Hàng không mẫu hạm Trung Quốc: Dụng ý đe dọa?

David Case

Đan Thanh dịch

Lịch sử vẫn vang tiếng ở châu Á. Tiến lên, Đài Loan!

clip_image001BOSTON — Quân đội Trung Hoa đang hoàn tất những khâu cuối cùng trên chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của họ, chuẩn bị cất cánh trong nửa cuối năm 2011.

Nhiệm vụ đầu tiên của nó sẽ là gì? Giới chức Trung Quốc không cho biết. Nhưng các nước láng giềng thì lo sợ rằng cái tên mà người ta vẫn dùng để gọi nó có thể mang hàm ý không chỉ là một cái tên.

Nghe đồn con tàu sân bay này sẽ được gọi là Thi Lang (Shi Lang), theo tên một đô đốc hải quân thời nhà Thanh, người mà năm 1681 đã chinh phục Vương quốc Đông Ninh (The Kingdom of Tungning) – lãnh thổ ngày nay được biết đến với tên gọi Đài Loan.

Nếu hàng không mẫu hạm mang tên như thế thì hàm ý chính trị của nó đã quá “rõ ràng” – ông Tsai Der-sheng, người đứng đầu Phòng An ninh Quốc gia thuộc chính quyền Đài Loan, nhận định.

Những nét tương đồng lịch sử với chuyện Thi Lang thể hiện rất rõ.

Một trong những ưu tiên chiến lược mạnh mẽ của Trung Quốc là đưa Đài Loan – nơi mà họ coi là một tỉnh lỵ lêu lổng – trở về với đại gia đình Trung Hoa. Hòn đảo này về căn bản đã độc lập từ năm 1949 khi đoàn quân cộng sản khố rách áo ôm của Mao Trạch Đông lật đổ chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc. Phe ủng hộ Tưởng Giới Thạch chạy trốn qua eo biển Trung Hoa (mang theo một lượng đáng kể ngân khố quốc gia), và nhìn chung đã cai quản hòn đảo kể từ đó.

Cũng vậy, vào thế kỷ XVII, Đài Loan đã là nơi ẩn náu của tàn quân nhà Minh sau khi nhà Minh bị đánh bại bởi một tầng lớp nông dân nghèo đói vốn bị họ bỏ mặc. Cuối cùng, Đô đốc Thi Lang hoàn thành nhiệm vụ, hạ được những tôn thất còn lại của nhà Minh và tuyên bố chủ quyền của Trung Hoa đối với Đài Loan.

Vậy liệu hàng không mẫu hạm này có giúp Bắc Kinh lặp lại chiến công của vị Đô đốc trong lịch sử không? Hay là những kẻ chiến thắng thật sự lại là các lái buôn vũ khí, khi mà cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á đang nóng dần lên?

Một điều chắc chắn là: Trung Quốc dồn hết sức cho cái dự án mà tính đến nay đã kéo dài hai thập kỷ này. Năm 1998, Bắc Kinh mua thân tàu từ Ukraine, chỉ phải trả có 20 triệu USD. Trước đó, công trình đóng thân tàu của Ukraine đã phải ngừng vì sự cố Liên Xô sụp đổ.

Các quan chức đề nghị sử dụng hàng không mẫu hạm để mở một sòng bạc nổi trong thánh địa cờ bạc Macau, dọc bờ biển phía Nam Trung Quốc. Do tàu thiếu cả động cơ, bộ lái lẫn thiết bị điện tử, nghe nói người ta đã lai dắt thân tàu xuyên qua eo biển Bosporus đầy bất trắc của Thổ Nhĩ Kỳ, và vòng qua mũi Hảo Vọng ở châu Phi, trong một hành trình nhiều năm, đầy chất anh hùng ca, để trở về Trung Quốc. Cuối cùng chiếc tàu sân bay tìm được đường tới một vũng tàu cạn ở Đại Liên, phía bắc Thượng Hải. Tại đó, nó được sơn lại màu xám và hiện đang được tu sửa tân trang với các phần cứng quân sự hiện đại.

Vấn đề là liệu có đáng phải như thế không, với tính chất chiến tranh và vũ khí thế kỷ XXI như hiện nay.

Thật vậy. Con tàu sân bay cuối cùng có thể cho phép Trung Quốc thực thi sức mạnh không quân trên toàn thế giới. Mỹ đang vận hành 11 cái sân bay nổi như thế – giúp họ có thể từ Địa Trung Hải mà tấn công Lybia. Lầu Năm Góc bị dư luận trong nước lên án vì đã vừa đặt thêm tới 7 chiếc hàng không mẫu hạm mới trong ba thập niên tới, với chi phí hơn 12 tỷ USD mỗi chiếc. Vài nước khác, như Pháp, Anh và Nga, vẫn dùng tàu lớn. Nhưng một số ý kiến cho rằng tàu nhỏ hơn, lanh lẹ hơn (và rẻ hơn), thậm chí máy bay ném bom tầm xa, có khả năng vươn ra toàn cầu, sẽ hiệu quả hơn.

Vận hành tàu sân bay vừa tốn kém vừa phức tạp. Trước mắt, Trung Quốc sẽ phải triển khai và thử nghiệm máy bay có thể hoạt động trên hàng không mẫu hạm. Gần đây Bắc Kinh có hé lộ một số bức ảnh chụp máy bay phản lực tấn công J-15 mới của họ, đã tích hợp được những đặc tính cần thiết, như cánh gấp và đuôi ngắn hơn để tiết kiệm diện tích phần mạn tàu hơn. Tờ New York Times đưa tin là máy bay này sẽ sớm sẵn sàng để đem ra bay thử nghiệm.

Tuy nhiên đó mới là bước đầu tiên. “Hàng không mẫu hạm đòi hỏi không chỉ một hệ thống trang thiết bị hàng không – bản thân nó bao gồm không chỉ máy bay chiến đấu và máy bay tấn công – mà còn cả thiết bị chống tàu ngầm, hệ thống cảnh báo sớm trên máy bay, thiết bị bảo vệ bề mặt và dưới bề mặt” – Dean Chang, một nhà nghiên cứu ở Quỹ Heritage, viết như vậy. Theo Cheng, phải mất tới một thập niên nữa, Trung Quốc mới có thể triển khai được một hệ thống tàu sân bay hoàn chỉnh.

Còn có những giới hạn về kỹ thuật khiến cho tàu sân bay phần nào lạc hậu so với các siêu cường. Trung Quốc ý thức rất rõ về điều này: Hiện họ đang phát triển tên lửa đạn đạo chống tàu biển, có thể đe dọa các tàu sân bay của Mỹ.

Các quan chức hải quân cao cấp của Mỹ và châu Á “coi hàng không mẫu hạm Trung Quốc là một nguy cơ có thể kiểm soát được” – ông Douglas H. Paal, Phó Chủ tịch bộ phận nghiên cứu ở quỹ Carnegie thuộc tổ chức Hòa bình Quốc tế, viết. Ông nguyên là Đại sứ không chính thức của Mỹ ở Đài Loan (không chính thức bởi vì Bắc Kinh ngăn trở, không cho Mỹ chính thức công nhận chính quyền ở đảo Đài Loan).

“Một số chuyên gia quân sự còn nói đùa rằng họ hy vọng Trung Quốc sẽ kiếm thêm 5 hệ thống vũ khí chiến đấu nữa, và thế là sẽ tốn thậm chí còn nhiều tiền hơn, mà số tiền đó thì có thể được rót vào những hệ thống khác nguy hiểm hơn thế” – Paal viết.

Đài Loan, lãnh thổ mà bề ngoài có lẽ là tọa độ trực tiếp nhất của bom đạn Trung Quốc, không tìm kiếm một cơ hội nào. Tờ Defense News đưa tin cho biết, năm tới, quân đội Đài Loan sẽ bắt tay vào xây dựng 10 chiến hạm tàng hình, trang bị tên lửa điều khiển, đề phòng bị hàng không mẫu hạm Trung Quốc đe dọa.

Theo Đài Phát thanh Quốc tế Đài Loan, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đài Loan, bà Lo Shau-ho, đã tuyên bố: “Bộ Quốc phòng đã và đang theo dõi chặt chẽ việc xây dựng hàng không mẫu hạm, do đó tất nhiên chúng tôi theo kịp với các diễn biến mới nhất và mối đe dọa tiềm tàng mà hàng không mẫu hạm gây ra đối với Cộng hòa Trung Hoa (tức Đài Loan). Đáp lại, chúng tôi đã xây dựng nhiều chiến lược, nhưng đó là bí mật quân sự, tôi e là không thể cung cấp cho quý vị thông tin chi tiết”.

Quân đội ở các nước châu Á khác chắc chắn sẽ phải quyết định củng cố quốc phòng của chính mình để chống lại sức mạnh không quân ngày một linh hoạt hơn của quốc gia láng giềng khổng lồ. Nếu không thế, thì lựa chọn duy nhất còn lại của họ để tự vệ là trông cậy vào con nợ lớn nhất của Trung Quốc: Hoa Kỳ.

Đ.T.

Nguồn: anhbasam.wordpress.com 2-5-2011

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn