TRƯƠNG HÁN SIÊU - MỘT TẦM NHÌN VĂN HÓA, NGƯỜI KHẮC TẠC TRẬN THỦY CHIẾN BẠCH ĐẰNG(*)

Nguyễn Huệ Chi

imageKhông ở đâu trên giải đất Việt Nam này có được một thắng cảnh ưu mỹ như núi Non Nước Ninh Bình(1). Một hòn núi không ghê gớm về tầm cao và tầm đồ sộ, ngược lại có thể nói là nhỏ bé nữa. Một hòn núi cũng không có gì gọi là giàu sản vật, cỏ cây và muông thú, mà nhiều lắm chỉ là vài mươi gốc cổ thụ giai dẳng bám sâu vào đá, và thấp thoáng dưới tàng cây là bóng dáng của một vài chú sóc, vài loài chim. Thế nhưng nơi đây lại lưu giữ một thứ sản vật có thể nói là vô giá, và lưu giữ với số lượng vượt trội hơn bất kỳ một hòn núi nào khác của nước ta: ấy là những bài thơ bài văn được khắc lên vách đá kể từ thế kỷ XIII cho đến tận nửa đầu thế kỷ XX. Một tàng thư thiên nhiên độc đáo tồn tại trong suốt bảy thế kỷ! Một điều nữa khiến ta nghĩ nhiều đến núi Non Nước là có một nhân vật lịch sử như tấm phông nổi bật đằng sau di chỉ ấy, một con người mà tầm vóc làm cho di chỉ như càng cổ kính thêm. Chính con người đó đã khai sinh ra cái tên Dục Thúy cho hòn Non Nước nằm trên khúc quanh tiếp giáp hai con sông chảy qua thành phố Ninh Bình, hệt như một chú chim cánh trả đang lao thẳng xuống giữa dòng nước. Cũng chính con người đó đã “đặt bút” viết lên “bộ hợp tuyển bằng đá” những “trang viết” đầu tiên: Bài dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký của ông không những nhiều sĩ phu các thế hệ đã đọc đến thuộc lòng, mà còn được chiêm ngưỡng tận mắt nếu có dịp ghé thăm Non Nước. Con người đó là Trương Hán siêu (?-1354), một trong những gương mặt sáng láng của thời đại Lý - Trần.

Tiểu sử Trương Hán Siêu là một vấn đề mà hẳn giới sử phải quan tâm hơn giới văn, song điều kiện tư liệu hiện nay lại không cho phép có nhiều phát hiện mới. Trở đi trở lại chúng ta vẫn có bằng ấy tài liệu mà có lẽ từ rất lâu rồi các học giả Việt Nam đều đã quá quen thuộc. Đó là các sách Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, Việt âm thi tập, Toàn Việt thi lục, Quần hiền phú tập, Hoàng Việt thi văn tuyển, Đại Nam nhất thống chí, và từ 30 năm trở lại đây còn có bộ Thơ văn Lý - Trần. Tựu trung, ta biết Trương Hán Siêu tự Thăng Phủ, hiệu Độn Tẩu, người làng Phúc Thành, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên, nay là tỉnh Ninh Bình. Ông xuất thân là một môn khách trong phủ đệ của Trần Quốc Tuấn (1232-1300), giúp việc văn thư cho Trần Quốc Tuấn nhiều năm, về sau được Quốc Tuấn tiến cử với Triều đình Trần và được tín nhiệm, lần lượt giữ nhiều chức trong triều, cũng lần lượt đi trấn nhậm các vùng Lạng Giang, Hóa Châu, hoặc có lúc được cử làm một công việc mang chức năng tôn giáo, như chức Giám tự chùa Quỳnh Lâm - Giám đốc một ngôi chùa vào hàng “quốc tự”/chùa quốc gia hạng nhất. Lẽ tự nhiên, một tiểu sử vắn tắt như thế không khỏi vẫn để lại nhiều chỗ trống, nhiều dấu hỏi gay cấn mà không phải đến ngày nay mới được đặt ra. Chẳng hạn, Trương Hán Siêu sinh ngày tháng năm nào và mất ngày tháng năm nào? Ông có về ẩn cư ở Trường Yên hay không và có thể ước đoán vào thời gian nào trong cuộc đời ông? Ông có đi sứ Trung Quốc thực hay không hay bài Quá Tống đô chỉ là chép lầm của người khác? Dòng dõi Trương Hán Siêu hiện nay còn lại ở đâu? Chi phái nào hiện đang tiếp nối ở Lạng Giang (nơi ông trấn nhậm lâu năm) và chi phái nào hiện có mặt ở Đông Triều như Đại Việt sử ký toàn thư đã chép?(2) Vân vân và vân vân...

Mấy năm trước đây Nhóm khảo sát thực địa do Trường trung học Lương Văn Tụy chủ trì đã làm được một việc có ý nghĩa, ấy là tổ chức khảo sát điền dã ngay tại thôn Phúc Am, xã Ninh Thành, nay thuộc thành phố Ninh Bình là nguyên quán của ông, và tìm ra bản thần tích ngôi đền thờ Trương Hán Siêu tại xã này, bị phá cách đây khoảng 50 năm, may mắn thần tích còn lưu lại trong dân chúng. Thần tích có đề rõ: “Trần triều Thái bảo Thái phó Trương Thăng Phủ gia phong Trác vĩ thượng đẳng thần”(3), đặc biệt có ghi một chi tiết quan trọng là ngày “chính kỵ” của Trương Hán Siêu vào 15 tháng Chín(4). Như thế nào là ngày “chính kỵ”? Hiểu theo nghĩa chữ Hán thì đây là ngày giỗ chính thức của ông, chứ không phải là ước lệ “xuân thu nhị kỳ” hay “nhất kỳ” do quy ước của người lập đền. Nếu so với Đại Việt sử ký toàn thư ta sẽ thấy một sự không ăn khớp: Đại Việt sử ký toàn thư ghi Trương Hán Siêu mất tháng Mười một âm lịch năm Giáp Ngọ (1354), trong khi ngày giỗ ở đền thờ ông diễn ra trước một tháng rưỡi. Nếu tra lại lý lịch ngôi đền ta lại càng có chỗ hồ nghi. Theo Đại Nam nhất thống chí, ngôi đền Trương Hán Siêu mới được khởi xây từ năm Minh Mệnh thứ 15 (1833) do sáng kiến của Án sát Nguyễn Bá Thản(5). Một ngôi đền chỉ mới mọc lên cách ta 175 năm thì thần phả của nó có đáng tin cậy bằng một bộ sử ra đời đã trên 500 năm hay không? Mới so sánh sơ qua, tưởng chừng dễ ngã ngũ được ngay. Tuy thế, đào sâu hơn vào vấn đề thì hình như vẫn có một đôi điều cần bàn. Hãy thử đặt một câu hỏi: ngôi đền được xây do một vị Án sát đề xướng, lại có thêm một danh Nho là Vũ Phạm Khải (1807-1872)(6) viết văn bia, vậy vì sao hai con người có học này lại không dựa vào Đại Việt sử ký toàn thư để ấn định ngày mất cho Trương Hán Siêu mà đưa ra một số liệu không khớp với sử cũ? Phải chăng khi dựng đền, Nguyễn Bá Thản và Vũ Phạm Khải đã có chỗ dựa là một cuốn phả nào có từ trước, cuốn phả đó có ghi chép cụ thể ngày mất của Trương Hán Siêu? Mặt khác, đứng về mặt tâm linh mà xét, người ta không thể dựng đền để thờ một người mà mình tâm phục, mong linh hồn người đó hiển ứng để phù trợ dân chúng trong vùng, nhưng rồi lại bịa ra một ngày giỗ không có thật để mời thần về chứng giám lòng thành. Làm như thế chắc chắn đền sẽ mất thiêng. Theo các thầy giáo quê ở địa bàn Phúc Am thì trước khi có đền Trương Hán Siêu, vốn đã có miếu thờ ông từ rất lâu đời. Đã có miếu thì thần phả chắc chắn phải có. Vì thế có phần đáng tin là ngày 15 tháng Chín Âm lịch mà bản thần phả Nguyễn Bá Thản ghi được đúng là ngày mất đích thực của ông truyền lại từ lâu. Vậy số liệu này có thể và nên cân nhắc để bổ sung cho chính sử, bởi ngay cả trong chính sử nhiều việc vẫn chép sai và luôn luôn cần hiệu chỉnh, như học giả Lê Quý Đôn (1726-1784) xưa kia đã từng làm mà các đời sau đều phải thừa nhận.

Cũng trong vấn đề tiểu sử của Trương Hán Siêu, còn có một gợi ý khác, nảy ra từ chuyến điền dã của đoàn cán bộ Ban văn học Cổ cận đại Viện Văn học tại núi Non Nước vào tháng X năm 1990. Trước kia chúng tôi vẫn đinh ninh nhà nho tích cực nhập thế Trương Hán Siêu cho đến tận khi mất vẫn không có thời gian về ẩn ở quê nhà mặc dù trong lòng có lúc ông rất muốn về. Ý kiến đó ám ảnh đến nỗi đọc thơ văn Trương Hán Siêu Nhóm biên soạn thơ văn Lý - Trần đã sơ ý bỏ qua không để ý đến một thông điệp quan trọng, mãi đến khi tận mắt nhìn tấm bia Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký ở sườn núi Non Nước mới kịp nhận thấy. Thì ra trong bài văn đặc sắc này, Trương Hán Siêu có viết một câu nói lên khá rõ, rằng trước khi làm quan mình từng có thời gian ở ẩn. Câu đó như sau: “Dư hậu khách tứ phương, nhậm hoạn vu triều, bị vị đài sảnh, thiên nhai cựu ẩn thời phục mộng trung du nhĩ”(7). Tạm dịch như sau: “Về sau ta làm khách bốn phương, giữ việc quan tại triều, lạm dự chức nơi đài sảnh thì chốn ẩn dật xưa ở bên trời chỉ còn đôi lúc dạo chơi trong giấc mộng mà thôi”(8). “Chốn ẩn dật xưa ở bên trời” chẳng phải là một sự xác định tương đối cụ thể cả thời gian và địa điểm ở ẩn là gì. Trương Hán Siêu không thể gọi “chốn ẩn dật xưa” cái nơi đã sinh ra mình và mình chỉ sống lúc còn niên thiếu, bởi người vị thành niên sao có thể gọi là ẩn sĩ được. Đây là tín hiệu cho phép dự đoán sau khi trưởng thành, làm môn khách cho Trần Quốc Tuấn, nhà danh sĩ lại đã có thời gian lui về quê nhà. Nhưng đó là thời điểm nào? Nếu xem xét Đại Việt sử ký toàn thư ta sẽ thấy hai sự kiện có phần mâu thuẫn: khi nói về đức nghiệp của Trần Quốc Tuấn, sử chép “ông hay vì nước tiến cử người hiền, như Dã Tượng và Yết Kiêu là gia thần có dự công dẹp Ô Mã Nhi và Toa Đô; Phạm Ngũ Lão (1255-1320), Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực là môn khách, đều do văn chương chính sự nổi tiếng với đời”(9). Vậy mà khi chép về hành trạng của Trương Hán Siêu cũng bộ sử ấy lại cho biết: ông bắt đầu được bổ dụng vào năm 1308 dưới triều Trần Anh Tông(10). Chắc hẳn không phải đến năm 1308 Trần Quốc Tuấn mới tiến cử Trương Hán Siêu với Triều đình, vì Hưng Đạo vương đã mất từ năm 1300, tám năm về trước. Song nếu Trương Hán Siêu được vào triều khoảng thời gian trước năm 1300 thì chắc sử không thể bỏ qua, chẳng hạn trường hợp Trần Thì Kiến đã được bổ chức An phủ sứ Thiên Trường từ trước 1297 và đến 1297 chuyển sang làm quan Kiểm pháp kiêm An phủ sứ Kinh sư; hay Phạm Ngũ Lão, một năm trước khi Trần Quốc Tuấn mất đã được bổ dụng chức Thân vệ tướng quân kiêm quản quân Thiên thuộc phủ Long Hưng... Chúng tôi ngờ rằng chính vào khoảng thời gian vài năm trước 1300, nhà chiến lược Trần Hưng Đạo đã dự cảm được cái chết của mình nên bắt đầu thu xếp cho những người dưới trướng có đường tiến thủ. Tuy thế, trong số những người được ông gợi ý cất nhắc, nếu một võ tướng như Phạm Ngũ Lão đã bộc lộ tài ba trong chiến trận, một văn thần như Trần Thì Kiến do kinh lịch, đều được lục dụng ngay, thì một người còn trẻ như Trương Hán Siêu không đỗ đạt gì, chưa chứng tỏ được năng lực với Triều đình, lại phải chờ đợi để thử thách thêm. Đó là khoảng thời gian tám năm từ 1300 - 1308, trong tám năm ấy, Trương Hán Siêu đã về quê, vừa ẩn cư vừa vừa dùi mài đọc sách, chuẩn bị một học vấn vững chãi cho những bước đi kế tiếp về sau. Tất nhiên, nói về quá trình đào tạo nên con người chính khách Trương Hán Siêu thì chặng đường làm môn khách cho Trần Quốc Tuấn vẫn có vị trí rất cơ bản. Một chân “thư nhi” dưới tầm tay vị Quốc công tiết chế, hẳn chắc việc học hành của ông không phải tuân theo những trình tự bài bản như ở nhà trường. Cũng không có cái học vị Tiến sĩ nào được dành cho con người đó. Nhưng đây là một môi trường mà sự rèn giũa, mài xát kiến thức nhất thiết phải đặt ra và đặt ra gay gắt, ở đấy sự thực học được đề cao và cái học phù phiếm bị loại bỏ - môi trường học đi với hành trong mọi hoạt động của đại bản doanh quân đội nhà Trần chuẩn bị cho công cuộc cứu nước vĩ đại. Chính là nhờ có hai bước phối hợp hoàn hảo giữa “học trong màn trướng” chặng trước và “học sâu vào sách vở” chặng sau mà điều tất yếu sẽ xẩy ra: uy tín học vấn của Trương Hán Siêu ngày một được thừa nhận sau khi ông bước chân vào Triều(11). Các vua Trần dần dần kính nể không gọi thẳng tên và nhất loạt tôn xưng ông bằng thầy. Sau khi ông mất, vua Trần Dụ Tông (1336-1369) truy phong ông chức Thái phó (chức quan dạy dỗ vua) và vua Trần Nghệ Tông (1321-1394) cho phụ thờ ông ở Văn miếu. Thậm chí Đại Việt sử ký toàn thư còn đánh giá ông có kiến văn vững chắc hơn Tham tri chính sự Phạm Ngộ (?-?) vốn là một người đồng sự với ông, cũng khá nổi tiếng lúc đương thời. Cũng qua cách ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư ta có thể ngờ, nếu chỉ thuần xét theo tiêu chí chữ “lễ”, Trương Hán Siêu chưa hẳn đáng gọi là mẫu mực trong con mắt đám Nho sĩ chính thống, như cái tính nói năng không câu thúc, gặp việc là tỏ thái độ ngay, nên có lần đã bị trách phạt; lại nhiều khi ông không biết giữ ý, khinh thường người khác khiến bạn đồng liêu chẳng mấy vừa lòng. Một vị quan giữ chức Tông chính đại khanh là Lê Cư Nhân từng mỉa ông là một “chân đá cầu nhà quê” (thôn cừu cước) ý nói Trương liệu việc nhiều khi hấp tấp(12). Nặng lời nhất là sử thần Ngô Sĩ Liên (thế kỷ XV) dưới đời Lê Thánh Tông (1460 - 1497) khi phẩm bình về Trương đã công khai chê trách, coi ông là hạng người “kiêu lận” (kiêu ngạo và keo bẩn), không đáng được dự thờ nơi dành cho biểu tượng tôn nghiêm của đức Khổng Phu Tử(13). Ấy thế mà ông vẫn được Triều đình Trần đề cao, được thừa nhận là “nhân cách cương trực” (vi nhân cốt ngạnh) (14) và nằm trong số tên tuổi được trưng dẫn coi như “nhân tài đều khắp” (nhân tài bân bân) (15) của thời đại Trần. Chứng tỏ, vào thời đại đó, cá tính của sĩ phu còn được tự do buông thả, chưa bị bộ máy quan liêu đem các chuẩn mực đạo lý Nho giáo ra xét nét, bắt bẻ(16), và đúng như Lê Quý Đôn nói, nhà Trần biết trọng đãi lớp trí thức có thực học chứ không hề mê muội ở hư danh. Chẳng phải chỉ dựa vào oai quyền của một người như Trần Quốc Tuấn Trương mới tìm được chỗ đứng mà tự ông, với công phu rèn giũa học vấn và thi thố tài năng, ông đã định đoạt được chiếc ghế chức vị cho chính mình. Bài học dùng người của nhà Trần - biết đặt quan hệ “nhất thân nhì thế” ra ngoài mọi chọn lựa - xứng đáng là tấm gương trong cách dùng người của nhiều thời đại.

*

* *

Trương Hán Siêu trong vai trò một chính khách của triều Trần có rất nhiều tư cách nhưng trùm lên mọi tư cách, ở ông là một bản lĩnh văn hóa mà nhìn phương diện nào cũng có những đóng góp quan trọng.

Trước hết, dù có sơ suất này khác trong ngôn hành, ông vẫn là một nhà nho và trong văn nghiệp của nhà nho Trương Hán Siêu, phần lớn đều chứa đựng quan điểm Nho giáo, nhất là quan điểm Nho giáo được vận dụng như một lợi khí để đấu tranh chống lại các trường phái tư tưởng khác, tồn tại trong cùng thời điểm. Ở góc độ này ông là một Nho gia có chủ kiến, hăng hái tham gia vào cuộc đấu tranh nhằm phát huy mặt tích cực của trường phái tư tưởng mà mình xuất thân. Tuy vậy, cũng cần nói thêm, nếu Trương Hán Siêu cứ khăng khăng bảo vệ Nho giáo chỉ vì cái danh của Nho giáo mà thôi thì Nho sĩ họ Trương chưa chắc đã trở thành một nhà văn hóa, bởi hàm lượng văn hóa bao giờ cũng phải là một hằng số lịch sử. Nho giáo có những giá trị văn hóa đáp ứng được yêu cầu lịch sử của xã hội Đại Việt thuở ấy bên cạnh những giá trị không thích nghi với lịch sử và Phật giáo thì cũng vậy. Việc thanh lọc cái phi lịch sử để trở thành cái lịch sử là việc đặt ra cho cả Đạo, Phật, và Nho lúc bấy giờ. Nhờ dự cảm sáng suốt của một nhà tư tưởng lớn, trong khi phê phán Phật giáo Trương Hán Siêu đã không rơi vào thái độ của hạng nhà nho tiểu khí mà đi đúng quy luật thanh lọc đã nêu. Ông biết đứng trên quan điểm lợi ích thực tiễn của xã hội thịnh Trần để phê phán giáo đồ, và tựu trung, cái ông chống là cái phần tha hóa của sinh hoạt Phật giáo trong đời sống chùa chiền, những đối tượng ông lên án là “những kẻ giảo hoạt trong đám sư sãi”, “bỏ mất cái bản ý khổ không của đạo Phật mà chỉ chăm lo chiếm những nơi đất tốt, cảnh đẹp, tự giát vàng nạm ngọc cho chỗ ở của chúng rực rỡ, tô điểm cho môn đồ của chúng lộng lẫy như voi, rồng” (Khai Nghiêm tự bi ký) (17). Nghĩa là trước sau ông không hề chống lại giáo lý uyên thâm của nhà Phật. Có hiểu điều đó mới lý giải được vì sao Trương Hán Siêu “chống Phật” mà các bài văn bài bác Phật giáo của ông như bia Khai Nghiêm lại được nhà chùa trân trọng, được khắc đá dựng ngay trong chùa. Giới Thiền học phải đâu đều là người dốt nát, cứ nhắm mắt tin bừa vào kẻ lăm lăm muốn “xóa sổ” mình? Cũng có hiểu điều đó mới lý giải được vì sao đến cuối đời, Trương Hán Siêu đã tự nguyện rời bỏ quan điểm “chống Phật” để tìm thấy sự cân bằng trong tâm thức khi dung hợp Nho với Phật:

Phù thế như kim biệt,

Nhàn danh ngộ tạc phi.

(Dục Thúy sơn)

(Từ khi cách xa cõi đời trôi nổi,

Được tiếng nhàn mới biết trước đây mình đã sai)

 

Không những thế, chắc là Trương Hán Siêu còn tìm vào Đạo giáo, bởi vì ông đã trăn trở mãi trước hành vi “quy khứ” của Đào Tiềm (365-427), một nhà thơ đời Tấn, một nhà Huyền học sống vào một thời đại thịnh trị của Huyền học Trung Quốc:

Trùng dương thời tiết kim triêu thị,

Cố quốc hoàng hoa khai vị khai?

Khước ức cầm tôn tiền nhật nhã,

Kỷ hồi tao thủ phú “Quy lai”.

(Cúc hoa bách vịnh, III)

(Sớm nay vừa tiết trùng dương,

Chẳng hay quê cũ hoa vàng nở chưa?

Rượu đàn trạnh nhớ thú xưa,

Vò đầu mấy bận làm thơ “Đi về”) (18).

 

Một đặc trưng của văn hóa Việt Nam là sự dung hợp (l’intégration) - dung hợp của nhiều môn phái, hệ tư tưởng, nguồn tín ngưỡng... khác nhau. Dung hợp dưới hình thức cộng sinh và thâm nhập lẫn nhau một cách uyển chuyển dần dà mà không có sự kịch liệt bài xích, và điều đó làm nên sức mạnh tinh thần của cộng đồng dân tộc Việt. Nói Trương Hán Siêu là một nhân cách văn hóa trước hết là nói sự chấp nhận xu thế tự nhiên này, chứ tuyệt không phải ở cái nhìn biệt phái của một Nho gia khăng khăng đòi độc quyền cho học thuyết nhà nho.

Là một văn thần cột trụ của Triều đình, trong hoạt động chính sự của Trương Hán Siêu, ông đã sử dụng học vấn một cách đắc lực ở mọi chức trách. Trong tư cách Học sĩ Viện Hàn lâm, ông là người thay mặt vua soạn thảo văn chương chiếu cáo ban bố cho toàn dân, và văn từ trao đổi ngoại giao giữa Đại Việt và các nước. Với tư cách là người chế định bộ Hình thư, ông là người đặt nền tảng cho một Triều đình vận hành theo luật pháp. Với tư cách là người biên soạn bộ Hoàng triều đại điển cùng Nguyễn Trung Ngạn (1289-1368?), ông là người góp phần xây dựng những nghi thức, điển chế nhằm đưa các hình thức hoạt động của Triều đình vào nề nếp quy củ, phản ánh tư thế của một triều đại văn minh... Đó đều là những tư cách văn hóa sáng rỡ, góp phần nâng cao phong khí, thể diện của một vương triều và một thời đại - thời đại Lý - Trần. Ngay cả việc nhà vua thường cử Trương Hán Siêu đi trấn nhậm ở những vùng có nhiều rắc rối như Lạng Giang, Hóa Châu mà Trương Hán Siêu đều giải quyết ổn thỏa, vỗ yên dân chúng, hay được cử làm Giám đốc chùa Quỳnh Lâm, xử lý những việc tế nhị trong quan hệ giữa “đời” và “đạo” vốn là việc rất hệ trọng của vương hầu cũng như dân sự thời ấy, cũng chứng tỏ bản lĩnh văn hóa và kinh nghiệm sống nhiều mặt của ông.

Nhưng nói đến nhân cách văn hóa của mỗi danh nhân còn phải nói đến một phương diện không thể thiếu được: đó là sự ứng xử văn hóa trong cuộc sống thường ngày, riêng tư của chính họ. Ở Trương Hán Siêu, hành vi ứng xử nổi bật nhất, in đậm vào sử sách, là thái độ gần gũi thiên nhiên, cách ông nhìn ngắm thiên nhiên tạo vật. Về điều này, nếu nói Trương Hán Siêu gắn bó với cảnh trí của đất nước thì không có gì sai nhưng hình như vẫn chưa đủ. Nhà thơ nhà văn Việt Nam xưa nay rất ít người thờ ơ trước vẻ đẹp của giang sơn gấm vóc: “Nước biếc non xanh thuyền gối bãi / Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu” (Nguyễn Trãi). Trương Hán Siêu cũng thế thôi. Nhưng với ông, trong tình yêu thiên nhiên hình như còn có một điều gì khác hơn, một khao khát thường trực muốn chiếm lĩnh thế giới tự nhiên, nhận biết cho hết mọi tri thức lịch sử - xã hội ẩn ngầm trong ngoại giới. Như chính ông phô bày trong vai một người khách ở bài Bạch Đằng giang phú, hầu như cả một đời, ông đã coi lẽ sống của mình là ngược xuôi tìm đến mọi danh lam thắng cảnh:

Khách hữu:

Quải hãn mạn chi phong phàm;

Thập hạo đãng chi hải nguyệt.

Triêu dát huyền hề Nguyên Tương;

Mộ u thám hề Vũ huyệt.

Cửu Giang, Ngũ Hồ; Tam Ngô, Bách Việt,

Nhân tích sở chi; mị bất kinh duyệt.

Hung thôn Vân Mộng giả sổ bách,

Nhi tứ phương tráng chí do khuyết như dã.

(Bạch Đằng giang phú)

(Khách có kẻ,

Giương buồm giong gió khơi vơi;

Lướt bể chơi trăng mải miết.

Sớm gõ thuyền chừ Nguyên, Tương(19),

Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt(20);

Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt(21),

Nơi có người qua đâu mà chẳng biết.

Đầm Vân Mộng(22) chứa vài trăm trong dạ đã nhiều,

Mà tráng chí tứ phương vẫn còn tha thiết...) (23)

 

Cũng có thể nghĩ đấy mới chỉ là những lời tâm niệm của Trương Hán Siêu bởi các địa danh nói trên đều là điển cố trong văn liệu, ông được đọc qua sách vở, hay là thông qua sách vở mà tìm đến chúng chứ chưa chắc đã một lần ghé thăm. Song cũng vì vậy, thiên nhiên như cái đích tìm kiếm của ông dường như có mang một hàm nghĩa thâm thúy: đây là nơi tập kết mọi trải nghiệm văn hóa của con người, và cũng là chứng tích để con người nhìn xa vào lịch sử. Vẫn trong bài phú về sông Bạch Đằng, tiếp theo mấy câu vừa dẫn, ông liền bày tỏ ý nguyện bắt chước “thú tiêu dao” của Tử Trường tức Tư Mã Thiên (135?-87 trước CN) - nhà viết sử nổi tiếng của Trung Quốc, trước khi bắt tay cầm bút đã đi khắp mọi nơi đầu sông cuối bể nhằm nuôi dưỡng tình cảm và thu nhận kiến thức. Trương Hán Siêu cũng bắt mình làm như vậy:

Nãi cử tiếp hề trung lưu,

Tòng Tử Trường chí viễn du.

Thiệp Đại Than khẩu; tố Đông Triều đầu.

Để Bạch Đằng giang, thị phiếm thị phù.

(Bèn giữa dòng chừ buông chèo,

Học Tử Trường chừ thú tiêu dao.

Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều,

Đến sông Bạch Đằng, nổi trôi mặc chèo)

 

Ta để ý nếu ở phần trên, các địa danh tuy thực mà đều là ảo - địa danh trong thư tịch, không phải trong thực tế - thì đến đây mới là địa danh thực. Nhà thơ đưa ra một cái tên Bạch Đằng chưa hề có trong các pho sách kinh điển nhưng lại hiển hiện trước mắt với tất cả sức thuyết phục của những chiến công vang dội của nó. Vẫn trong vai “khách”, ông làm như chưa biết gì về cái nơi mình đang đứng, trầm tư và thắc mắc trước quang cảnh buồn thảm của Bạch Đằng hiện hữu: “Buồn vì cảnh thảm, đứng lặng giờ lâu”, để rồi sau đó mới mượn lời “các bô lão” nêu đích danh sức nặng lịch sử của cái tên Bạch Đằng:

Giang biên phụ lão, vị ngã hà cầu?

Hoặc phù lê trượng, hoặc trạo cô châu.

Ấp dư nhi ngôn viết:

Thử Trùng Hưng nhị thánh cầm Ô Mã Nhi chi chiến địa,

Dữ tích thời Ngô thị phá Lưu hoằng Thao chi cố châu dã.

(Bên sông các bô lão, hỏi ý ta sở cầu.

Có kẻ gậy lê chống trước, có người thuyền nhẹ bơi sau

Vái ta mà thưa rằng:

Đây là nơi chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã,

Cũng là bãi đất xưa thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao)

 

Điều Trương Hán Siêu muốn tìm kiếm ở thiên nhiên đến đây đã được thỏa mãn: Bạch Đằng hiện diện trước mắt không phải chỉ chứa đựng vẻ đẹp trữ tình man mác gợi bao nhiêu nỗi niềm cho du khách, mà nó còn tiềm ẩn cả vẻ đẹp hào hùng và dữ dội của hai trận thắng oanh liệt trong hai thời đại - một bức tranh sóng đôi của lịch sử đất nước chống xâm lăng. Bằng thủ pháp dồn nén sự sống nhiều tầng nhiều lớp vào một địa điểm có vị trí đặc biệt trong tâm tưởng mọi con người Việt Nam, đặt nó như một đối trọng nặng cân đối với những địa danh ảo dẫn ra ở trước, Trương Hán Siêu đã cấp cho cái tên Bạch Đằng một huyền thoại sống, xứng đáng xếp liền với những cái tên Nguyên, Tương, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt, Vân Mộng... đã quen thuộc trong điển tích thi ca. Ông hoàn toàn thành công trong việc điển tích hóa địa danh Bạch Đằng. Nhưng đứng về cảm quan thiên nhiên, ông còn muốn nói một điều hơn thế. Ông nhìn ra trong thiên nhiên cái đẹp bề ngoài và cái đẹp bên trong, chúng bổ sung trọn vẹn cho nhau. Nếu cái đẹp bề ngoài chỉ mới làm cho người ta thưởng thức bằng trực cảm, bắt người ta đặt những chấm than, những câu hỏi buông lửng trước vẻ hoang sơ của thiên nhiên, thì cái đẹp bên trong là sức sống cường tráng của thiên nhiên nhìn xuyên thời gian, có bàn tay khối óc con người in dấu. Cái đẹp ấy không hiện ra dễ dàng cho người ta thấy, thậm chí trải qua vật đổi sao dời tưởng có thể mất đi. Nhưng không, nó vẫn mãi còn đấy. Nó là dòng ý thức được sống dậy trong chủ thể tiếp nhận, giúp cho thiên nhiên không còn mang tính tự nó.

Cùng một mạch suy nghĩ, trong bài Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký, Trương Hán Siêu còn đưa tầm nhìn vượt lên rất xa khỏi con mắt thế tục, tìm thấy mối tương quan giữa tạo tác của thiên nhiên và điểm tô của con người như là một sự bổ sung, tiếp nối, qua lại giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, cái chốc lát và cái trường tồn: “Nghĩ đến việc nhà sư lấn chân mây, xếp từng hòn đá, từ một tấc đến một thước, từ một thước đến một nhận, một bước tiến thêm một bước, một tầng cao thêm một tầng. Tới lúc tháp cao sừng sững, thế chạm trời xanh, tô thêm vẻ đẹp của non sông, tranh công xây dựng cùng tạo hóa, thì bọn sư sãi tầm thường đâu có thể sánh được” (24). Ông tin tưởng rằng mọi sự biến diệt cứ diễn ra nhưng con người sẽ không bao giờ chịu để cho hóa công đào thải theo quy luật tang thương dâu bể: “Than ôi! Mai sau mấy trăm năm nữa, chốc lát cảnh tượng biến đổi; nếu lại có kẻ buông lời than thở như ta lẽ nào không có vài người như sư Nhu xây dựng lại? Việc ấy không đoán trước được” (25). Ông đã có tầm đứng của một tư cách kép: một triết nhân và một thi nhân, có tư duy triết lý quyện lẫn với cảm xúc trữ tình: “Còn như non xanh nước biếc, bóng tháp in dòng, lúc chiều tà buông chiếc thuyền con lênh đênh dưới núi, nâng mái bồng nhìn quanh ngạo nghễ, gõ mạn thuyền ca khúc Thương Lang(26), thử sợi dây câu tìm phong cách thanh cao của Tử Lăng(27), dạo chơi Ngũ Hồ hỏi ước cũ của Đào Chu(28)... thì cảnh này tình này duy có ta với non sông này biết nhau mà thôi” (29).

Thử nghĩ, trong 60 năm qua chúng ta đã từng hăm hở đập phá đi biết bao di tích quý giá của cha ông để lại, chỉ vì chúng ta muốn xác nhận rằng chỉ có chúng ta, đang tiến hành cuộc cách mang “long trời lở đất” hôm nay, mới là người đặt nền móng cho một thời đại cách mạng triệt để nhất. Thái độ phàm tục của chúng ta rõ ràng phản ánh một tầm nhìn thiển cận. Giá thử cứ tỉnh táo lùi xa một chút, tự nâng mình lên tâm thế một con người sống với nhiều thời khắc lịch sử, biết gắn cái chủ thể với cái khách thể, gắn xưa với nay và với cả sau này, gắn vô cùng với hữu hạn, ta sẽ thấy ngay chính cái ta đang làm, tưởng là to tát kỳ thực cũng chỉ là rất tương đối, với bao nhiêu bất cập có thể nói là vấn nạn. Và ta sẽ biết quý trọng hơn những gì vốn là của tự nhiên, của tiền nhân, của lịch sử để lại. Cách ứng xử văn hóa của Trương Hán siêu chính là ở tầm thước viễn kiến cao nhân ấy.

*

* *

Khi điểm lại thơ văn Trương Hán Siêu, có người không khỏi mặc cảm rằng đấy đều là những tác phẩm sáng giá, tiếc thay không còn lại được nhiều. Có lẽ, nói về số lượng thì không nên cô lập một mình Trương Hán Siêu mà xét, mà nên đặt ông vào hệ thống tác gia văn học Lý - Trần. Một khoảng thời gian cách nay đã trên 700 năm, lại từng diễn ra không biết bao nhiêu biến cố khốc liệt, một áng văn hay thơ còn đến được với người đọc hiện đại mà không sứt mẻ đã là sự kiểm chứng và định giá khách quan nhất. Một nhà văn chỉ còn lại một bài thôi như Dương Không Lộ (?-1119), Đặng Dung (?-1414)... vẫn đủ tư cách một nhà văn lớn. Thế thì Trương Hán Siêu với 2 bài văn, 1 bài phú, một chùm thơ 4 bài và một bài thơ độc lập, trong đó 2 bài văn vẫn còn khắc vững chãi trên đá, quả không thể xem thường. Có thể nói quyết được là với số lượng đó và với sức mạnh nghệ thuật của văn thơ ông, Trương Hán Siêu đáng xếp vào những nhà văn “chiếu trên”, với các thể loại đa dạng, trong số các tác gia Lý - Trần.

Đặc sắc chung của thơ văn Trương Hán Siêu là gì? Thiết nghĩ, muốn định vị một nhà văn trước hết phải nhìn ra ở nhà văn cái riêng mà người khác không có. Người ta thường nói văn học trước sau vẫn phải biểu đạt được bản sắc cá nhân mới là văn học đích thực, văn học chỉ nói về cái chung, cái nghĩa vụ của một người đối với Triều đình, xã tắc, là văn học quan phương, thực chất là phi văn học. Nhưng mặt khác, thời đại Lý - Trần lại cũng là một thời đại có yêu cầu phục hưng dân tộc mạnh mẽ, mỗi thành viên của cộng đồng lúc ấy đều phải tự biểu hiện mình qua hình ảnh chung tượng trưng cho sức mạnh của cả cộng đồng. Đứng giữa hai đòi hỏi trái ngược và cùng quan trọng như nhau, văn học Lý - Trần phải ứng phó bằng cách nào để vừa đáp ứng nhu cầu thời đại vừa không đánh mất lý do tồn tại nội tại của chính nó? Không hẳn là tự giác nhưng trong vô thức, văn học thời đại này đã tìm thấy một phương thức biểu đạt riêng, tạm gọi là phương thức lưỡng phân, trong đó vừa có phần cộng đồng, vừa có phần cá thể, vừa mang khí thế xã tắc, vừa là sự phản ánh của tâm trạng cá nhân. Phương thức lưỡng phân từng được các nhà thơ Lý - Trần thực sự có tài năng, ví như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Trần quang Khải (1241-1294), Trần Tung (1230-1291), Trần Nhân Tông (1258-1308), Huyền Quang (1254-1334)... xử lý ổn thỏa và ít nhiều sáng tạo. Ở Trương Hán Siêu, cách giải quyết “lưỡng phân” như trên đã nói, là sự kết hợp khéo léo trữ tình và triết lý. Con người cá thể của nhà thơ đã không chịu nhường con người cộng đồng mà vẫn cứ nổi trội qua sắc thái trữ tình đậm đặc trong tác phẩm. Nhưng tầm nhìn của thời đại lại cũng nâng cảm hứng thơ của ông lên một sự khái quát triết học về nhân sinh, vũ trụ, và thơ văn ông vừa thu hút chúng ta ở âm hưởng trữ tình sâu sắc, ở những nỗi niềm cảm khái mà ông giãi bày một cách kín đáo, như một rung động lắng mãi trong hồn ta, đồng thời cũng làm ta bừng tỉnh bởi cách suy tưởng sắc sảo, bởi các cặp phạm trù triết học uyển chuyển nó phơi bày bản chất của sự vật và lật đi lật lại nhận thức của ta. Hai âm hưởng trữ tình và triết lý nhiều khi quyện chặt lấy nhau như trong bài Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký, đặt nhân vật trữ tình vào những thời gian và không gian nghệ thuật khó xác định, vừa cụ thể, tâm trạng, vừa rất mực siêu hình, vừa hạn hẹp như một nháy mắt, vừa dài lâu như sự tồn tại của đất trời. Đấy là chỗ tuyệt diệu của ngòi bút Trương Hán Siêu, cũng là mấu chốt của đặc trưng thi pháp Trương Hán Siêu.

Hãy cùng nhau trở lại với tác phẩm Bạch Đằng giang phú. Ở kiệt tác này, có rất nhiều vấn đề để mà ngẫm nghĩ. Đây là một bài phú lưu thủy, người viết cốt biểu đạt ý tưởng một cách phóng khoáng, tuôn chảy, không quá chú trọng gò gẫm bằng trắc đối xứng và hiệp vần. Nhưng cấu trúc bài phú cũng là cả một dụng công. Bằng sự phân vai khéo léo giữa “khách” và “bô lão” trong nghệ thuật biểu hiện để tạo nên sự đồng hiện về thời gian, bằng cách chuyển đoạn thần tình trong tâm trạng người trần thuật từ bâng khuâng hoài cổ sang cảm xúc bồng bột của người đang chứng kiến sự việc tiếp diễn, bằng nghệ thuật sắp xếp ngôn từ gây âm hưởng đa dạng, vừa khoan thai thoắt đã trở nên gấp gáp, rồi lại trở lại khoan thai, và cả bằng sự sinh động của nhịp điệu... mấy trăm năm qua bài phú đã chiếm lĩnh trọn vẹn tâm hồn người đọc. Đặc biệt, không ít những bậc tự xem là tri âm tri kỷ có thiên hướng muốn đón nhận toàn bộ hình tượng nghệ thuật của bài phú như những đường nét khắc họa chân thực quang cảnh chiến trận Bạch Đằng. Mà kể cũng không ngoa! Với khả năng phối hợp hình ảnh, tiết tấu, âm thanh của một cây bút kỳ tài, trong bài phú có hẳn một đoạn khắc tạc lên thật hoành tráng một tình huống hết sức khẩn trương căng thẳng, ở những diễn biến đang đi vào phút chót của cuộc giao tranh giữa các đội chiến thuyền nhà Trần và thuyền chiến quân Nguyên, dù đó chỉ là ước lệ:

Đương kỳ

Trục lô thiên lý / tinh kỳ ỷ nĩ

Tỳ hưu lục quân / binh nhận phong khỉ

Thư hùng vị quyết / Nam Bắc đối lũy

Nhật nguyệt hôn hề / vô quang;

Thiên địa lẫm hề / tương hủy.

(Đương khi ấy

Thuyền bè muôn đội/cờ quạt phấp phới

Hùng hổ sáu quân/giáo gươm sáng chói

Trận đánh được thua chửa phân/

Chiến lũy Bắc Nam chống đối.

Ánh nhật nguyệt chừ/phải mờ;

Bầu trời đất chừ/sắp hoại)

 

Ba cặp câu tám chữ với nhịp bốn đối chọi chan chát, nhiều âm trắc gõ vào nhau (ỷ nĩ, vị quyết, đối lũy...), đọc lên nghe như tiếng gươm đao loảng xoảng. Kế đó là hai câu sáu chữ đều bị ngắt khúc ở giữa bằng chữ “hề” làm cho âm hưởng khựng lại, gieo một cảm giác bàng hoàng thảng thốt, như đang chờ đợi cái kết cục sắp sửa xẩy ra: mặt trời mặt trăng đều tối sầm (nhật nguyệt hề vô quang) và cả đất trời có cơ sụp đổ (thiên địa hề tương hủy). Nếu như trong một câu thơ cổ đặc sắc thường phải có một chữ đóng vai trò “nhãn tự” thì quả nhiên trong cả bài Bạch Đằng giang phú, tổ hợp câu xứng đáng nhất để gọi là “nhãn cú”, “nhãn đoạn” hẳn là đoạn văn này. Dẫu sao, với bút pháp không phải hiện thực mà tượng trưng, ví thử có tài năng đến đâu, việc miêu tả quang cảnh trận đánh của Trương Hán siêu gói trong một đoạn như trên cũng vẫn là không đủ, và hơn thế nữa, cả bài phú dài phải chăng đúc lại chỉ có một đoạn sao?

Chính là từ những câu hỏi đó, cần đặt bài phú trong đặc điểm của hệ thống sáng tác của Trương Hán Siêu để có thể thấy thêm đôi điều đáng nói. Sử dụng cái chìa khóa “lưỡng phân” mà khơi sâu vào chữ nghĩa, Bạch Đằng giang phú thực ra còn muốn mách với ta một lời thông báo thứ hai, nó bao quát được dung lượng triết lý muốn gửi gắm của Trương Hán Siêu và cũng mở rộng được quan hệ với các đoạn văn khác trong bài. Do phong cách trữ tình của thể loại, ta thấy ở mảng điêu khắc tài nghệ vừa dẫn không phải chỉ có sự sống động ở bề nổi mà còn chứa đựng cả một sự sôi sục ở bề sâu. Đó là cảm hứng tinh nhạy của nhà thơ về cái giây phút mà cả xã tắc giang sơn đang trong nguy cơ nghiêng đổ, một khoảnh khắc “cùng tắc biến” của lịch sử, là thế “động” đến tận ngưỡng, quyết định sự sống còn của dân tộc trong đường tơ kẽ tóc (Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ / Bầu trời đất chừ sắp hoại). Nó được nhà thơ tập trung chiếu rọi, như một vầng sáng có sức phát sáng cực mạnh, soi tỏ hết mọi người mọi vật, và làm hiện lên ngay giữa “tâm bão” một hình ảnh trái ngược và thách thức với nó: hình ảnh lừng lững nhưng bất động của vị Quốc công tiết chế, con người tưởng chừng lẻ loi đơn độc mà kỳ thực là người đang tỉnh táo làm chủ tình thế, đang quyết tâm xoay chuyển cuộc cờ trong tay mình:

Duy thử giang chi đại tiệp,

Do Đại vương chi tặc nhàn.

(Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng,

Bởi Đại vương coi thế giặc nhàn)

 

Từ trong tận cùng tâm thức, ta nhận ra, hai phạm trù “động” và “tĩnh” vừa đối lập lại vừa thống nhất là mấu chốt đã chi phối cảm quan triết học của bài Phú Sông Bạch Đằng, cũng như đã chi phối cảm hứng trong nhiều áng thơ văn của giai đoạn này, chẳng hạn trong thơ Trần Thánh Tông:

Động như không cốc phong xao hưởng,

Tĩnh nhược hàn đàm nguyệt lậu minh.

(Độc Phật sự đại minh lục hữu cảm)

Động tựa hang không gào gió táp,

Tĩnh như đầm lặng rọi trăng thanh(30).

 

Hoặc trong đoạn thơ sau đây cũng nói về chiến dịch Bạch Đằng của Phạm Sư Mạnh:

Ức tích Trùng Hưng đế,

Khắc chuyển khôn oát kiền.

Hải phố thiên mông đồng,

Hiệp môn vạn tinh chiên.

Phản chưởng điện ngao cực,

Vãn hà tẩy tinh chiên

(Hành dịch đăng gia sơn)

Tài xoay trời chuyển đất,

Nhớ vua Trùng Hưng xưa.

Mặt bể nghìn chiến hạm,

Cửa non vạn bóng cờ.

Trở tay non sông lặng,

Sông Ngân rửa tanh nhơ... (31)

 

Ngoài sự tương phản động-tĩnh giữa chiến cuộc sục sôi và người chủ trì chiến cuộc tĩnh tâm, quyết đoán, cảm hứng động-tĩnh trong bài phú của Trương Hán Siêu còn phải được nhìn ở một bình diện khác. Nếu để ý ta sẽ thấy bức tranh đằng đằng sát khí của trận Bạch Đằng còn là một đối cực nữa của một bức tranh thủy mặc lặng tĩnh mà tác giả vẽ lên, như đã dẫn ở một phần trước:

Thiệp Đại Than khẩu / tố Đông Triều đầu,

Để Bạch Đằng giang / thị phiếm thị phù.

Tiếp kình ba ư vô tế;

Trám diêu vĩ chi tương mâu.

Thủy thiên nhất sắc / phong cảnh tam thu

Chử địch ngạn lô / sắt sắt sâu sâu

Chiết kích trầm giang / khô cốt doanh khâu

Thảm nhiên bất lạc / trữ lập ngưng mâu

(Qua cửa Đại Than / ngược bến Đông Triều,

Đến sông Bạch Đằng / nổi trôi mặc chèo.

Bát ngát sóng kình muôn dặm/

Xanh xanh đuôi trĩ một màu.

Nước trời một sắc / phong cảnh ba thu

Sông chìm giáo gãy / gò đầy xương khô

Buồn vì cảnh thảm / đứng lặng giờ lâu)

 

Đây lại là đối cực động - tĩnh giữa hiện tại và quá khứ. Đối cực này đã khiến người đọc như rơi vào trạng thái mơ màng, bâng khuâng, trong khi đuổi theo cái cố gắng “đi tìm thời gian đã mất” của tác giả. Không hiểu giữa hiện hữu thứ nhất (thực tại tĩnh lặng trước mắt) và hiện hữu thứ hai (thực tại sống động ở trong tiềm thức) thì hiện hữu nào mới là có thật? Sự vấn vương ở đây có chút gì đó làm lòng ta nặng trĩu khi nghĩ đến dòng chảy của thời gian và thói vô tình dễ quên của người đời. Nói cách khác, những âm hưởng trữ tình đối lập ở trong tác phẩm đã tạo nên một ngân vang sâu thẳm và ngân vang này chính là triết lý: sự sống là một tiếp biến không ngừng không nghỉ, cái đang diễn ra và cái đã đi vào vĩnh cửu cứ đan quyện lấy nhau, mà cái nhân tố có khả năng kết nối làm nên sự đan quyện ấy, khiến cho sợi dây chuyền vô hình nghiệt ngã của thời gian có lúc tưởng như bị đảo ngược: hiện tại không hẳn đã trôi về quá khứ tất cả, mà có phần nào đó còn trôi theo chiều ngược lại, còn có “dấu vết lưu lại” với hậu thế - cái nhân tố ấy là con người, được quyết định bởi con người:

- Tín thiên tiệm chi thiết hiểm;

Lại nhân kiệt dĩ điện an.

(Trời đất đặt ra nơi hiểm trở,

Bậc anh tài tính cuộc tồn an)

- Hồ trần bất cảm động hề, thiên cổ thăng bình;

Bất tại quan hà chi hiểm trở, duy tại ý đức chi mạc kinh.

(Giặc tan muôn thuở thăng bình,

Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao)

 

Nhìn trở lại toàn bộ bài phú, nghệ thuật phối trí thời gian và không gian của Trương Hán Siêu đã đạt đến chỗ thần tình. Nhà thơ đưa không gian Bạch Đằng từ một viễn cảnh trải rộng và hết sức bao la đến với cận cảnh của một trận thủy chiến dữ dội, và cuối cùng dồn vào một tiêu điểm là chỗ đứng nội tâm của nhà chỉ huy quân sự quyết định sự thắng bại của chiến cuộc, đồng thời cũng chính là đang từ một không gian hiện thực ông quay trở về với không gian hồi cố, không gian tâm tưởng, cùng theo đó, thời gian nghệ thuật cũng đi lùi từ hiện tại về quá vãng. Vậy mà cảm hứng của người đọc lại không bị đẩy lùi bởi dòng hoài niệm, trái lại tiếp nhận nó như chính cái đang diễn ra trước mắt mình. Thủ pháp mờ chồng giữa hai thời đoạn cách quãng trên quang cảnh một con sông, thủ pháp hoán đổi điểm nhìn linh hoạt của tác giả... đã góp phần hóa giải tâm trạng hoài cổ của bài phú, tạo nên một tâm lý cân bằng và gây hứng thú sâu sắc trong cảm xúc thẩm mỹ.

Tóm lại, bằng lượng thông tin đa nghĩa, những ẩn ngữ phong phú đọng lại phía sau ngôn từ, Bạch Đằng giang phú đã gợi lên được nhiều tiếng nói cùng một lúc trong cảm nhận nhiều chiều của người đọc. Sự dồn nén nghệ thuật của bút pháp Trương Hán Siêu quả đã đến một trình độ bậc thầy.

*

* *

Trương Hán Siêu là một danh nhân nổi tiếng của mảnh đất Trường Yên - Ninh Bình, một chứng nhân rõ rệt cho truyền thống văn hóa lâu đời của vùng đất văn vật này. Nhưng ông lại cũng là một nhân vật có tầm thước cả nước, một người con ưu tú của văn hóa Thăng Long dưới triều đại Trần. Ông xứng đáng được xếp vào hàng danh nhân tôn vinh ở Văn miếu Quốc Tử Giám như nhà Trần đã từng “liệt hạng” xưa kia, mặc dù ông không hề có mảnh bằng nào thông qua thi cử. Điều đó cũng nói lên rằng triều đại Trần có sức năng động lớn vì nó biết chuộng thực học, biết lựa chọn tài năng theo những tiêu chí thực tiễn. Bỏ qua mọi thứ phù danh, với những người như Trương Hán Siêu, nhà Trần đã biết cách làm cho mình trở thành bất tử.

Chú thích:

(*) Trích Mục 1 Chương III «Cảnh và người Thăng Long trong con mát xưa» trong Gương mặt văn học Thăng Long bộ mới, do Nguyễn Huệ Chi chủ biên. Xem BVN từ 20-3-2011.

([1]) Núi Non Nước tên chữ Hán là Dục Thúy sơn 浴 翠 山 (hình dáng con chim trả đang tắm) do Trương Hán Siêu đặt. Dưới thời Đinh Bộ Lĩnh núi được đặt tên là Ngự Trấn Phòng sơn 禦 鎮 防 山, thời Lê Đại Hành lại được đặt tên là Hộ Thành sơn 護 城 山. Núi cao trên 100m, đỉnh bằng phẳng, phía trước nhô cao hơn phía sau, mặt Đông bắc nước biển khoét chân lúi lõm vào, làm cho thế núi như nhô ra soi mình trên mặt nước. Dưới thời Trần đây là cửa biển nhiều sóng dữ gọi là cửa Đại Ác, về sau biển hiền hòa hơn nên đổi lại là Đại An. Nay biển đã lùi xa, núi nằm trên ngã ba sông Vân Sàng và sông Đáy, thuộc thành phố Ninh Bình. Đường lên đỉnh núi có bậc đá, gồm 72 bậc. Sát dưới núi có chùa Non Nước, động thờ Thủy thần và đền thờ Trương Hán Siêu mới xây dựng. Nơi tảng đá ở sườn phía Bắc núi có khắc mấy chữ “Khán giao đình” (Đình xem thuồng luồng). Trên đỉnh núi, tương truyền Trương Hán Siêu từng cho dựng Nghênh Phong các (Gác đón gió) và Điếu đài (Đài câu). Hiện còn lưu hơn 42 bài thơ văn khắc vào vách núi (theo Danh thắng Ninh Bình; Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao Ninh Bình xuất bản, 1994).

(2) Thật ra, Đại Việt sử ký toàn thư chỉ chép rằng Trương Hán Siêu khi đến trấn nhậm ở Lạng Giang thì gả con gái cho Tù trưởng Nùng Ích Vấn, khi đến trông coi chùa Quỳnh Lâm thì gả con gái cho Tam bảo nô là Nguyễn Chế, đều là vì “tham giàu”, nhưng từ đây suy ra, có thể khảo sát điền dã để xem dòng họ Trương có còn chi phái nào ở các địa điểm trên, như nhiều vị quan trong lịch sử đã để lại dòng tộc mình trên các nẻo đường nhậm chức.

3) Nguyên văn: 陳朝太保太傅張升甫嘉封卓偉上等神

(4) Theo tài liệu của thầy giáo Nguyễn Văn Cử, Phó Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lương Văn Tụy tại Hội thảo khoa học kỷ niệm 640 năm năm mất Trương Hán Siêu năm 1994 ở Ninh Bình.

(5) Đại Nam nhất thống chí. Tập III. Phạm Trọng Điềm dịch. Đào Duy Anh hiệu đính. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971; tr. 258. Nguyễn Bá Thản người Kinh Bắc, đỗ Cử nhân năm 1825.

(6) Vũ Phạm Khải người huyện Yên Mô, Ninh Bình, đỗ Cử nhân năm 1831.

(7) Nguyên văn: 余後客四方。任宦于朝。備位台。天崖舊隱。時復夢中遊耳。Thơ văn Trương Hán Siêu trích dẫn trong Mục này đều rút từ Thơ văn Lý-Trần. Tập II, Q. Thượng, Nxb KHoa hojc xã hội, Hà Nội, 1989.

(8) Nguyễn Huệ Chi dịch.

(9) Đại Việt sử ký toàn thư. Tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1993; tr. 81.

([1]0) “Mậu thân năm thứ 16 [1308]… Mùa xuân tháng Giêng, lấy Trương Hán Siêu làm Hàn lâm học sĩ”. Đại Việt sử ký toàn thư, 1993, Sđd; tr. 92.

([1]1) Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi nhận chức Hàn lâm học sĩ năm Mậu thân (1308), đến năm Bính dần (1326), Trương Hán Siêu đã là Hành khiển, tiếp đấy lần lượt được phong các chức: tháng Bảy Nhâm ngọ (1342) Tả ty lang trung kiêm Kinh lược sứ Lạng Giang; tháng Mười một Ất dậu (1345) Tả gián nghị đại phu; tháng Bảy Tân mão (1351) Tham tri chính sự; tháng Chín Quý tị (1353), với danh nghĩa Tả tham tri chính sự được cử chỉ huy quân Thần sách vào châu Hóa trấn giữ, đề phòng quân Chiêm Thành quấy rối, tháng Mười một năm sau châu Hóa yên ổn ông xin trở về triều, được chuẩn y nhưng chưa về đến nơi đã mất, được tặng Thái bảo. Dưới đời Dụ Tông, tháng Ba năm Quý mão (1363), ông lại được truy phong là Thái phó. Dưới đời Nghệ Tông, tháng Mười một Nhâm tí (1372), được thờ ở Văn miếu.

([1]2) Xem Đại Việt sử ký toàn thư. Tập II, 1993, Sđd; tr.135.

([1]3) Xem Đại Việt sử ký toàn thư. Tập II, 1993, Sđd; tr.156.

([1]4) Xem Đại Việt sử ký toàn thư. Bản kỷ thực lục, Q. VII, tờ 17b và Tập II, 1993, Sđd; tr.134.

([1]5) Xem Đại việt sử ký toàn thư, Bản kỷ thực lục, Quyển VI, tờ 41b và Tập II, 1993, Sđd; tr.108. Sự việc này được ghi vào năm Quý Hợi (1323).

([1]6) Cũng chính Ngô Sĩ Liên khi đánh giá cách khu xử công việc của nhà Trần, nhận định: “nhà Trần về khoan hậu thì có thừa mà về nghiêm khắc thì không đủ vậy” (nguyên văn: 陳 家 寬 厚 有 餘 而 嚴 重 不 足). Xem Đại Việt sử ký toàn thư. Bản kỷ thực lục, Q. VI, tờ 27a và Tập II, 1993, Sđd; tr.95.

([1]7) Nguyễn Đức Vân dịch. Thơ văn Lý-Trần, Tập II, Q. Thượng, 1989, Sdd; tr.748.

([1]8) Nguyễn Huệ Chi dịch. Thơ văn Lý-Trần. Tập II, Q. Thượng, 1989, Sđd.

([1]9) (20) (21) (22) Đều là những địa danh Trung Quốc, chỉ những cảnh đẹp, gắn bó với lịch sử và văn hóa. Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ đã nhiều / Mà tráng chí tứ phương vẫn còn tha thiết: Bắt nguồn từ một câu nói của Tư Mã Tương Như, tượng trưng cho chí khí lớn lao.

(23) Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến dịch. Bùi Văn Nguyên nhuận sắc. Thơ văn Lý-Trần. Tập II, Q. Thượng, 1989, Sđd. Các trích dẫn ở dưới đều cùng một dịch giả.

(24) (25) Băng Thanh – Huệ Chi dịch. Thơ văn Lý-Trần. Tập II, Q. Thượng, 1989, Sđd; tr. 754.

(26) Thương Lang: một tên khác của sông Hán Thủy ở Trung Quốc, về sau, xuất phát từ sách Mạnh Tử, hai chữ Thương Lang có thêm một nghĩa tượng trưng: khúc hát của làng chài.

(27) Tử Lăng: Tên tự của Nghiêm Quang, bạn thuở nhỏ của Hán Quang Vũ. Khi Hán Quang Vũ lên ngôi lập ra nhà Đông Hán , có mời ông ra làm quan nhưng ông từ chối, bỏ về đi câu ở sông Đồng.

(28) Đào Chu: Tức Phạm Lãi, người nước Sở thời Xuân thu, có công lớn giúp Việt vương Câu Tiễn khôi phục cơ đồ, sau đó từ quan, chèo thuyền đi chơi Ngũ Hồ là cảnh đẹp, rồi đến ở đất Đào, lấy hiệu là Đào Chu.

(29) Băng Thanh – Huệ Chi dịch. Thơ văn Lý-Trần. Tập II, Q. Thượng, 1989, Sđd; tr. 754.

(30) Hải Thạch dịch. Thơ văn Lý-Trần. Tập II, Q. Thượng, 1989, Sđd.

(31) Nguyễn Huệ Chi dịch.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn