của việc này vẫn còn gây tranh cãi.

Nhiều vấn đề khác cũng gây tranh cãi, chẳng hạn như vấn đề, đã được đề cập ở trên, về chứa chất thải hạt nhân hoặc sự bất công mà phe chống hạt nhân và đặc biệt là những viện như Greenpeace (Hòa bình xanh) sử dụng khi so sánh năng lượng hạt nhân với năng lượng hóa thạch hoặc với các nguồn năng lượng tái tạo.

Trước khi kết thúc chủ đề này, ta cũng nên chú ý rằng năng lượng hạt nhân, mặc dù đang được công chúng chú ý, không phải là vấn đề gây lo lắng duy nhất trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân. Những vấn đề đặt ra cho việc giải giáp các kho vũ khí hạt nhân hiện có − con số thường được trích dẫn khoảng từ 30'000 đến 40'000 − là rất lớn và đây là vấn đề vẫn chưa tìm được giải pháp thỏa đáng.

Sự sợ hãi cho rằng những kẻ khủng bố có thể sử dụng vũ khí hạt nhân cũng là mối quan tâm lớn. Cách thức có thể từ việc dùng chất phóng xạ để đầu độc cá nhân ví dụ như vụ dùng Poloni năm 2006 với với Alexander Litvinenko, cho tới đe dọa của tổ chức khủng bố Al Qaeida rằng nếu Osama Bin Laden bị bắt hoặc bị giết một quả bom nguyên tử sẽ nổ tung một nơi nào đó ở châu Âu và gây ra một trận "bão hạt nhân".

Sơ suất và thiếu năng lực có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp. Một số trường hợp nhầm lẫn gây chiếu quá liều bức xạ làm chết người trong xạ trị đã được báo cáo. Cuối cùng, ta nên nhớ rằng hiện có hàng triệu nguồn phóng xạ đang được sử dụng cho nghiên cứu, công nghiệp và y tế. Vài phần nghìn trong số này đang bị thất lạc không thể quản lý được.

Bài học cho Việt Nam?

Những nước đang phát triển, đặc biệt các nước châu Á đang nổi lên, nhìn chung thường coi năng lượng hạt nhân là một yếu tố đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Từ tổng quan trên đây về tình hình ở phương Tây, có vẻ rõ ràng rằng các nước này có nhiều điều cần phải học hỏi từ những kinh nghiệm của các nước phát triển về những việc cần thực hiện trên khía cạnh kỹ thuật, và những điều không nên làm trên khía cạnh chính trị.

Tôi có thể minh họa một cách đơn giản sự khác biệt giữa lợi ích của các nước phát triển và các nước đang phát triển bằng việc thuật lại một cuộc phỏng vấn mà tôi đã được xem trên truyền hình nhân sự cố Fukushima. Một phụ nữ trẻ người Canada, nếu tôi nhớ không nhầm có liên hệ với viện Greenpeace, đã giải thích rằng Fukushima đã làm cho thế giới thấy rõ rằng năng lượng hạt nhân đã nên bị cấm; khi được hỏi về những gì nên được dùng để thay thế nó, cô đã đề cập đến nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió, và nhấn mạnh về sự cần thiết trong việc tiết kiệm năng lượng bằng những hành động tích cực như cách nhiệt những ngôi nhà của chúng ta. Đó là điều không đáng trách và thậm chí có phần lãng mạn. Không ai phủ nhận rằng chúng ta nên tránh lãng phí năng lượng và năng lượng mặt trời và gió nên được sử dụng bất cứ nơi nào có thể. Tuy nhiên, điểm mà cô gái đã quên là: tiêu thụ điện trung bình của người dân Canada cao hơn 27 lần so với Việt Nam, 38 lần so với Ấn Độ, 122 lần so với Bangladesh và 500 lần so với Ethiopia. Sự chênh lệch như vậy làm cho phát biểu của cô rõ ràng là không phù hợp với những người không có may mắn được sống ở những nơi đặc quyền đặc lợi của thế giới. Bài học cô đưa ra cho những quốc gia này, đơn giản là không đứng đắn.

Các nước đang phát triển rất cần các nguồn năng lượng mới để có thể bắt kịp sự chậm trễ của họ và để duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Vì thế năng lượng hạt nhân, ít nhất trong một vài thập kỷ tới, sẽ là giải pháp khả thi duy nhất. Các cuộc tranh luận về hạt nhân đang diễn ra ở các nước phát triển dường như không phù hợp với họ.

Thật vậy, Ấn Độ đã đưa ra một chương trình lớn về nhà máy điện hạt nhân tái sinh nhiệt nhanh mặc dù có nhiều lo ngại cho rằng công nghệ này đặt ra nhiều vấn đề về  an toàn cũng như về phổ biến vũ khí hạt nhân ở các nước đang phát triển. Tại Trung Quốc, khoảng năm 2040, các lò phản ứng nước áp lực dự kiến sẽ chững lại ở khoảng 200 GW và các lò phản ứng nhanh dần dần gia tăng từ năm 2020 đến ít nhất 200 GW vào năm 2050 và 1400 GW vào năm 2100. Quy hoạch phát triển này có thể chậm lại một chút sau sự cố Fukushima, nhưng chắc chỉ một chút. Trung Quốc đang đối mặt với nhu cầu rất lớn về năng lượng và về cơ bản không có lựa chọn nào khác ngoài năng lượng hạt nhân. Nhiều lo lắng cho rằng phát triển quá nhanh có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng: khi bị áp lực, người ta có thể phải cắt xén và thỏa hiệp về an toàn, chọn giải pháp rẻ hơn kém an toàn hơn so với giải pháp đắt hơn và an toàn hơn; thời gian để đào tạo ra đủ đội ngũ nhân viên lành nghề và giàu kinh nghiệm sẽ ngắn hơn; tham nhũng, thường xuất hiện ở các nước đang phát triển, cũng là một mối đe dọa, ví dụ gần đây về một cựu lãnh đạo Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc đã nhận một khoản tiền hối lộ gần một triệu USD.

Việt Nam đang phát động chương trình năng lượng hạt nhân cũng trong hoàn cảnh đó. Rõ ràng phải thực hiện chương trình này với tất cả yêu cầu về sự nghiêm túc, khả năng và kỹ năng. Những người chịu trách nhiệm cho lĩnh vực này phải nhận thức được các vấn đề hiện hữu và phải có kiến thức sâu, hiểu biết rõ về tình hình. Để đào tạo ra các nhà vật lý, kỹ sư và nhà quản lý cần cho sự thành công của dự án đầy tham vọng như vậy là một thách thức lớn của đất nước.

Không thể đem Việt Nam so sánh với Trung Quốc hay Ấn Độ. Mọi vấn đề liên quan tới năng lượng hạt nhân phải được xem xét trong điều kiện kinh tế, công nghệ và xã hội cụ thể. Việc cần thiết và khẩn cấp hiện này là phải xác định ngay những vấn đề mà Việt Nam đã có sự chuẩn bị để giải quyết và những lĩnh vực chuyên môn khác có thể cần. Sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn; nguy cơ mất tự chủ trong lĩnh vực này không phải là nhỏ. Phải đánh giá cẩn thận đội ngũ nhân viên có tài, có chuyên môn về công nghệ hạt nhân để xác định không chậm trễ quy mô của việc đào tạo tăng cường rõ rằng là rất cần thiết. Người dân cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng để hiểu và chấp nhận quyết định khởi động chương trình điện hạt nhân. Các hệ quả ngắn hạn và dài hạn về tài chính cũng cần phải được hiểu rõ trong bối cảnh kinh tế hiện nay của đất nước. Việc quy hoạch dự án phải được đặt dưới điều kiện rằng mỗi bước thực hiện phải được bảo đảm rằng đất nước đã sẵn sàng đạt được nó một cách thành công.

Các quyết định không được sao chép từ các nước khác. Mỗi vấn đề phải được đánh giá và thấu hiểu trong điều kiện và đặc trưng riêng của Việt Nam. Sẽ có nhiều lựa chọn khó khăn. Sẽ không luôn rõ ràng lựa chọn nào là đúng. Chỉ cần tráo đổi hai chữ cái đầu tiên của từ hạt nhân (nuclear) là bạn nhận được từ không rõ ràng (unclear) ...

P. D.

Phạm Ngọc Điệp dịch

Nguồn: Tiasang.com.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn