“Biển Đông dậy sóng” qua góc nhìn chuyên gia

Minh Bích (tổng hợp)

clip_image001

Ảnh minh họa (Internet)

(Tamnhin.net) – “Biển Đông dậy sóng” đang thu hút sự quan tâm chú ý của các chuyên gia trong và ngoài nước. Tamnhin.net xin trích lược ý kiến của một số chuyên gia có uy tín về lĩnh vực này.

Nhà nghiên cứu  ninh hàng hải khu vực, Thạc sỹ Iskander Rehman:

Sự kiện mới rồi dường như khá nhất quán với cách ứng xử gần đây của Trung Quốc tại các vùng Biển Đông và Đông Hải, theo đó Bắc Kinh thường sử dụng cả hai biện pháp là cưỡng ép về ngoại giao và ra chỉ dấu mạnh mẽ về quân sự để khẳng định chủ quyền.

Cách ứng xử này đã dẫn tới sự căng thẳng không chỉ với tàu Việt Nam mà cả các tàu của Mỹ, Nhật và Philippines.

Cần chú ý rằng cách tiếp cận của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ trên biển không chỉ mạnh bạo hơn mà còn trở nên đa dạng hơn trước. Đụng độ trên biển mức độ nhỏ chỉ là một trong các biện pháp mà Bắc Kinh đang sử dụng nhằm củng cố chủ quyền trên các đảo đá và bãi cạn tại Biển Đông, vốn được cho là giàu khoáng sản.

Một biện pháp khác là phát tín hiệu quân sự như tổ chức tập trận và tăng cường tuần tra ngoài khơi gần các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là biện pháp chúng ta thấy được sử dụng ngày càng nhiều trong thời gian gần đây.

Các hình thức khiêu khích này thường được thực hiện cùng điều mà các nhà phân tích chiến lược Trung Quốc gọi là 'chiến tranh pháp lý', tức người phát ngôn của chính phủ Trung Quốc mang một số điều đã được công nhận trong luật biển quốc tế ra công khai tranh cãi về khía cạnh pháp lý.  (BBC, 30/5/2011)

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia:

Bắc Kinh đang theo đuổi chiến lược ngoại giao nâng cấp nhằm tăng cường tuyên bố chủ quyền Biển Đông, chiến lược này luôn luôn mô tả Trung Quốc như là nạn nhân của các nước khác.

Nay mọi chỉ trích đang được Trung Quốc đổ về Hà Nội và Manila, trong khi Trung Quốc tuyên bố chỉ làm công việc "thực hiện" chủ quyền thông qua các hoạt động bình thường.

Hiện tại các tàu hải giám dân sự, chứ không phải tàu hải quân, tham gia các vụ mới rồi. Các tàu này nhằm vào tàu khảo sát dầu khí không có vũ trang của các quốc gia khác. Tuy nhiên theo Philippines thì hồi tháng Hai tàu tuần tra của Trung Quốc đã bắn cảnh cáo tàu cá của nước này.

Nếu như Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền một cách hung hăng như hiện nay thì hậu quả sẽ là Hà Nội và Manila điều tàu hải quân có vũ trang hộ tống tàu thăm dò. Việt Nam thực tế đã tăng số tàu hộ tống tàu thăm dò Bình Minh 02 sau vụ rắc rối hôm 26/05.

Điều này làm tăng quan ngại và tăng nguy cơ xung đột vũ trang trong khu vực, tuy nhiên tôi vẫn cho rằng  khả năng xảy ra đụng độ hải quân là thấp. (BBC, 8/6/2011)

Nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Đông Dương Danh Dy:

Vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 2 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không những là nghiêm trọng nhất mà nó còn đánh dấu một bước leo thang mới của Trung Quốc trong việc bành trướng ra Biển Đông...

Nếu Việt Nam cũng như các nước trong khu vực hay các nước lớn trên thế giới không biểu thị thái độ đúng mức thì chắc chắn nhà cầm quyền Bắc Kinh sẽ còn đi những bước mới nữa.

Nhân dân Việt Nam không thể nào im lặng trước những việc làm ngang ngược của Trung Quốc như vậy được. Nếu Trung Quốc còn có  những hành động ngang ngược, ngang trái, leo thang hơn nữa, thì tôi dám chắc rằng những cuộc tuần hành, thể hiện ý chí của nhân dân Việt Nam sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa. (VOA, 8/6/2011)

Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ:

Những phát biểu chính thức của Nhà nước và các vị lãnh đạo Bộ Quốc phòng là hết sức hợp lý và đúng đắn trước hành động xâm phạm lần này của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Những gì xảy ra với tàu thăm dò Việt Nam hoàn toàn không ở trong vùng tranh chấp, mà Trung Quốc lại ngang nhiên tuyên bố đây là vùng tranh chấp.

Vậy cho nên tôi cho rằng các tuyên bố vừa rồi hết sức hợp lý, đủ mức cần thiết để nói cho Trung Quốc và quốc tế biết là Việt Nam có hoàn toàn đầy đủ cơ sở để bảo vệ chủ quyền. Thêm nữa, trong sự kiện vừa rồi Việt Nam đã hết sức kiềm chế với chủ trương giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, để không xảy ra đụng độ, châm ngòi lửa ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định trong khu vực.

Những điều cần làm theo tôi là phải tiếp tục tiến hành các hoạt động chính đáng trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Song song cần tiếp tục đấu tranh nếu có vi phạm theo đúng thủ tục luật pháp và thực tiễn quốc tế, sử dụng các công cụ luật pháp để thể hiện quyền của mình.

(BBC 8/6/2011)

Tiến sĩ Dương Danh Huy - một trong các sáng lập viên của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông:

Trước khi giới học giả Trung Quốc và các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có một quan điểm hợp lý, hợp pháp và công bằng hơn, bùng phát xung đột sẽ không chỉ là nguy cơ mà còn là hệ quả tất nhiên.

"Quy tắc ứng xử Biển Đông" đã có hạn chế ngay từ đầu. Thứ nhất, nó không có tính ràng buộc pháp lý. Thứ nhì, nó không xác định tranh chấp bao gồm những gì. Thứ ba, nó thiếu tính cụ thể...

Về cơ sở để tranh cãi giữa các bên, gần đây Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines dựa nhiều vào (công ước biển) UNCLOS, còn Trung Quốc thì dựa vào cách khẳng định bằng ngôn ngữ và hành động rằng chủ quyền là "của Trung Quốc" và tỏ ra mập mờ về cơ sở.   (BBC, 11/6/2011)

GSTS Vladimir N.Kolotov, Trưởng khoa Lịch sử Viễn Đông - ĐHQG St.Petersburg (Nga):

Việc Biển Đông gia tăng căng thẳng gần đây hoàn toàn không đem lại lợi ích nào cho các quốc gia trong khu vực và cho chính Trung Quốc, tác nhân chính gây ra tình hình này. Việc Trung Quốc tiếp tục gây sức ép đối với Việt Nam, Philippines và một số các nước láng giềng khác là đang phá hoại ổn định, an ninh cho khu vực. 

Điều mà ai cũng thấy rõ đó là mưu đồ kiểm soát toàn bộ biển Đông của Trung Quốc và những chuyện xảy ra vừa qua chỉ là sự khởi đầu. Tuy nhiên cần thấy rằng việc Trung Quốc chèn ép các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng tất yếu sẽ dẫn đến việc hình thành các liên minh hợp tác giữa các quốc gia ASEAN với nhau và giữa ASEAN với các bên thứ ba như Mỹ, Nga... và điều này sẽ chỉ càng bất lợi cho Trung Quốc.

Với những động thái vừa qua, Trung Quốc đã và đang tự đánh mất uy tín và những thành tựu mà họ đã cất công gây dựng hơn 10 năm qua đối với ASEAN, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực diễn ra vào cuối những năm 1990. ASEAN sẽ phải dè chừng hơn, thận trọng hơn trước mỗi bước đi của Trung Quốc. Trong hoàn cảnh hiện tại khi mà Trung Quốc công khai gây sức ép tới các quốc gia ASEAN như vậy, các bên sẽ tìm kiếm liên minh của mình...

Trước mắt có thể Mỹ sẽ không can dự trực tiếp vào Biển Đông. Nhưng nếu tình hình an ninh trở nên bất ổn thì đó sẽ là một mối đe dọa nghiêm trọng đến liên minh của Mỹ với Hàn Quốc, Nhật Bản và con đường vận tải huyết mạch qua Biển Đông.

Mưu đồ của TQ đã rất rõ ràng: đó là kiểm soát tài nguyên ở Biển Đông và kiểm soát tuyến đường giao thông hàng hải quan trọng bậc nhất của thế giới này.  (Thanh Niên Online, 11/6/2001)

M. B.

Nguồn: Tamnhin.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn