GS Ngô Bảo Châu, TS Hà Vũ và Báo Công an

Nguyễn Hùng

clip_image001  

Bà Pratibha Patil, Tổng thống Ấn Độ trao huy chương Fields cho Giáo sư Ngô Bảo Châu

 

Bốn tuần sau khi Giáo sư Ngô Bảo Châu có blog phê phán phiên tòa xử Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ và ca ngợi dũng khí của ông Vũ trước tòa, báo Công an Nhân dân có bài phản pháo.

Bình thường báo này mau mắn hơn trong việc bảo vệ ngành, bảo vệ chế độ.

Nhưng có lẽ họ cần thời gian để viết cho kín kẽ về một người đã được cả Việt Nam và quốc tế vinh danh và cũng không loại trừ khả năng bài đã nằm trên bàn của ban biên tập báo từ lâu nhưng bây giờ mới được bật đèn xanh.

Trong những xã hội có nền báo chí đủ sức cạnh tranh quốc tế, chuyện ngành công an có một tờ báo riêng, lại không phải báo chỉ lưu hành nội bộ đã là chuyện lạ.

Không những thế báo của ngành sống nhờ vào tiền đóng thuế của dân lại công khai tấn công dân, nhất là những người mà ngành đã bắt và đưa ra truy tố.

Thêm nữa, quá trình xét xử còn chưa khép lại với phiên phúc thẩm Tiến sỹ Hà Vũ sẽ diễn ra trong nay mai.

'Biểu tượng'

Bài của tác giả Quý Thanh thể hiện rõ cách nhìn của công an Việt Nam đối với hai nhân vật Ngô Bảo Châu và Cù Huy Hà Vũ.

clip_image002

Ông Cù Huy Hà Vũ bị giải ra tòa hôm 4/4/2011

Giáo sư Châu được người viết coi là "niềm tự hào của Việt Nam" trong khi Tiến sỹ Vũ "chỉ là một kẻ nhỏ bé với những cư xử tầm thường" không thể so sánh với các vị anh hùng trong lịch sử như Giáo sư Châu gợi ý trong blog mà nay ông đã đóng lại.

Người viết cũng chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo về cách đưa tin liên quan tới ông Hà Vũ qua việc không một lần dùng danh hiệu tiến sỹ mà ông Hà Vũ có được ở Pháp.

Trong khi đó Giáo sư Châu chưa bị tước học hàm cho dù Công an Nhân dân cho rằng ông "quá tùy tiện khi đặt Cù Huy Hà Vũ ngang với những biểu tượng anh hùng".

Tác giả Quý Thanh nói blog của Giáo sư Châu "dễ gây sự lầm lẫn biến Cù Huy Hà Vũ từ một kẻ vô giá trị thành một biểu tượng".

Chủ nhân và đầy tớ

Về mặt tự do ngôn luận, báo chí hoàn toàn có quyền bình luận về bất kỳ vấn đề gì.

Nhưng truyền thông lề phải của Việt Nam thường thả sức khi viết về người dân, những người

mà đảng cầm quyền tôn vinh là 'chủ nhân' và họ chỉ là 'đầy tớ'.

Ngược lại họ rất kiệm lời và né tránh khi đề cập tới hành vi của chính quyền, nhất là chính quyền trung ương.

Tất cả những bình luận về cách hành xử của ngành công an trong vụ bắt Tiến sỹ Hà Vũ bằng "hai bao cao su đã qua sử dụng" cho tới cách điều hành phiên xử hôm 4/4 của chủ tọa và những vụ bắt người tới xem phiên xử được nói là công khai đều không thấy có mặt trong các bài viết trên báo chí chính thống.

Cách đưa tin 'nhất bên trọng, nhất bên khinh' của báo chí Việt Nam vi phạm một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của người làm báo thực thụ: bất thiên vị.

Trách nhiệm xã hội

Trở lại với Giáo sư Ngô Bảo Châu, người từng được chính báo Công an Nhân dân coi là "nguyên khí quốc gia", ông được truyền thông chính thống góp phần đẩy lên hàng thần tượng của giới trẻ.

Bản thân Giáo sư cũng ý thức được điều này như lời ông nói với báo Tiền Phong hồi tháng Ba.

"Việc nhận giải Fields tác động khá nhiều tới cuộc sống của tôi, song tôi cũng lường trước được nhiều chuyện.

Từ trước đến nay tôi chỉ tập trung vào chuyên môn nhưng khi biết mình được giải thưởng, tôi nhận thức trách nhiệm xã hội của mình sẽ lớn hơn.

"Lường trước điều này còn để sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm của mình đến đâu.

"Nếu không đưa ra được cho mình một giới hạn, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến việc làm toán mà cả đến đời sống riêng tư của mình nữa".

Thể diện quốc gia

Hai lần lên tiếng của Giáo sư Châu kể từ khi ông được giải Fields đều gây tác động lớn đối với giới trẻ.

Vài ngày sau khi nhận giải ông đã tuyên bố "bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do''.

Còn một tuần sau phiên xử ông Hà Vũ, Giáo sư Châu viết:

Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ

"Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này".

Báo Công an Nhân dân chỉ tập trung vào chuyện Giáo sư Châu so sánh Tiến sỹ Hà Vũ với những anh hùng lịch sử và bỏ qua phần lớn chi tiết khác trong blog của ông.

Cũng vậy, họ chỉ tập trung vào những chi tiết bất lợi cho Tiến sỹ Hà Vũ mà bỏ qua hoàn toàn bất kỳ đóng góp tích cực nào của ông cho xã hội.

Những người làm báo và những người chân chính nói chung đều hiểu một điều mà người Anh nói "truth is rarely pure and never simple" - tạm dịch thô "sự thật hiếm khi tinh khiết và chẳng bao giờ đơn giản".

Và làm báo ở Việt Nam thì tìm ra sự thật đã khó nhưng dũng cảm nói ra sự thật còn quý và hiếm hơn nhiều.

N. H.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn