Lục lại tài liệu chiến tranh Việt Nam Phần 34

CWIHP (Cold War International History Project – Đề án Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh Lạnh)

Ngọc Thu dịch

Thảo luận giữa Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng

17-09-1970

Mô tả: Phạm Văn Đồng phác thảo hai cuộc tấn công ngoại giao mới của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đang tiến hành chống Mỹ. Chu Ân Lai đề nghị gửi những người đại diện Trung Quốc ra mặt trận để quan sát tình hình tại miền Nam Việt Nam.

Phạm Văn Đồng: Chúng tôi luôn luôn nghĩ rằng đấu tranh chính trị và quân sự có tầm quan trọng quyết định. Tuy nhiên, trong trường hợp Việt Nam, ở một mức độ nhất định, đấu tranh ngoại giao có hiệu quả và đã chứng minh có hiệu quả trong nhiều năm qua. Tôi muốn nêu vấn đề về cách thức đấu tranh ngoại giao có hiệu quả tại thời điểm Nixon đang thực hiện "Việt Nam hóa" chiến tranh. Chúng tôi cho rằng Việt Nam hóa chiến tranh của Nixon vẫn nhắm vào mục đích giành chiến thắng quân sự tại miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, không có nghĩa là Nixon không nghĩ đến ngoại giao. Nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng khi họ nói về ngoại giao, hòa bình, họ đang cố lừa dối thế giới, và họ không có bất kỳ ảo tưởng nào về ngoại giao.

Họ đã gửi [viên chức Mỹ David] Bruce đến Paris cũng nhằm mục đích lừa dối thế giới. Chúng ta nên làm gì để đối phó với tính toán của Nixon? Thực tế, chúng tôi sẽ kiên trì trong cuộc đấu tranh quân sự và chính trị, xem các cuộc đấu tranh này là quyết định cho chiến thắng. Đồng thời, chúng tôi đang làm hết sức mình, khi tình hình cho phép, đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao.

Đối với chúng tôi và Nixon, ngoại giao là một cách chơi chữ. Cả chúng tôi lẫn ông ta không có bất kỳ ảo tưởng nào về ngoại giao. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy một số thuận lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao. Trước tiên, chúng tôi phải giành cảm tình của người dân miền Nam Việt Nam, đặc biệt là những người ở khu vực đô thị. Hơn nữa, chúng tôi phải gây ảnh hưởng đến quan điểm phản chiến của công chúng Mỹ, không chỉ gồm đông đảo người dân, mà còn gồm cả giới doanh nghiệp, chính trị, học viện, và giới văn phòng để bảo đảm sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn của họ.

Dư luận ​​công chúng thế giới đã được huy động. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu ý kiến ​​của các nhóm chính trị có thể bị ảnh hưởng. Từ tính toán này, chúng tôi cho rằng đấu tranh ngoại giao có thể phục vụ như một mặt trận khác. Vì vậy, phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đang tiến hành cuộc tấn công ngoại giao mới.

Chúng tôi đang tập trung vào hai điểm sau đây:

- Việc rút quân vô điều kiện của Mỹ. Điểm mới ở đây là chúng tôi yêu cầu lịch trình cho việc rút quân.
- Vấn đề của một chính phủ liên minh. Đây là vấn đề quan trọng hơn. Tiêu điểm là yêu cầu loại bỏ Thiệu, Kỳ (2), và Khiêm (3).

Những điểm này không hoàn toàn mới khi đã được đề cập trong đề xuất 10 điểm trước đó. Nhưng lý do chúng tôi tập trung vào chúng, là vì chúng tôi muốn dồn Nixon vào góc tường bằng ảnh hưởng dư luận ở Mỹ và phần còn lại của thế giới. Những điểm này cũng nhằm hỗ trợ các cuộc đấu tranh quân sự và chính trị ở miền Nam. Chúng tôi không có bất kỳ ảo tưởng nào rằng nó sẽ mang lại kết quả.

Chu Ân Lai: Tôi muốn nói về sự hợp tác giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Quốc. Đồng chí Mao đã thường nhắc cho chúng tôi hiểu khó khăn của các ông và giúp các ông giải quyết chúng, xem những khó khăn này là của chúng tôi, bởi vì mối quan hệ của chúng ta là mối quan hệ giữa hậu phương và tiền tuyến. Tôi phải nói rõ rằng chúng tôi cơ bản đáp ứng nhu cầu của các ông. Chúng tôi cũng xem xét một số vấn đề chưa được các ông nêu ra. Kể từ bây giờ, nếu có khó khăn mới xuất hiện, chúng tôi muốn các ông thông báo cho chúng tôi và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức trong khả năng của chúng tôi để giúp các ông.

Một số vũ khí mà các ông yêu cầu, hiện đã trở nên lỗi thời. Chúng tôi đã cải thiện chúng, làm cho chúng hiệu quả hơn và nhẹ hơn. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các loại vũ khí này để các ông xem xét. Hậu phương lớn phải giúp đỡ tiền tuyến. Tuy nhiên, hậu phương lớn phải đi ra mặt trận để hiểu vấn đề và để giải quyết chúng.

Báo cáo của đồng chí Fang Yi về chuyến đi gần đây của ông ấy đến Việt Nam là một tài liệu tốt cho chúng tôi tìm hiểu về tình hình Việt Nam. Chúng tôi hơi quan liêu. Có nhiều người chịu đựng vấn đề này ở đại sứ quán của chúng tôi tại Việt Nam. Có lần Mao Chủ tịch nổi giận với các báo cáo của Đại sứ quán. Ông ấy nói rằng ông ấy không muốn đọc, vì các báo cáo này được viết bởi [những người] chỉ ngồi trong văn phòng. Do đó chúng tôi muốn gửi người của chúng tôi ra mặt trận để quan sát tình hình.

Nếu các ông đồng ý, chúng tôi không chỉ gửi các quan chức cấp cao, mà còn gửi đại diện của các lực lượng vũ trang, những nhà cách mạng, và công nhân đến Việt Nam, là những bước quan trọng để chuẩn bị cho chiến tranh. Hiện Trung Quốc đang bị bao vây. Tuy nhiên, chiến tranh đã bắt đầu chỉ có ở Đông Dương. Chúng tôi không thể hiểu kẻ thù. Không có đánh nhau ở Triều Tiên. Các biên giới với Liên Xô bị cô lập. Vì vậy, chúng tôi phải trông cậy vào mặt trận ở Việt Nam.

Ghi chú:

1. Buổi nói chuyện này diễn ra cùng ngày bốn đoàn đại biểu đến tham dự các cuộc đàm phán Hòa bình Paris, nghe trình bày kế hoạch hòa bình tám điểm mới của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.

2. Nguyễn Cao Kỳ: (1930-), tướng Không quân, Tư lệnh Không quân miền Nam Việt Nam, Thủ tướng 1965-1967 và phó tổng thống dưới quyền Nguyễn Văn Thiệu năm 1967-1971.

3. Trần Thiện Khiêm: (1925 -) là tướng miền Nam Việt Nam, là một nhân vật chủ chốt trong cuộc đảo chính chống lại Ngô Đình Diệm năm 1963. Sau khi tham gia vào cuộc đảo chính Nguyễn Khánh năm 1964, ông bị lưu đày danh dự, làm đại sứ tại Washington. Năm 1968 ông trở về làm Bộ trưởng Nội vụ, và làm Thủ tướng dưới thời ông Thiệu năm 1969-75.

Nguồn: Wilsoncenter.org

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn