Đôi điều về quan hệ Trung-Mỹ có liên quan đến thế trận Việt Nam tại Biển Đông

Trần Kinh Nghị

clip_image002  

Bản đồ do Trung Quốc tự phát hành trên Wikipedia cố ý bôi màu tím và vàng toàn bộ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

 

Quan hệ quốc tế là một lĩnh vực ngày càng trở nên quen thuộc nhưng quá rộng đối với mọi người, nhất là trong thời đại internet. Do đó thật khó để bàn luận nhưng cũng khó để không bàn luận về nó, nhất là trong bối cảnh những ngày gần đây khi tình hình Biển Đông dường như đang lại dậy sóng. Đó cũng là tâm trạng và lý do để người viết bài này chỉ nói gọn vấn đề trong khía cạnh tranh chấp Biển Đông.

Có hai thực tiễn và cũng là luận cứ cần nêu ra ở đây:

Một là, nếu như trong thời kỳ chiến tranh lạnh quan hệ quốc tế phụ thuộc chính vào cặp quan hệ Mỹ-Xô thì giờ đây đó là cặp quan hệ Mỹ-Trung. Thiết nghĩ bất cứ ai có theo dõi tinh hình sẽ dễ dàng nhận thấy điều này. Nhưng có một đặc điểm cần được xem xét, đó là trong thời chiến tranh lạnh lại thường xảy ra các “quan hệ nóng” như chiến tranh Việt Nam, vụ Kiêm Môn Mã Tổ - Quần đảo Bành Hồ; vụ khủng hoảng tên lửa Caribe, v.v. Nhưng trong thời hậu chiến tranh lạnh lại chưa thấy có tình trạng như vậy giữa các cường quốc mà chỉ thấy sự thỏa hiệp giữa họ với nhau để đối phó với các lực lượng nhỏ yếu hơn, bất kể là khủng bố Bin Laden hay các quốc gia dân tộc có chủ quyền đàng hoàng như Lybia, Tunisia…

Hai là, thời gian gần đây, trong bối cảnh trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và tình hình suy thoái kinh tế của nước Mỹ và Châu Âu, có một số giả thuyết cho rằng Mỹ sẽ sử dụng phương thức chiến tranh như một mũi tên bắn hai mục đích là ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc đồng thời làm động lực phục hồi kinh tế của nước Mỹ.

Tuy nhiên, giả thuyết này không mấy phù hợp với thực tiễn quan hệ quốc tế từ trước tới nay. Hơn nữa, không khó để thấy rằng cuộc chiến này nếu xảy ra thì không bên nào có thể thắng bên nào mà chỉ gây nên những tổn thất khôn lường cho cả hai phía và cho toàn thể nhân loại. Nói cách khác, một cuộc chiến như vậy chỉ có thể xảy ra khi nào có sự sai lầm trong giới lãnh đạo của hai nước này.

Do điều kiện hạn chế của bài biết tôi chỉ xin trình bày một cách ngắn gọn như trên đây. Nhưng chúng rất cần được tính đến khi bàn về thế trận của Việt Nam trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông ngày nay. Và để không phải nói dài, xin mạn phép dẫn lại ra đây đường link đến một bài viết của cùng tác giả cách đây không lâu: http://trankinhnghi.blogspot.com/2011/04/tran-viet-nam-can-mot-tu-duy-moi.

Từ đó đến nay có thêm một số động thái đáng lưu ý: Đó là cuộc thăm làm việc của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân giải phóng Trung Quốc Trần Bỉnh Đức đến Mỹ ngày 17/5 vừa qua. Chuyến thăm đã được phía Mỹ coi trọng hơn so với mức bình thường. Bằng sự kiện này hai bên đã tháo bỏ việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố “ngưng” quan hệ song phương với Mỹ từ đầu năm 2010 khi Mỹ quyết định tăng cường bán vũ khí tối tân cho Đài Loan. Sự kiện thứ hai là, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 5 (ADMM-5) đã diễn ra tại Thủ đô Jakarta của Indonesia từ 19-20/5/2011, qua đó khẳng định lại lập trường giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng phương pháp hòa bình, nhưng chưa đi đến một biện pháp cụ thể có ý nghĩa thiết thực nào. Trong khi đó, gần đây cùng với hàng loạt các hoạt động phô diễn lực lượng quân sự của phía Trung Quốc, đáng chú ý là mấy vụ đụng độ với Philippine. Với Việt Nam phía Trung Quốc dường như đang cho thấy một dấu hiệu thay đổi chiến thuật: tỏ thái độ đấu dịu trong tiếp xúc, nhưng vẫn xúc tiến mạnh mẽ các hành động lấn lướt trên biển đảo và tăng cường hoạt động xuống vùng Trường Sa. Gần đây báo mạng Trung Quốc rêu rao Trung Quốc có đầy đủ lực lượng để “giải quyết rốt ráo” bằng vũ lực nếu muốn đánh chiếm các đảo Trường Sa và Biển Đông…, nhưng không làm như vậy (!?). Kẻ thì cho đó là nhu nhược…, kẻ thì cho là khôn ngoan; cũng có kẻ cho là do “sợ” Mỹ can thiệp hoặc “ mắc mưu” Mỹ ! Nhưng tuyệt nhiên không hề lo ngại gì về sức đề kháng của từng nước hoặc của cả tập thể ASEAN.

Có thể nói đây là thời kỳ “thú vị” đối với những người nghiên cứu tình hình Biển Đông, nhưng cũng là thời kỳ đáng cảnh giác nhất của các bên nước nhỏ yếu. Đối với Việt Nam tình hình nhắc nhớ lại những gì đã từng xảy ra trước tháng 2/1979 và tình hình năm 1988 - khi cũng đã từng diễn ra sự “đi lại nhộn nhịp” giữa Bắc Kinh và Washington hoặc giữa Hà Nội và Bắc Kinh.

Mặc dù bối cảnh và tương quan lực lượng hiện nay không hoàn toàn giống với các thời kỳ trước, nhưng không khí đang phảng phất “mùi vị” của những thời kỳ đó. Thiết nghĩ không nên úp mở gì, ngoài Trung Quốc mạnh vượt trội, chỉ có 3 bên tranh chấp đáng kể là Việt Nam, Đài Loan và Philippine, trong đó Đài Loan và Philippine đã chính thức là đồng minh của Mỹ. Việt Nam vẫn trơ trọi một mình lại vốn được giới “quân luận” Trung Quốc cho là “yếu nhất”…

Có thể nói, trong bối cảnh tình hình như hiện nay, Việt Nam không thể trông chờ vào sự tốt bụng của ông bạn “bốn tốt” và cũng không thể ảo tưởng vào sự giúp đỡ vô tư và kịp thời của Mỹ hoặc Nga hoặc tập thể ASEAN. Do đó, ngoài việc cần khẩn trương tìm kiếm các mối quan hệ bạn bè, đồng minh và tranh thủ dư luận quốc tế, Việt Nam KHÔNG CÓ CÁCH NÀO KHÁC là phải tăng cường sức đề kháng của bản thân với những phương thức truyền thống trên cơ sở tự lực, tự cường. Muốn vậy, giới lãnh đạo hãy tỉnh táo với những bài học cay đắng của quá khứ gần đây và coi đây là một dịp tốt để sửa sai bằng cách kịp thời xác định một chiến lược, chiến thuật phù hợp cho trước mắt và tương lai. Nhưng điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo khối đoàn kết toàn dân trên dưới một lòng; và chớ để khi có giặc mới đoàn kết thì e sẽ không còn cơ hội nào nữa.

T. K. N.

Nguồn: Trankinhnghi.blogspot.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn