Phương Tây lưỡng lự trước việc Trung Quốc thẳng tay trấn áp giới ly khai

Đức Tâm

clip_image001  

Biểu tình tại Hồng Kông ngày 10/4 đòi trả tự do cho nghệ sĩ Ngải Vị Vị. EUTERS/Bobby Yip

 

Ngày 28/05/2011, Amnesty International kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, trong bối cảnh ngày càng có nhiều tiếng nói phê phán thái độ im lặng của phương Tây trước làn sóng trấn áp giới ly khai tại Trung Quốc.

Từ tháng Hai đến nay, phương Tây có nhiều cơ hội để bày tỏ sự lo ngại với Trung Quốc về tình trạng nhân quyền ở nước này, như đối thoại Mỹ-Trung tại Washington, các phái đoàn cao cấp của Trung Quốc công du Liên Hiệp Châu Âu, Brazil, Tây Ban Nha, Úc, Áo, Pháp… Thế nhưng, tất cả đều “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, phương Tây không muốn làm cho cường quốc kinh tế thứ hai thế giới phật lòng.

Chỉ có Hoa Kỳ là tỏ thái độ mạnh mẽ nhất. Trong vòng đối thoại Mỹ-Trung vừa qua, tổng thống Barack Obama, Ngoại trưởng Hillary Clinton, hay đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Jon Huntsman, đã có những tuyên bố cứng rắn, cho rằng tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc là thụt lùi, đáng chê trách và tố cáo Bắc Kinh trấn áp các nhà đối lập một cách vô cớ.

Trong khi đó, những phát biểu của chủ tịch châu Âu Herman Van Rompuy thể hiện rõ sự tránh né. Tuần trước, tại Thượng Hải, trong khuôn khổ chuyến công du Trung Quốc, chủ tịch châu Âu kêu gọi xây dựng “Nhà nước pháp quyền, công bằng xã hội và nhân quyền”. Trong tháng Tư, thủ tướng Úc bày tỏ với đồng nhiệm Trung Quốc mối “quan ngại của bà”.

Đầu tháng Năm, thủ tướng Áo nói với chủ tịch Trung Quốc là châu Âu không thể “tách rời sự phát triển các mối quan hệ tốt về kinh tế và vấn đề nhân quyền”. Điển hình của kiểu “nói lấy lệ” là phát biểu của thủ tướng Tây Ban Nha José Luis Rodriguez Zapatero, giữa tháng Tư, tại Hải Nam, Trung Quốc, khi ông nhấn mạnh sự cần thiết của “các quyền tự do và các quyền cơ bản” tại… châu Á, vào lúc Bắc Kinh vẫn giam giữ giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba.

Cũng trong tháng Tư, tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff không hề nói một câu nào đến “vấn đề nhạy cảm” này khi tới Trung Quốc, để tránh làm tổn hại đến sự năng động trong quan hệ kinh tế song phương.

Nước Pháp, vốn được coi là “tổ quốc của nhân quyền” cũng im lặng. Vấn đề nhân quyền không được nhắc đến trong các cuộc gặp ở Bắc Kinh giữa chủ tịch Hạ viện Pháp Bernard Accoyer với chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và đồng nhiệm Ngô Bang Quốc.

Cựu thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin cố gắng giải thích rằng, theo thông lệ ngoại giao, nên tránh chỉ trích, phê phán công khai. Ông khẳng định là có nêu một cách trực tiếp hồ sơ nhân quyền trong các cuộc gặp với quan chức Trung Quốc và tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng thảo luận về nhân quyền với chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi cuối tháng Ba.

Theo giới quan sát, những kiểu thảo luận, trao đổi như vậy chẳng khác gì đối thoại giữa những kẻ điếc. Do đó, giới lãnh đạo tại Bắc Kinh luôn luôn tỏ ra cứng rắn. Họ gợi ý Hoa Kỳ sang Trung Quốc để thấy được “những tiến bộ to lớn” về nhân quyền, tố cáo châu Âu kiêu ngạo và khuyến cáo phương Tây nên im lặng sau vụ bắt giữ nghệ sĩ Ngải Vị Vị.

Chuyên gia Jean –Philippe Béja, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp – CNRS, nhận định, “các nước phương Tây không thực sự gây áp lực mạnh” đối với Trung Quốc. Nếu phương Tây phối hợp với nhau, Trung Quốc sẽ phải trả giá rất đắt khi giam cầm giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba hay khi bắt giữ nghệ sĩ Ngải Vị Vị.

Theo ông Nicholas Bequelin, thuộc tổ chức Human Rights Watch, Trung Quốc dám bắt nghệ sĩ có danh tiếng Ngải Vị Vị là do ngay từ khi Bắc Kinh mở chiến dịch trấn áp giới ly khai, phương Tây đã phản ứng yếu ớt, chủ yếu để bảo toàn các lợi ích kinh tế trong quan hệ với nước này.

Làn sóng đàn áp tại Trung Quốc diễn ra vào lúc thế giới Ả Rập sôi động vì những cuộc biểu tình chống chính phủ, đòi dân chủ hóa. Ông Bequelin cho rằng thái độ cứng rắn của Bắc Kinh cũng gây chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc. Do vậy, nếu phương Tây gây áp lực về vấn đề nhân quyền, thì điều này tạo thế mạnh cho những nhân vật trong giới lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng chính quyền cần phải có thái độ mềm dẻo hơn.

Đ. T.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn