Một chỉ dấu cho sự minh bạch?

Đào Tuấn

imageHồi Kiểm toán nhà nước công bố kết quả kiểm toán tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Tổng kiểm toán Vương Đình Huệ đã nói một câu nổi tiếng về kết quả hoạt động của các “quả đấm thép”, rằng: “Không đến nỗi như đồn thổi”. Ông Huệ nêu 3 ví dụ: Tập đoàn Dệt may tổng tài sản chưa tới 1 tỷ USD nhưng đã tạo ra 140 ngàn việc làm, Tập đoàn Bưu chính viễn thông dù tài sản chỉ 6 tỷ USD nhưng đã đạt doanh thu 100.000 tỷ VNĐ, hay Tập đoàn  Dầu khí có tốc độ tăng vốn chủ sở hữu, doanh thu đều trên 20%. Nhưng câu này còn quan trọng hơn: “Dù là tập đoàn nhà nước nhưng họ đã cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước”.

Đáng tiếc, những ví dụ như vậy là quá ít và sự so sánh như vậy có vẻ khập khiễng. Theo số liệu của Bộ Tài chính, 8 tập đoàn kinh tế cùng với 96 tổng công ty nhà nước hiện đang sở hữu gần 400.000 tỷ VNĐ, nắm giữ 75% tài sản cố định quốc gia và khoảng 60% tổng tín dụng trong nước và vốn vay nước ngoài. Có ai lại đi so sánh về hiệu quả hoạt động của các ông lớn với những lợi thế không thể tranh cãi về độc quyền đối với tài nguyên, nguồn lợi cực lớn về đất đai, quyền “hữu hạn trách nhiệm” đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh và đặc biệt là những ưu tiên tiếp cận nguồn vốn, với “phần còn lại”.

Có ai lại nói với tiềm lực tài chính hùng hậu như vậy “nhưng” vẫn cạnh tranh sòng phẳng. Có chữ “nhưng” phi logic này là bởi thực sự còn một chữ “nhưng” phải nhắc tới: nhưng nếu đánh giá hiệu quả kinh tế của các tập đoàn, tổng công ty nói chung thì chưa hề tương xứng với vốn liếng và tài sản hiện có.

Phần tài sản thực của các “quả đấm thép” là bao nhiêu? Đã được sử dụng ra sao? Tạo ra hiệu quả thế nào? Và giá trị thực tế của chúng trên sổ sách kế toán có còn phù hợp, còn cách biệt so với thực tế thực chất thế nào, vẫn là một câu hỏi lớn.

Theo một dự thảo của Bộ Tài chính kể từ 1/7 tới đây các tập đoàn, tổng công ty phải thực hiện kê khai tài sản, kể cả tiền, ngân phiếu, vàng bạc, đá quý, ngoại tệ gửi ngân hàng, các loại tài sản khác cho thuê, gửi giữ hộ hoặc được tặng biếu, viện trợ, thậm chí “tài sản vô chủ” có trong khu vực quản lý của mình, thậm chí đất đai hay các công trình dở dang, thậm chí các khoản đầu tư chứng khoán. Ngay sau khi Dự thảo được đưa lấy ý kiến đã được kỳ vọng sẽ là một chỉ dấu quan trọng hướng tới sự minh bạch giữa giá trị tài sản,, việc quản lý và hiệu quả sử dụng chúng. Việc kê khai, và có thể là công khai, sẽ ít nhiều tránh được tình trạng huy động vốn quá lớn, dư nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu hay phát triển quá nóng đã từng xảy ra với những kỷ lục không tưởng: số nợ phải trả vượt trên số vốn gấp 42 lần hay có tới 200 công ty con…

Trong rất nhiều năm, dư luận không ít lần ồn ào xung quanh việc đầu tư tràn lan với mức độ lớn ra ngoài ngành của các quả đấm thép, thậm chí vấn đề đã được đưa ra tại diễn đàn Quốc hội. Tuy nhiên cho đến giờ, tổng đầu tư của các tập đoàn ra ngoài ngành là bao nhiêu vẫn chưa ai rõ. Bởi con số 117.000 tỷ đồng mà 70 tập đoàn, tổng công ty đầu tư ra ngoài ngành (trong đó đầu tư vào lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro như tài chính, ngân hàng, và bất động sản là 23.400 tỷ đồng) mà Bộ Tài chính công bố hồi cuối năm 2007 có vẻ đã rất lạc hậu.

Nhưng (lại phải nhưng) kê khai tài sản, thậm chí còn chưa rõ quy định cơ chế giám sát việc kê khai này, rõ ràng chỉ là một vấn đề trong việc quản lý tài sản của các doanh nghiệp nhà nước nói chung. Hồi năm 2009-2010, Chính phủ đã hai lần yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty phải tập trung vốn vào lĩnh vực chính của mình, nhưng việc họ có tập trung hay không thì con số hàng chục, thậm chí hàng trăm công ty con của mỗi ông lớn hoạt động trên đủ mọi ngành nghề, lĩnh vực có thể là câu trả lời rõ ràng nhất. Liệu việc kê khai có rơi vào là hình thức khi vẫn còn những cái thiếu khổng lồ: Thiếu những quy định mang tính pháp lý hoặc một cơ chế chặt chẽ giám sát các hoạt động tài chính cả trong và ngoài ngành? Chưa nói đến cái thiếu nhất hiện nay, cái thiếu nguy hiểm nhất, cái thiếu đã được Vinashin chứng minh, cái thiếu từ khi mô hình tập đoàn kinh tế ra đời là các quy định pháp về hoạt động của các tập đoàn hiện vẫn còn bỏ ngỏ.

Đ. T.

Nguồn: Tuanddk blog

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn