Tìm hiểu những cuộc cách mạng 2011

(Chỗ yếu kém và sức bật của các chế độ độc tài Trung Đông)

Jack A. Goldstone, Foreign Affairs, số tháng Năm/tháng Sáu, 2011

Trần Ngọc Cư dịch

Cứ cho là việc điều hành quốc gia của các thủ lĩnh độc tài tại Trung Đông là khác hẳn với các chế độ “dân chủ ngàn lần hơn”. Nhưng những vấn đề kinh tế - xã hội mà họ đang đối phó sao lại thấy quen quen: vật giá leo thang phi mã, khoảng cách giàu nghèo mở rộng hoang hoác, nạn tham nhũng hoành hành thô bạo, số người trẻ thất nghiệp rất lớn, nền kinh tế không tạo đủ công ăn việc làm cho hàng hàng lớp lớp sinh viên tốt nghiệp đại học… Bài tiểu luận sau đây nêu bật những vấn đề này như là một thứ nhiên liệu nhen nhúm các cuộc cách mạng tại Trung Đông, đã và đang diễn ra. Nhưng tác giả, Giáo sư Jack A. Goldstone, đã thận trọng cảnh báo rằng các phản ứng cực đoan từ các cuộc cách mạng có thể làm tổn thương tiến trình dân chủ hoặc có thể đưa đến chiến tranh.

Thiết tưởng, những nỗ lực nhằm từng bước xây dựng một xã hội dân sự vững chắc là con đường dẫn đến dân chủ an toàn hơn.

Bauxite Việt Nam

Làn sóng cách mạng tràn qua Trung Đông có sự giống nhau rõ nét với các địa chấn chính trị quá khứ. Cũng như tại châu Âu năm 1848, giá thực phẩm gia tăng và tỉ lệ thất nghiệp quá cao đã thúc đẩy các cuộc biểu tình phản đối của dân chúng từ Morocco đến Oman. Cũng như tại Đông Âu và Liên Xô năm 1989, sự thất vọng đối với các chế độ chính trị khép kín, tham nhũng, và ù lì đã đưa đến sự đào ngũ của các giới tinh anh và sự sụp đổ của các chế độ đã một thời rất quyền lực tại Tunisia, Ai Cập, và có lẽ cả Lybia. Nhưng các cuộc cách mạng 1848 và 1989 không thực sự là trường hợp tương đồng với những biến cố chính trị tại Trung Đông trong mùa đông vừa qua. Các cuộc cách mạng năm 1848 tìm cách lật đổ các chế độ quân chủ lâu đời, và các cuộc cách mạng năm 1989 có mục đích lật đổ các chính phủ cộng sản. Các cuộc cách mạng năm 2011 đang chống lại một đối tượng hoàn toàn khác biệt: những chế độ độc tài “do cá nhân lãnh đạo” (sultanistic dictatorships). Bề ngoài, các chế độ này thường có vẻ không có gì lay chuyển được, nhưng thực chất là rất sơ hở, vì chính những sách lược mà chúng sử dụng để duy trì quyền lực làm cho chúng dễ vỡ vụn và thiếu sức bật. Mặc dù các cuộc biểu tình của dân chúng đã làm rung chuyển phần lớn Trung Đông, nhưng cho đến nay hai cuộc cách mạng thành công duy nhất, cách mạng Tunisia và cách mạng Ai Cập, đã nhắm vào các thủ lĩnh độc đài hiện đại (modern sultans) – điều này không phải là một sự trùng hợp tình cờ.

Để cho một cuộc cách mạng thành công, cần phải hội đủ một số yếu tố. Một là, Chính phủ phải tỏ ra bất công và bất lực hết phương cứu chữa, đến mức độ bị đa số dân chúng coi như là một mối nguy cho tiền đồ đất nước; hai là, các giới tinh anh (nhất là trong quân đội) phải bất mãn với Nhà nước và không còn thiết tha bảo vệ chế độ; ba là, một bộ phận dân chúng có cơ sở rộng lớn, bao gồm các nhóm sắc tộc và tôn giáo và các tầng lớp xã hội - kinh tế, phải được huy động; và bốn là, các thế lực quốc tế hoặc phải từ chối can thiệp để bảo vệ  Chính phủ đang bị chống đối hoặc phải kềm hãm không cho nó sử dụng vũ lực tối đa để tự bảo vệ mình.

Các cuộc cách mạng ít khi thành công vì ít khi hội đủ những điều kiện nói trên. Đặc biệt, đây là trường hợp liên quan các chế độ quân chủ lâu đời và các Nhà nước độc đảng, nơi mà lãnh đạo của chế độ thường có thể duy trì sự hậu thuẫn của quần chúng (popular support) bằng cách kêu gọi phải tôn trọng truyền thống quân chủ hay chủ nghĩa dân tộc. Các giới tinh anh, tầng lớp thường trở nên giàu có nhờ ân sủng của các Chính phủ này, chỉ sẽ từ bỏ chế độ nếu hoàn cảnh của họ hoặc ý thức hệ của giới lãnh đạo thay đổi quyết liệt. Và gần như trong tất cả các trường hợp, việc huy động một lực lượng quần chúng có cơ sở rộng lớn là khó thực hiện vì việc này đòi hỏi phải liên kết các lợi ích khác biệt nhau của dân nghèo thành thị và nông thôn, của giai cấp trung lưu, sinh viên, giới chuyên gia, và các nhóm sắc tộc hay tôn giáo. Lịch sử có đầy dẫy những phong trào sinh viên, những cuộc đình công của công nhân, và những cuộc nổi dậy của nông dân bị dập tắt vì chúng vẫn chỉ là cuộc nổi dậy của một nhóm, chứ không phải là những liên minh rộng lớn. Rốt cuộc, các quốc gia bên ngoài thường can thiệp để hà hơi tiếp sức cho các nhà lãnh đạo đang lâm nguy với mục đích ổn định một hệ thống quốc tế [hệ thống này có thể chỉ là vùng ảnh hưởng của một bá quyền, ND].

Tuy nhiên một loại chế độ độc tài khác tỏ ra sơ hở hơn hai loại độc tài vừa nói; nó ít khi giữ được quyền lực kéo dài hơn một thế hệ: đó là chế độc độc tài cá nhân (the sultanistic regime). Những Chính phủ loại này ra đời khi một nhà lãnh đạo quốc gia bành trướng quyền lực cá nhân của mình bất chấp các định chế hình thức (formal institutions). Các nhà độc tài cá nhân [còn gọi là thủ lĩnh độc tài] không dựa vào một ý thức hệ nào cả và chỉ có một mục đích duy nhất là duy trì quyền lực cá nhân. Họ có thể duy trì một vài mặt hình thức của thể chế dân chủ – như bầu cử, chế độ đa đảng, một Quốc hội, hay một Hiến pháp – nhưng họ dẫm đạp lên các định chế này khi cai trị đất nước bằng cách đưa các người ủng hộ ngoan ngoãn vào các địa vị then chốt và đôi khi bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn trương, một hành động mà họ biện minh bằng cách đánh thức nỗi sợ hãi của người dân về hiểm họa “thù trong giặc ngoài”.

Nhưng bên trong hậu trường, các lãnh tụ độc tài thường tích lũy những khối tài sản to lớn, mà họ có thể sử dụng để mua chuộc lòng trung thành của những người ủng hộ và trừng phạt những kẻ chống đối. Vì họ cần có nguồn lực để vận hành guồng máy bảo trợ hay chế độ ô dù (patronage machine) của mình, nên thông thường các nhà độc tài cũng chủ trương phát triển kinh tế, xuyên qua tiến trình công nghiệp hóa, xuất khẩu hàng hóa, và chương trình giáo dục. Họ cũng tìm cách thiết lập quan hệ với nước ngoài, hứa hẹn ổn định chính trị để đổi lấy ngoại viện và đầu tư. Dù tiền nước ngoài chảy vào trong nước bằng cách nào đi nữa, phần lớn của cải đó sẽ được chuyển thành tài sản của nhà độc tài và giới thân cận của ông ta.

Các thủ lĩnh độc tài hiện đại này kiểm soát các giới tinh anh trong quân đội quốc gia bằng cách chia rẽ họ. Thông thường, các lực lượng an ninh được đặt dưới nhiều bộ chỉ huy riêng biệt (bộ binh, không quân, cảnh sát, tình báo) – mỗi bộ chỉ huy phải báo cáo trực tiếp với thủ lĩnh quốc gia. Vị thủ lĩnh này nắm độc quyền việc giao tiếp giữa các bộ chỉ huy, giữa quân sự và dân sự, và với các Chính phủ nước ngoài, một lề lối khiến các thủ lĩnh độc tài trở thành thiết yếu cho việc phối hợp các lực lượng an ninh cũng như phân phối ngoại viện và đầu tư. Để gia tăng nỗi sợ hãi rằng ngoại viện và việc phối hợp các lực lượng chính trị sẽ biến mất nếu không có sự hiện diện của mình, các thủ lĩnh độc tài thường tránh chỉ định người kế vị trong tương lai.

Để làm cho quần chúng mất ý thức chính trị (depoliticized) và thiếu tổ chức, các thủ lĩnh độc tài kiểm soát các cuộc bầu cử và các đảng phái chính trị và mua chuộc dân chúng bằng chế độ bao cấp các nhu yếu phẩm như điện, xăng, và thực phẩm. Khi được kết hợp với các biện pháp như theo dõi hành vi của người dân, kiểm soát phương tiện truyền thông và hù dọa, những nỗ lực này thường đảm bảo được rằng người dân thiếu kết hợp và trở nên thụ động.

Bằng cách đi theo mô thức này, trên khắp thế giới, các thủ lĩnh độc tài khôn khéo về mặt chính trị đã có thể tích lũy những tài sản kếch xù và tập trung quyền lực cao độ. Những thủ lĩnh nổi tiếng nhất trong lịch sử gần đây là Porfirio Díaz tại Mexico, Mohammad Reza Shah Pahlavi tại Iran, triều đại Somoza tại Nicaragua, triều đại Duvalier tại Haiti, Ferdinand Marcos tại Philippines, và Suharto tại Indonesia.

Nhưng như tất cả thủ lĩnh độc tài kể trên đều biết, và như thế hệ độc tài hiện đại gồm các thủ lĩnh tại Trung Đông – như Bashar al-Assad tại Syria, Omar al-Bashir tại Sudan, Zine el-Abidine Ben Ali tại Tunisia, Hosni Mubarak tại Ai Cập, Muammar al-Qaddafi tại Libya, và Ali Abdullah Saleh tại Yemen – đã nhận thấy, quyền lực một khi được tập trung quá đáng thì có thể khó mà bám giữ trong tay.

Những con hổ giấy

Mặc dù có đủ thứ mưu mô nhằm củng cố quyền lực, các chế độ độc tài cá nhân có những sơ hở nội tại, và những yếu kém này chỉ gia tăng theo thời gian. Các thủ lĩnh độc tài phải cẩn trọng tạo ra một sự quân bình giữa việc làm giàu cho bản thân và việc tưởng thưởng cho giới tinh anh: nếu nhà lãnh đạo chỉ biết thụ hưởng một mình và bỏ quên giới tinh anh, thì động lực chủ yếu để giới tinh anh hậu thuẫn chế độ sẽ biến mất. Nhưng khi các thủ lĩnh độc tài cảm thấy quyền lực của mình là quá vững chắc và tự cho mình là không thể thiếu, sự tham ô của họ thường trở nên táo tợn hơn và tập trung vào một giới thân cận nhỏ bé. Khi thủ lĩnh độc tài chiếm độc quyền nhận viện trợ và đầu tư nước ngoài hoặc trở nên quá hữu hảo với các Chính phủ bị lên án, ông ta có thể gây thêm bất mãn cho giới tinh anh và dân chúng hơn nữa.

Đồng thời, khi nền kinh tế tăng trưởng và giáo dục được nới rộng dưới quyền cai trị của vị thủ lĩnh độc tài, số người có cao vọng và nhạy cảm đối với việc công an theo dõi đời tư và lạm dụng quyền hành cũng gia tăng. Và nếu dân số cả nước gia tăng nhanh chóng trong khi phần lớn thành quả kinh tế bị giới chức quyền ở chóp bu chiếm làm của riêng, thì tình trạng bất công và nạn thất nghiệp cũng gia tăng nhanh chóng. Khi những chi phí của việc bao cấp và những chương trình khác mà chế độ sử dụng để xoa dịu lòng dân tăng cao, thì chính việc ban phát ân huệ để làm dân chúng chúng mất ý thức chính trị lại gia tăng sức ép lên chế độ. Nếu các cuộc biểu tình chống đối bắt đầu nổi lên, các thủ lĩnh độc tài có thể đưa ra các cải cách hay nới rộng quyền lợi của chế độ bảo trợ – như Marcos đã làm tại Philippines năm 1984 để chặn đứng sự phẫn nộ của dân chúng đang gia tăng. Tuy nhiên, như Marcos đã nhận ra năm 1986, những hình thức dụ khị này thường trở nên vô hiệu một khi dân chúng đã bắt đầu đòi hỏi chấm dứt chế độ của vị thủ lĩnh độc tài.

Những yếu kém của các chế độ độc tài cá nhân được phóng lớn khi vị thủ lĩnh đến tuổi già và vấn đề kế vị trở nên gay gắt hơn. Các thủ lĩnh độc tài đôi khi chuyển giao được quyền lãnh đạo cho người trẻ tuổi hơn trong gia đình. Điều này chỉ có thể thực hiện khi Chính phủ còn hoạt động hữu hiệu và duy trì được hậu thuẫn của giới tinh anh (như tại Syria năm 2000, khi Tổng thống Hafez al-Assad trao quyền bính cho con trai mình là Bashar) hoặc khi một quốc gia khác yểm trợ cho chế độ (như tại Iran năm 1941, khi các Chính phủ phương Tây hậu thuẫn việc truyền ngôi của vua Reza Shah cho con trai là Mohammad Reza Pahlavi). Nếu sự tham ô của chế độ đã gây căm phẫn cho các tầng lớp tinh anh của đất nước, thì giới này có thể quay lại chống chế độ và cố gắng chặn đứng việc truyền ngôi, tìm cách giành lại quyền kiểm soát quốc gia (đây là những gì đã diễn ra tại Indonesia vào cuối thập niên 1990 khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á giáng một đòn nặng nề cho bộ máy bảo trợ của Suharto).

Chính việc vị thủ lĩnh tự coi mình là cực kỳ thiết yếu cho quốc gia (indispensability) cũng là một cản trở cho việc chuyển giao quyền hành êm đẹp. Hầu hết các Bộ trưởng và các quan chức cấp cao khác đã gắn liền với người đứng đầu Chính phủ quá sâu đậm nên không thể ở lại chức vụ sau khi vị thủ lĩnh bị lật đổ. Trường hợp điển hình là, vào năm 1978 vua Iran mưu toan tránh một cuộc cách mạng bằng cách thay thế vị Thủ tướng của mình, là Shahpur Bakhtiar, và đích thân lãnh đạo Chính phủ nhưng kế hoạch này không có hiệu quả. Toàn bộ chế độ bị sụp đổ vào năm sau. Rốt cuộc, những động thái như vậy vừa không thỏa mãn những đòi hỏi của các lực lượng quần chúng đã được huy động để tìm kiếm một sự thay đồi kinh tế và chính trị to lớn, vừa không thoả mãn nguyện vọng của tầng lớp chuyên gia thành thị đã xuống đường đòi tham dự vào việc kiểm soát Nhà nước.

Rồi phải xét đến đến các lực lượng an ninh. Bằng cách chia rẽ cơ cấu chỉ huy của họ, vị thủ lĩnh độc tài có thể giảm bớt mối đe dọa do các lực lượng này đặt ra. Nhưng chiến lược này cũng có thể làm cho các lực lượng an ninh dễ có khuynh hướng đào ngũ trong trường hợp có những cuộc biểu tình đông đảo. Sự thiếu thống nhất dẫn đến tình trạnh bè phái trong nội bộ các ngành an ninh; đồng thời, sự kiện chế độ không được củng cố bằng một ý thức hệ hợp lòng dân hoặc bằng các định chế độc lập nói lên một điều chắc chắn rằng quân đội sẽ thiếu động lực để đàn áp các cuộc biểu tình. Nhiều thành phần trong quân đội có thể đi đến quyết định là họ có thể phục vụ lợi ích quốc gia tốt hơn bằng cách thay đổi chế độ. Chỉ cần một phần của quân lực bỏ ngũ để theo cách mạng – như đã xảy ra dưới thời Díaz, quốc vương Iran, Marcos, và Suharto – là Chính phủ có thể rã rệu nhanh chóng đến độ gây sửng sốt cho mọi người. Cuối cùng, người thủ lĩnh ngớ ngẩn, vẫn còn tin vào vai trò thiết yếu và địa vị vững chắc của mình, bỗng nhiên thấy mình bị cô lập và mất hết quyền hành.

Người ta thường chỉ phát hiện được mức độ yếu kém của vị thủ lĩnh độc tài một thời gian sau khi ông đã bị lật đổ (in retrospect). Mặc dù thật là dễ dàng để nhận ra các quốc gia có mức độ cao về tham nhũng, thất nghiệp, và độc tài cá nhân, nhưng mức độ chống đối mà các giới tinh anh dành cho chế độ và khả năng quân đội sẽ theo phe cách mạng thường chỉ trở nên rõ nét vào thời điểm các cuộc biểu tình chống đối bắt đầu diễn ra trên qui mô lớn. Dẫu sao, giới tinh anh và các tướng tá trong quân đội có đủ mọi lý do để che giấu tình cảm đích thực của mình cho đến một giờ phút nghiêm trọng nào đó, và người ta không thể biết được sự khiêu khích nào sẽ dẫn đến việc huy động một lực lượng quần chúng rộng lớn, không còn mang tính địa phương. Do đó, sự sụp đổ nhanh chóng của các chế độ độc tài cá nhân thường diễn ra như một cú sốc.

Hẳn nhiên, trong vài trường hợp, quân đội không tức khắc bỏ ngũ để đi theo phe nổi dậy. Tại Nicaragua vào đầu thập niên 1970, chẳng hạn, Anastasio Somoza Debayle đã sử dụng được binh lính trung thành thuộc tổ chức Vệ binh Quốc gia Nicaragua để dập tắt cuộc nổi dậy chống ông ta. Nhưng thậm chí khi chế độ có thể dựa vào một số binh chủng trung thành trong quân đội, ít khi nó có thể tồn tại lâu dài. Nó chỉ rệu rã chậm hơn mà thôi, với sự đổ máu đáng kể hay thậm chí nội chiến diễn ra trong quá trình tan rã của chế độ. Thành công của Somoza năm 1975 không kéo dài; sự hung bạo ngày một gia tăng của ông và nạn tham nhũng đã đưa đến một cuộc nổi dậy thậm chí còn rộng lớn hơn vào những năm sau đó. Sau một vài trận giao tranh kịch liệt, ngay cả những binh lính trung thành trước đây cũng bỏ ngũ, Somoza trốn chạy ra nước ngoài năm 1979.

Sức ép quốc tế cũng có thể xoay chuyển tình thế. Ngọn đòn làm dứt điểm chế độ Marcos là việc Mỹ hoàn toàn rút lui hậu thuẫn sau khi Marcos tuyên bố đắc cử một cách đáng nghi ngờ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1986. Một khi Mỹ đã dứt khoát từ bỏ chế độ Marcos, những người hậu thuẫn còn lại của ông liền chấm dứt chiến đấu, và cuộc cách mạng bất bạo động, mệnh danh là Sức mạnh Nhân dân, đã đẩy ông vào cuộc sống lưu vong.

Làm rung chuyển thành trì độc tài

Những cuộc cách mạng diễn ra khắp Trung Đông tiêu biểu cho sự suy sụp của các chế độ độc tài cá nhân ngày một tham nhũng. Mặc dù kinh tế khắp vùng đã tăng trưởng trong những năm vừa qua, nhưng thành quả không đến với đại đa số dân chúng, mà lại tích lũy trong tay một thiểu số giàu có. Có nguồn tin cho rằng Mubarak và gia đình của ông đã xây đắp được một gia tài trị giá từ 40 đến 70 tỉ đôla. Người ta tin rằng 39 quan chức Chính phủ và các doanh nhân thân cận với Gamal, con trai của Mubarak, đã tạo ra những gia tài trung bình hơn 1 tỉ đôla mỗi người. Tại Tunisia, một điện văn ngoại giao năm 2008 của Mỹ, bị tiết lộ bởi Web site báo động WikiLeaks, ghi nhận nạn tham nhũng tăng vọt, cảnh báo rằng gia đình Ben Ali đang trở nên những tay bóc lột khiến cho việc đầu tư và nỗ lực tạo công ăn việc làm bị bóp nghẹt và rằng sự phô trương của gia đình này đang gây phẫn nộ khắp nơi.

Những khối dân số đang gia tăng nhanh chóng và đang đổ dồn về các thành thị Trung Đông là nạn nhân của đồng lương rẻ mạt và giá thực phẩm gia tăng 32% nội trong năm ngoái, theo thống kê của Tổ chức Lương Nông LHQ. Không phải chỉ có vật giá leo thang, hay kinh tế thiếu tăng trưởng, đã nhen nhúm các cuộc cách mạng; mà chính là do sự dai dẳng kéo dài một tình trạng đói nghèo đều khắp và vô phương cứu chữa giữa cảnh giàu sang xa hoa ngày một gia tăng của một thiểu số.

Bất mãn xã hội cũng được nhen nhúm bởi nạn thất nghiệp tăng cao, một phần phát sinh từ sự gia tăng đột biến của dân số trẻ trong thế giới Á rập. Tỉ lệ bách phân của thanh niên – những người trong lứa tuổi 15-29 so với toàn thể dân số trên 15 tuổi – nằm trong khoảng 38% tại Bahrain và Tunisia đến trên 50% tại Yemen (so với 26% tại Mỹ). Không những tỉ lệ dân số trẻ tại Trung Đông là cực kỳ cao, nhưng dân số trẻ đã gia tăng nhanh chóng qua một quãng thời gian ngắn ngủi. Từ năm 1990, số thanh niên trong lứa tuổi 15-29 đã gia tăng 50% tại Libya và Tunisia, 65% tại Ai Cập, và 125% tại Yemen.

Nhờ những chính sách hiện đại hóa của các Chính phủ độc tài cá nhân này, nhiều thanh niên đã có thể tiếp tục lên đại học, đặc biệt trong những năm gần đây. Thật vậy, số sinh viên đăng ký vào đại học đã tăng vọt khắp vùng trong mấy thập kỷ qua, tăng hơn gấp ba tại Tunisia, tăng gấp bốn tại Ai Cập, và tăng gấp mười tại Libya.

Thật là khó khăn, nếu không nói là bất khả thi, cho bất cứ một Chính phủ nào muốn tạo đủ công ăn việc làm để theo kịp đà gia tăng sĩ số sinh viên nói trên. Đối với các chế độ độc tài cá nhân, vấn đề này là cực kỳ khó quản lý. Như một phần trong chiến lược bảo trợ của mình, Ben Ali và Mubarak từ lâu đã cung ứng trợ cấp Nhà nước cho công nhân và các gia đình qua những chương trình như Quĩ Nhân dụng Quốc gia Tunisia (National Employment Fund) – một cơ quan dạy nghề, tạo công việc, và cho vay vốn – và chính sách bảo đảm việc làm cho sinh viên tốt nghiệp tại Ai Cập. Nhưng những mạng lưới an toàn này bị tháo gỡ dần dần trong thập kỷ vừa qua vì mục đích giảm chi. Ngoài ra, chương trình dạy nghề thì yếu kém, mà việc tuyển dụng nhân viên vào các doanh nghiệp tư cũng như công sở đều bị kiểm soát chặt chẽ bởi những người có móc nối với chế độ. Tình trạng này dẫn đến nạn thất nghiệp rất nghiêm trọng khắp Trung Đông: tỉ lệ thất nghiệp toàn vùng lên đến 23%, hay gấp đôi tỉ lệ thất nghiệp trung bình toàn cầu vào năm 2009. Hơn thế nữa, nạn thất nghiệp giữa thành phần có học vấn thậm chí còn tồi tệ hơn nữa: tại Ai Cập những người tốt nghiệp đại học có khả năng thất nghiệp gấp 10 lần so với những người chỉ có trình độ tiểu học.

Trong nhiều nền kinh tế đang phát triển, khu vực kinh doanh không chính thức cung ứng một lối thoát cho người thất nghiệp. Tuy vậy, các thủ lĩnh độc tài tại Trung Đông cũng gây lắm khó khăn cho ngay cả loại sinh hoạt này. Dẫu sao, những cuộc biểu tình phản đối đã được châm ngòi bằng ngọn lửa tự thiêu của Mohamed Bouazizi, một thanh niên Tunisia 26 tuổi không kiếm được việc làm thích hợp với bằng cấp và chỉ có một quầy hàng bán trái cây trên xe đẩy mà cũng bị công an tịch thu. Qua bao nhiêu năm nay, thanh niên có học vấn và công nhân tại Tunisia và Ai Cập đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình và đình công địa phương để kêu gọi lãnh đạo quan tâm đến nạn thất nhiệp cao, đồng lương thấp, công an sách nhiễu, và nạn tham nhũng Nhà nước. Lần này, các cuộc biểu tình của họ được kết hợp và lan sang các thành phần dân chúng khác.

Việc thu tóm của cải và tham nhũng trắng trợn của những chế độ này ngày càng xúc phạm giới quân nhân. Ben Ali và Mubarak xuất thân từ binh nghiệp; thật vậy, kể từ năm 1952 Ai Cập luôn được các cựu sĩ quan cai trị. Nhưng trong cả hai nước, giới quân nhân bắt đầu thấy tư thế của mình bị sa sút. Các vị chỉ huy quân đội Ai Cập dù có kiểm soát một số doanh nghiệp địa phương, nhưng họ rất căm ghét Gamal Mubarak, người được coi như là Thái tử của Hosni Mubarak. Là một Giám đốc ngân hàng, Gamal thích tạo thanh thế cho mình xuyên qua những người thân tín trong thương trường và chính trường hơn là dựa vào quân đội, và những người có móc nối với ông ta đã thu được những lợi nhuận kếch sù từ các công ty độc quyền của Chính phủ và các hợp đồng với những nhà đầu tư nước ngoài. Tại Tunisia, Ben Ali đã giữ khoảng cách với giới quân nhân để đảm bảo rằng họ không nuôi tham vọng chính trị. Nhưng ông ta lại để cho vợ và thân quyến của bà ta tống tiền các doanh nhân Tunisia và xây nhiều lâu đài trên bờ biển. Tại cả hai nước, sự căm phẫn của giới quân nhân đã khiến quân đội ít có khả năng đàn áp các cuộc biểu tình có đông đảo quần chúng tham dự; sĩ quan và binh lính không chịu giết hại đồng bào mình chỉ để bảo vệ quyền lực của những gia đình Ben Ali và Mubarak cùng những kẻ thân tín của họ.

Một sự đào ngũ tương tự của nhiều bộ phận trong quân đội Libya đã dẫn đến việc Qaddafi nhanh chóng mất nhiều vùng lãnh thổ to lớn. Tuy nhiên, vào lúc tôi viết bài này, việc Qaddafi dùng lính đánh thuê và lợi dụng lòng trung thành của một số bộ tộc đã ngăn chặn được sự sụp đổ của ông ta. Và tại Yemen, Saleh còn cầm cự được, dù khá mong manh, là nhờ ngoại viện Mỹ đã cung cấp để hỗ trợ ông trong nỗ lực chống quân khủng bố Hồi giáo. Tuy nhiên, nếu phe chống đối biết đoàn kết, như họ có vẻ đang làm điều này, và Hoa Kỳ đâm ra do dự trong việc hậu thuẫn chế độ đàn áp của ông, Saleh có thể là thủ lĩnh độc tài sẽ sụp đổ tiếp theo.

Những giới hạn của cách mạng

Vào thời điểm của bài viết này, Sudan và Syria, là hai nước cũng có thủ lĩnh độc tài tại Trung Đông, nhưng chưa kinh qua những cuộc biểu tình lớn của dân chúng. Tuy nhiên hành vi tham ô và thu tóm của cải của Tổng thống Bashir tại Khartoun đã trở nên táo tợn. Một trong những biện minh lịch sử của chế độ Bashir – duy trì sự thống nhất đất nước dưới quyền kiểm soát của miền Bắc – đã biến mất gần đây do kết quả của cuộc bầu phiếu tại Sudan vào tháng Giêng 2011 khi miền Nam đòi độc lập. Tại Syria, cho đến nay Assad vẫn giữ được sự hậu thuẫn mang tính dân tộc chủ nghĩa nhờ chính sách cứng rắn đối với Israel và Li-Băng. Assad vẫn duy trì các chương trình to lớn nhằm tạo công ăn việc làm, những chương trình làm cho người dân Syria trở nên thụ động trong mấy thập kỷ qua, nhưng ông không có một cơ sở hậu thuẫn quần chúng và phải lệ thuộc vào một nhóm thượng lưu nhỏ bé, mà sự tham ô của họ ngày càng gây nhiều tai tiếng. Mặc dù khó nói được hậu thuẫn của giới tinh anh và quân đội dành cho Bashir và Assad vững vàng như thế nào, nhưng cả hai chế độ chắc thậm chí yếu hơn bề nổi của chúng và có thể sụp đổ nhanh chóng khi đối đầu với những cuộc chống đối có cơ sở rộng lớn.

Các chế độ quân chủ trong vùng có khả năng giữ được quyền hành hơn. Chẳng phải vì những chế độ này không đối diện với những đòi hỏi đổi mới. Thật ra, Morocco, Jordan, Oman, và các vương quốc vùng Vịnh Ba Tư cũng đang đối phó với các vấn đề dân số, giáo dục, và kinh tế như các chế độ độc tài cá nhân gặp phải, và chúng cũng phải đổi mới để đáp ứng những đòi hỏi của dân. Nhưng các chế độ quân chủ có một lợi thế: các cơ cấu chính trị của chúng là khá uyển chuyển. Các chế độ quân chủ hiện đại có thể giữ lại quyền hành pháp đáng kể trong tay mình trong khi nhường quyền lập pháp cho Quốc hội dân cử. Vào những thời kỳ bất ổn, dân chúng thường biểu tình đòi cải tổ lập pháp hơn là đòi bãi bỏ chế độ quân chủ. Sự kiện này cho phép các vị vua rộng đường xoay xở để làm yên lòng dân. Đối diện với các cuộc biểu tình chống đối năm 1848, các chế độ quân chủ tại Đức và Ý, chẳng hạn, đã nới rộng Hiến pháp, giảm quyền hành tuyệt đối của nhà vua, và chấp nhận Quốc hội dân cử như là cái giá phải trả để khỏi phải đối đầu thêm các cuộc vận động cách mạng.

Hơn nữa, trong các chế độ quân chủ, sự kế vị thường mạng lại thay đổi và cải tổ, chứ không hũy diệt toàn bộ hệ thống. Sự kế vị trong một vương triều là chính danh và vì vậy thường được người dân hoan nghênh hơn là sợ hãi. Chẳng hạn, tại Morocco năm 1999, dân chúng đã chào mừng lễ lên ngôi của Mohammed IV với hi vọng có nhiều thay đổi. Và thực vậy, Mohammed IV đã cho điều tra một số vụ lạm dụng pháp luật trước đó của chế độ và đã có một số hành động để một phần nào tăng cường các quyền của nữ giới. Ông đã làm lắng dịu các cuộc biểu tình gần đây tại Morocco bằng cách hứa hẹn các cải tổ Hiến pháp quan trọng. Tại Bahrain, Jordan, Kuwait, Morocco, Oman, và Saudi Arabia, các vị vua có thể giữ được ngôi vị của mình nếu họ chịu chia sẻ quyền hành với các viên chức dân cử hoặc trao quyền bính cho một thân nhân trẻ tuổi hơn, một người muốn thực hiện những cải tổ quan trọng.

Chế độ có khả năng nhất để tránh các thay đổi quan trọng trong ngắn hạn là Chính phủ Iran. Mặc dù Iran được gọi là chế độ độc tài cá nhân, nhưng nó có nhiều khía cạnh khác biệt: khác với các chế độ khác ở trong khu vực, các vị Giáo sĩ (ayatollahs) đưa ra một ý thức hệ Si-ít chống phương Tây (an ideology of anti-Western Shiism) và chủ nghĩa dân tộc Ba Tư, một chủ nghĩa có sức thu hút hậu thuẫn đáng kể của người dân bình thường. Iran được lãnh đạo bởi một sự kết hợp gồm nhiều lãnh tụ có quyền lực, chứ không phải chỉ một: Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, và Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani. Vì thế, không có một thủ lĩnh tham nhũng hay bất lực duy nhất cho người dân tập trung sự bất đồng chính kiến. Sau hết, chế độ độc tài Iran nhận được hậu thuẫn của lực lượng Basij, một tổ chức bán quân sự rất trung kiên về ý thức hệ, và lực lượng Vệ binh Cách mạng, một tổ chức gắn liền với Chính phủ.

Sau cách mạng

Những ai nuôi hi vọng Tunisia và Ai Cập sẽ chuyển tiếp qua một thể chế dân chủ ổn định có lẽ sẽ thất vọng nhanh chóng. Các cuộc cách mạng chỉ là khởi đầu của một tiến trình lâu dài. Thậm chí sau một cuộc cách mạng bất bạo động, cũng thường phải mất cả nửa thập kỷ để cho bất cứ một loại chế độ ổn định nào được củng cố. Nếu một cuộc nội chiến hay một cuộc phản cách mạng diễn ra (như có vẻ đang xảy ra tại Libya), việc tái thiết quốc gia còn mất nhiều thời gian hơn nữa.

Nói chung, sau khi thời kỳ trăng mật hậu cách mạng (the post-revolutionary honeymoon) chấm dứt, sự phân hóa trong hàng ngũ phong trào tranh đấu mới bắt đầu xuất hiện. Mặc dù việc bầu lại chính quyền là một bước trông đơn giản, nhưng những vận động tranh cử rồi đến các quyết sách do tân quốc hội đề xuất sẽ mở ra những tranh cãi về thuế khóa và ngân sách quốc gia, về tham nhũng, chính sách đối ngoại, vai trò của quân đội, các quyền của Tổng thống, chính sách chính thức về giáo luật và việc hành đạo (religious law and practice), quyền của các nhóm thiểu số, vân vân… Khi các nhóm bảo thủ, nhóm dân túy (populists), lực lượng Hồi giáo, và phe đổi mới ráo riết tranh giành quyền lực tại Tunisia, Ai Cập, và có lẽ tại Libya, những quốc gia này có khả năng đối diện với những thời kỳ dai dẳng gồm những cuộc thay đổi Chính phủ  và đảo ngược chính sách nhanh chóng – tương tự những diễn biến đã xảy ra tại Philippines và nhiều quốc gia khác sau cách mạng.

Một vài Chính phủ phương Tây, sau một thời gian dài hỗ trợ Ben Ali và Mubarak như những thành trì chống lại làn sóng Hồi giáo cực đoan, hiện nay đang lo sợ những nhóm Hồi giáo đang chuẩn bị giành chính quyền. Tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo (the Muslim Brotherhood) tại Ai Cập là nhóm được tổ chức chặt chẽ nhất tại đó, và vì thế có nhiều cơ may giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử công khai, nhất là nếu các cuộc bầu cử được tổ chức sớm, trước khi các đảng phái khác được thành lập. Tuy nhiên, sử liệu của các cuộc cách mạng trong các chế độ độc tài cá nhân chắc hẳn phần nào giảm bớt những mối lo ngại như thế. Không một chế độ độc tài cá nhân nào bị lật đổ trong vòng 30 năm qua – gồm có tại Haiti, Philippines, Romania, Zaire, Indonesia, Georgia, và Kyrgyzstan – được tiếp nối bởi một Chính phủ có động lực ý thức hệ hoặc có tính cách cực đoan. Nói đúng ra, trong mọi trường hợp, thành quả sau cùng là một thể chế dân chủ khuyết tật – hường là tham nhũng và dễ có khuynh hướng độc tài, nhưng không hiếu chiến hay cực đoan.

Sự kiện này đánh dấu một chuyển biến có ý nghĩa trong lịch sử thế giới. Giữa năm 1949 và 1979, mọi cuộc cách mạng chống lại chế độ độc tài cá nhân – tại Trung Quốc, Cuba, Việt Nam, Cambodia, Iran, và Nicaragua – đều đưa đến một Chính phủ cộng sản hay Hồi giáo. Vào thời kỳ đó, hầu hết trí thức trong thế giới đang phát triển (the developing world) có khuynh hướng đi theo mô hình cách mạng cộng sản để chống lại các nước tư bản. Và tại Iran, khát vọng muốn tránh né cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa cộng sản và sự thịnh hành ngày một gia tăng của thẩm quyền giáo sĩ Shiite truyền thống đã đưa đến cuộc đảo chính để thành lập một chính phủ Hồi giáo. Nhưng kể từ thập niên 1980 về sau, cả mô hình cộng sản lẫn mô hình Hồi giáo không còn sức hấp dẫn. Cả hai mô hình này bị nhiều người coi là thất bại trong việc tạo ra tăng trưởng kinh tế và tinh thần trách nhiệm của chính quyền đối với người dân – hai mục đích chính của tất cả các cuộc cách chống độc tài cá nhân gần đây.

Nhận thấy rằng tỉ lệ thất nghiệp quá cao đã thúc đẩy người dân đòi hỏi thay đổi chế độ, một số người tại Mỹ đã kêu gọi một Kế hoạch Marshal cho Trung Đông để ổn định tình hình trong khu vực. Nhưng vào thời điểm 1945, châu Âu đã có sẵn một lịch sử các chế độ dân chủ và chỉ cần tái thiết cơ sở vật chất hạ tầng bị chiến tranh tàn phá là đủ. Tunisia và Ai Cập vẫn còn giữ nguyên nền kinh tế với thành tích tăng trưởng xuất sắc gần đây, nhưng hai nước này cần phải xây dựng lại các định chế dân chủ. Đổ tiền vào những nước này trước khi chúng tạo ra được các chính phủ có trách nhiệm trước người dân chỉ có nghĩa là nuôi dưỡng tham nhũng và phá hoại những tiến bộ hướng tới dân chủ.

Hơn nữa, Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác không còn lại bao nhiêu uy tín tại Trung Đông sau một thời gian dài hậu thuẫn các thủ lĩnh độc tài. Bất cứ một nỗ lực nào nhằm sử dụng viện trợ để ủng hộ một số tổ chức nhất định hay ảnh hưởng kết quả của các cuộc tuyển cử đều có thể gây ra ngờ vực. Điều mà các nhà cách mạng cần đến từ thế giới bên ngoài là sự cổ vũ mạnh mẽ cho tiến trình dân chủ, một sự sẵn sàng chấp nhận tất cả các tổ chức biết sinh hoạt theo luật lệ dân chủ, và một đáp ứng tích cực cho bất cứ yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật nào trong việc xây dựng các định chế chính trị.

Rủi ro lớn nhất mà Tunisia và Ai Cập đang đối diện là một âm mưu phản cách mạng của giới quân sự bảo thủ, một nhóm [tướng tá] thường tìm cách giành lấy quyền hành sau khi một thủ lĩnh độc tài bị hạ bệ. Sự kiện này đã diễn ra tại Mexico sau khi Díaz bị lật đổ, tại Haiti sau khi Jean-Claude Duvalier ra đi, và tại Philippines sau khi Marcos sụp đổ. Và sau khi Suharto bị buộc phải từ bỏ quyền hành tại Indonesia, quân đội đã sử dụng sức mạnh của mình bằng cách đàn áp các phong trào độc lập tại Đông Timor, một lãnh thổ mà Indonesia chiếm đóng từ năm 1975.

Trong vài thập kỷ qua, những âm mưu phản cách mạng (như từng xảy ra tại Philippines năm 1987-88 và Haiti năm 2004) phần lớn đã thất bại. Chúng không thể đảo ngược các thành quả dân chủ hay đẩy các chế độ tiếp theo sau các thủ lĩnh độc tài vào vòng tay của các thành phần cực đoan – tôn giáo hay phi-tôn giáo.

Tuy nhiên, những âm mưu này thường làm suy yếu các thể chế dân chủ mới và cản trở chúng thi hành các cải tổ rất cần thiết. Những âm mưu này cũng có thể khiêu khích một phản ứng cực đoan. Nếu quân đội Tunisia hay quân đội Ai Cập mưu toan giành lấy quyền lực trong tay hay chặn đứng các nhân vật Hồi giáo tham gia chế độ mới, hoặc các chế độ quân chủ trong khu vực cố tìm cách tiếp tục khép kín xuyên qua đàn áp thay vì cởi mở xuyên qua các cải tổ chính trị, những hành động này sẽ chỉ gia tăng sức mạnh cho các lực lượng chính trị cực đoan mà thôi. Một trường hợp điển hình là, phe chống đối tại Bahrain, một phong trào từng kêu gọi cải tổ hiến pháp, đã phản ứng lại hành động đàn áp các cuộc biểu tình tại Bahrain của [quân can thiệp] Saudi bằng cách kêu gọi lật đổ luôn chế độ quân chủ Bahrain thay vì cải tổ nó. Mở rộng sinh hoạt chính trị cho mọi giới (inclusiveness) là yếu tố quan trọng nhất hiện nay.

Một đe dọa nghiêm trọng khác cho các thể chế dân chủ Trung Đông là chiến tranh. Theo kinh nghiệm lịch sử, các chế độ cách mạng thường trở nên cứng rắn và cực đoan khi đối đầu một cuộc xung đột quốc tế. Không phải việc phá ngục Bastille mà chính là cuộc chiến tranh với Áo đã giúp nhóm cực đoan Jacobins nắm được chính quyền trong Cách mạng Pháp. Một cách tương tự, chính cuộc chiến tranh với Iraq đã tạo cơ hội cho Ayotallah Ruhollah Khomeini khai trừ các chính khách thế tục ôn hòa tại Iran. Thật vậy, một sự kiện duy nhất có thể tạo cơ hội cho các nhóm cực đoan cưỡng đoạt các cuộc cách mạng Trung Đông là nếu sự sợ hãi của Israel hay những hành động khiêu khích của Palestine làm gia tăng mối thù nghịch giữa Ai Cập và Israel, dẫn đến một cuộc chiến tranh nữa giữa hai nước.

Jack A. Godstone là giáo sư trong chương trình Virginia E. and John T. Hazel, Jr., thuộc Phân khoa Chính sách công (Public Policy) tại Đại học George Mason.

T.N.C.

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn