Lục lại tài liệu chiến tranh Việt Nam Phần 22

Ngọc Thu dịch

CWIHP (Cold War International History Project – Đề án Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh Lạnh)

Thảo luận giữa Chu Ân Lai, Khang Sinh và Phạm Văn Đồng

29-04-1968

Mô tả: Thảo luận về phong trào cộng sản quốc tế và các nguyên nhân có thể có thể mang lại sụp đổ.

Chu Ân Lai: Trong thời gian dài, Hoa Kỳ nửa bao vây Trung Quốc. Bây giờ Liên Xô cũng bao vây Trung Quốc. Sự bao vây đang tiến tới toàn diện, ngoại trừ [phần] Việt Nam.

Phạm Văn Đồng: Tất cả chúng ta quyết tâm hơn để đánh bại đế quốc Mỹ trong lãnh thổ Việt Nam.

Chu Ân Lai: Đó là lý do tại sao chúng tôi hỗ trợ các ông.

Phạm Văn Đồng: Chiến thắng của chúng tôi sẽ có tác động tích cực ở châu Á. Chiến thắng của chúng tôi sẽ mang lại những kết quả không lường trước được.

Chu Ân Lai: Các ông nên nghĩ theo cách đó.

Phạm Văn Đồng: Các đồng chí Liên Xô đã lắng nghe chúng tôi với lòng nhiệt huyết. Họ muốn biết tình hình cũng như kinh nghiệm của chúng tôi. Lúc đó, đồng chí Nguyễn Đôn (2) thông báo cho đồng chí [Ngoại trưởng Liên Xô, Andrei] Gromyko về một số vấn đề quốc phòng. Các đồng chí Liên Xô hết lòng ủng hộ chúng tôi và họ cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với thắng lợi hoàn toàn của chúng tôi. Tuy nhiên, họ đã nói rằng sẽ có hy sinh nhiều hơn kể từ khi những trận đánh quy mô lớn xảy ra. Chúng tôi trả lời rằng sẽ không thể tránh khỏi khó khăn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chuẩn bị nhiều hơn cho các trận chiến quy mô lớn lẫn khó khăn. Chắc chắn chúng tôi sẽ giành chiến thắng.

Khang Sinh: Đại Cách mạng Văn hóa bắt nguồn từ ý tưởng đấu tranh giai cấp vẫn còn tồn tại trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Ý tưởng này vừa là lý thuyết lẫn thực tiễn. Kinh nghiệm đã chỉ ra rằng, ngay cả ở Liên bang Xô Viết – quê hương của Lenin – Đảng Bolshevik đã theo chủ nghĩa xét lại. Kinh nghiệm của chúng tôi hơn 20 năm qua trong việc xây dựng một chế độ độc tài vô sản, và đặc biệt là các sự cố gần đây ở Đông Âu, nơi chủ nghĩa tự do tư sản và chủ nghĩa tư bản được phục hồi (3) cũng đặt câu hỏi về cách thức tiến hành một cuộc cách mạng trong bối cảnh chế độ độc tài vô sản và trong điều kiện xã hội chủ nghĩa. Để giải quyết vấn đề này, Mao Chủ tịch khởi xướng Đại Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc.

Mao Chủ tịch đưa ra một kế hoạch ba năm, bắt đầu từ tháng 6 năm 1966. Nhiệm vụ của năm đầu là huy động nhân dân, [của] năm thứ hai là giành chiến thắng quan trọng và [của] năm cuối cùng là kết luận về cuộc cách mạng. Về một cuộc cách mạng lớn như thế này, ba năm không phải là thời gian dài.

Hơn nữa, theo Mao Chủ tịch, Đại Cách mạng không chỉ bao gồm một hoặc hai cuộc cách mạng nhỏ hơn.

Bây giờ tôi nói về giai đoạn chuẩn bị từ tháng 12 năm 1965 đến tháng 6 năm 1966. [Giai đoạn này bao gồm] việc chuẩn bị sẵn sàng về quan điểm và suy nghĩ. Trong giai đoạn này, chúng tôi vạch trần Bành Chân, La Thụy Khanh, Lục Định Nhất, Dương Thượng Côn (4). Cũng trong giai đoạn này, chúng tôi phát hành hai tài liệu quan trọng: quyết định tháng 2 năm 1966 của đồng chí Lâm Bưu trao quyền cho đồng chí Giang Thanh triệu tập hội nghị Hoạt động Văn hóa của Lực lượng Vũ trang và tuyên bố ngày 16 tháng 5 về cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng. Tài liệu sau (tức tuyên bố ngày 16 tháng 5) có ý nghĩa lịch sử to lớn, đặt nền tảng lý thuyết cho cuộc cách mạng bắt đầu. Hồ Chủ tịch có một bản sao của bản tuyên bố trước khi nó được công bố.

Để tôi nói về tội phản động của Bành Chân, La Thụy Khanh, Lục Định Nhất, Dương Thượng Côn. Một lần, khi Bành Chân bị bắt, ông ta thú nhận với Tưởng Giới Thạch. Không những ông ta một kẻ phản bội, mà ông ta còn tiếp tục quan hệ với các đặc vụ của Tưởng. Cha vợ của ông ta là một kẻ đại phản bội. Lời thú tội của Bành Chân dẫn đến việc bắt giữ nhiều đảng viên ĐCS Trung Quốc. Ông ta đã lợi dụng tình hình bí mật để che giấu tội ác của mình.

La Thụy Khanh là một đảng viên ĐCSTQ giả, như ông ta đã tự thú nhận sau này, rằng ông ta chưa bao giờ được nhận vào đảng. Ông ta cũng thú nhận rằng, ông ta ở Vũ Hán, học tại một trường quân sự, nhưng ông ta đã không tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Xương. Năm 1929, ông ta ở Thượng Hải, tự xưng là đảng viên ĐCSTQ. Hồ sơ quá khứ của ông ta được tiết lộ trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Chúng tôi cũng biết rằng, khi ông ta đang làm việc tại Bộ Nội vụ, ông ta đã sử dụng công tác phản gián để ăn cắp tài liệu bí mật quốc gia và gửi cho kẻ thù. Tôi chỉ đưa ra hai trường hợp: ông ta báo cáo với kẻ thù về chuyến tham quan của Mao Chủ tịch tới Liên Xô năm 1949-1950 và một trong những chuyến viếng thăm của đồng chí Phạm Văn Đồng đến Trung Quốc.

Lục Định Nhất tham gia cuộc cách mạng với thái độ tiêu cực và các động cơ mánh khóe gian lận. Năm 1930, ông ta trở lại Trung Quốc, khôi phục các mối quan hệ với bạn bè cũ của mình trong Quốc Dân đảng. Trong thời kỳ hợp tác giữa ĐCSTQ và Quốc Dân đảng chống lại Nhật năm 1937, ông ta làm việc tại văn phòng ĐCS Trung Quốc tại Nam Ninh và bảo vệ quyền lợi của gia đình ông ta, có nguồn gốc phong kiến ​​và tư bản. Hồng vệ binh khám xét nhà của ông ta và tìm thấy tài liệu về những hành động này. Vì vậy, ông ta không thể không thú nhận rằng, ông ta là chỉ điểm của Quốc Dân đảng từ năm 1930.

Dương Thượng Côn đã gửi nhiều tài liệu cho những người xét lại ở Liên Xô.

Trong giai đoạn chuẩn bị, ngoài việc vạch trần những người này, chúng tôi cũng có những người về mặt tâm lý sẵn sàng và đặt cơ sở lý thuyết cho Đại Cách mạng Văn hóa bắt đầu.

Chu Ân Lai: Trong Hội nghị Bộ Chính trị tháng 5 năm 1966, đồng chí Lâm Bưu đã đọc một báo cáo xuất sắc, phân tích các đặc điểm của thời kỳ Mao Trạch Đông và tập trung vào quan điểm sau đây: tất cả các cuộc đấu tranh nhằm mục đích cướp chính quyền và củng cố quyền lực. Báo cáo này không chỉ vạch trần bốn người kia mà còn ngụ ý chỉ trích Lưu Thiếu Kỳ, chưa từng công bố tư tưởng Mao Trạch Đông. Tôi đã gửi báo cáo của đồng chí Lâm Bưu cho các đồng chí Việt Nam.

Khang Sinh: Ngày 16 tháng 5 năm 1966, Mao Chủ tịch nhấn mạnh: những kẻ xét lại, những kẻ phản động, và những kẻ phản bội đang lẫn trốn trong chúng ta và đang có được lòng tin của bạn bè chúng ta. Lúc đó, nhiều cán bộ không hiểu điều mà Mao Chủ tịch nói thực sự có nghĩa là gì, nghĩ rằng sự ám chỉ đó là La [Thụy Khanh] và Bành [Chân]. Nhưng thực ra, Bành Chân đã bị vạch trần. Không ai dám nghĩ những kẻ phản bội là những người trong chúng ta.

Chu Ân Lai: Tuy nhiên, đồng chí Mao đã nghĩ điều này.

Khang Sinh: Trong báo cáo của mình, đồng chí Lâm Bưu có một câu nói nổi tiếng: "Cả nước sẽ đứng lên để đối đầu với bất kỳ ai chống lại Mao Chủ tịch và chính sách của chế độ độc tài vô sản".

Trong khoảng thời gian từ tháng 6 năm 1966 và tháng 1 năm 1967, Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình đã bị vạch trần như là [thành phần] chủ nghĩa tư bản và phản động.

Ngày 1 tháng 6 năm 1966, Chủ tịch Mao quyết định xuất bản báo tường của Đại học Bắc Kinh trên cả nước, đốt lên ngọn đuốc cho Đại Cách mạng Văn hóa. Sau đó ông gửi một lá thư hỗ trợ Hồng Vệ binh, do đó giúp phong trào Hồng vệ binh phát triển trên cả nước. Sau ngày 13 tháng 8, Chủ tịch Mao tiếp đón đại diện của Hồng Vệ binh 8 lần. Sau đó, Hội nghị lần thứ 11 đã chỉ trích chính sách phản động của Lưu [Thiếu Kỳ] và Đặng [Tiểu Bình] và thông qua bản tuyên ngôn 16 điểm về Đại Cách mạng Văn hóa và phát hành một tuyên bố của Hội nghị này. Mao Chủ tịch đã viết một bài báo có tựa đề "Nã pháo vào bộ tư lệnh".

Tháng 11 năm 1966, một hội nghị khác được Uỷ ban Trung ương triệu tập tiếp tục chỉ trích Lưu [Thiếu Kỳ] và Đặng [Tiểu Bình] và mở rộng cuộc vận động chống Khrushchev tại Trung Quốc. Lúc đó, chính sách cách mạng của Mao Chủ tịch đã thành công và những gương mặt phản cách mạng ẩn giấu một thời gian dài của Lưu [Thiếu Kỳ] và Đặng [Tiểu Bình] đã bị vạch trần. Hồng vệ binh xem xét các tài liệu của Pháp và Quốc Dân đảng và phát hiện ra rằng, năm 1925, Lưu [Thiếu Kỳ] đã đầu hàng kẻ thù. Năm 1927, Lưu [Thiếu Kỳ] đã ra lệnh cho các công nhân Vũ Hán buông vũ khí đầu hàng chính phủ Quốc Dân đảng. Theo các tài liệu Nhật, Lưu [Thiếu Kỳ] đầu hàng Nhật năm 1929 ở Mãn Châu và như tài liệu ngân hàng cho thấy, từ năm 1936, Lưu đã nhận tiền của Quốc Dân đảng.

Còn có một điểm khác mà chúng tôi muốn đưa ra: vợ của Lưu Thiếu Kỳ - Vương Quang Mỹ - là một đặc vụ của tình báo Mỹ. Tôi còn nhớ vụ chỉ trích La Thụy Khanh, nói rằng kẻ thù, vì chúng ta thiếu cảnh giác, có thể gửi xe tăng vào giường của chúng ta – xe tăng là tiếng lóng chỉ người vợ. Lý do tôi nói thế là vì, cuộc hôn nhân của La [Thụy Khanh] với đặc vụ Nhật Bản, lúc cô ta bị phơi bày đã phải bỏ chạy. Lúc đó xe tăng của La còn nhỏ. Bây giờ trên giường của Lưu Thiếu Kỳ có một xe tăng Trung Quốc lớn và tinh vi do Mỹ gửi tới.

Về phần mình, rõ ràng Đặng Tiểu Bình là một người đào ngũ trong cuộc nội chiến. Ông ta cũng phản đối những tư tưởng của Mao Trạch Đông một cách nhất quán. Ông ta đã cố cản trở Mao Chủ tịch và gửi các thành viên của gia đình ông ta cũng như các thành phần xấu tới Đảng. Chúng tôi đã phát hiện ra các Khrushchev của Trung Quốc đã ẩn nấp trong chúng ta.

Trường Đảng và các chi nhánh ở cấp huyện và tỉnh đã có trong 18 năm qua, đại diện cho một pháo đài ngoan cố chống lại tư tưởng Mao Trạch Đông. Lưu Thiếu Kỳ kiểm soát trường Đảng từ năm 1948 cho đến Cách mạng Văn hóa, sử dụng trường học để trao đổi tài liệu tình báo với Liên Xô.

Chu Ân Lai: Trong thời gian từ tháng 9 năm 1967 đến nay, Mao Chủ tịch nói rằng một chiến thắng toàn diện đã đạt được. Trong thời kỳ này, chúng tôi đã đấu tranh với ai? Những kẻ phản động còn lại trong hàng ngũ của chúng tôi. Nhưng nói chung, chính sách cách mạng của Mao Chủ tịch đã giành được thắng lợi to lớn và các chính sách phản động đã bị sụp đổ. Ủy ban cách mạng đã được thành lập ở tất cả mọi nơi, ngoại trừ 8 tỉnh. Thực tế đã chứng minh sự thành công trong chính sách của Mao Chủ tịch. Những kẻ phản bội, những kẻ đào ngũ trong đảng, đã bị phơi bày, trình độ giáo dục của người dân và cán bộ đã được nâng lên, và các đảng viên đã được tinh lọc và hiện nay tương đối tinh khiết.

Tại Đại hội Đảng lần thứ 7, Lưu Thiếu Kỳ đọc một báo cáo về tình trạng của đảng, trong đó có một phần dành cho tư tưởng của Mao Trạch Đông. Thực ra, có người đã viết phần này cho ông ta và ông ta đã sử dụng phần này để đánh lừa các đảng viên ĐCSTQ và Trung ương để chiếm được lòng tin của đảng. Sau Đại hội, ông Lưu không bao giờ đề cập đến tư tưởng của Mao Trạch Đông nữa, và ông ta đã không sử dụng tư tưởng Mao Trạch Đông để chỉ trích cuốn sách "Về sự tiến bộ của đảng viên". Ngược lại, ông sử dụng cuốn sách đó để chống lại tư tưởng Mao Trạch Đông.

Đồng chí Lâm Bưu đã viết nhiều công trình ủng hộ tư tưởng Mao Trạch Đông. Nhưng là một người khiêm tốn, ông ấy không công bố công khai. Đồng chí Lâm Bưu đã trải qua các thử nghiệm về cuộc đấu tranh kéo dài. 40 năm đã trôi qua kể từ cuộc họp đầu tiên của ông (Lâm Bưu) với Chủ tịch Mao. Ông ấy đã chứng tỏ mình là một đồng chí trong tay của Mao Chủ tịch.

Khang Sinh: Sau khi giải phóng dân tộc, Lưu Thiếu Kỳ đã đi đến Thiên Tân và đọc một bài phát biểu, nói rằng nền tảng công nghệ Trung Quốc thì yếu kém, thậm chí không bằng thời Sa hoàng. Thậm chí ông ta còn nói rằng, khai thác tư bản chẳng những không sai, mà còn có ích.

Về mặt lý thuyết, Lưu là hậu duệ của Bernstein, Kautsky, Bukharin và Khrushchev. Ở Trung Quốc, chúng tôi có những người giống như vậy, cụ thể là Cù Thu Bạch, Trần Độc Tú, Lý Lập Tam, Vương Minh, Trương Quốc Đào, và Lưu Thiếu Kỳ. Lý thuyết của họ rất có hại cho phong trào cộng sản quốc tế.

Ghi chú:

 

1.Phái đoàn của đảng và nhà nước Việt Nam đã đến Bắc Kinh sau chuyến thăm Liên Xô.

2. Nguyễn (Văn) Đôn (1918- ) là người miền Nam (sinh tại Quảng Ngãi). Ông là chỉ huy và cán bộ chính trị Liên khu V (phía Nam miền Trung Việt Nam) cho đến năm 1967, và sau đó đóng vai trò quan trọng ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tham mưu trưởng. Dường như bị mất ảnh hưởng vào năm 1976.

clip_image002

Trung tướng Nguyễn Đôn

3. Có thể ám chỉ đến các phong trào cải cách ở Tiệp Khắc (Mùa Xuân Praha - "Prague Spring") và có thể Ba Lan, nơi chính quyền gần đây đã bắt đầu một cuộc đàn áp những người bất đồng chính kiến.

4. Trước khi bị thanh trừng cuối năm 1965, Dương Thượng Côn là ủy viên dự khuyết Ban Bí thư Trung ương ĐCSTQ và là Giám đốc Phòng Hành chính Trung ương của Trung ương ĐCSTQ.

Nguồn: Wilsoncenter.org

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn