Trung quốc đang muốn sờ đuôi máy bay Mỹ

Nguyễn Hoàng Hà

clip_image002  

Chiếc trực thăng này được cho là phiên bản tiên tiến của Blackhawk. Ảnh: Reuters, Getty Image

 

Theo tin của các quan chức Pakistan thì Trung quốc đang rất muốn được đến xem xác máy bay trực thăng Mỹ bị bỏ lại sau vụ đột kích tòa nhà của Bin Laden. Trong khi đó, Mỹ tha thiết muốn được mang xác máy bay này về hay hủy nó một cách toàn diện. Đáp lại đề nghị được lấy xác chiếc trực thăng về của Mỹ, một quan chức Pakistan “ỡm ờ” trả lời kênh ABC News (Mỹ) rằng: “Người Trung Quốc cũng rất tò mò. Biết đâu chúng tôi sẽ cho họ xem xác máy bay một chút”. Tuy Mỹ chưa xác định được Pakistan đang nói thật hay dọa, nhưng tỏ ra “sốc” nếu Trung Quốc có cơ hội nghiên cứu chiếc trực thăng trên. Người ta cho biết, khi phải phá chiếc máy bay này một cách vội vàng, các biệt kích Mỹ chỉ phá được phần đầu, còn cánh quạt và đuôi máy bay vẫn như nguyên vẹn, và các nhà nghiên cứu khoa học quân sự Trung quốc rất muốn được tới thăm quan nghiên cứu nó và chia sẻ những thông tin khoa học với đồng nghiệp Pakistan.

Việc Mỹ đơn phương đột nhập thị trấn Abbottabad gần thủ đô của Pakistan để tiêu diệt Bin Laden đã làm cho chính quyền Pakistan và các tướng lĩnh Pakistan tức giận. Điều mà Tổng thống đương nhiệm Pakistan đang phải đối phó với dư luận khi bầu cử đang tới gần đó là nguồn tin cho rằng ông đã là tay sai của Mỹ, đã bỏ qua chủ quyền đất nước và thao túng để Mỹ tự do ra vào lãnh thổ nước mình mà không hề bị trừng phạt. Vì thế, vị Tổng thống này đang cần phải tỏ rõ thái độ bất bình phản đối Mỹ mãnh liệt để xoa dịu dư luận dân chúng và các phe phái đối lập.

 

Cũng cần biết là Pakistan đã được Trung Quốc chuyển giao công nghệ tên lửa và nhiều hệ thống tiên tiến khác. Do đó, Islamabad luôn tìm cách đền đáp. Và đây có thể là món quà quá hời đối với Trung Quốc” – cựu cố vấn chống khủng bố Nhà Trắng Richard Clarke phân tích.

Theo giới chuyên gia, chiếc trực thăng này là phiên bản cải tiến của trực thăng Blackhawk và vẫn nằm trong chương trình bảo mật. Tờ Washington Post tiết lộ giá trị của nó là 60 triệu USD, trong khi giá của Blackhawk theo báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ, không quá 20 triệu USD.

Giới chuyên gia hàng không nhận định cánh quạt cùng nắp đậy phần trục và hình dáng giống loài chim của chiếc trực thăng bị bỏ lại là manh mối quan trọng để vén màn kỹ thuật chế tạo máy bay tàng hình của Mỹ - vốn nổi tiếng nhờ khả năng bay trong im lặng và “thu mình” cực nhỏ trên màn hình radar. Nhiều người cho rằng chính nhờ chiếc trực thăng này mà Mỹ giành được ưu thế trong cuộc tập kích. Hàng xóm của Bin Laden cũng kể rằng họ không hề nghe thấy tiếng trực thăng cho đến khi thấy nó bay trên trời.

clip_image003

Pakistan đang "bóng gió" sẽ cho Trung Quốc xem xác trực thăng Mỹ. Ảnh: EPA

Xác trực thăng lại trở thành tiêu điểm mới trong cuộc đấu khẩu giữa Mỹ và Pakistan hơn một tuần qua. Trong khi mối quan hệ đồng minh giữa hai nước ngày càng trắc trở thì Pakistan không ngần ngại tuyên bố: “Trung Quốc là bạn tốt nhất”. Nếu Trung Quốc nghiên cứu xác trực thăng này thì cũng không phải lần đầu siêu cường châu Á tiếp xúc với công nghệ vũ khí của Mỹ. Năm 1999, có tin xác chiếc máy bay tàng hình F-117 Nighthawk của Mỹ bị bắn rơi ở Serbia đã được đưa về Trung Quốc.

Hơn một thập kỷ sau đó, vào tháng 1/2011, máy bay tàng hình đầu tiên của Trung Quốc là J-20 bay thử nghiệm. Ngay lập tức nổ ra tranh luận liệu Trung Quốc có “học hỏi” kỹ thuật của F-117 Nighthawk để áp dụng vào J-20 hay không.

Nhưng mặc cho có nguồn gốc từ đâu, Không quân Mỹ buộc phải thừa nhận J-20 chính là thử thách đáng kể đầu tiên mà họ gặp phải trong nhiều thập kỷ nay. Thậm chí, J-20 còn được xem là đối thủ xứng tầm của dòng chiến đấu cơ không đối không số một của Mỹ hiện nay (F-22) cả về tốc độ lẫn khả năng tàng hình và sát thương.

Một mặt nữa, nhiều nước ở Châu Âu rất vui khi được tin Mỹ tiêu diệt được Bin Laden, nhưng đều cho rằng việc hạ sát ông ta khi không có vũ khí và có thể bắt sống để đưa ra xét xử trước tòa án quốc tế là việc làm phạm pháp, cũng như chuyện vi phạm chủ quyền của Pakistan khi không hề có được sự đồng ý của họ là việc làm coi thường luật pháp quốc tế, gây ra tiền lệ nguy hiểm các cường quốc muốn làm gì thì làm đối với chủ quyền các nước nhỏ yếu. Người ta đặt câu hỏi: Vậy Nga, Trung quốc, Pháp, v.v. có thể tự do ra vào lãnh thổ của Mỹ để diệt bọn khủng bố khi không có sự đồng ý của Mỹ chăng? Và như vậy rất có thể các nước lớn đưa quân xâm lược nước nhỏ mà không hề bị lên án?

Vì thế người ta không ngạc nhiên khi nhiều nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Anh, Nga, Trung quốc... bất bình về vấn đề này. Có thể nói chiến thắng mới này của Mỹ đang bị dư luận cho rằng quá đắt đỏ, sau khi đã phải chi ra 3000 tỷ đô la và hàng ngàn sinh mạng lính Mỹ và đồng minh NATO để tiêu diệt Bin Laden, nay sớm mang sự chua chát khi dư luận đang ngày không đồng tình việc làm đơn phương xâm phạm chủ quyền của quốc gia khác.

Lại nữa, dư luận đang nóng bỏng khi được biết con trai út Bin Laden được mệnh danh là “Thái tử” của Bin Laden đã trốn thoát khỏi cuộc bố ráp này và chắc chắn sẽ là một “Bin Laden” để lãnh đạo đội quân thánh chiến chống Mỹ. Người ta đã kể về cậu con trai này, người đã theo cha từ lúc 13 tuổi, cầm súng tham gia trực tiếp chống Mỹ và NATO khi mới 15 tuổi. Như vậy chuyện Bin Laden bị tiêu diệt chưa chấm hết, nước Mỹ còn nhiều đêm quên ăn, mất ngủ. Trung Quốc thì đang thế dần chân Hoa kỳ ở khắp mọi nơi, như hình với bóng. Người ta cũng đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc lại cứ muốn là kẻ đi sát Mỹ tha thiết đến như vậy? Và sau lưng họ như có con dao bầu sáng loáng chỉ chực giơ lên làm điều gì đó. Đây liệu có phải một nghịch duyên hay không trong quan hệ Mỹ - Trung thời hiện đại?

Ngày 11 tháng 5 năm 2011

N. H. H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn