Xung quanh cái chết của Osama bin Laden

Cái chết của một trùm khủng bố khét tiếng làm nhân loại hả hê mừng rỡ xen với cả sự tò mò. Dưới đây là 7 bài viết mà BVN lọc ra và đăng lại, nhằm cung cấp một ít phác họa cú đánh dứt điểm của biệt kích Mỹ, và về quang cảnh chung của thế giới mấy hôm nay, như dứt được một nỗi lo hữu hình, dù rằng nỗi lo vô hình thì vẫn còn nguyên trong tâm trí.

Bauxite Việt Nam

1. Mỹ tìm ra bin Laden nhờ theo dõi người đưa thư

Việt Linh

Hai nhân vật cao cấp trong mạng lưới khủng bố al Qaeda cung cấp thông tin về một người đưa thư của Osama bin Laden. Nhờ theo dõi người này mà các nhân viên tình báo Mỹ phát hiện nơi ẩn náu của trùm khủng bố khét tiếng.

clip_image001

Khalid Sheikh Mohammed (trái) và Abu Faraj al-Libi (phải), hai thủ lĩnh trong mạng lưới khủng bố al Qaeda. Ảnh: Telegraph.

Khalid Sheikh Mohammed là tên của một trong những kẻ lên kế hoạch tấn công vào tòa nhà Trung tâm thương mại thế giới tại New York và Lầu Năm Góc tại Washington. Sau vụ khủng bố, giới chức Mỹ bắt được y và giam tại nhà tù Guantanamo. Không chịu nổi những “biện pháp tra tấn” trong nhà tù, y khai ra tên của một người đàn ông làm nhiệm vụ đưa tin cho bin Laden, Telegraph dẫn nguồn trên trang WikiLeaks cho biết.

Sau đó, các nhân viên tình báo tra hỏi Abu Faraj al-Libi, một thủ lĩnh khác của al Qaeda và cũng bị giam tại nhà tù Guantanamo, về danh tính của người đưa tin cho bin Laden. Tên này xác nhận thông tin mà Mohammed cung cấp là chính xác.

Al-Libi từng tổ chức các chiến dịch khủng bố của mạng lưới al Qaeda trước khi bị bắt. Nhân vật này đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm những nơi trú ẩn an toàn cho bin Laden.

Bin Laden sống ẩn dật sau khi bị Mỹ truy nã trên toàn thế giới từ năm 2001. Trong thời gian đó, trùm khủng bố khét tiếng liên lạc với thế giới bên ngoài nhờ một mạng lưới những người đưa tin mà ông ta tin tưởng. Những người đó giúp bin Laden trao đổi thư từ với các chỉ huy mạng lưới al Qaeda. Trùm khủng bố và các thủ lĩnh dưới quyền ông ta không sử dụng điện thoại hoặc mạng internet vì những phương tiện ấy rất dễ bị Mỹ và các nước đồng minh phát hiện.

CIA tiết lộ rằng các điệp viên của họ đã theo dõi những người đưa tin của bin Laden trong nhiều năm qua.

“Chúng tôi dành sự chú ý đặc biệt cho một người đưa tin. Người này là thuộc hạ thân tín của cả Khaled Sheikh Mohammed và Abu Faraj al-Libi”, một quan chức cao cấp trong Chính phủ Mỹ nói.

Nhóm điệp viên Mỹ biết tên của người đưa tin này từ năm 2007. Hai năm sau họ xác định được khu vực mà anh ta thường xuất hiện. Tuy nhiên, mãi tới tháng 8 năm ngoái họ mới thấy anh ta tới ngôi nhà ba tầng ở thị trấn Abbotabad. Ngôi nhà được xây ở trên quả đồi ở thị trấn Abbottabad vào năm 2005 và có trị giá khoảng một triệu USD. Những người cư trú trong đó không sử dụng dịch vụ điện thoại hay internet. Họ đốt rác chứ không mang ra ngoài đổ như cư dân xung quanh. Sự sang trọng của ngôi nhà và hành vi cảnh giác của những người sống bên trong nó khiến các nhân viên tình báo nhận định nó được thiết kế để làm nơi ẩn náu của những nhân vật quan trọng, chứ không phải là nơi ở của một người đưa tin.

clip_image002

Giới chức Mỹ cho rằng Osama bin Laden sống trong ngôi nhà ở thị trấn Abottabad khoảng 6 năm trước khi bị giết. Ảnh: The Los Angeles Times.

Suốt vài tuần sau đó đội ngũ chuyên gia của CIA phân tích nhiều bức ảnh được chụp từ vệ tinh và các thông tin tình báo để xác định người sống bên trong ngôi nhà. Một quan chức cao cấp giấu tên tiết lộ rằng, tới tháng 9 năm ngoái CIA kết luận: Khả năng bin Laden đang trú ngụ trong ngôi nhà là rất cao.

Hàng loạt báo cáo của các điệp viên gửi về sau đó khiến CIA ngày càng tin tưởng rằng bin Laden và người thân của ông ta đang sống trong ngôi nhà. Ngày 14/3, Tổng thống Barack Obama chủ trì cuộc họp đầu tiên về kế hoạch diệt bin Laden với những cố vấn an ninh thân cận nhất. Sau đó ông còn tiếp tục tổ chức bốn cuộc họp nữa trong khoảng thời gian mà hai đảng Cộng hòa và Dân chủ mải lo việc thông qua kế hoạch ngân sách để Chính phủ không tê liệt.

Cuộc họp cuối cùng bắt đầu từ 8h20 ngày 29/4. Sau khi phê chuẩn kế hoạch tấn công ngôi nhà, ông Obama tới bang Alabama để thị sát những vùng hứng chịu thiệt hại của các cơn bão. Đúng một ngày sau, bốn trực thăng chở biệt kích Mỹ bay tới ngôi nhà. Cuộc giao tranh giữa toán biệt kích với bin Laden và các cận vệ diễn ra trong khoảng 40 phút. Trùm khủng bố mất mạng bởi một viên đạn găm vào mặt. Cái chết của ông ta đặt dấu chấm hết cho một cuộc săn đuổi mà Mỹ thực hiện trong một thập kỷ qua.

V.L.

Nguồn: Vnexpress.net

2. Cuộc tập kích nhanh gọn (*)

Minh Long

Trước khi mất mạng vì một viên đạn găm vào mặt, trùm khủng bố Osama bin Laden chống trả lính biệt kích Mỹ bằng súng tự động. Sau khi hoàn tất các thủ tục, thi thể trùm khủng bố đã được thả xuống biển.

Vào lúc 20h30 ngày 30/4 theo giờ Mỹ (1h30 ngày 1/5 theo giờ Pakistan), bốn trực thăng Black Hawk chở một đội lính biệt kích cất cánh từ căn cứ không quân Ghazi ở phía Tây Bắc Pakistan và bay về phía một ngôi nhà ba tầng ở thị trấn Abbottabad tại Pakistan để tiêu diệt bin Laden. Từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ theo dõi toàn bộ diễn biến của cuộc tấn công trong thời gian thực hiện.

Khi các máy bay tới gần tòa nhà, các cận vệ của bin Laden phát hiện và nổ súng. Một trực thăng đột nhiên gặp sự cố kỹ thuật, song phi công cố gắng đáp xuống an toàn. Một số báo đưa tin trực thăng chao đảo vì trúng đạn, song về sau giới chức Mỹ bác bỏ tin này.

Biết rằng trực thăng sẽ không thể cất cánh trở lại, những người lính quyết định phá hủy nó ngay lập tức.

“Tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn, rồi hàng loạt tiếng súng vang lên. Thế rồi đột nhiên tiếng súng câm bặt và tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn hơn”, một người dân địa phương có tên Mohammad Haroon Rasheed kể.

Một cuộc đọ súng ác liệt diễn ra khi toán lính biệt kích tìm cách xâm nhập vào bên trong tòa nhà. Sau vài phút từ khi vượt qua bức tường bao quanh có độ cao tới hơn 5 m, những người lính thấy Osama bin Laden. Ông ta cầm một khẩu súng tự động và bắn về phía họ. Một lính biệt kích bắn vào mặt trùm khủng bố. Viên đạn bay trúng đích và bin Laden lìa đời ngay lập tức. Người lính tiếp tục bắn thêm hai viên đạn vào đầu và ngực của trùm khủng bố để đảm bảo rằng ông ta chết hẳn.

Khoảng 20 phút sau khi toán lính biệt kích tiến vào bên trong ngôi nhà, người chỉ huy thông báo về Washington rằng bin Laden đã bị tiêu diệt. Những tiếng reo hò vang lên tại Nhà Trắng và đại bản doanh của Cục Tình báo trung ương Mỹ. Tổng thống Obama quay sang các cố vấn và nói: "Chúng ta đã diệt được ông ta".

clip_image003

Osama bin Laden tại Afghanistan vào năm 1998. Ảnh: AFP.

Ông John Brennan, một quan chức phụ trách hoạt động chống khủng bố của Chính phủ Mỹ, nói rằng trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm giành giật sự sống, bin Laden đã dùng cô vợ trẻ nhất làm bia đỡ đạn. Tuy nhiên, một quan chức khác trong Nhà Trắng khẳng định vợ của bin Laden chỉ bị thương, chứ không chết.

Đoạn video ghi lại cảnh tượng ngôi nhà sau cuộc tấn công mà đài truyền hình Pakistan công bố cho thấy máu thấm một tấm thảm trong một phòng ngủ. Trong một phòng khác người ta thấy nhiều máy tính vỡ.

Một số báo Mỹ đưa tin toán lính biệt kích Mỹ nhận được chỉ thị là “chỉ giết, chứ không bắt bin Laden”. Một quan chức Mỹ nói: “Ông ta đã chống cự đúng như dự đoán của chúng tôi”.

Chỉ khoảng 40 phút sau khi bắt đầu thực hiện cuộc tấn công, toán lính biệt kích leo lên ba trực thăng còn lại và rời khỏi ngôi nhà. Họ mang theo mọi tài liệu tình báo mà họ tìm thấy cùng với thi thể bin Laden.

Vài giờ sau khi phi đội trực thăng về tới căn cứ Ghazi, xác bin Laden được đưa tới tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ tại biển Ảrập. Tại đây các chuyên gia so sánh mẫu ADN của tử thi với mẫu ADN lấy từ người em gái của bin Laden. Người phụ nữ này tử vong vì bệnh ung thư tại thành phố Boston, Mỹ từ nhiều năm trước và giới chức Mỹ giữ thi thể của bà.

Những bức ảnh chụp cái xác, với một lỗ thủng do đạn tạo ra ở phía trên mắt trái, được truyền thẳng về thủ đô Washington. Sau khi thực hiện các nghi thức khâm liệm người chết theo đúng truyền thống của đạo Hồi, thi thể bin Laden được ném xuống biển.

Lúc 23h30 phút đêm 1/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo tới toàn thể người dân Mỹ và thế giới rằng trùm khủng bố khét tiếng nhất hành tinh Osama bin Laden đã bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công của lính Mỹ. Ông bình luận rằng "công lý đã được thực thi".

M.L.

Nguồn: Vnexpress.net

(*) Đầu đề do BVN đặt

3. Chôn Bin Laden dưới biển: Mỹ khôn ngoan, biết lo xa

Dũng Trịnh

Bee.net.vn - Mỹ chuẩn bị việc chôn cất Bin Laden đã đuợc tính toán hàng tháng trời, song song với chiến dịch quân sự nhắm vào trùm khủng bố này.

Nước Mỹ dần xóa tan các nghi ngờ liên quan đến thi thể Bin Laden bằng nhiều phát ngôn rõ ràng trong vài giờ đồng hồ qua.

Nghi lễ chôn cất Binladen đã "tôn trọng đạo Hồi"

John Brennan, Cố vấn an ninh Nhà Trắng cho biết: Xác chết của Bin Laden được xử lý (hay nghĩ theo cách của người Việt là khâm liệm) theo tập tục đạo Hồi và chôn cất “càng nhanh càng tốt” trong vòng 24 giờ. Theo đó, việc chôn cất được thực hiện ngay sau khi Bin Laden bị bắn chết khoảng 12 tiếng trên một chiến hạm của Mỹ - USS Carl Vinson, tại vùng biển Ả-rtập.

clip_image004

Tàu USS chôn Bin Laden

Ông còn mô tả cụ thể: “Thi thể được rửa sạch và đặt trên một tấm vải trắng. Một quan chức quân sự cầu nguyện, sau đó được dịch ra tiếng Ả Rập của một người bản xứ. Thi thể của Osama bin Laden đã được bọc trong túi, đặt trên một tấm ván phẳng và hạ xuống biển”.

Juan Campo, Giáo sư nghiên cứu về tôn giáo tại Đại học California đã đánh giá những mô tả này là đúng đắn và phù hợp với nghi lễ chôn cất trong đạo Hồi. Riêng Giáo sư Mohammed Qudah, một Giáo sư luật Hồi giáo tại Đại học Jordan cho biết, việc chôn cất dưới biển không bị cấm trong đạo Hồi, khi không ai nhận thi thể và cấp đất chôn người chết.

Nhưng trong truờng hợp của Bin Laden, làm sao biết được là không ai sẵn sàng đón nhận thi thể trùm khủng bố.

Tránh hậu họa

Al Queda “thần thánh” đến mức, có thể biến những con người bình thường nhất thành những chiến binh anh dũng. Việc chôn cất Bin Laden tại một khu đất, đồng nghĩa với việc dựng nên một thánh địa cho những tín đồ cực đoan tôn sùng chủ nghĩa khủng bố.

Về mặt tâm thức, chôn vùi Bin Laden dưới đáy biển đem lại một cảm giác an toàn tuyệt đối cho hậu thế. Không có gì để lại, không có tưởng niệm…

Trong vài hôm tới, nước Mỹ sẽ công bố công nghệ nhận dạng khuôn mặt và các xét nghiệm DNA chi tiết nhằm thuyết phục thế giới về cái chết thực của Bin Laden. Với một bộ máy siêu “khủng”, cuộc truy tìm kéo dài gần một thập kỷ, hơn ai hết, Nhà Trắng biết cần thực hiện mọi thứ một cách thận trọng nhất.

D.T. (Theo Truyền hình BBC)

Nguồn: bee.net.vn

4. Al Qaeda : Tổ chức khủng bố với thành tích đẫm máu từ Âu, Mỹ qua Á, Phi

Thanh Hà

clip_image005

Tòa tháp đôi tại New York bốc cháy sau loạt tấn công khủng bố của Al Qaeda ngày 11/09/2001. Reuters

Mạng lưới khủng bố Al Qaeda dưới sự lãnh đạo của Oussama Ben Laden là một tổ chức có nhiều chi nhánh hoạt động tại nhiều nơi trên thế giới. Mục tiêu hàng đầu của tổ chức này là tấn công mù quáng vào các cơ sở của Hoa Kỳ và đồng minh.

Trong 10 năm qua Al Qaeda đã tiến hành, một cách trực tiếp hay gián tiếp, nhiều vụ tấn công đẫm máu. Aqmi hoạt động tại bắc Phi, Aqpa tại vùng các nước Ả Rập chẳng hạn được coi là những nhánh của mạng lưới Al Qaeda. Riêng tổ chức Hồi giáo cực đoan của Indonesia Jemaaah Islamiyah thì bị coi là chịu nhiều ảnh hưởng của Al Qaeda.

Năm 2009, hai chi nhánh của Al Qaeda tại Ả Rập Xê Út và Yemen đã sáp nhập lại với nhau để cho ra đời Aqpa. Trước đó vào năm 2007 nhóm khủng bố Aqmi đã được hình thành và một phần trong nhóm này xuất phát từ tổ chức khủng bố GSPC của Algérie. Đến nay tổ chức khủng bố Aqmi còn hoạt động rất mạnh tại khu vực giữa Algerie, Niger, Mauritanie và Mali. Aqmi hiện đang cầm giữ nhiều con tin người Pháp.

Thành phần nòng cốt Al Qaeda đã theo chân Ben Laden từ những ngày đầu, tức là trong thời gian từ năm 1979 đến 1989 khi nhân vật này đứng ra làm công tác hậu cần để hỗ trợ cho phiến quân Hồi giáo Moujahidine tại Afghanistan. Theo giới chuyên gia thì tổ chức tội phạm này bắt đầu được hình thành vào khoảng năm 1988, một năm trước khi Liên Xô rút lui khỏi Afghanistan.

Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, năm 1991, được coi là một dấu mốc quan trọng: mục tiêu tấn công của Ben Laden không còn là Liên Xô kể từ khi Matxcơva đã rút quân khỏi Afghanistan năm 1989 mà đã chuyển hướng nhắm vào Hoa Kỳ. Ben Laden bất mãn khi thấy quân đội Mỹ đồn trú tại Ả Rập Xê Út, quê hương ông và cũng là nơi nhà tiên tri Mahomet đã sinh ra, để từ đó tiến hành chiến dịch giải phóng Koweit.

Trong số những cuộc khủng bố Al Qaeda tự nhận là tác giả phải kể đến loạt tấn công nhắm vào Tòa đại sứ Mỹ tại Kenya và Tanzania được tiến hành cùng một lúc hồi tháng 8/1998.

Sau loạt khủng bố ngày 11/9/2001 tiến hành ngay trên đất Mỹ, thì còn phải kể đến các vụ đánh bom ở Bali (Indonesia) năm 2002, làm hơn 200 người chết, rồi loạt tấn công hồi tháng 3/2004 tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, và vụ khủng bố đường xe điện ngầm ngay tại Luân Đôn hồi tháng 7/2005.

Khủng hoảng trong hàng ngũ Al Qaeda sau cái chết của Ben Laden?

Theo quan điểm của hầu hết các chuyên gia về khủng bố, mạng lướig Al Qaeda sẽ ở trong tình trạng rắn mất đầu sau cái chết của Oussama Ben Laden. Câu hỏi đặt ra: ai sẽ lên thay Ben Laden để đứng đầu tổ chức tội phạm này.

Theo ông Mohammad Abou Roummane, một chuyên gia Jordanie về các hoạt động khủng bố, nhân vật số hai Al Qaeda là ông Ayman Al Zawhiri, 60 tuổi, gốc Ai Cập không có uy tín như Ben Laden. Thêm vào đó, theo lời Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Cận Đông , trụ sở tại Ả Rập Xê Út, Ayman Al Zawhiri sẽ không dễ dàng chinh phục được những phần tử trong hàng ngũ Al Qaeda xuất xứ từ Riyad.

Ayman từng là cánh tay phải của Ben Laden và là một trong nhữung sáng lập viên của tổ chức Al Qaeda. Trước khi gặp Ben Laden tại Afghanistan, Ayman Al Zawhiri là người lãnh đạo phong trào Hồi giáo Djihad Ai Cập. Hoa Kỳ treo giải thưởng 25 triệu đô la cho những ai bắt được Aymal.

Nhìn rộng ra hơn, theo giới phân tích Ả Rập, trong tương lai, các hoạt động khủng bố có khả năng giảm bớt cường độ. Lý do là vì Al Qaeda không còn sức thuyết phục như một thập niên trước đây. Ngoài ra, sau cái chết của Ben Laden, nhiều đường dây khủng bố và cơ sở nằm vùng cũng sẽ mất đi nguồn tài trợ.

Thế nhưng lại cũng có những ý kiến cho rằng vai trò của Ben Laden chỉ là "tương đối": kể từ sau loạt tấn công nhắm vào Hoa Kỳ năm 2001, Ben Laden không còn thực sự kiểm soát được tất cả các hoạt động khủng bố trên thế giới. Nhân vật này đã trở thành một nhà lãnh tụ tinh thần chứ không còn là một thủ lĩnh về phương diện chính trị hay quân sự.

Do vậy một số chuyên gia lo ngại, mạng lưới khủng bố trên thế giới vẫn tiếp tục hoạt động như trước khi Ben Laden bị triệt hạ.

T.H.

Nguồn: Viet.rfi.fr

5. Pakistan bác bỏ cáo buộc liên quan Bin Laden

clip_image006

Tổng thống Asif Ali Zardari nói Pakistan không bao giờ dung dưỡng chủ nghĩa cực đoan

Tổng thống Asif Ali Zardari bác bỏ cáo buộc rằng việc đặc nhiệm Mỹ hạ sát Osama Bin Laden ở Pakistan cho thấy nước này đã thất bại trong cuộc chiến chống khủng bố.

Trong một bài xã luận đăng trên tờ Washington Post, ông Zardari nói đất nước Pakistan có lẽ "là nạn nhân đầu tiên của khủng bố".

Osama Bin Laden bị đặc nhiệm Hoa Kỳ bắn chết tại thành phố Abbottabad của Pakistan.

Tuy Pakistan không trực tiếp tham gia vụ tập kích này, ông Zardari nói Pakistan đã đóng vai trò quan trọng trong suốt những năm qua.

Bin Laden là người sáng lập và thủ lĩnh của mạng lưới al-Qaeda. Ông được cho là người đã chuẩn thuận các vụ tấn công vào New York và Washington hôm 11/09/2001, và nhiều vụ đánh bom chết người khác.

Tên Osama Bin Laden nằm đầu danh sách truy nã của Mỹ trong hàng chục năm.

Quan chức Hoa Kỳ tuyên bố họ "chắc tới 99.9%" rằng người mà quân Mỹ bắn và tiêu diệt trong cuộc tấn công vào một tòa nhà được canh gác cẩn mật tại Abbottabad, và sau đó thủy táng, chính là Bin Laden.

Tòa nhà ở Abbottabad chỉ cách Học viện Quân sự Pakistan có vài trăm mét.

Quan chức Mỹ nói không thể tưởng tượng nổi rằng Bin Laden không có một hệ thống hỗ trợ ở Pakistan.

'Trả giá đắt'

Tuy nhiên trong bài xã luận của mình, Tổng thống Zardari giận dữ bác bỏ cáo buộc này, nói rằng Pakistan "chưa bao giờ và sẽ không bao giờ trở thành thánh địa của chủ nghĩa cực đoạn như báo chí mô tả".

Ông viết: "Những suy đoán vô căn cứ đó có thể là mồi ngon cho báo chí, nhưng không phản ánh đúng thực tế".

"Pakistan có đầy đủ lý do để căm ghét al-Qaeda như bất cứ quốc gia nào khác. Cuộc chiến chống khủng bố cũng là cuộc chiến của Pakistan".

Ông Zardari nói Pakistan đã phải "trả giá đắt cho chính sách chống khủng bố của mình", với nhiều vụ tấn công nhằm vào thường dân và lực lượng an ninh nước này.

"Số binh lính tử nạn của chúng tôi nhiều hơn của tất cả các nước Nato cộng lại. Hai nghìn cảnh sát viên, 30.000 dân thường vô tội và cả một thế hệ của tiến bộ xã hội đã bị đánh mất".

Nhưng ông Zardari nói thêm rằng Pakistan sẽ không khuất phục trước các đe dọa của al-Qaeda.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi việc triệt tiêu Osama Bin Laden, nói đây là "một ngày tốt lành của nước Mỹ", và rằng thế giới nay sẽ là một nơi an toàn và tốt đẹp hơn.

Ông cũng ca ngợi "những người anh hùng" đã thực hiện chiến dịch, và trong một diễn văn tại Quốc hội, ông kêu gọi cử tọa chứng tỏ "một sự đoàn kết như sau sự kiện 11/9".

Hoa Kỳ vừa đặt các Sứ quán của mình tại nước ngoài trong tình trạng báo động, cảnh báo người Mỹ trước nguy cơ al-Qaeda tấn công trả thù cái chết của Osama Bin Laden.

Nguồn: bbc.co.uk

6. Pakistan nhận thất bại về tình báo

clip_image007

Cơ quan tình báo chính của Pakistan, ISI, cho biết họ rất xấu hổ vì những thất bại của họ liên quan đến lãnh đạo Al Qaeda, Osama Bin Laden.

Một viên chức ISI nói với BBC khu tổ hợp tại Abbottabad nơi Bin Laden bị lực lượng Mỹ giết chết hôm Chủ nhật đã bị lục soát hồi năm 2003.

Nhưng khu nhà đó "không ở trong tầm radar" của họ kể từ đó, viên chức này nói.

Ông đưa ra các chi tiết về cuộc tấn công và nói rằng người con gái trẻ tuổi của Bin Laden cho biết cô nhìn thấy cha mình bị bắn.

Bin Laden, 54 tuổi, là người sáng lập và lãnh tụ Al Qaeda. Ông được cho là đã hạ lệnh thực hiện các cuộc tấn công vào New York và Washington vào ngày 11 tháng Chín năm 2001 cũng như một loạt các cuộc đánh bom chết người khác.

Bị bất ngờ

Viên chức ISI nói với phóng viên BBC Owen Bennett-Jones tại Islamabad rằng khu tổ hợp tại Abbottabad, cách thủ đô 100 cây số, đã bị lùng sục khi đang được xây dựng hồi năm 2003.

Người ta tin là một nhân viên thuộc tổ chức Al Qaeda, Abu Faraj al-Libi, đã có mặt tại đó.

Nhưng kể từ đó, "khu tổ hợp này không nằm trong tầm radar của chúng tôi và đó là một nỗi xấu hổ của ISI", viên chức này nói.

Ông nói thêm: "Thất bại này không nên khiến chúng tôi bị nhìn nhận là hoàn toàn không có khả năng. Nhìn vào những gì chúng tôi đã làm được trong suốt 10 năm qua, chúng tôi đã bắt được hàng trăm người thuộc phe Taliban và al Qaeda - nhiều hơn tất cả các nước khác cộng lại".

Khu nhà này cũng chỉ cách Học viện quân sự Pakistan vài trăm thước.

Viên chức ISI cũng đưa ra các chi tiết mới về một số sự kiện trong cuộc tấn công hôm Chủ nhật.

  • Có 17-18 người có mặt tại khu nhà này vào thời điểm diễn ra cuộc tấn công

  • Người Mỹ bắt đi một người mà có thể là một con trai của Bin Laden

  • Những người sống sót sau cuộc tấn công bao gồm một người vợ, một cô con gái và 8-9 trẻ em khác mà dường như không phải là con của Bin Laden, tất cả những người này bị người Mỹ trói tay

  • Người vợ người Yemen sống sót cho biết họ tới sống tại khu nhà này cách đây vài tháng

  • Con gái của Bin Laden, 12 hoặc 13 tuổi, nhìn thấy cha mình bị bắn chết

Viên chức Pakistan cho biết người ta cho rằng người Mỹ muốn đưa các phụ nữ và trẻ em còn sống sót đi nhưng đã phải từ bỏ kế hoạch này vì một trong những chiếc trực thăng của họ bị trục trặc.

Chiếc phi cơ sau đó đã bị lực lượng đặc biệt phá hủy.

Phía Mỹ không bình luận gì về chuyện ai bị họ bắt hay có kế hoạch bắt giữ, ngoài thi hài của Bin Laden.

Viên chức ISI nói họ đã tìm được một số tài liệu từ khu nhà này.

Cục tình báo trung ương Mỹ, CIA, cũng đã nói họ đang xem xét một khối lượng lớn các đĩa cứng và các thiết bị lưu trữ thu được trong cuộc tấn công này.

Viên chức ISI của Pakistan nói thêm: "Chúng tôi hoàn toàn bị bất ngờ. Họ vào và rút đi trước khi chúng tôi kịp phản ứng."

Nguồn: bbc.co.uk

7. Những mục tiêu tiếp theo của Mỹ sau bin Laden

Phan Lê

Mỹ đã giành một thắng lợi to lớn khi tiêu diệt được Osama bin Laden, nhưng cuộc chiến chống khủng bố sẽ còn tiếp tục với những mục tiêu tiếp theo.

Phó tướng Zawahiri

Nhân vật đứng đầu trong danh sách truy lùng của các lực lượng an ninh Mỹ sau khi Osama bin Laden bị gạch tên là Ayman al-Zawahiri, nhân vật số hai của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Cựu Bác sĩ phẫu thuật người Ai Cập thậm chí còn được coi là người điều hành thực sự mọi hoạt động của Al-Qaeda và giờ đây thế chỗ của bin Laden trong vai trò kẻ bị truy nã gắt gao nhất thế giới.

Giống như bin Laden, Zawahiri lẩn trốn rất kỹ kể từ khi nước Mỹ tuyên bố cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố sau cuộc tấn công ngày 11/9/2001. Tuy nhiên, khác với chiến hữu vừa bị tiêu diệt tại Pakistan, người đàn ông 59 tuổi này không hoàn toàn chìm trong bóng tối mà vẫn tham gia những hoạt động mờ ám.

clip_image008

Tên khủng bố nguy hiểm Ayman al-Zawahiri. Ảnh: AP

Không chỉ nhiều hơn bin Laden 4 tuổi, Zawahiri còn được đánh giá vượt trội hơn ở khả năng tổ chức, độ xảo quyệt và trí thông minh hiếm có. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy y là vào tháng 10/2001 tại vùng Đông Bắc Afghanistan, gần biên giới với Pakistan. Kể từ đó, Zawahiri thường xuyên phát đi những video từ những nơi y lẩn trốn, nhằm kêu gọi cuộc chiến chống lại phương Tây. Trong danh sách những tên khủng bố bị truy nã hàng đầu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), người này còn được coi là Bác sĩ riêng của bin Laden.

Nếu bin Laden được coi là nguồn cảm hứng và thủ lĩnh tinh thần của Al-Qadea, thì Phó tướng của y lại được thừa nhận là bộ não thực sự của mạng lưới khủng bố toàn cầu này. Chính Zawahiri đã trực tiếp tham gia vào việc tổ chức hàng loạt vụ tấn công khủng bố, trong đó đáng kể nhất là vụ 11/9 khiến hơn 3.000 người thiệt mạng. Hẳn nhiên, dù không "nổi tiếng" bằng bin Laden nhưng Zawahiri được đánh giá là nguy hiểm hơn nhiều. Chính vì vậy, không có gì là lạ khi Mỹ treo giải 25 triệu USD cho người nào tiêu diệt được kẻ giữ vai trò cố vấn chiến lược chính của bin Laden.

Khi Osama bin Laden hoàn toàn thu mình để lẩn trốn sự truy lùng từ sau năm 2004, hình ảnh của Zawahiri xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng nhiều hơn, với đặc trưng dễ nhận ra nhất là cái bướu nhỏ trên trán. Y khích lệ các phần tử Hồi giáo cực đoan bằng hàng loạt đoạn video đe dọa các nước phương Tây, với cánh tay phải luôn thể hiện những động tác giận dữ cùng cái nhìn lạnh lùng phía sau cặp kính cận.

Zawahiri gặp bin Laden khi hàng nghìn chiến binh Hồi giáo khắp thế giới đổ về Afghanistan, trong cuộc thánh chiến những năm 80 thế kỷ trước chống lại quân đội Liên Xô. Giống như bin Laden, Zawahiri cũng có xuất thân đáng nể. Y được sinh ra trong một gia đình giàu có ở Ai Cập, có cha là một nhà vật lý danh tiếng còn ông nội là một Giáo sĩ hàng đầu ở Học viện Al-Azhar tại Cairo.

Zawahiri tham gia vào cộng đồng Hồi giáo cực đoan tại Ai Cập từ khi còn nhỏ và từng bị bắt lúc 15 tuổi, vì là thành viên của tổ chức ngoài vòng pháp luật "Huynh đệ Hồi giáo". Y sau này thậm chí đã xuất bản vài cuốn sách nghiên cứu về Hồi giáo chính thống được bán cho nhiều người để biểu tượng hóa phong trào Hồi giáo cực đoan.

Sau khi kết hôn năm 1979 và hành nghề Bác sĩ phẫu thuật tại Cairo, Zawahiri bị tống giam 3 năm vì các hoạt động quân sự và sau đó được cho là có dính líu tới vụ ám sát cựu Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat năm 1981, cũng như vụ thảm sát nhiều du khách nước ngoài tại thành phố Luxor 16 năm sau đó.

Đối mặt với án tử hình, y rời Ai Cập vào giữa những năm 80 thế kỷ trước để tới Ảrập Xêút, nhưng sau đó nhanh chóng chuyển qua thành phố Tây Bắc Pakistan là Peshawar. Zawahiri làm việc trong vai trò của một Bác sĩ điều trị cho các chiến binh bị thương và có liên hệ với các phiến quân Hồi giáo Ảrập, những kẻ sau này tham gia vào cuộc thánh chiến chống Liên Xô, trong đó có bin Laden.

clip_image009

Bin Laden và Zawahiri trong một đoạn video được đưa lên Internet. Ảnh: AP/Al Jazeera

Đầu những năm 90, Zawahiri được cho là sống ở châu Âu trước khi nối lại liên lạc với bin Laden, khi đó đang ở Sudan hoặc Afghanistan. Năm 1996, y bị bắt tại Nga sau khi tham gia tuyển chọn các chiến binh tại Chechnya. Hai năm sau đó, người này là một trong 5 kẻ đã ký vào chỉ dụ tôn giáo (fatwa) của bin Laden, với nội dung kêu gọi những cuộc tấn công nhằm vào công dân Mỹ. Cũng kể từ đó, Zawahiri thường xuyên xuất hiện bên cạnh bin Laden.

Zawahiri nằm trong danh sách truy tố của Chính phủ Mỹ sau vụ đánh bom năm 1998 nhằm vào các Đại sứ quán của Mỹ ở Kenya và Tanzania. Sau đó một năm, y bị kết án tử hình vắng mặt sau một phiên tòa tại Ai Cập.

Phó tướng của bin Laden chìm vào bóng tối sau khi các lực lượng của Mỹ và Chính phủ Afghanistan tổ chức các đợt truy quét phiến quân Taliban hồi cuối năm 2001. Taliban đã che giấu bộ đôi bin Laden cùng Zawahiri và từ chối giao nộp chúng sau vụ 11/9. Sau đó, thủ lĩnh của Al-Qaeda và Phó tướng của y tung ra một loạt các đoạn video xuất hiện cùng nhau.

Quân đội Mỹ và Pakistan thường xuyên truy lùng Zawahiri và cả bin Laden tại những nơi ẩn náu được cho là ở khu vực núi non cằn cỗi giữa Pakistan và Afghanistan. Tháng 1/2006, Zawahiri đã kịp trốn thoát khỏi cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Mỹ tại một khu vực hẻo lánh của Pakistan. Khoảng 18 người thiệt mạng trong vụ này, gồm 4 thành viên Al-Qaeada và 7 thường dân, nhưng Zawahiri bình yên vô sự.

Tháng 12/2001, có thông tin cho rằng vợ, con trai và hai con gái của Zawahiri thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ tại thành phố Kandahar, Afghanistan. Cuộc tấn công này nằm trong kế hoạch truy quét của Mỹ nhằm tiêu diệt các lực lượng Taliban. Nhà báo người Pakistan Hamid Mir, người đã gặp Zawahiri vào các năm 1998 và 2001, nói rằng tên trùm khủng bố sau đó cưới vợ mới và có một cô con gái vào cuối năm 2005.

Những nhân vật khác

Saif Al-Adel, khoảng 50 tuổi, là bí danh của một nhân vật cấp cao người Ai Cập đồng thời là thành viên của Hội đồng quân sự trong mạng lưới Al-Qaeda. Adel đã thành lập những cơ sở huấn luyện của Al-Qaeda tại Ras Kamboni ở Somalia và huấn luyện nhiều phiến quân Somalia, những người sau đó tham gia vào cuộc chiến Mogadishu chống lại quân đội Mỹ. Hai máy bay trực thăng Black Hawk (Ó đen) của Mỹ bị bắn hạ bởi các súng phóng lựu tự hành sau này đã truyền cảm hứng để đạo diễn Ridley Scott tạo nên bộ phim Black Hawk Down. Adel có tên trong danh sách truy nã của FBI từ năm 2001 với khoản tiền thưởng lên tới 5 triệu USD cho ai cung cấp thông tin của y. Người ta cho rằng Adel đang ở Iran.

clip_image010

Từ trái qua: Adel, Abu Gaith và Mohammed. Ảnh: Telegraph, BBC

Nhân vật đáng kể tiếp theo là Sulaiman Abu Gaith, 45 tuổi và mang quốc tịch Kuwait, là một trong những lãnh đạo cấp cao của Al-Qaeda đồng thời là người phát ngôn của tổ chức khủng bố này. Abu Gaith nổi lên từ cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, khi y tuyên chiến với Saddam Hussein. Sau đó, người này chuyển hướng quan tâm sang Chính phủ Kuwait và Hoàng gia nước này, với đòi hỏi ban hành luật Sharia. Y ngay lập tức bị cấm thuyết giảng và trục xuất khỏi nhà thờ Hồi giáo. Vào năm 2000, Abu Gaith rời Kuwait để tới Afghanistan, nơi y gặp bin Laden và gia nhập Al-Qaeda. Sau vụ tấn công 11/9, tên này lớn tiếng tuyên bố rằng "những vụ tấn công bằng máy bay sẽ còn tiếp tục". Nơi ở hiện tại của Abu Gaith là một dấu hỏi lớn. Người ta đồn rằng y đã bị bắt giam ở Iran, nhưng các quan chức Kuwait lại cho rằng tên này đã được thả và trở lại Afghanistan.

Kẻ đứng thứ tư trong danh sách mục tiêu tiếp theo của Mỹ có thể là Abu Hafiza, một nhà tâm lý học quân sự người Marốc, đồng thời là một chuyên gia chiến lược của Al-Qaeda. Theo một trang web về tình báo của Israel, Hafiza là người lên kế hoạch các cuộc tấn công tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha hồi tháng 3/2004. Y còn tuyên bố rằng Iraq là chiến trường chính của Al-Qaeda.

Cuối cùng, nhân vật được Mỹ lưu tâm theo dõi là Fazul Abdullah Mohammed, 36 tuổi và được cho là thủ lĩnh của Al-Qaeda tại Đông Phi. Y bị Mỹ truy nã vì có liên quan tới vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ tại Somalia năm 1998. Sau đó, có thông tin cho rằng tên này đã bị Mỹ tiêu diệt trong một đợt không kích. Tuy nhiên, các trang web tại Somalia đưa tin rằng y vẫn an toàn và thậm chí còn leo cao hơn trong nấc thang quyền lực của Al-Qaeda.

P.L.

Nguồn: Vnexpress.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn