Hãy cứu Hồ Ba Bể

Thư gửi lãnh đạo Đài truyền hình Việt Nam

clip_image001
Chiều trên hồ Ba Bể
 

(VnMedia) - Ngày hôm nay (16/5), Báo điện tử VnMedia đã nhận được bức thư do Hội những người yêu Ba Bể gửi Đài truyền hình Việt Nam, đề nghị làm rõ sự việc liên quan đến bản tin thời sự tối 12/5.

Theo đó, đại diện là nhà thơ Dương Thuấn Hội - Tổng thư ký Hội những người yêu Ba bể, Chủ tịch Hội đồng hương Bắc Kạn đã yêu cầu VTV làm rõ một số nội dung liên quan đến những thông tin xung quanh việc khai thác quặng tại vùng đệm quốc gia Ba Bể. Theo bức thư, hiện đang có cái nhìn và sự đánh giá khác nhau giữa Hội những người yêu Ba Bể và Đài Truyền hình Việt Nam về vấn đề này.

Cụ thể, Hội những người yêu Ba Bể cho biết đã có những chứng cứ cho thấy có những dấu hiệu rất rõ ràng về việc Hồ Ba Bể và các khu vực lân cận đang và có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề do sự khai thác quặng tại đây. Hậu quả là trong tương lai, hồ Ba Bể có thể bị bồi lấp, thậm chí biến mất.

Trong khi đó, Đài truyền hình Việt Nam cũng cho rằng, họ có những sở cứ để kết luận việc khai thác quặng không hề ảnh hưởng đến môi trường Hồ Ba Bể và việc khai thác này là hoàn toàn hợp pháp, được cấp phép bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Để có thông tin nhiều chiều, VnMedia sẽ gửi bức thư này đến Đài truyền hình Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan. VnMedia sẽ thông tin đến bạn đọc nội dung phản hồi và những thông tin tiếp theo của vụ việc.

Trước đó, chiều 26/4, Hội những người yêu Ba Bể đã tổ chức một buổi gặp gỡ báo chí để thông báo về những gì mà Hội đã thu thập được trong cuộc khảo sát các khu vực Hồ và xung quanh Hồ. Theo đó, Hội cho rằng, việc khai thác quặng tại khu vực này đã đang đe doạ đến môi trường và gây nguy cơ bồi lấp hoàn toàn hồ Ba Bể trong tương lai. Đoàn khảo sát này bao gồm GSTS Phạm Vĩnh Cư - Chủ tịch Hội những người yêu Ba Bể; Nhà thơ Dương Thuấn – Tổng thư ký Hội những người yêu Ba Bể; GSTS Chu Hảo - Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ - Tổng biên tập NXB Tri Thức; GSTS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường; TS. Trương Văn Lã - GĐ Trung tâm phát triển Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường –  ông là người Tày đã từng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, quê ở ngay Pù Ổ; nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – Báo Lao Động; ông Nguyễn Quang Huân – TGĐ Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Thăng Long cùng các đại diện Quỹ tiền tệ thế giới IMF.

Tuy nhiên, bản tin thời sự của VTV1 tối 12/5 đã phát đi phóng sự của PV Quang Linh, cho rằng những cáo buộc của Hội là sai sự thật và việc khai thác quặng không hề ảnh hưởng đến môi trường hồ Ba Bể.

Nguồn: Vnmedia.vn

Khai thác tài nguyên đang “giết chết” Hồ Ba Bể?

(VnMedia) - 3 hồ đã biến mất, 3 hồ còn lại đang bị bồi lấp chóng mặt; Khai thác quặng ngay trong vùng lõi Quốc gia, nước rửa quặng đổ thẳng xuống hồ Ba bể; những rừng nghiến bạt ngàn đang bị tàn phá... là những nguy cơ khiến Hồ Ba Bể, 1 trong 2 kỳ quan nổi tiếng nhất của miền Bắc biến mất...

clip_image002

Hồ Ba Bể - hòn ngọc xanh của Bắc Kạn đang có nguy cơ biến mất - ảnh: Tuệ Khanh

Trước sự kêu cứu của hàng trăm người dân sống quanh khu vực Hồ Ba Bể, chiều qua (26/4), Hội những người yêu Ba Bể đã tổ chức một buổi gặp mặt với báo chí để trao đổi về nguy cơ ô nhiễm, bồi lấp và có thể biến mất của Hồ Ba Bể, hòn ngọc xanh ở Bắc Kạn. Những hình ảnh, clip quay tại khu vực Hồ Ba Bể và Vườn Quốc gia Ba Bể đã khiến những người chứng kiến không khỏi đau xót, bàng hoàng.

Bàng hoàng, đau xót

clip_image004

Nhà thơ Dương Thuấn: Hồ Ba Bể đang chết dần trong hiện tại...

Chủ trì buổi gặp mặt, nhà thơ Dương Thuấn, Chủ tịch Hội đồng hương Bắc Kạn tại Hà Nội cho biết, trong mấy tháng qua, sau khi nhận được hàng chục lá đơn kêu cứu với hàng trăm chữ ký đại diện cho các gia đình của người dân các bản thuộc xã Quảng Bạch và xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), Hội Những người yêu ba Bể đã tổ chức một đoàn đến tìm hiểu và khảo sát thực tế tại các điểm khai thác quặng ở Pù Ô, Bản Cuôn, Bản Cuôn - Khau Slăm, mỏ đá trắng Thạch Anh thuộc xã Quảng Khê, huyện Ba Bể.

Đoàn cũng khảo sát 3 hồ đã bị bồi lấp hoàn toàn chỉ sau 40 năm, gồm hồ Pé Tàu (thuộc xã Cao Thượng), hồ Pé Vài và hồ Pé Nàn (thuộc xã Khang Ninh). Trước đây, ba hồ này về diện tích cũng không kém mấy so với hồ Ba Bể (bao gồm hồ Pé Lẩm, hồ Pé Lù và hồ Pé Lèng). Với 3 hồ còn lại thì theo khảo sát, hồ Pé lèng hiện đang bị bồi lấp tốc độ nhanh nhất, đã mất 1/3 diện tích trong 40 năm qua. Hồ Pé Lù cũng bị bồi lấp từ hai phía là con suối Bó Lù và suối Cốc Tốc.

“Sau khi tìm hiểu và thu thập các chứng cứ, dữ liệu, chúng tôi thấy rằng Hồ Ba Bể đang chết dần trong hiện tại” – nhà thơ Dương Thuấn nói. Một hình ảnh rõ ràng nhất của việc bồi lấp, đó là “Những bản làng, những ngôi nhà sàn xưa kia ngồi ngay sát cạnh hồ, con gái dệt cửi cho thể lấy mặt nước soi gương thì nay từ bản ra hồ phải đi qua bãi bồi rộng 4km” – ông Thuấn cho biết.

Trong khi đó, GS Phạm Vĩnh Cư, chủ tịch Hội những người yêu Ba Bể thì đau xót: “Tất cả chúng ta từ khi học tiểu học đã biết nước ta phía Bắc có hai kỳ quan thiên nhiên, một là Vịnh Hạ Long và hai là Hồ Ba Bể. Năm 1994, lần đầu tiên tôi đến với Hồ Ba Bể sau khi đã đến khắp các hồ nổi tiếng trên thế giới, nhưng tôi đã bàng hoàng vì vẻ đẹp của Hồ Ba Bể. Đây thực sự là một viên ngọc sáng cần hết sức giữ gìn”. Tuy nhiên, trở lại đây sau 15 năm, ông đã thực sự đau xót khi thấy Hồ đang bị tàn phá, bị nhỏ đi, vơi đi. "Không thể không đau xót và phẫn uất vì điều này” - GS Phạm Vĩnh Cư thốt lên.

GS Chu Hảo thì ngậm ngùi: “Tôi trở lại Hồ Ba Bể với cảm xúc đau buồn chưa bao giờ thấy”. Sau khi tham gia đoàn khảo sát, GS Chu Hảo cho rằng, nếu tiếp tục chặt cây, khai thác “một cách dã man” như hiện nay thì chỉ vài chục năm nữa sẽ chẳng còn “viên ngọc quý” này nữa. Còn GS Đặng Hùng Võ thì kết luận: "Nếu chúng ta lên đến nơi vào thời điểm này, chỉ cần là một người tử tế thôi, cũng sẽ thấy đau xót".

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, người đã lăn lộn tìm hiểu và viết rất nhiều bài về môi trường Vườn quốc gia Ba Bể cho biết, Hồ Ba Bể có 3 con suối cung cấp nước cho hồ thì nay đã bị vùi lấp đến mức khó tin. Khoảng 3-4km lòng hồ hiện đã trở thành các bãi bồi, chỉ là các con ngòi nhỏ. Rất nhiều vùng xưa là hồ thì nay đã là đất liền, trong đó 3 con hồ đã thực sự biến mất. Điều khó tin nhất mà nhà báo Doãn Hoàng cho biết, đó là hiện đã có một công ty được cấp phép khai thác quặng ngay tại vùng lõi của Vườn Quốc Gia Ba Bể, mà theo luật, đã là vùng lõi thì không bao giờ, không thứ gì được phép khai thác, kể cả việc hái nấm. Đó là chưa kể đến việc những rừng cây gỗ nghiến bạt ngàn đã bị chặt phá không thương tiếc.

clip_image005

Khai thác tài nguyên tại Vườn Quốc gia Ba Bể - điều khiến những ai chỉ cần tử tế cũng cảm thấy đau lòng

Hệ thống quản lý đang vô thức hay vô cảm?

clip_image007

GS Đặng Hùng Võ: Hệ thống chính quyền ở đây đang vô thức hay vô cảm?

Tham dự buổi gặp mặt báo chí, và cũng là người trực tiếp tham gia đoàn khảo sát, GS Đặng Hùng Võ nói: Nếu chỉ nghe nói, nếu chưa lên đến Hồ Ba Bể thì không thể nghĩ tại sao người ta có thể làm như thế… “Hệ thống quản lý ở đây đang vô thức (không biết gì), hay vô cảm (không cảm thấy gì) trước tình trạng khai thác tài nguyên ở đây”.

Theo quan điểm của GS Đặng Hùng Võ, muốn giàu thì phải đánh đổi, đó là lẽ đương nhiên, tuy nhiên, phải biết đánh đổi cái gì lấy cái gì, chứ không ai đi lấy cái quý giá nhất ra đánh đổi “và ở đây là một sự đánh đổi rất vớ vẩn” – ông Võ nhấn mạnh.

GS Đặng Hùng Võ cho biết, quá trình khảo sát cho thấy toàn bộ chất thải của việc khai thác và rửa quặng hiện đang dẫn thẳng vào Hồ Ba Bể. Ông Võ đánh giá, sự cho phép khai thác mỏ trong khu vực này là một việc không bình thường. “Việc Bắc Kạn mang cái quý giá nhất ra đánh đổi chắc chắn phải có một cấp nào đó mắc sai sót. Nhưng tôi khẳng định, Bộ TN&MT ít nhất cũng sai trong việc kiểm tra thực thi những quy định hành chính, bởi vì khi báo chí đã nêu, thì ít nhất Bộ TN&MT đã phải vào cuộc, yêu cầu kiểm tra.” - GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định.

GS Đặng Hùng Võ cũng phân tích về việc khai thác tài nguyên ở đây đang làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số của vùng này. “Nếu muốn làm kinh tế, Bắc Kạn có thể làm cách khác, như du lịch hoặc lâm sản, chứ không phải chuyển mình bất chấp sự hủy hoại môi trường. Nếu Bắc Kạn chấp nhận phát triển bằng cách bán tài nguyên thiên nhiên như hiện nay thì có nghĩa là chúng ta đang ăn quỵt môi trường. Không ai ăn quỵt được môi trường cả. Nếu chúng ta vay của môi trường một đồng hôm nay thì chúng ta sẽ phải trả gấp 1000 lần trong tương lai, trả một cách khó khăn, nhọc nhằn hơn nhiều” – GS Đặng Hùng Võ phân tích.

Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo, nhà thơ Dương Thuấn cho biết, hiện Hội những người yêu Ba Bể đang chuẩn bị hồ sơ, trong đó có đầy đủ các số liệu về sự bồi lấp, tình hình khai thác quặng… “khi đầy đủ sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ, đề nghị có biện pháp ngăn chặn tình trạng khai thác như hiện nay. Hãy bảo vệ những gì còn có thể bảo vệ được” – ông Thuấn nói.

Một số hình ảnh do đoàn khảo sát ghi lại:

clip_image008

Khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể không còn bình yên...

clip_image009

Đoàn khảo sát đang đứng cạnh những dãy núi, xưa mênh mông là rừng thì nay bị tàn phá tan hoang

clip_image010

clip_image011

Khai thác mỏ đang làm môi trường Ba Bể bị ô nhiễm nghiêm trọng

clip_image012

Những cây gỗ nghiến to mấy người ôm trong vườn Quốc gia Ba Bể từng bị chặt phá tan nát

Nguồn: Vnmedia.vn

Dân Hồ Ba Bể kêu cứu vì khai thác quặng

Tuệ Khanh

(VnMedia) - Cộng đồng dân cư khu vực xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn vừa gửi hàng loạt đơn kêu cứu, nhờ giúp thoát khỏi tình trạng môi trường ở đây đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do khai thác quặng mỏ sắt.

Theo trình bày của người dân thôn Nà Áng, xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn , mỏ sắt Pù-Ô-Khuối Giang Đồng Lạc thuộc Công ty cổ phần khoáng sản Narihamico đã tiến hành khai thác quặng từ giữa tháng 8 năm 2008. Thôm Phả và Chợ Điền là hai thôn ở vị trí trực tiếp sát kề ngay với khu vực khai thác quặng của mỏ sắt. Đến nay, mỏ đã triển khai được hơn 2 năm và đã gây ra ô nhiễm môi trường, tác động ảnh hưởng lớn trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư thôn Nà Áng.

clip_image010[1]

Mỏ đã triển khai được hơn 2 năm và đã gây ra ô nhiễm môi trường

Pù Ó là khu mỏ ở đầu nguồn khe Khuổi Giang, là một trong những khe suối cung cấp nước cho suối Bó Lú chảy vào hồ Ba Bể. Việc đào bới khai thác quặng bằng máy với công suất lớn tại Pù Ó đã đưa khối lượng đất lớn dồn xuống chân núi và rìa khe Khuổ Gaing. Khi trời mưa, lượng đất này tan ra làm nước đỏ ngầu, đôi khi nước còn quánh đặc lại như nước hồ loãng đổ dồn xuống Khe Khuổi Giang rồi theo suối Bó Lù chảy vào hồ Ba Bể. Thường có 3 buổi tối trong tuần, mỏ xả nước rửa quặng làm nước suối đục ngầu. Đặc biệt, lúc nước cạn, thỉnh thoảng thấy có them cả váng dầu trôi theo.

clip_image013

Mỏ xả nước rửa quặng làm nước suối đục ngầu…

Một điều khiến người dân thực sự lo lắng, đó là Suối Bó Lù không chỉ trực tiếp cung cấp nước cho các cánh đồng của thôn nói trên mà còn cho cả cánh đồng dọc theo nó. Đập Vằng Giang chỉ cách khu vực khai thác quặng của mỏ sắt Pù Ô chưa đầy 1km. Đây là đập chắn lấy nước cung cấp cho các cánh đồng của các thôn Thôm Phả và Chợ Điểng, Nà Áng. Do đó, khi nước lũ đã trực tiếp đưa mùn đất sét vào ruộng, nhất là các đám ruộng lấy nước trực tiếp ở sát bờ mương đã tạo ra một lớp đất sét mùn đỏ đọng lại trên mặt, khi cạn khô cứng lại như xi măng gây cho việc cầy bừa khó khăn. Còn khi đã cấy xong thì nước mùn này làm cho lúa không phát triển được, bông không mảy, lá lúa bị héo, thậm chí lá vàng úa, chin sớm hơn tuổi thu hoạch.

Người dân Nà Áng cũng phản ánh, việc rửa quặng trước khi đưa vào máy nghiền đã làm cho nước suối đục, nhất là nghiền quặng chủ yếu vào đêm, mức độ đục rất nhiều làm cho cộng đồng dân cư không thể tắm rửa sau khi đi làm đồng về. Một số người còn phản ánh sau khi đi lội nước quăng chài dọc suối hơn 1 giờ là có hiện tượng bị ngứa. Đây là hiện tượng khác so với thời kỳ chưa có khai thác quặng ở Pù Ô Khuổi Giang. Vì vậy, bà con nghi ngờ nước đục của suối có lẫn hóa chất. Trước đó, người dân Nà Áng có phát hiện hiện tượng vịt nuôi lông không còn mượt như trước và ít đẻ trứng.

Theo đơn kêu cứu, tiếng ồn của máy đào quặng cả ngày và đêm cùng với tiếng máy nghiền quặng 24/24 giờ với khoảng cách bán kính 1,5km vẫn nghe rõ, trong khi đó thôn Nà Áng chỉ cách mỏ 1,2km. Vì vậy, tiếng ồn đã ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ

Người dân Nà Áng cho rằng, mỏ sắt Pù Ô Khuổi Giang đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe cho cộng đồng dân cư Nà Áng nói riêng và dọc hai bên bờ suối Bó Lù nói chung. Tương lai chắc chắn việc ô nhiễm môi trường còn gây ảnh hưởng ngày càng lớn cho cộng đồng dân cư cả khu vực quanh hồ Ba Bể.

Đặc biệt, người dân Nà Áng đang hết sức quan tâm đến môi trường của Hồ Ba Bể, vì theo họ, với mức độ tải đất sét mùn, hóa chất rửa quặng, dầu mỡ của máy móc thải ra theo suối Bó Lù vào hồ Ba Bể như hiện nay thì tương lai chắc chắn không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, gây khó khăn cho sinh hoạt của cộng đồng dân cư nói trên mà còn là nguyên nhân gây ô nhiễm, khiến việc bồi lấp đối với hồ Ba Bê diễn ra nhanh chóng hơn.

Cộng đồng dân cư Nà Áng đã khẩn thiết kêu gọi hội đồng hương Bắc Kạn tại Hà Nội nhanh chóng có biện pháp giúp đỡ, ngăn chặn để họ có thể thoát khỏi cảnh ngộ nói trên trong thời gian ngắn nhất.

Kèm theo lá đơn là danh sách và chữ ký của hàng chục người dân sinh sống tại Nà Áng.

Trao đổi với báo chí chiều 26/4/2001, nhà thơ Dương Thuần, chủ tịch Hội đồng hương Bắc Kạn cho biết, trước đó, cuối năm 2010 và đầu năm 2011, Hội đồng hương Bắc Kạn tại Hà Nội cũng nhận được đơn của dân cư ở xóm Bản Duồn, xã Quảng Bạch, đơn của các gia đình ở bản Nà Pha, xã Đồng Lạc, đơn của dân cư hai xóm Thôm Phả và Chờ Điềng... với hàng trăm chữ ký của người dân phản ánh về tình trạng mỏ sắt Pù Ô - Khuổi Giang của công ty cổ phần khoáng sản Narihamico gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của dân cư các khu vực nói trên.

T. K.

Nguồn: Vnmedia.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn