NGÔ THÌ SĨ – NGƯỜI MỞ ĐẦU “CÁI TÔI” MANG MÀU SẮC CẬN ĐẠI (*)

Trần Thị Băng Thanh

Ngô Thì Sĩ (1726-1780), quê ở làng Tó, tên chữ là Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội, là cha của năm tác gia họ Ngô Thì: Ngô Thì Nhậm (1746-1803), Ngô Thì Chí (1753-1788), Ngô Thì Trí (1766-?), Ngô Thì Hoàng (1768-1814), Ngô Thì Hương (tên khác là Thì Vị (1774-1821). Ông đỗ Hương tiến 1743, đỗ Hoàng giáp 1766, được phủ chúa tin dùng giao cho nhiều chức vị: Văn thị nội, Tùy giảng cho Thế tử Trịnh Sâm, Đốc đồng Thái Nguyên... rồi Tham chính Nghệ An. Năm 1771, do học trò Nghệ An kiện, ông bị Trịnh Sâm cách hết chức tước, giáng làm dân. 1775, được khởi phục(1), giữ chức Thiêm đô ngự sử, sau đó lại được giao biên soạn quốc sử. 1777, ông làm Đốc trấn Lạng Sơn. Sau chuyến công cán ở Nam Quan trở về ông lâm bệnh và mất tại nhiệm sở ngày 22 tháng X năm 1780. Ngô Thì Sĩ là tác gia lớn, người thực sự mở đầu Ngô gia văn phái. Trước tác của ông khá đồ sộ: Anh ngôn thi tập, Anh ngôn phú tập, Ngọ Phong văn tập, Khuê ai lục, Việt sử tiêu án, Đại Việt sử ký tiền biên, Đại Việt sử ký tục biên (đồng tác giả với Ninh Tốn, Nguyễn Sá, Phạm Nguyễn Du), Nam quốc vũ cống. Phụ thân ông là Ngô Thì Ức (1690-1736) - một người thực sự có tâm hồn nghệ sĩ, đã từng lều chõng đi thi Hội nhưng khoa bảng không có duyên với ông nên sau lần thi duy nhất đó, ông đã quay về với cuộc sống ẩn dật. Ngôi nhà nhỏ ở làng Tó đã trở thành “xa-lông văn học” trong vùng và những vần thơ tiêu dao của ông đã đưa người đọc đương thời như trở về với một thuở Đào Nguyên:

Bốc trúc trường giang ngoại,

Thiên nhai kỷ tịch huân.

Ngư hà thường tửu trái,

Phong nguyệt cấp thi bần.

Sở ngạn tình khiên võng,

Ngô giang dạ phóng luân.

Nhất thanh sơn điếm vũ,

Tam xướng độ đầu xuân,

Hồ tử ca thanh khúc,

Tư đào điếu cổ thần.

Vũ tình khan thụ sắc,

Trào giảm nhận sa ngân.

Phóng lãng kỵ kình khách,

Tiêu dao mộng hạc nhân.

Xích Bích tần di trạo,

Đào Nguyên ngại vấn tân.

(Ngư gia)

(Cất nhà ven dải trường giang,

Chiều chiều nắng quái từng vương bên trời.

Cá tôm đổi rượu uống chơi,

Gió trăng, nong túi, thơ vơi lại đầy.

Lưới giăng bến Sở quang mây,

Câu buông vào lúc tối ngày sông Ngô.

Nhà sàn một tiếng mưa xô,

Xuân sang đầu bến xướng thơ ba bài.

Khúc ca Hồ tử ngâm dài,

Vẳng theo sóng, viếng đám người oan xưa.

Xem kìa sắc lá sau mưa,

Trông kìa, ngấn cát, trào vừa rút lui.

Cưỡi kình dỡn sóng chơi vơi,

Tiêu dao mộng hạc, mơ hoài người tiên.

Trên sông Xích Bích, rời thuyền,

Nghẽn đường, biết hỏi Đào nguyên bến nào?)(2)(3)

 

Người cha nghệ sĩ và xa-lông văn học của ông đã nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ của Ngô Thì Sĩ. Sau này hội thơ Quan Lan sào của Ngô Thì Sĩ cùng các bạn đồng chức và cả các “thôn tẩu” (ông già thôn dã) họp nhau “uống rượu, làm thơ, xem sóng, không bàn đến chuyện chính sự” trên núi Bàn A thời ông làm Hiến sát sứ Thanh Hóa chắc hẳn có ánh hồi quang của ký ức tuổi thơ từ những buổi bàn luận văn chương của cha bên sông Nhuệ. Song tiếc thay người cha giàu tâm hồn nghệ sĩ của ông lại mất quá sớm. Mười hai tuổi cậu bé họ Ngô đã phải rời ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm ở quê theo ông nội đến nhiệm sở, bắt đầu việc nghiên bút. Cụ Ngô Trân (1679-1760) vừa là ông vừa là thầy đã giúp người cháu yêu của mình xác định chí hướng. Chừng mười lăm tuổi Ngô Thì Sĩ lên Kinh đô theo học các nhà nho nổi tiếng đương thời như Nghiêm Bá Đĩnh (1683-1755) và Nhữ Đình Toản (1703-1774). Từ đó cuộc đời ông gắn bó với Kinh thành. Thăng Long đem đến cho ông sự thành đạt - công danh và học thuật. Thăng Long cũng chứng kiến, hay đúng hơn, đem đến cho ông sự bất hạnh. Thực ra, trong cuộc đời mình, có hai thời kỳ Ngô Thì Sĩ sống ở Thăng Long dài nhất. Đó là thời trẻ, từ khi ông bắt đầu lên Kinh thành cho đến trước 1764. Thời kỳ thứ hai, khoảng 1775-1777.

Thời trẻ, ông đi học rồi giữ một vài chức quan nhỏ trong phủ chúa: Thiêm sai tri công phiên, Văn thị nội, Chính tự. Như vậy, Thăng Long đã nuôi dưỡng Ngô Thì Sĩ thành một trí thức Nho sĩ dù vẫn nghèo nhưng tài hoa. Thăng Long trong thơ văn Ngô Thì Sĩ lúc này nổi bật lên trước hết là nhân vật học trò và trường thi. Người học trò ấy nghèo lắm, nghèo thực sự, thiếu thốn đến cả bát cơm manh áo:

Sĩ tử gia bần tòng học vấn,

Phụ mẫu thê noa y thực nhẫn.

Tam niên phó cử quế hương thu,

Phụ mẫu vọng nhi thê vọng phu.

Quan nhân dung dị hạ nhất bút,

Sĩ tử nhất gia đô uất ức.

Quan nhân nhất bút khả tòng khoan,

Sĩ tử cử tộc tương hân hoan.

(Ngẫu thành thất ngôn cổ phong trường thiên

thị lưỡng viện)

(Học trò nhà nghèo theo bút nghiên,

Cha mẹ, vợ con nhịn cơm áo.

Một lần bẻ quế chờ ba đông,

Cha mẹ trông con, vợ ngóng chồng.

Quan trường dung dị gạch một nét,

Cả nhà học trò mặt tái mét.

Còn như quan trường chấm khoan khoan,

Cả họ học trò cùng hân hoan)(4)

 

Rõ ràng cái nghèo của chàng nho sinh đã đến độ bức bách. Thi đỗ, làm quan, đối với Ngô Thì Sĩ cũng như giới Nho sĩ thì ngoài hoài bão kinh bang tế thế cũng còn là một điều thiết thực, quan hệ đến chuyện đói no của cả một gia đình! Chàng nho sinh của Thăng Long ấy không mấy thảnh thơi để thơ thẩn bên cầu Đông chờ một ông lão bán bức tranh tố nữ thần kỳ (Bích Câu kỳ ngộ - Truyền kỳ tân phả), cũng chẳng có đủ phong lưu để du học dù chỉ là cái cớ, là bức bình phong cho những cuộc tình ong bướm như một chàng Hà Nhân nào đó (Cuộc kỳ ngộ ở trại Tây - Truyền kỳ mạn lục) hay những cuộc kiếm tìm “ý trung nhân” như một Lương sinh sau này (Hoa tiên). Chàng nho sinh Thăng Long thời Ngô Thì Sĩ thực sự vất vả. Ngoài việc “nấu sử xôi kinh” để trở nên uyên bác, học trò còn phải luyện văn, luyện tính khiến cho không phạm phải cái lỗi quá sắc sảo, “lộ khuê giốc” đến nỗi quan trường phát ghen như chính Ngô Thì Sĩ đã mắc phải: “Tôi làm văn thường thích phóng dật, không dẫm theo vết tầm thường, khảo quan thường ghét, mỗi lần thấy chữ dùng hơi mới cho là văn của tôi, ắt tìm những lỗi nhỏ trong quyển cốt truất cho được” (5).

Thế nhưng tất cả những nỗi khó nhọc, vất vả ấy mới chỉ là giai đoạn chuẩn bị, chàng nho sinh còn phải “đối mặt” với những thử thách khắc nghiệt của trường thi. Trong điều kiện căng thẳng như vậy, thí sinh bỗng trở nên tiều tụy, nhếch nhác vừa đáng cười vừa thảm thương:

Hắc địa liên mang tảo phó trình,

Tị phong hãn vũ bất tằng đình.

Đầu đương hồng nhật, cơ ưng tử,

Cước đới du nê thảo dục sinh.

Nhậm nhĩ quần văn thần thượng tập,

Bằng tha vạn nghị phúc trung hành.

Cố nhân bất nhận tân mô dạng,

Lập tại bàng biên vấn tính danh.

(Tảo khởi khảo trường)

(Tất tả ra đi từ tối đất,

Mồ hôi ướt đẫm mũi thở dốc.

Đầu phơi dưới nắng chấy chết queo,

Chân dẫm bùn non cỏ sắp mọc.

Ruồi đậu trên môi mặc sức quần,

Kiến bò trong bụng sôi ùng ục.

Bạn bè đứng cạnh nhận không ra,

Cũng bởi mặt mày trông lạ hoắc)(6)

 

 

Bút pháp hài hước, có phần thậm xưng, Ngô Thì Sĩ đã nói đến một tình trạng cực khổ có thực nơi trường thi. Tình trạng ấy còn hành hạ những thí sinh cho đến tận Khoa thi cuối cùng đầu thế kỷ XX mà Nguyễn Tuân (1910-1987) đã vẽ lên rất đắt trong Vang bóng một thời: “Đêm mưa dầm vẫn tối như bưng lấy mắt. Hai cái tài hoa anh em kia, cộng lại không được bốn mươi nhăm tuổi đầu, bì bõm dắt nhau đi về phía cửa trường thi. Có tẩm mưa gió và đi đêm như thế này, người ta mới thấy bước công danh là một con đường chật vật, nên xét lại xem có nên tiếp tục đi nốt không! Bãi trường thi thấp hơn mặt nền tỉnh. Nước mưa lụt dồn về, cỏ may chôn ngập lút cả ngọn. Đứng xa trông những cây đình liệu rọi trên bãi cỏ xâm xấp nước, người vô sự và không có chữ tưởng đâu như dân cả một làng nào đang đốt đuốc bắt ếch”(7).

Ngòi bút của Ngô Thì Sĩ đã không kiêng nể khi mô tả rất chân thực cuộc sống và con đường phấn đấu đầy gian nan vất vả của kẻ sĩ Bắc Hà. Có điều, đối với những nhà nền nếp thi thư, con đường cử nghiệp cũng không dễ gì từ bỏ. Vả chăng khi số phận mỉm cười thì chỉ phút chốc chàng thư sinh áo vải đã thành quan Nghè dù che ngựa cưỡi. Lễ vinh quy làm náo nức lòng người và Ngô Thì Sĩ đã được đặc ân ban thưởng trong ngày trang trọng đó: “Ngày vinh quy ngoài nghi lễ thường còn được đặc ban một con voi và nhuệ binh đi tiễn. Đi đến phố Thanh Xuân tạm nghỉ để đón tiếp bè bạn, làng xóm truyền tin, chúa lại sai ban một bài ngự thi, tôi bèn xếp đủ hương án tàn lọng ra nghênh tiếp” (8).

Chân dung anh học trò nghèo Thăng Long mang đầy đủ những bi kịch thân phận là nhân vật mới mà Ngô Thì Sĩ đóng góp cho văn học Việt Nam thế kỷ XVIII. Tuy nhiên, tuổi trẻ dù gian khổ vẫn không thiếu niềm vui. Cho nên bên cạnh một Thăng Long ngột ngạt không khí trường thi, chán chường vì nỗi thất vọng thi hỏng, vẫn còn một Thăng Long đô hội, dạt dào sức sống. Thăng Long có phố xá tấp nập, ngựa xe rộn ràng, những quán rượu cờ bài phấp phới mời gọi (Nhàn gửi bác Nguyễn Thanh Trai). Thăng Long còn có nhiều thắng cảnh, trong đó Tây hồ là một quần tụ dân cư trù mật và là nơi du ngoạn ưa thích của tao nhân mặc khách. Ngô Thì Sĩ đã ngợi ca vẻ đẹp của cuộc sống những người cần lao quanh hồ:

Quảng Đức thôn hoàn phường thập bát,

Cư dân thái bán tụ hồ biên.

Thiên gia trúc quán đa lâm thủy,

Tài thính chung thanh thủy ngộ thiền.

Vân tĩnh phong cao nhất điểu phi,

Thủy quang liễm diệm ánh tà huy.

Ngư ông tiệt võng phù chu khứ,

Thôn phụ yêu liềm ngải mạch quy.

(Tây hồ nhàn vịnh)

(Quảng Đức dân thôn, mười tám phường,

Ven hồ, quá nửa xóm cùng làng.

Tranh tre nghìn mái men bờ nước,

Giác ngộ thiền tâm, một tiếng chuông

Gió vút, mây nhàn một cánh chim,

Nước hồ lóng lánh bóng chiều chìm.

Ông chài cuốn lưới, thuyền theo sóng,

Gánh lúa về thôn, chị dắt liềm)(9).

 

 

Vào những ngày tết, ngày hội lễ, người dân còn náo nức đua thuyền đuổi sóng, tham dự hội thả voi. Những cuộc vui ấy đã làm cho Tây hồ trở nên náo nhiệt. Song đối với khách văn chương và cả vua chúa, sự hấp dẫn của Tây hồ ở chính cảnh mênh mông khói sóng và những phút giây yên tĩnh của nó. Vẻ đẹp của hồ Tây được tạo nên bởi sự hài hòa: xóm làng quanh hồ có nơi trù mật, có nơi thưa vắng, hoạt động của dân cư quanh hồ có lúc thư nhàn, có khi gấp gáp... Tất cả được lồng trong không gian khói sóng mơ màng, tạo cho hồ Tây một vẻ đẹp vừa trần thế vừa tiên cảnh:

Uông dương tứ triệt;

Hoàn lạo song nghi.

Hoa trúc sâm si yênngoại tự;

Phong đôi ẩn ước thủy biên ly.

Bái cự nhuận ư Hoàng đô, dục lộ miên âu thiên khoảnh tú;

Bão hồng đào ư thiên hạm, thôn ngưu thổ phượng

thập phân kỳ.

[...]

Diệc hoặc:

Ba bình tố luyện;

Vụ tễ hàn đường.

Trấn Quốc chi liên hoa thập trượng;

Nghi Tàm chi tang diệp bách khuông.

Ngư lang tế vũ chi chu, tần đinh thướng há;

Mục thụ tà dương chi địch, hòa lũng đê ngang.

(Tây hồ phong cảnh phú)

(Nước mênh mang tứ phía,

Sóng dào dạt quanh bờ;

Trúc hoa thấp thoáng chùa ngoài khói;

Chòm góc lô xô đá vệ hồ.

Làn nước cả tưới hoàng đô, đẹp nghìn khoảnh

âu nằm cò tắm;

Dải sóng cồn quanh thiên hiểm, lạ mười phần

phượng hấp trâu hô

[...]

Lại như:

Sóng im màu lụa bạch;

Đầm lạnh ngút mù tan.

Chùa Trấn Quốc sen tươi, hoa cao chục trượng;

Bãi Nghi Tàm dâu tốt, lá hái trăm làn.

Thuyền ngư phủ lướt mưa bay, bơi rẽ bè rau

lên xuống;

Sáo mục đồng tung bóng xế, thổi ran lũng lúa mau khoan)(10)

 

Hồ Tây đặc biệt hấp dẫn Ngô Thì Sĩ. Ông từng tuyên bố Tây hồ tình vũ cánh nghi chu (Tây hồ mưa hay tạnh, chơi thuyền đều thích hợp). Ông đã vui chơi thỏa chí và cũng ghi chép về những cuộc chơi để lại nhiều kỷ niệm khó quên. Trong tất cả những sáng tác ấy, có một bài ký đã đạt đến một vẻ đẹp riêng mà bản thân Ngô Thì Sĩ sau này cũng không tìm thấy lại: Quỳnh Lâm động chủ ký (Bài ký về động chủ Quỳnh Lâm)(11). Tác phẩm kể câu chuyện về một bài thơ xuất hiện trên vách chùa Trấn Quốc:

Thập nhị lâu đài đệ nhất nhân,

Đồng du bách cửu thập tam xuân.

Dạ thâm hứng thoại nhân gian sự,

Tây vọng trường xuyên tổng bạch vân.

Phiếm chu hồ thượng nguyệt vi lân,

Tố sắt thanh tôn tổng thị xuân.

Ngâm bãi bất kham xuy đoản địch,

Khủng kinh đồng trạo cách giang nhân.

Ngũ bách niên tiền phỏng tị lân,

Bích đào hồng hạnh nhất ban xuân.

Nhi kim chỉ hữu Tây hồ nguyệt,

Tâm sự bằng thùy thoại cố nhân.

(Quỳnh Lâm động chủ Dương Nga mạn đề)

(Hai chục lâu đài người bậc nhất,

Cùng chơi trăm chín mươi ba xuân.

Đêm khuya vui nói chuyện trần thế,

Trông suốt sông dài mây trắng ngần.

Thuyền thả trên hồ bạn với trăng,

Rượu trong, đàn mộc cũng màu xuân.

Ngâm thôi, sáo ngắn không buông tiếng,

Sợ động thuyền ai đậu cách ghềnh.

Tìm láng giềng năm trăm năm cũ,

Hạnh hồng đào biếc một màu xuân.

Mà nay chỉ thấy trăng hồ bạc,

Tâm sự nhờ ai nhắc cố nhân)(12).

 

 

Bài thơ có tên tác giả, có nơi xuất hiện và đã nhiều thi sĩ Kinh thành họa vần. Tuy vậy ý tứ trong bài, tung tích tác giả và hoàn cảnh xuất hiện bài thơ đều huyền bí mơ hồ. Dương Nga là ai? Người thời đại nào? Nàng đến chùa Trấn Quốc đề thơ vào năm tháng nào? Tất cả đều mờ mịt. Câu chuyện về nàng đậm sắc thái huyền thoại, Ngô Thì Sĩ ghi lại lời kể: “Trước đây, vào năm Cảnh Hưng (?), sau rằm tháng Bảy, giữa đêm khuya vắng vẻ, trăng sáng trên trời, phảng phất trên lầu như có tiếng người cười nói. Lén nhìn ra thì thấy trên lầu có ánh sáng nhưng không phải ánh đèn nến. Bỗng nhiên có người xuống lầu, lên thuyền chèo đi. Hôm sau lên lầu, thấy thơ đề ở đó” (13).

Bị hấp dẫn bởi tung tích bí ẩn của người con gái, lại cảm thông với tâm sự u hoài mà nàng gửi gắm trong thơ, Ngô Thì Sĩ như cố tin rằng nàng “chắc là một tài nữ hơn năm trăm năm trước, được khí tinh hoa chung đúc, có đủ cốt cách thi nhân, linh tính chưa nhòa, hồn như còn sống. Ngẫu nhiên chơi dưới trăng, trước gió, cảm nay nhớ xưa, tình hiện ra trong thơ nên đề lại trên lầu ấy, muốn bày tỏ với sĩ nhân trong nước” (14). Câu chuyện kích thích chất lãng mạn, đa tình trong Ngô Thì Sĩ khiến ông bỏ qua khoảng cách không gian, thời gian để coi nàng như một bạn thơ đồng điệu, chia sẻ cùng nàng những nỗi u hoài:

Thế phục thế hề nhân phục nhân,

Nhất niên xuân hựu nhất niên xuân.

Quỳnh Lâm thượng khách sầu hà sự?

Kim cổ phù không nhất điểm vân.

Vãng lai vũ trụ cánh thùy lân,

Sơn sắc hồ quang tự tại xuân.

Hứng chí phong lưu như thử dạ,

Bất phương hoán tỉnh mộng trung nhân.

Tang hải hà thường huống nhất lân,

Bằng cao mỗi khổ độc thương xuân.

Thao thao quá tục xuyên tương tự,

Vạn cổ thùy phi khả phỏng nhân.

(Thế lại đời qua, người lại người,

Mỗi năm xuân lại một xuân tươi.

Quỳnh Lâm tao khách sầu chi vậy?

Muôn thuở mây trời, một áng trôi!

Vũ trụ đi về bạn với ai?

Ánh hồ sắc núi vẻ xuân tươi.

Phong lưu hứng thú như đêm ấy,

Giấc mộng nề chi chẳng thức người!

Dâu bể không thường nữa láng giềng,

Lên cao thêm khổ tiếc xuân riêng.

Mênh mông sóng nước sông trôi mãi,

Muôn thuở ai người chẳng đáng quen)(15)

 

Khác mọi bài thơ trong chùm ký giàu chất liệu hiện thực, Quỳnh Lâm động chủ ký lại giàu chất truyền kỳ. Tuy vậy chính trạng thái tâm lý mơ màng, không gian huyền ảo và cốt truyện hư hư thực thực đã đem đến nét mỹ cảm đặc biệt, hấp dẫn mà những tác phẩm ký khác của Ngô Thì Sĩ không có.

Thăng Long có một vị trí quan trọng đối với tuổi trẻ và những sáng tác thời trẻ của Ngô Thì Sĩ. Những tác phẩm được ông viết trong thời gian này dù cũng thể hiện nỗi băn khoăn, trăn trở, nhưng vẫn toát ra sự tươi mát, hồn nhiên, có phần phóng khoáng và hào hoa. Ở đấy người ta nhận ra một Ngô Thì Sĩ yêu đời, “nhập cuộc”, rất có trách nhiệm với nhân thế và với chính mình. Và cũng chỉ ở chùm văn thơ ấy mới có thể tìm thấy một Thăng Long trẻ trung, mơ màng, giàu chất lãng mạn, điều mà trong thơ văn Ngô Thì Sĩ sau này khó có thể tìm lại được.

*

* *

Ở giai đoạn thứ hai: làm quan ở Thăng Long, và từ đó về sau, Ngô Thì Sĩ thực sự là một quan chức tận tâm và tài năng. Ông vốn là người hăng hái làm việc, là vị quan luôn ý thức rằng kẻ ăn lộc nước gắn bó mật thiết với cuộc sống yên lành của "dân đen". Ông thường nghĩ đến người dân với một niềm biết ơn. Đó là một quan niệm tiến bộ. Thực ra mối quan hệ giữa dân chúng và những người cầm quyền bao giờ cũng được nhà nước phong kiến chú ý. Các lý luận gia phong kiến từng rút ra kết luận rất sâu sắc "kẻ đẩy thuyền là dân mà người lật thuyền cũng là dân", song ý thức "lao tâm trị người, lao lực bị người trị" của xã hội đã khiến người dân luôn ở vào cái thế chịu ơn, thụ động, không tự chủ được số phận mình. Quan niệm của Ngô Thì Sĩ có phần khác. Lòng biết ơn người làm ra của cải nuôi sống mình khiến ông nghĩ về họ một cách sâu sắc, lời phê phán những kẻ quan lại không làm tròn sứ mạng của mình cũng gay gắt và chân thành, không phải chỉ là những lời trang sức: "Còn như dung túng bọn cường hào, lừa gạt kẻ mồ côi, gái góa, khéo dùng văn án để buộc tội, tài lấy của đút lót để làm giàu, không đoái nghĩ đến gốc của nước, không một chút lương tâm nghĩ đến làm chỗ dựa cho dân, chỉ cốt vơ vét đầy túi tham rồi chở đi, những kẻ như thế chỉ để lại tiếng xấu, nỗi thẹn với non sông, là con mọt lớn của quốc gia. Bọn ta bất tài còn không nỡ làm huống nữa bậc quân tử" (16).

Khi làm khảo quan, với đồng nghiệp ông nhấn mạnh phải gắng giữ "một điểm lương tâm "để thực hiện "công đạo", không lừa dối quỷ thần, bởi vì: “Người ta nói rằng kẻ thành đạt là khảo quan / Thì hơn người chưa thành đạt là sĩ tử / Nếu đem "cái thế" người đã thành đạt hại người chưa thành đạt / Thì người chưa thành đạt bao giờ mới nên danh?” (Ngẫu thành thất ngôn cổ phong trường thiên thị lưỡng Viện). Ngô Thì Sĩ cũng đưa ra nhiều dự án, đề nghị sửa đổi về các mặt: thuế khóa, khai hoang, chỉnh đốn văn thể, thay đổi chính sách, chấn chỉnh các cấp quan liêu... Ông mong muốn “vua làm hết phận vua, tôi làm hết phận tôi" để cứu vãn tình trạng bê bối của xã hội Bắc Hà đương thời, nhưng rất tiếc ở hoàn cảnh ấy ý muốn hay tài năng một vài cá nhân không dễ gì xoay chuyển nổi cục diện. Tuy vậy, riêng phận sự mình, Ngô Thì Sĩ vẫn tận tụy với công việc. Làm Đốc đồng Thái Nguyên, ông nhận ngay ra vấn đề cấp bách là chính sách đối với Hoa kiều ở mỏ Tống Tinh. Ông đã đề nghị một phương án đối phó, chế ngự nhằm giữ gìn tài nguyên, thu thuế và giữ gìn trật tự an ninh của đất nước. Đến Thanh Hoa chỉ mấy tháng ông đã giải quyết xong những vụ án ngưng trệ hàng mấy năm, khiến cho dân được yên ổn làm ăn, lại có thì giờ để dạy học trò. Làm Đốc trấn Lạng Sơn trong hoàn cảnh nông dân bỏ làng phiêu bạt, ruộng đất hoang hóa, người đói, phu phen tạp dịch chồng chất, chỉ hai năm chấn chỉnh ông đã đưa được dân trở về với ruộng đồng khiến cho bản làng có màu vàng của lúa chín, sự no ấm của cót vựa đầy thóc gạo và các chợ phiên, các buổi hội vui. Ở Sử quán một năm ông đã cùng một nhóm sử gia soạn xong bộ Đại Việt sử ký tục biên và có thể cũng đã hoàn thành bộ Đại Việt sử ký tiền biên của riêng mình. Sang Ngự sử đài chỉ trong mấy tháng ông đã có hàng loạt bản điều trần trong đó đề cập đến hầu hết các vấn đề cấp bách của công việc chính sự ở Bắc Hà với đầy đủ những số liệu quan trọng và cần thiết. Ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề nông dân, đến tình trạng phiêu dạt và nạn "chết đói gối nhau trên đường" mà người ta không chỉ gặp ở một địa phương. Theo ông, người nông dân cùng quẫn quá mới phải nổi loạn, do vậy ông đề nghị phải tìm cách trả nông dân về với đồng ruộng, hạn chế nạn bao chiếm ruộng đất của bọn hào cường, ngăn cấm quan lại tham nhũng...

Ngô Thì Sĩ là một chính khách am hiểu thực tiễn mà không phải nhà “đạo đức” khuôn sáo. Ông rất thấu hiểu “con người”, bàn về lệ cấp bổng lộc đời Lý, ông cho rằng không thể để cho người làm quan “trong năm được mùa mà con kêu đói, năm trời ấm mà vợ kêu rét”. Cho nên trong Kinh thi có bài thơ Bắc môn quan lại than cảnh nghèo thì cũng có bài thơ Đại đông người dân chỉ trích lòng tham, theo ông đó là điều thường tình của người đời, “Triều đình có gia ơn cho người làm quan thì người làm quan mới gia ơn cho dân được”. Từ đó ông rút ra một triết lý mang tầm chiến lược: “Đem đạo thánh hiền để trách thói đời, không bằng đem đạo bình thường để sửa đổi lòng người”. Nhưng nói về “Việc trị nước thì nuôi dân là trước hết. Bớt quan lại, định bổng lộc, đó chính là việc đầu tiên để nuôi dân”. Mong muốn thế mà không sao làm được, bởi tình trạng chính sự Bắc Hà bấy giờ đã đến tận độ của sự rối ren.

Ngô Thì Sĩ vừa tham chính vừa trước tác. Ở ông song hành hai tư cách: một quan chức phong kiến, một văn nhân. Hai tư cách ấy gắn bó, bổ sung cho nhau. Những điều ông suy nghĩ, dự định trong công việc một phần được thể hiện trong trước tác. Những việc ông đã làm được, những biến cố lớn trong gia đình, trong cuộc đời cũng đều được ông ghi lại trong tác phẩm. Hơn hai ngàn trang sách với các thể loại phong phú trong hai ngành văn và sử sẽ cho người đọc ngày nay hiểu được rất nhiều điều về xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII, về số phận con người và về chính bản thân Ngô Thì Sĩ. Ông thực là một chính khách vững vàng, một quan chức có tâm huyết, nhưng ở tư cách một nhà trước tác, một nghệ sĩ, ông cũng xứng tầm một tác gia lớn của thế kỷ XVIII.

Phải nói, ngòi bút viết sử của Ngô Thì sĩ thật sắc sảo, “kỹ lưỡng, có kê cứu”(17) một cách khoa học. Ông để lại một thành tựu sử học đáng khâm phục với 5 tác phẩm chính: Đại Việt quốc thống ca (viết tắt là Thống ca), Việt sử tiêu án (viết tắt là Tiêu án), Đại Việt sử ký tiền biên (viết tắt là Tiền biên), Đại Việt sử ký tục biên (viết tắt là Tục biên) và Nam quốc vũ cống (viết tắt là Vũ cống). Tiêu án được viết trong những năm Ngô Thì Sĩ bị cách chức (1772 – 1775); Tục biên là một công trình tập thể, ông viết cùng Phạm Nguyễn Du (1740-1786), Ninh Tốn (1743-?), Nguyễn Sá theo lệnh Triều đình năm 1775, do Lê Quý Đôn (1726-1784), Vũ Miên (1728-1782), Nguyễn Hoản (1713-1792) phụ trách. Tiền biênNam quốc vũ cống cũng có thể được hoàn thành trong thời gian ông ở Sử quán, riêng Thống ca thuộc loại sử ca, gồm 126 khổ thơ bốn câu bảy chữ, trình bày tóm tắt các sự kiện lịch sử quan trọng và trình tự các triều đại nhưng chủ yếu là bình giá các nhân vật và các “nhà” trong lịch sử. Chưa rõ niên đại nhưng có thể đoán tác phẩm được viết đồng thời với Tiêu án.

Ngô Thì Sĩ là nhà viết sử đầu tiên bác bỏ thuyết Triệu Đà là vua nước Nam và chỉ ra Đà có tội lớn đối với nhân dân ta: “Duy đối với nước ta thì Triệu Đà không có công gì mà còn là mối họa đầu tiên vậy” (Tiêu án). Tìm tòi, khảo cứu, nghi vấn, phát hiện và không ngại nói khác những thuyết đã được các bộ sử chính thức ghi nhận đã trở thành bản lĩnh ngòi bút chép sử của ông. Trong những trường hợp chưa đủ cứ liệu thuyết phục thì ông bày tỏ ý kiến của mình qua những lời bình, xem đó là nơi để bộc lộ sự khác nhau giữa mình và các nhà sử học khác. Nổi lên trong tất cả các tác phẩm sử học của ông là lập trường dân tộc. Ông chú trọng đến chiến công chống ngoại xâm giữ nước, thành tựu bang giao làm cho địa vị nước nhà được khẳng định, chủ quyền dân tộc được giữ vững.

Trên phương diện sử bút, Ngô Thì Sĩ không chỉ đóng góp về sử liệu, sử quan mà còn cả về mặt thể tài. Tiêu án là một thể tài mới, một tác phẩm chủ yếu là phê bình sử. Ông cũng đã bàn đến những vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận trong phép làm sử, như mối quan hệ giữa dã sử, truyền thuyết và chính sử. Theo ông việc xử lý những tư liệu lấy từ các thể loại này cũng như từ truyện cổ cần được cân nhắc, cốt để lý giải những niên đại xa xôi, mờ mịt thời hồng hoang của dân tộc, nhưng phải sao cho không trái với một bộ “tín sử”. Vì lẽ đó Phan Huy Chú (1782-1849) đã từng khen Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ đã “sửa chữa những chỗ sai lầm của sử cũ, cách viết kỹ lưỡng, có kê cứu” (18).

Một điểm nữa làm nên đặc sắc trong ngòi bút chép sử của Ngô Thì Sĩ là chất văn học. Điều đó thể hiện ở cách trình bày sự kiện sinh động, hấp dẫn, ở cách chọn lọc và kết cấu tư liệu, ở văn phong hùng biện mà trữ tình, lập luận chặt chẽ và tràn đầy xúc cảm trong những lời bình mà thực chất là những trang nghị luận về chính trị hoặc văn chương. Do vậy, đọc Tiêu án ta thường bị cuốn hút theo các sự kiện, thậm chí cùng buồn vui, tiếc giận hoặc được khích lệ mà đồng tình với tác giả cùng người trong cuộc. Trong các bộ sử của Ngô Thì Sĩ, Tiêu án vẫn được các học giả thời trước chú ý và đánh giá cao. Đây đúng là cuốn sách thể hiện rõ nhất quan điểm và tinh thần khoa học, tinh thần khảo cứu và cả văn phong của Ngô Thì Sĩ. Với Tiêu án, ông đã đóng góp tiếng nói riêng của mình về lịch sử dân tộc và phần nào về một vài tác phẩm văn học thời Lý - Trần. Ông nêu một phương hướng, đúng hơn là gợi ý đến việc sử dụng loại phê bình sử để đi vào sử học. Điều đó có ảnh hưởng nhiều đến các sử gia đời sau nhất là với dòng họ Ngô. Nhìn chung, trong giới sử học thời Cổ trung đại, Ngô Thì Sĩ có lẽ là người đặt lại nhiều vấn đề trong cách nhìn lịch sử, cũng là một tác gia vào loại nhất về số đầu sách, về thể loại, và là người có những nét riêng trong bút pháp.

*

* *

Sáng tác của Ngô Thì Sĩ gồm ba bộ phận: văn xuôi, văn vần và biền văn. Văn xuôi chữ Hán được tập hợp thành Ngọ Phong văn tập bao gồm các bài ký, tựa, văn bia, văn tế, sách, chế và khải, điều trần. Sách chế là những bài viết theo lệnh vua chúa để ban phong, mừng tặng, răn khuyên, phần lớn đều liên quan đến công việc của Triều đình; phần còn lại thể hiện những suy nghĩ, hoài bão, trăn trở của ông về hiện tình xã hội, tình cảm đối với bạn bè, gia đình, tình yêu thiên nhiên, quê hương, quan niệm về cuộc sống, những xúc động trước mọi điều “tai nghe mắt thấy” trong cuộc biến đổi bể dâu. Văn vần và biền văn tập hợp thành Anh ngôn thi tập (thượng và hạ), Anh ngôn phú tập và một bài thơ Nôm lục bát nghị luận về “binh dân” (Binh dân luận)(19), 312 câu, viết năm 1768 khi ông đang ở Thanh Hoa, theo lệnh chúa Trịnh trình bày quan điểm về phép nuôi quân và chăm sóc dân. Ngô Thì Sĩ cho biết, thời trẻ ông có sáng tác truyện thơ nhưng tác phẩm không còn, bản thân ông chỉ nhớ được mấy câu, sau này đưa vào một bài thơ. Ông cũng sáng tác một số ca khúc. Khi Phan Huy Ích (1750-1822) làm quan ở Thanh Hoa, những lúc chán nản thường lên thuyền thuê ca nữ hát những khúc ca ấy, chỉ tiếc Phan Huy Ích cũng không ghi lại nên ngày nay không rõ những tác phẩm ấy như thế nào. Song căn cứ vào ý tứ trong thơ văn, ca từ viết bằng chữ Hán và bài Nôm luận bàn về binh dân thì có thể tin rằng thơ ca Nôm của Ngô Thì Sĩ cũng đã đóng góp một phần vào sự phát triển của dòng thơ ca tiếng Việt thế kỷ XVIII.

Tác phẩm của Ngô Thì Sĩ tập trung vào bốn đề tài lớn: nông thôn, kẻ sĩ, quan chức, tình yêu và hạnh phúc gia đình. Bốn mảng đề tài đó trong văn học các thế kỷ trước cũng đã được đề cập đến, nhưng ở thi sĩ họ Ngô – đó là cách lý giải, nhìn nhận có nhiều đặc sắc riêng, là những nét phác họa chân thực về thiên nhiên, xã hội Bắc Hà thế kỷ XVIII, và là sự bộc bạch chân thành “cái tôi” cá nhân nhà văn.

Nông thôn là một đề tài quen thuộc mà đối với văn nhân bất cứ thời đại nào cũng đem lại những cảm hứng nghệ thuật sâu đậm và thường dành cho nó một số trang quan trọng. Nhưng nét khác biệt ở Ngô Thì Sĩ là ngoài cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp, nơi "lẩn trốn" của các ẩn sĩ với cuộc sống "an bần lạc đạo", tự do thích thảng, còn có một nông thôn thật sự vất vả, tình trạng riêng của Bắc Hà thế kỷ XVIII. Đó là sự phá sản của nông dân và cảnh bế tắc cùng quẫn của họ. Người nông dân chân chất là thế, thôn xóm thanh bình là thế, lúc này đang bị đẩy vào chỗ bần cùng. Kẻ bỏ làng đi lang thang kiếm ăn thì chết đói trên đường, người trở thành trộm cắp, thậm chí "làm giặc" cũng sẽ bị chết vì chém giết, tên đạn... Ngô Thì Sĩ nhận thức vai trò quan trọng của người nông dân trong xã hội. Từ thời trẻ ông đã nghĩ: “nông đạo là đạo sinh ra cùng với trời đất”; về sau ra làm quan, dù ở Ngự sử đài hay ở trấn, ông đều chú ý đến tình cảnh người dân. Ông rất có ý thức trình bày với chúa Trịnh vai trò quan trọng của dân và phương thức chăm lo cho đời sống người dân, đặc biệt là nông dân. Trong bài văn Nôm dâng lên chúa năm 1768, ông nói về sự ngu dốt của quan lại, lo ăn chơi xoay xở mà thờ ơ trong việc trị dân:

Chữ dưỡng dân học chưa tường,

Ròng có một đường cờ bạc muông săn.

Xúc điêu toa kiện kiếm ăn,

Trị dân những lấy thế thần mà giơ.

Trong thiện chính đã thờ ơ,

Làm dân cao kiệt bấy giờ mới thôi (20)

 

 

Sau này khoảng những năm bảy mươi, tám mươi, vấn đề nông dân càng nổi lên gay gắt, Ngô Thì Sĩ đã nhiều lần “kêu cứu” với Phủ chúa tình trạng khẩn cấp rất đáng lo ngại đang đe dọa cuộc sống người nông dân toàn bộ đồng bằng Bắc Hà và các phiên trấn. Trong Bảo chướng hoằng mô, tác phẩm gồm những bài điều trần, khải, gửi lên Phủ chúa, ông nêu những số liệu rất xác thực cụ thể: “Thần phụng xét các xã, thôn, trang, sách, phường, ao trong bốn trấn, cộng có 9.668 đơn vị. Nay số phiêu tán mất tích là 182 xã; phiêu tán vẫn còn dấu vết đáng được chiêu tập là 443 xã; mất tích rồi lại hợp với dân các vùng trù mật là 373 xã; những nơi chưa chịu nổi thuế là 78 xã. Tổng cộng số dân điêu tàn, không chịu nổi thuế tô, dung, điệu không dưới 1.070 xã, tương đương với số xã một trấn lớn” (21).

Điều đáng lo ngại hơn nữa là đà phá sản trượt dài đó của nông dân chưa có cách gì ngăn lại. Những nhà hào mục và dân giàu có còn lợi dụng việc dân nghèo phiêu tán để chiếm ruộng công và ruộng riêng của họ rồi đẩy họ vào tình thế “Kẻ nghèo thì thành cùng, kẻ cùng thì phiêu lưu, vất vả gian nan ngày càng tệ”(22). Bốn trấn đồng bằng đã vậy, Thanh Nghệ là đất thang mộc cũng không khá hơn, Lạng Sơn là một trọng trấn, giáp biên giới tình trạng lại càng trầm trọng. Trong một bản điều trần, từ tư cách một Đốc trấn xin “Khu xử việc biên cương”, ông đã nêu lên hiện trạng cấp bách của xứ Lạng: “núi nhiều ruộng ít, dân hộ rất thưa, so với bốn trấn mới ngang một huyện lớn. Cày cấy mỗi năm chỉ một mùa, vụ mùa bị mất thì vụ chiêm không có. Người Nùng người Thổ cùng nhau chịu sai dịch, chốc tụ chốc tan. Người Nùng bỏ đi thì người Thổ cũng chịu không nổi mà tan theo. Vả đường sứ thần qua lại ba năm một kỳ, phiền vì phu dịch, phí vì cung ứng, sức người sức của không bao giờ được nghỉ ngơi. Lính chính binh không thể đủ suất mà khổ về đòi hỏi, đinh phu không thể đi lâu mà khốn về thuê mướn. [...] Lại thêm thường năm bị hạn, trăm thứ thuế má, không thể sống được, đến nỗi dân phải ăn rau cỏ, củ nâu mà cũng không thể kéo dài được. Họ dắt díu nhau đi đầy đường, thây chết đói chồng chất” (23).

Từ hiện tình của đất nước, Ngô Thì Sĩ đã có một cách nhìn khác về nạn trộm cướp, “giặc cỏ”. Theo ông, nguyên nhân khiến người nông dân phải nổi dậy chính vì “nếu không khốn đốn vì đói rét thì cũng bức bách ở công việc”. Qua những bản điều trần, Ngô Thì Sĩ đã vạch ra quá trình bần cùng hóa của nông dân, và rộng ra là cả thương nhân cũng như dân vùng bể; có thể tóm tắt như sau: thiên tai mất mùa, thuế má lao dịch nặng nề, nha lại lính tráng sách nhiễu, cường hào cướp đoạt ruộng đất, luật lệ lỏng lẻo tuỳ tiện, các cơ quan tư pháp và chính quyền cấp trên quan liêu, ăn hối lộ, xét xử không công minh, người dân lương thiện do vậy bị đẩy vào tình trạng nghèo túng dần dần đến phá sản. Họ dẫu ở lại làng cũng khó sống nổi, nhiều người chỉ còn cách lựa chọn giữa hai con đường, hoặc bỏ làng ra đi phiêu bạt rồi cũng đến chết đường vì đói rét bệnh tật, hoặc trở nên hung hãn bất lương, tụ họp cướp bóc, bất chấp đạo lý, pháp luật. Nếu như một mặt, ông vẫn chủ trương cần phải dẹp yên các cuộc nổi dậy của “giặc” Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương, Hoàng Công Chất... thì mặt khác, chỗ khả thủ của ông là đã thấy được trách nhiệm của giới cầm quyền trong việc đẩy người nông dân vào con đường “phản loạn” đó: “Mấy năm lại đây hạn lụt kế tiếp nhau, nông tang trái vụ; kẻ hết sức cấy cày thì khổ về mất mùa, kẻ buôn bán thì khổ về hoang tàn mà dân vùng bể càng khổ hơn. Lại thêm bọn lại sở tại tham nhũng, sai dịch phiền hà không đúng lúc, kẻ nghèo cùng trong làng xóm thì không có niềm vui sống. Cho nên có người khốn vì không chốn nương tựa phải tìm đến cách sống tạm bợ qua ngày, kẻ có lỗi lầm thì sợ không có đường hối lỗi nên cố tử, khó mà dẹp được. Kỳ thực bản chất vốn không phải muốn chia đất chia dân, cũng vị tất mọi người đều thích đánh nhau, thích quấy phá mà cam làm điều ác”(24). Ông cũng không tán thành chỉ duy có biện pháp đánh dẹp, và thực lòng xót xa trước tình cảnh nhiều nơi “thây chết nằm gối nhau trên đường”. Ông tha thiết đề nghị với chúa Trịnh phải tìm mọi cách đem ruộng đất lại cho dân và đưa nông dân trở về với đồng ruộng, phải chẩn cấp cho dân những khi thiên tai mất mùa (Cho nên trong Tiêu án, ông khen Trần Hiến Tông lập kho thóc để chẩn cấp cho dân và chê Trần Dụ Tông chỉ biết lập Phong đoàn để chuyên đánh bắt trộm cướp...). Đó là những đề xuất thực tế và cũng là tâm huyết của Ngô Thì Sĩ.

Những vấn đề muôn thuở về trí thức trong bất cứ triều đại nào (trung hay nịnh, liêm khiết hay tham ô, tài đức hay bất tài vô sỉ, chính trực hay bè đảng) đã được Ngô Thì Sĩ xem xét một cách toàn diện. Những gì ông nêu ra trong Bảo chướng hoằng mô không chỉ là thói xấu của một vài cá nhân mà đã trở thành tệ nạn của bộ máy cầm quyền nhìn một cách nghiêm khắc từ nhiều phía. Trong phần trình bày về nông dân, ông đã tố cáo sự hư nát của tầng lớp quan liêu, nha lại lính tráng cấp dưới. Dưới ngòi bút phê phán của ông chúng thực sự là bọn người vô lương tâm, tham bỉ, vơ vét của dân một cách ti tiện. Chúng quấy nhiễu người dân nghèo khổ từ bữa cơm, bớt xén từng đồng tiền, cho đến mưu toan cướp đoạt tài sản, ruộng đất của họ. Những bậc nhân quan, liêm quan thường phải cố gắng làm sao cho trong hạt “vô sự”, thế mà trái lại, nhiều quan chức đương thời lại thèm muốn những vụ kiện cáo như người dân miền núi khát muối “Gặp được nhà kiện như Lào thấy diêm”! Tuy chưa hẳn là chúng liên kết có chủ đích nhưng thực tế đã hô ứng nhau đè nén bóc lột người dân cho đến “cạn kiệt mới thôi”, để rồi một cách gián tiếp đã đẩy họ ra khỏi làng. Nhưng Ngô Thì Sĩ không chỉ dừng lại ở đám nha lại, hào cường cấp dưới. Trong hai bài khải Điều trần bốn việc Tình hình sự vụ đương thời, ông đã nói thẳng vào chuyện trọng yếu nhất là chế độ tuyển chọn người cai trị. Nhà nước phong kiến vốn coi trọng thi cử, coi đó là cách chủ yếu để tuyển lựa nhân tài và là gốc của mọi đường lối chính sách quốc gia. Ngô Thì Sĩ chỉ rõ ra sự hỏng nát cũng bắt đầu từ đấy. Theo ông việc bố trí học quan các cấp đã không được tinh, chuẩn, đề thi cũng tùy tiện cẩu thả, chỉ cốt đánh đố học trò: “Moi móc những điển tích sâu kín, phải chăng người hỏi cốt tìm chỗ học trò không thể nhớ được mới cho là tài mà học trò làm bài cũng chỉ cốt cạn gần dễ dãi, cầu sao trúng được “tủ” của quan trường là hay; quốc sử và thời sự chẳng qua chỉ trả lời qua loa cho xong chuyện, không việc gì thích dụng đáng chọn mà tứ văn cũng không có gì đáng xem...”(25). Tình hình thi cử như thế, tất nhiên đưa đến hệ quả “Người có học thức thì đem sức thừa chia cho người khác, người không có kiến thức nhờ bài “gà” cũng may mà trúng được. Cho nên người ở trường ra văn lý ít bài khả thủ. Thậm chí có người giỏi thì bị hỏng, người dốt lại may mà đậu”(26). Ngô Thì Sĩ cho rằng “văn thể ngày càng thấp kém, nhân tài ngày một mòn mỏi”, nếu không chấn chỉnh thì “e rằng vài mươi năm sau sẽ rơi vào hư nát”.

Trong thơ văn Ngô Thì Sĩ, người học trò, tầng lớp thanh niên trí thức thường xuất hiện mang theo bóng dáng của chính tác giả. Một anh họ Ngô bị con ma nghèo mang áo tơi nón rách đeo đuổi quấy nhiễu đến nỗi nhà cửa rỗng không như cái lầu treo khánh, một anh Cống Trai ngờ nghệch nghèo đến nỗi bạn cũng ngoảnh mặt đi. Chàng thư sinh đi học không còn chỉ với một trách nhiệm “kinh bang tế thế” mà còn có nghĩa vụ với vợ con, gia đình. Đi học, làm quan cũng là một nghề, thành công hay thất bại của họ ở trường thi liên quan đến cả gia tộc.

Thế nhưng, họ đâu phải là những sao “Vũ khúc”, tiên đồng giáng trần. Tài năng của họ, kể cả người đã có một địa vị nào đó trong chốn quan trường, cũng chỉ vào loại bình bình thôi, hơn nhau ở chỗ chịu khó học hành và có chút may mắn nữa: “Xin quan nhân nhớ lại lúc ngài đi thi / Văn lý của quan năm ấy cũng chỉ thế thôi / Kẻ tài trung bình thì nhiều, người tài cao khó kiếm / Huống nữa trong chốn thi cử bức bách / Ở nhà mười phần ở trường chỉ được một / Vội vàng làm xong quyển thật là gay”(27). Đã thế họ lại thường là nạn nhân của tình trạng quan trường tài nông đức cạn, nhiều khi chỉ vì một điển cố lạ chưa tra cứu được, hoặc vì một số từ mà quan cho là “cũ”, thậm chí có khi chẳng có lỗi gì nhưng cứ phê bừa là “nhiều từ non” để gạt bỏ quyển thi của thí sinh. Ngô Thì Sĩ nghĩ ngợi rất thấu đáo về trách nhiệm cầm cân nảy mực của quan chấm trường “hà tất cầm dao mới là giết người”, nên ông nhắc các khảo quan “về một điểm lương tâm” và cảnh báo họ những dư luận trong xã hội: “Người ta nói rằng kẻ đã thành đạt là khảo quan / Thì hơn người chưa thành đạt là sĩ tử / Nếu đem cái thế của người thành đạt mà hại người chưa thành đạt / Thì người chưa thành đạt bao giờ mới thành danh” (28).

Nhìn chung, Bảo chướng hoằng mô là một tập văn nghị luận có ý nghĩa đối thoại sâu sắc. Tác phẩm đã động chạm đến hầu hết các hàng quan chức từ nhỏ đến lớn, và cao hơn hết là nhà chúa với tất cả các lệnh, dụ bao trùm toàn bộ sách lược đối nội và đối ngoại. Với mục đích thiết thực và hạn chế là vạch ra những điều cần sửa, nêu lên những biện pháp cần chấn chỉnh, cốt sao "vua làm hết phận vua, tôi làm hết phận tôi" để cho người dân có thể sống được và có niềm vui cuộc sống, thực chất Ngô Thì Sĩ đã phải đấu tranh với những người trong tầng lớp của mình. Không dễ dàng khi phải nói những điều "trái tai" nhưng lại đúng là sự thật đang tồn tại, diễn biến trong thực tế với đồng liêu, cấp trên, cấp dưới, thậm chí cả bậc cao nhất là chúa Trịnh. "Nói thật mất lòng", đó là lẽ thường, song mất lòng chúa, động chạm đến quyền thần thì không phải ai cũng có đủ dũng khí và "khôn ngoan" để nói thực nói đúng. Chính vì thế Ngô Thì Sĩ đã phải chọn một cách viết sao cho rõ ràng minh bạch mọi sự thực nhưng lại không đao to búa lớn; phải nhắm tới sức thuyết phục của tác phẩm, bằng cách vừa tác động vào nhận thức lý trí vừa khêu gợi sự rung động tình cảm ở những người có trách nhiệm. Ông đã khéo léo nêu liên tiếp các sự kiện, chúng hô ứng nhau, chồng chất, tạo thành tính hệ thống của vấn đề. Thêm vào đó là những đoạn mô tả giàu hình ảnh, trữ tình nhằm khêu gợi chất nhân bản trong mỗi con người. Có thể nói Bảo chướng hoằng mô ngoài tác dụng phê phán, đánh vào lòng tự trọng, trách nhiệm của kẻ có chức có quyền còn làm được việc khuyến khích tính tích cực ở họ, nâng đỡ họ vượt lên chính mình để có thể làm được chút gì có ích cho dân cho nước. Do tính chất "đối nội" như vậy nên Bảo chướng hoằng mô thiếu cái sắc nhọn quyết liệt của giọng luận chiến giữa những bên đối địch, nhưng nó lại tạo được sức mạnh ở giá trị xác thực của tư liệu, tính hệ thống của vấn đề, ở cách phân tích cặn kẽ thấu đáo và một thái độ chân thành thẳng thắn nhưng mềm dẻo, kiên quyết mà điềm tĩnh, lập luận thắt buộc song gợi cảm. Tác phẩm đem đến một số nét mới cho dòng văn nghị luận văn xuôi chữ Hán thời Cổ trung đại.

Bên cạnh đó, trong thơ văn, Ngô Thì sĩ còn thể hiện một con người thơ rất mực đa tình. Trong cách nhìn của Ngô Thì Sĩ, ông và những bạn bè ông, những kẻ sĩ, đều mang nòi tình cố hữu ấy. Họ rất có ý thức hưởng thụ cuộc sống, dù trăm công nghìn việc vẫn dành những phút nghỉ ngơi, thư giãn, đắm mình cùng thiên nhiên, vui vẻ cùng bè bạn. Đã có những đêm diễn trò trong nội sảnh động Nhị Thanh “người Kinh hát tiếng Kinh, người Thổ hát tiếng Thổ”, bất chấp gió mưa; những buổi Hội Quan Lan họp mặt làm thơ, uống rượu, thưởng trà “không bàn việc chính sự, không nói chuyện người vắng mặt” trên chòi Xem Sóng ở núi Bàn A, Thanh Hoa; những đêm ở Kinh thành vào tiết Trùng dương có rượu chờ bạn nhưng “mưa gió đầy thành” khiến cho “người áo trắng” không đến(29)... Đặc biệt, ông đã dành một mảng thơ văn không nhỏ để nói về tình yêu nam nữ, những tình cảm riêng tư trong chốn buồng khuê. Đây là một đề tài mới mà Ngô Thì Sĩ đưa vào văn thơ. Tác phẩm tiêu biểu của ông về đề tài này, Khuê ai lục, là một tiếng khóc vợ mà theo cố Giáo sư Nguyễn Đổng Chi đã mang màu sắc cận đại. Ở đấy tác giả kể lại mối tình của mình với người vợ trẻ, từ khi gặp gỡ, đến những ngày chung sống hạnh phúc ngắn ngủi và sự ra đi quá sớm của nàng sau khi sinh nở mà ông vì việc quan vắng nhà, không có mặt ở bên nàng. Đang ở Nghệ An, nhận được tin dữ, “ông tất tả ra ngay mong được nhìn mặt nàng lần cuối”(30). Những dòng nhật ký vội vã trên đường đi trong Khuê ai lục cho ta thấy rõ cái tâm trạng sốt ruột và nỗi thất vọng ngao ngán của mình trên con đường từ Thanh Hóa đến Thăng Long, đồng thời cũng cho thấy bút pháp gấp gáp rất gần với hiện đại của Ngô Thì sĩ: “Ngày mồng 8 đến chợ Quang Lãng Tống Sơn thấy đầy tớ là Phượng Lộc từ kinh đến mang thủ thư của Phó sứ là con đích ta, nói bệnh của thứ thất ngày một giảm dần, mười phần không lo [cả mười], mong rằng việc tiến kinh cứ đi thong thả. Ta được thư vừa mừng vừa sợ như cuồng, tạm cho mọi người nghỉ ngơi. Lúc đó một lòng ưu niệm vẫn không thể ngăn được. Lại lặn lội đêm hôm vượt núi Tam Điệp, đến canh tư mới đến đồn Lôi Tả tạm trú lại. Sáng sớm ngày mồng 9 lại đi, vì mọi người mệt quá nên đi hơi chầm chậm. Ngày đó lại đi cả đêm. Ngày mồng 10, giờ thìn đến Châu Cầu, sau giờ thân đến Bài Lễ ăn cơm. Lại đi đêm đến cầu Văn Tự. Hết trống canh ba mọi người đều nói không đi bộ được, mới thuê thuyền đến Thịnh Liệt. Ngày 11 giờ tuất đến kinh, thì [mới biết] thứ thất đã mất giờ thìn ngày 10 và giờ hợi trong ngày đó đã nhập quan. Bình sinh ở với nhau không rời một bước, một lần xa nhau mới vừa hai tháng lúc về nhà chỉ còn vỗ áo quan. Trời chăng? Người chăng? Thời chăng? Mệnh chăng? Than ôi còn nói gì nữa!”(31).

Trong ký ức của Ngô Thì sĩ, người vợ thứ này là con người giàu lòng vị tha, biết quán xuyến việc nhà và chăm chút đến sự nghiệp của chồng, nhưng cũng là người bạn tri âm tài hoa, biết giảng sách, ngâm thơ, giỏi múa hát. Qua thơ và văn, Ngô Thì Sĩ thực đã vật vã với nỗi đau mất mát của mình, nhiều khi chìm đắm trong cô đơn trống trải, tiếc thương sầu muộn. Ông nhiều lần nhắc tới cảm giác đơn côi “một mình”. “Một mình” ngủ nơi nhà mộ khi vợ mới mất, “một mình” trên thuyền tới nơi làm việc, “một mình” uống rượu nhưng lại úp chén xuống vì nhớ lại khi vợ còn sống thường khuyên can, “một mình” trong bữa tiệc mừng Nguyễn Nghiễm (1708-1776) về hưu rất đông quan khách, “một mình” làm áo giấy gửi về đốt cho vợ trong ngày giỗ đầu mà ông vì việc quan không về được... Hơn một lần, trong cả thơ lẫn văn, Ngô Thì Sĩ hối hận vì ông đã không sớm biết đánh đổi công danh để giữ lấy hạnh phúc: “Nếu sớm biết đi làm quan xa, ly biệt phải chuốc lấy nỗi khổ này thì một năm bỏ quan, có vì thế mà đắc tội cũng không ân hận”(32).

Có thể nói trong Khuê ai lục Ngô Thì Sĩ đã “gặm nhấm” nỗi đau, kể lại mọi cung bực tình cảm trước một nỗi mất mát mà mình không hiểu nổi và không thể chấp nhận. Nhớ về người đã khuất, ông lần giở mọi kỷ vật, kỷ niệm: quyển sách, cây đàn, bài ca, chiếc áo cũ, chiếc mũ, hộp phấn, con đường đã từng qua, ngắm con, căn buồng cũ và giấc mộng gặp gỡ (Thập tư - Mười nhớ). Nhưng tất cả chỉ đem lại cảm giác trống vắng, xót xa. Cảnh huống trái ngược chỉ càng khiến thương tâm, ví như khi ông bế đứa con nhỏ:

Tư quân vô kế ủng quân nhi,

Bồn nhục gian nan tưởng vãng thì.

Kim nhật mẫu vong cừ hạt thị?

Hi hi tiếu tiếu tổng hà tri!

(Thương nhớ, ta bồng đứa bé trai,

Gian nan sinh nở, trẻ ra đời.

Con nhờ ai nhỉ, không còn mẹ,

Mà biết gì đâu hi hí cười!)(33)

Đến cả giấc mộng cũng vô tình:

Tư quân vô kế mộng tầm quân,

Tương kiến thời vô nhật dạ phân.

Sát hận tầm thường vong khế khoát,

Thông thông kỷ hoạch tự ân cần.

(Thương nhớ tìm nàng trong giấc mộng,

Gặp nhau chẳng quản lúc đêm ngày.

Chỉ buồn nàng đã không hò hẹn,

Nàng bận lòng ta khó giãi bày)(34)

 

mười nhớ quá đau buồn nên ông quyết định “bất tất phải nhớ” (Thập bất tất tư): “Hiền thục như thế mà không thể có mãi được, tình ái như thế mà không thể giữ mãi được. Đó là số của người mất hay mệnh của kẻ còn? Tuy nhớ nhưng làm gì được số mệnh! Thôi thì không nhớ nữa họa chăng có thể tự khuây khỏa nỗi lòng”(35). Nhưng là nói thế, chứ nỗi tiếc thương lúc “không nhớ” lại càng da diết hơn:

Bất tất tư quân, lệ mãn y,

Nhân sinh như ký, tử như quy.

Bách niên tiền hậu như quân giả,

Cánh thậm Bành thương, thậm thị phi?

(Thương nhớ mà chi! Áo lệ đầm,

“Chết về, sống gửi”, cuộc trăm năm.

Xưa sau, những bậc như nàng nhỉ?

Câu chuyện Bành thương, liệu có nhầm?)(36)

Thương nhớ đến mức tưởng như có thể buông xuôi theo số phận:

Bất tất tư quân, bất bộ phường (phòng),

Tư quân ư đoản hạt ư trường.

Dữ quân dĩ định thiên niên kế,

Phần tẩm tương y, thế đế thường.

(Thương nhớ mà chi! Buồng để lạnh,

Cõi trần, thôi một thoáng mơ màng.

Sao bằng tính kế muôn năm nữa,

Phần mộ nương nhau, ngát khói hương)(37)

 

 

Khuê ai lục Ngô Thì Sĩ đã không ngần ngại kể ra những chuyện riêng tư "chỉ hai ta biết với nhau", đôi khi ông đã nhắc cả đến ấn tượng về một đường nét kiều diễm ngà ngọc, về cảm giác mơ hồ của một giấc mộng gặp gỡ, nỗi ân hận về những cái lỗi thường ngày như ham rượu không nghe lời khuyên của vợ, hoặc khi vợ đau ốm cần sự an ủi, chăm sóc thì ông lại vì mải công danh mà vắng mặt... Có lẽ ngay những ông chồng sành tâm lý thời nay cũng chưa chắc đã có thể chỉn chu được đến thế khi quan tâm đến tâm lý của vợ; mỗi khi nói hay viết điều gì ông đều cân nhắc xem có khiến vợ hiểu nhầm mà hờn giận hay không? (Khuê ai tiểu truyện). Và khi tang lễ đã xong rồi, phải để nàng ở lại mà đi ông cũng dặn dò rất ân cần, vừa mộc mạc vừa thiết tha: “…Từ đầu thu tới nay, trải đã hai mùa, việc quan việc quân bỏ bễ đã lâu, vả lại nhà đông người tiêu pha tốn kém, cái thế không thể lưu luyến mãi nơi nhà mộ. Từ biệt nàng ra đi lòng tôi như dao cắt...”(38).

Đọc Khuê ai lục người đọc có thể liên tưởng, có thể thấy sự gặp gỡ giữa nỗi đau buồn của Ngô Thì Sĩ với nỗi nhớ thương tiếc nuối lâm ly của Đông Hồ (1906-1969) trong Linh phượng ký hơn trăm năm sau. Đó chính là tính cận đại của Khuê ai lục và cũng là của thơ tình Ngô Thì Sĩ. Có thể nói không quá rằng Ngô Thì Sĩ là nhà thơ tình "có hạng" của văn học thời Cổ trung đại Việt Nam.

Mặc dù không thấy sách vở nào nhắc đến Khuê ai lục nhưng đọc các tác phẩm cùng thời có thể thấy ảnh hưởng của Khuê ai lục rất rõ. Trước hết là ảnh hưởng đối với người bạn thân của nhà họ Ngô: Phạm Nguyễn Du. Phạm Nguyễn Du cũng gặp nỗi bất hạnh như Ngô Thì Sĩ. Vợ ông chết trẻ khi ông còn chưa thành đạt. Đó là người vợ ông rất mực yêu thương, trân trọng, khi nàng mất, ông cho rằng "Tạo hóa đã mang đi một nửa thơm tho thanh khiết, chỉ để lại ông, một nửa si ngốc ở cõi trần". Vợ Phạm Nguyễn Du mất ở Thăng Long, ông thuê thuyền đưa linh cữu về quê, hành trình mất một tháng ròng. Ông viết Đoạn trường lục (Ghi chép nỗi đau đứt ruột), ghi lại thơ văn biểu lộ cảm xúc và văn chương nghi lễ trong suốt cả tháng tang lễ ấy, cách ghi chép giống như Khuê ai lục nhưng thời gian ngắn hơn. Thơ của Phạm Nguyễn Du trong tập này có thể trau chuốt, "văn chương" hơn Khuê ai lục nhưng dường như chính chỗ bộc trực, "thật thà" của Ngô Thì Sĩ lại dễ gây cảm giác "chân thực", thấm sâu hơn. Những năm cuối thế kỷ XVIII, Khuê ai lục, Đoạn trường lục, Nhâm thìn lục là một chùm tác phẩm khác lạ trên văn đàn. Ngô Thì Sĩ có thể xem là nhà thơ tình “có hạng” của văn học Việt Nam. Ông là người thực sự mở đầu dòng thơ tình Cổ trung đại Việt Nam nhưng tác phẩm lại đã mang màu sắc cận đại. Đó là điều mà riêng Ngô Thì Sĩ đạt được và điều đó sẽ tạo điều kiện cho tác phẩm của ông dễ dàng đến với hậu thế.

Ảnh hưởng của Ngô Thì Sĩ trong Ngô gia cũng rất rõ. Hầu như các tác giả của văn phái đều dành cho vợ những vần thơ, áng văn tình và nghĩa đều sâu nặng. Có hàng loạt tác phẩm về chủ đề người vợ: Khuê tư lục, Thu khuê, Hoài nội, Đăng trình kỷ muộn, Lâm trình ngữ nội, Tình khúc, Vĩnh Thuần huyện chu thứ ngộ tiên thất húy nhật, Mộng tiên thất... Và chính từ tình cảm đằm thắm yêu thương đối với vợ con, gia đình, các tác gia Ngô Thì đã có cái nhìn nhân ái, cảm thông và trân trọng hơn đối với những “phận đàn bà” nói chung. Có thể nói các nhân vật nữ của Ngô gia văn phái như Huyền Trân, Chế Thắng phu nhân, Trần Thị Lý Hà, những bà mẹ, người vợ, em gái... đều là những hình tượng đẹp, điều đó cũng góp phần làm đậm nét giá trị nhân văn của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX. Lý giải điều đó Giáo sư Nguyễn Đổng Chi cho rằng: “Chỉ có khi chủ nghĩa cá nhân phát triển, nhà văn phong kiến mới mạnh dạn miêu tả những khúc yêu đương đậm đà. Họ nói đến cái tôi một cách thành thực”(39). Nhưng có lẽ phải hiểu thêm rằng đây là thời kỳ con người đã “tự ý thức”, là kết quả sự phát triển của lịch sử tư tưởng gần một thiên niên kỷ, kể từ khi con người có yêu cầu lý giải cái bản ngã của mình ở thời Lý - Trần. Và đó cũng là phong khí thời đại. Khuê ai lục đã mở lối cho một kiểu thơ văn viết về vợ, về người tình mà nhiều tác giả sau đó đã vận dụng và phát triển.

Ngô Thì sĩ còn là nhà viết ký đặc sắc. Ký là một thể loại xuất hiện sớm trong văn xuôi chữ Hán. Nguyên nghĩa gốc ký là để ghi chép sự việc, ban đầu thường gắn với sử, nhưng dần dần đi vào văn học, ký chủ yếu để ngụ ý, gửi tình, trình bày quan điểm, còn cảnh vật hay sự kiện được ghi lại chỉ là đối tượng thứ hai, là cái cớ gợi ý tưởng, cảm hứng mà thôi. Ngô Thì Sĩ kế thừa quan niệm và bút pháp thể loại của các nhà văn tiền bối nhưng bổ sung vào đó nguyên tắc ghi chép "xác thực". Mỗi bài ký của ông bề bộn những sự việc, con số, hiện vật và cảnh quan cụ thể. Nhiều khi còn có cả số liệu về kích thước của địa phương, nơi chốn, lâu đài thành quách, những đồ vật trang trí hoặc núi sông, nhân vật... liên quan đến đối tượng được viết trong bài ký. Trong nhiều trường hợp cần thiết ông còn ghi lại cả sự khảo cứu, tìm tòi, lý giải của bản thân mình, ví dụ: “Tôi đem binh trấn và binh phiên đích thân đi kinh lý, đến đâu cũng đặt đồn trấn giữ, thay cũ đổi mới. Đến cửa Chi Lăng, người Thổ nói có thành cũ ở liền núi Mã Yên, tôi dẫn quan quân vào, qua một con suối nhỏ thì đến. Thành tựa sườn núi liền đường đá, chiều đông tây dài 105 trượng 8 thước, chiều nam bắc dài 82 trượng 6 thước. Bốn bề xây gạch vuông, giống gạch chỉ ở Đô thành. Tường cao không đầy một trượng, mặt rộng độ vài thước, chỉ mở hai cửa Nam Bắc. Trên thành nhiều cây to, rễ mọc xuyên ngang, bên trong đổ nát đến ba bốn phần mười. Bên cạnh thông với thành nhỏ gọi là Thành Kho... Trông kỹ thể thế trong ngoài bốn bề thấy thành dựa một dải núi đá từ Yên Bài, Trường Quế kéo xuống, chắn ngang Kinh sư. Qua núi ấy là địa phận Lục Ngạn, Lạng Giang, khi có biến động, quân giữ thành chia binh tuần bốn mặt, nhờ núi cao hiểm trở, bắn tên nỏ xuống, một người có thể địch trăm ngàn người”(40).

Ký của Ngô Thì Sĩ nói chung ghi chép người thực, việc thực, phong cảnh thực và những cảm nghĩ thực. Trong trường hợp câu chuyện liên quan đến truyền thuyết, huyền thoại ông cũng ghi rõ. Chất ký này ở ông còn "tràn" cả vào thơ và sử. Không ít những trang sử được ghi chép rành rõ nhiều sự việc giống như một đoạn ký giàu tư liệu, và hình ảnh sinh động. Cũng không ít những bài thơ được ghi chép cụ thể từng chi tiết đến mức người đời sau có thể dùng làm căn cứ để "dựng" lại cảnh quan (như Sài Sơn ức du ca tính tự, Thái Nguyên đạo trung, Yết Lam Kinh điện, Hồ thành điếu cổ ca...), thậm chí nhờ đó có thêm tư liệu về hành trạng, lý lịch hoặc chân dung một số nhân vật đương thời (như Thượng Trịnh điện lăng tiến cung, Hỷ tiệp, Quá Quỳnh Lâm hý thành và thơ trong Khuê ai lục...).

Một nét đặc sắc nữa của Ngô Thì Sĩ là tự trào, lấy mình làm đối tượng trào lộng. Ông cười cái bề ngoài chẳng lấy gì làm phương trượng của mình, cười sự vụng về lúng túng khiến cho cái nghèo đeo đuổi khắp nơi, cho đến tận lúc già cũng vẫn tềnh toàng "chẳng có gì khả thủ". Vào thời điểm đó, một người như Ngô Thì Sĩ vẫn chân chất, nhiệt thành, thẳng thắn..., có thể đã trở thành "cuối mùa", xa lạ với số đông trong xã hội. Ngô Thì Sĩ tự giễu cũng ở những "khiếm khuyết" đó, và bởi vì người đời cũng cười giễu ông. Người ta cười ông "làm thơ khổ", "làm nhiều thơ khóc vợ quá", coi ông là kẻ cuồng... Ông không trách đời, tự cho phép mình sống khác người đời nhưng có thể ông cũng không dám hoàn toàn tin đó là chân lý: “Cái bất tri ngô chi thị phi, dữ nhân chi dị đồng / Trang Sinh viết: thị nhất vô cùng, phi diệc nhất vô cùng - Chẳng biết ta phải hay trái, với người khác hay chung / Trang Chu nói: phải là một lẽ vô cùng, trái cũng là một lẽ vô cùng” (Truyền thần tượng tự tán), cho dù ông chính là loại người lưu giữ cho xã hội Bắc Hà đầy biến động những vẻ đẹp tinh thần truyền thống, những giá trị nhân văn ở con người. Và do vậy chất trào phúng của ngòi bút Ngô Thì Sĩ dù nhẹ nhàng vẫn có ý nghĩa bổ sung cho cách phê phán trực diện của Bảo chướng hoằng mô.

*

* *

Tài năng Ngô Thì Sĩ được kiến tạo từ nhiều nguồn: thực tiễn Việt Nam thế kỷ XVIII, truyền thống gia đình, thành tựu của nền học vấn, văn hóa Việt Nam và một phần ảnh hưởng của nền văn minh cổ Trung Hoa. Tuy nhiên, điều kiện quan trọng nhất để Ngô Thì Sĩ có được sự nghiệp trước tác phong phú là tinh thần lao động nghiêm túc, say mê và tính năng động, sáng tạo trong học tập. Ngày nay, xem xét toàn bộ cuộc đời hoạt động và trước tác của Ngô Thì Sĩ, xem xét những đóng góp của ông trên các lĩnh vực chính sự và trước thuật, có thể khẳng định ông là một nhân cách đẹp, một nhà văn, một nhà sử học có nhiều cống hiến, là một trong không nhiều nhân vật lớn, tiên phong của thế kỷ XVIII. Với nội dung và số lượng phong phú của hơn hai ngàn trang tác phẩm, Ngô Thì Sĩ là một tác gia lớn không chỉ của dòng họ Ngô Thì mà của cả dòng văn học Thăng Long thế kỷ XVIII nói riêng cũng như của văn học Cổ trung đại nói chung.

Chú thích:

(*) Trích Mục 8, Chương II: “Tài hoa cốt cách thăng Long” trong Gương mặt văn học Thăng Long do GS Nguyễn Huệ Chi chủ biên. Xem BVN từ 20-3-2011.

(1) Năm 1771, Ngô Thì Sĩ làm Tham chính Nghệ An. Khoa thi Hương năm ấy ông được giao làm Chủ khảo. Trong số thí sinh có một người là Nguyễn Văn Chu. Theo gia phả họ Nguyễn (có ông tổ là Nguyễn Văn Giai, ở Ích Hậu – tài liệu này do Nguyễn Đổng Chi phát hiện) thì bấy giờ Nghệ An bị mưa lụt, quyển thi của thí sinh phần lớn bị nước nhòe, chỉ có một số ít quyển đọc được, trong đó có quyển của Chu. Ngô Thì Sĩ đòi Chu hối lộ 100 lạng bạc thì cho đỗ. Chu không chịu nên bị đánh hỏng. Trong gia phả có ghi lại lá đơn viết bằng văn Nôm:

Ngán thay ông Hiến họ Ngô,

Ngu ngơ giả điếc... gật gù giả say.

....

Có văn mà chẳng có tiền,

Làm sao cho được cái khuyên cho tròn.

 

(Tập san Văn sử địa, số 8 - 1955)

Tuy nhiên nhiều sử sách sau đó đều ghi là Ngô Thì Sĩ “bị oan”, và Nguyễn Văn Chu khoa sau lại đi thi, nhưng các khảo quan “ghét nhân cách” Chu nên quyết đánh hỏng. Cứ theo các sử sách thì vụ án của Ngô Thì Sĩ chủ yếu liên quan đến tình hình chính trị, đơn kiện của Nguyễn Văn Chu chỉ là cái cớ chứ không phải nguyên cớ đích thực. Thêm nữa về lô gích mà xét thì suốt cuộc đời làm quan, nhiều lần Ngô Thì Sĩ đã từ chối hoặc phản đối chuyện nhờ vả đút lót, không lẽ bỗng dưng ông lại “vòi tiền” một cách trắng trợn như vậy. Vả chăng bài lục bát trong gia phả họ Nguyễn không có tính chất một đơn kiện nghiêm túc mà chỉ như một bài thơ giễu cợt theo lời truyền ngôn, có thể của người đời sau. Chắc chắn vì thế mà Ngô Thì Sĩ đã được phục hồi một cách nhanh chóng.

(2) Tham Tuyền dịch.

(3) Thơ văn Ngô Thì Ức và Ngô Thì Sĩ trích dẫn trong Mục này đều lấy từ Ngô Gia văn phái A. 117a và Ngô Thì Sĩ. Nxb. Hà Nội, 1987.

(4) Nguyễn Đổng Chi dịch. Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam. Q. III, 1959, Sđd.

(5) Trần Thị Băng Thanh dịch. Anh ngôn thi tập. Sđd.

(6) Trần Thị Băng Thanh dịch. Anh ngôn thi tập. Sđd.

(7) Truyện Báo oán. Nxb. Cảo thơm, Sài Gòn tái bản, 1962; tr. 274-276.

(8) Trần Thị Băng Thanh dịch. “Thượng Trịnh điện lăng tiến cung”. Anh ngôn thi tập, Sđd.

(9) Trần Thị Băng Thanh dịch. Ngô Thì Sĩ. 1987, Sđd.

(10) Tham Tuyền dịch. Ngô Thì Sĩ. 1987, Sđd.

(11) Ngô Thì Sĩ. 1987, Sđd; tr. 215-219.

(12) Trần Thị Băng Thanh dịch. Ngô Thì Sĩ. 1987, Sđd.

(13) (14) Trần Thị Băng Thanh dịch. Ngô Thì Sĩ. 1987, Sđd; tr. 217-218.

(15) Trần Thị Băng Thanh dịch. Ngô Thì Sĩ. 1987, Sđd. Có chỉnh lý lại.

(16) Trần Thị Băng Thanh dịch. “Thanh Hoa Hiến niết công đường ký”. Ngô Thì Sĩ. 1987, Sđd; tr. 224.

(17) Lời nhận xét của Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí. Tập IV, Nxb Sử học, Hà Nội, 1960; tr. 49.

(18) Lịch triều hiến chương loại chí. Tập IV, 1960, Sđd; tr. 49.

(19) Bài Binh dân luận do Nguyễn Đăng phát hiện, phiên âm và dịch chú, đăng trên Tạp chí Hán Nôm, số 1-1986. Tác phẩm nguyên được chép trong Hoàng các di văn, Thư viện Hán Nôm: VHv.1129. Theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, bài Binh dân luận của Ngô Thì Sĩ dâng lên đã được chúa khen thưởng.

(20) Nguyễn Đăng phiên âm. Tạp chí Hán Nôm, 1986, đã dẫn.

(21) (22) Trần Thị Băng Thanh dịch. “Điều trần về việc chiêu dụ lưu dân khẩn hoang ruộng”. Ngô Thì Sĩ. 1987, Sđd; tr. 174.

(23) Trần Thị Băng Thanh dịch. “Điều trần về việc biên trấn”. Ngô Thì Sĩ. 1987, Sđd; tr. 186.

(24) Trần Thị Băng Thanh dịch. “Kế dẹp giặc bể”. Ngọ Phong văn tập. Ngô gia văn phái. Sđd.

(25) Trần Thị Băng Thanh dịch. “Bài khải điều trần bốn việc”. Ngô Thì sĩ. 1987, Sđd; tr. 184.

(26) Trần Thị Băng Thanh dịch. “Tình hình sự vụ đương thời”. Ngọ Phong văn tập. Ngô gia văn phái, Sđd.

(27) Trần Thị Băng Thanh dịch. “Ngẫu thành thất ngôn cổ phong trường thiên thị lưỡng viện”. Ngô Thì Sĩ. 1987, Sđd.

(28) Trần Thị Băng Thanh dịch. “Ngẫu thành thất ngôn cổ phong trường thiên thị lưỡng viện”. Ngô Thì Sĩ. 1987, Sđd.

(29) Người áo trắng: theo điển, Đào Tiềm ngày 9 tháng 9 không có rượu, ra bờ giậu trông ngóng hồi lâu. Bỗng thấy một người áo trắng đi tới, thì ra là người nhà Trương Hoằng mang rượu đến, bèn mời vào rót rượu uống, đến say mới về.

(30) Nguyễn Đổng Chi. Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam. Q. III, 1958, Sđd; tr. 258.

(31) Nguyễn Đổng Chi. Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam. Q. III, 1958, Sđd; tr. 258.

(32) Trần Thị Băng Thanh dịch. “Văn tự mình tế vợ”. Khuê ai lục. Ngọ Phong văn tập, Sđd.

(33) Trần Lê Văn dịch. Ngô Thì Sĩ. 1987, Sđd.

(34) Trần Lê Văn dịch. Ngô Thì Sĩ. 1987, Sđd.

(35) Trần Thị Băng Thanh dịch. Ngô Thì Sĩ. 1987, Sđd; tr. 163.

(36) Trần Thị Băng Thanh dịch. Ngô Thì Sĩ. 1987, Sđd.

(37) Trần Thị Băng Thanh dịch. Ngô Thì Sĩ. 1987, Sđd.

(38) Trần Thị Băng Thanh dịch. “Văn khấn khi xong việc tang về lại nơi làm việc”. Khuê ai lục. Ngọ Phong văn tập. Sđd.

(39) Nguyễn Đổng Chi. Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam. Q. III, 1958, Sđd; tr. 259.

(40) Trần Thị Băng Thanh dịch. “Kinh lược đình ký”. Ngọ Phong văn tập. Sđd.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn