“Thuyết nan” và nhà báo

Tô Văn Trường

imageCách đây hơn 20 năm, trong một lần về nước công tác ở các tỉnh phía Nam, gặp lại Mạnh Tú một người bạn đang làm cho tờ báo Lao Động, biết tôi là dân khoa học đánh bóng bàn có tiếng, đề nghị trả lời bài phỏng vấn nhận xét về nền thể thao nước nhà. Tiếp đó, tôi viết các bài “Nền khoa học Nga vang bóng một thời”, “Thủy triều đen” và “Lại nói về Tràm Chim”, v.v. đăng trên báo Lao Động và báo Thanh Niên, đó là những bài viết đầu tay để lại nhiều kỷ niệm thuở ban đầu đáng nhớ ấy! Tính đến nay, dù có đến hàng trăm bài viết với các chủ đề khác nhau nhưng tôi không phải là nhà báo mà chỉ là người dân đam mê, thích viết báo để chuyển tải hơi thở cuộc sống vào lĩnh vực rất khó khăn và nhạy cảm này. Thời xưa, Hàn Phi Tử đã từng nói về “thuyết nan, thuyết cô”, có người dịch là “cô phẫn” nghĩa là cái khó, và sự nguy hiểm của người đi du thuyết, suy rộng ra đó cũng là cái khó, cái khổ của người cầm bút, nhất là đối với các nhà báo chuyên nghiệp phải biết “viết lách” để tồn tại mà không đánh mất mình trong xã hội còn nhiều nhiễu nhương.

PGS Vũ Trọng Khải, tự nhận mình là “hèn đại nhân”, bảo rằng ngang tàng và tài năng như nhà văn Nguyễn Tuân “còn biết sợ để tồn tại” cho nên giải pháp tốt nhất nhìn đời và xã hội bằng cách là im lặng!? Tôi hiểu người như anh Khải nói vậy nhưng không phải vậy vì ngay cả Đạt Lai Lạt Ma cũng đã từng nói: “Nhớ rằng, đôi khi im lặng là cách trả lời tốt nhất!”.

Đọc toàn bộ bài phát biểu chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang tại hội nghị báo chí toàn quốc ngày 5/5 vừa qua, tôi nhớ nhất câu nói: “Báo chí cần chống để xây, giữ vững ổn định xã hội, tăng niềm tin, xây dựng xã hội tốt đẹp, không để thế lực thù địch lợi dụng, bôi nhọ chế độ, v.v.”. Bài phát biểu chỉ đạo nói trên của ông Trương Tấn Sang sẽ có sức nặng hơn, thuyết phục hơn nếu nhấn mạnh, bổ sung chức năng của nhà báo là người chiến đấu cho sự thật và chỉ vì sự thật trên báo chí. Nhà báo không được làm nhiệm vụ “lãnh đạo” – thực tế đấy là nhiệm vụ nhồi sọ người đọc. Khi đã chiến đấu cho sự thật và chỉ vì sự thật, tự sự xả thân này chính nó sẽ làm bật lên chân lý của cuộc sống, chứ không phải là của nhà báo. Với lẽ này, chân lý và tự do gắn với nhau làm một! Chân lý bao giờ cũng là của cuộc sống, không thể là sản phẩm “sáng tạo” hay “ngụy biện”, hay là “sở hữu” của riêng ai cả. Bất kỳ ai, viết báo như thế đều có thể trở thành nhà báo.

Chúng tôi nghĩ cũng như mọi người làm những nghề, những việc khác, nhà báo trước nhất là, và phải là, người yêu nước mình, yêu dân tộc mình, từ đó mà yêu các dân tộc khác, yêu con người, yêu sự sống. Một vị trưởng thượng, kể cho tôi nghe có một cháu nội là con trai, năm nay 16 tuổi, đang học trung học cơ sở ở một trường nổi tiếng của Singapore. Vừa rồi, cháu cho ông biết rằng phải làm bài tập với đầu đề: “Hãy bình luận và nói rõ bạn có đồng ý không với câu sau đây: Con người có quyền thiêng liêng không thể xâm phạm được biết và được nói sự thật”. Cháu kể rằng, cháu đã trả lời: “Đúng, và không hoàn toàn đúng!”.

“Có khi tiết lộ sự thật của quốc gia, của tổ chức thì là tội phạm. Nhưng thế nào là bí mật quốc gia, bí mật của tổ chức một cách đích đáng thì không giản đơn, quyết định chặt quá thành bưng bít, quyết định rộng quá thành hớ hênh”.

“Có khi tiết lộ sự thật về đời sống và công việc riêng của người khác một cách không cần thiết và có hại thì là kém đạo đức, thiếu nhân cách. Đấy là chưa kể rằng thế nào là sự thật không phải chuyện giản đơn, dễ dàng”.

Suy cho cùng, thế hệ trẻ được học hành bài bản, cho tự do suy nghĩ phát biểu chính kiến, sự thông minh chân thật, thẳng thắn của họ thường làm cho người lớn phải giật mình và biết nhìn lại mình cho rõ hơn.

Tôi nhớ đến một câu của người Đức: “Sự khác nhau giữa người thông minh và người không thông minh là: Người không thông minh nói điều mình biết, còn người thông minh biết điều mình nói”. Khi tôi mơi chập chững, qua lứa tuổi vị thành niên, các bậc đàn anh thường dặn tôi mấy điều:

1.- Biết 10 thì nói 7, còn để 3 làm chỗ dựa cho phần đã nói ra. Biết 10 nói 10 thì điều nói ra chông chênh, dễ bị xô đổ. Biết 10 nói như biết 12 hoặc 14 là lừa bịp, dối trá, không thể chấp nhận.

2.- Đặc trưng của bệnh cơ hội là nói điều mình không nghĩ. Còn điều mình nghĩ, mình cho là sự thật, là chân lý, thì nói đến đâu, để làm gì, bằng cách nào, vào lúc nào, nói với ai là một vấn đề đạo đức và một vấn đề nghệ thuật. Có đạo đức khi nói vì dân, vì nước, vì sự tử tế, lương thiện, không vì điều gì khác. Có nghệ thuật khi nói có hiệu quả, hiệu quả thấp là được người mà không mất mình, hiệu quả cao là phát huy người mà tung hoành mình.

3.- Tôi được nghe kể lại ở Pháp người ta quan niệm như sau: “Nhà báo không chỉ viết bằng mực đựng trong lọ mực hoặc trong cây bút, mà viết bằng máu trong trái tim mình. Từng dòng chữ là từng dòng máu”.

Khi tôi đã ở tuổi trung niên, một bậc đàn anh có dạy tôi cân nhắc mức độ và sắc thái của từng ý mà mình viết ra, nói ra. Người ấy có kể thí dụ về các mức độ và sắc thái như sau: (1) Tôi nghĩ rằng A; (2) Tôi không nghĩ rằng không A; (3) Có lẽ có nhiều người nghĩ rằng A; (4) Có những căn cứ đáng tin cậy để nghĩ rằng A; (5) Không dễ phản đối việc nghĩ rằng A; (6) Có thể chấp nhận việc nghĩ rằng A; (7) Không có gì ngạc nhiên khi nghĩ rằng A.

Anh Bảy Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang tâm sự: “Nhà báo hay làm gì có liên quan với “nghề” nói và viết thì phải xác định: Phục vụ cho ai, đến mức nào và trong môi trường nào để có cách “viết và lách” cho đạt yêu cầu mình tự đặt ra. Nhưng tuyệt đối không được nói-viết sai và bậy, càng không trái với ý tưởng của mình. Thà “câm” còn tốt hơn kẻ nói càn để lưu hậu thế. Môt điều cần lưu ý để viết và nói cho đối tượng nào, cái nầy nó quan hệ đến vấn đề là ta đang đứng trên cái nền văn hoá nào để nói và viết cho cho đạt yêu cầu. Báo chí bây giờ “lề” nào đọc cũng khó vô quá, hay là tại tôi “mắc nghẹn”, nội cái chuyện “Cụ” rùa nó “tiếu lâm” làm sao ấy. Thôi thì vô số… Chung quanh chuyện giết Bin Laden dư luận hiện nay ra sao thì anh biết rồi đó. Đó là văn hoá, là chánh trị đấy. Nhưng con người vẫn là con người. Có lúc nó đi bốn chân, nhưng nhất định nó sẽ đứng lên và đi hai chân. Vậy là Đác-uyn đúng!” ….

Bàn về nghề báo là câu chuyện dài nhiều tập. Xin phép được trích dẫn một số ý chính trong bức thư tâm sự của nhà báo Lục Tùng thường trú báo Lao Động ở đồng bằng sông Cửu Long để kết luận cho bài viết này:

“Phẩm chất hàng đầu mà người đọc đòi hỏi và trông chờ ở nhà báo chính là viết đúng và viết có định hướng-giải pháp (còn hay hoặc không hay theo ngữ nghĩa văn chương thì thuộc về khái niệm khác) chứ không chỉ có viết đúng. Bởi nếu chỉ viết đúng theo nghĩa phản ánh thấy gì ghi nấy thì chỉ cần cậu học trò lớp 12, nắm rành thủ pháp văn miêu tả và làm chủ được một số từ vựng mà các thầy cô giáo phổ thông cung cấp là có thể làm được. Đây có lẽ cũng là chứng bệnh mà nhiều nhà báo mắc phải nên thời gian gần đây nhiều cơ quan, đơn vị và nhiều bạn đọc ngày nay thường tỏ ý xem nhẹ, thậm chí xem thường nhà báo. Viết đúng có định hướng và giải pháp, theo tôi không đơn giản chút nào. Bởi nó không chỉ đòi hỏi người viết sự thông hiểu vấn đề xung quanh đề tài mình sắp thực hiện mà còn đòi hỏi người viết phải có dũng khí để cỏ thể nói đến cùng sự thật của vấn đề”.

T. V. T.

Nguồn: Nguyenxuandien.blogspot.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn