Biển Đông và sự thức tỉnh

Giáp Văn Dương

Những diễn biến gần đây cho thấy, đã có bước ngoặt lớn trong nhận thức đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông, cả trong nước lẫn quốc tế.

Ngày 26/5/2011, 3 tàu hải giám của Trung Quốc đã vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam để uy hiếp và cắt cáp của tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 2 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)[1]. Việc này đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước, và đã chính thức được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nêu ra tại Diễn đàn an  ninh Châu Á lần thứ 10([2]). Vì tính chất nghiêm trọng của nó, nhiều nhà quan sát đã đặt tên là "Sự kiện Bình Minh 2" ([3]).

Sự gây hấn của Trung Quốc không dừng lại ở đó: ngày 9/6/2011, tàu Viking 2 do PVN thuê của hãng CGG Veritas, khi đang khảo sát địa chấn tại lô 163-3D hoàn toàn nằm trong vùng thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không xa mỏ Đại Hùng và cách Vũng Tàu chưa đầy 150 Hải lý, đã bị hai tàu đánh cá và ngư chính của Trung Quốc đến quấy rối và phá thiết bị. Sự kiện này được giới quan sát quốc tế đánh giá là một sự leo thang có chủ ý không thể chối cãi[4].

Với Việt Nam nói riêng và toàn bộ diễn tiến của quá trình tranh chấp Biển Đông nói chung, hai sự kiện Bình Minh 2 và Viking 2 này là những cột mốc quan trọng vì nhiều lý do. Thứ nhất, nó diễn ra rất sâu trong khu vực thềm lục địa trực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách mũi Đại Lãnh thuộc tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam chỉ 120 hải lý, chứ không thuộc vùng biển có tranh chấp như trong những lần va chạm trước.

Thứ hai, nó nhắm đến hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, một trong những hoạt động kinh tế trên biển quan trọng nhất của Việt Nam.

Thứ ba, nó diễn ra có chủ ý, có hệ thống (3 tàu hỗ trợ nhau) chứ không phải một tai nạn.

Thứ tư, so với  những va chạm trước đó, nó là một sự leo thang rõ rệt, nhất là thời điểm xảy ra ngay sau diễn ra ngay sau chuyến thăm các nước Singapore, Indonesia và Philippines (từ 15/5) của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và ngay trước thềm Diễn đàn an ninh Châu Á, tổ chức tại Singapore ngày 03-05/2011.

Thứ năm, sự kiện này nguy hiểm ở chỗ: toàn bộ cỗ máy truyền thông của Trung Quốc đã lên tiếng khắp nơi vu cáo Việt Nam là bên gây hấn và Trung Quốc đóng vai nạn nhân trước nhân dân Trung Quốc cũng như nhân dân thế giới. Trong khi Việt Nam hầu như chưa kịp có một kế hoạch đối kháng nào về truyền thông.

Trước sự kiện này, Việt Nam như bừng tỉnh. Sự đe dọa về chủ quyền biển đảo và an toàn của các hoạt động kinh tế biển đã tiến đến sát cửa nhà chứ không còn xa xôi như trước. Ngay lập tức, báo chí và truyền thông vào cuộc, đưa tin và cập nhật liên tục về sự kiện. Nhiều phân tích của giới quan sát và học giả cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể đưa "Sự kiện Bình Minh 2" này ra Tòa án quốc tế[5].

Chính phủ Việt Nam cũng phản ứng nhanh và quyết liệt hơn. Chỉ một ngày sau khi xảy ra "sự kiện Bình Minh", đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc để trao công hàm yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành động vi phạm chủ quyền đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại cho tàu Bình Minh 2([6]). Sau đó, như đã đề cập ở trên, sự kiện này lại được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam chính thức nêu ra tại Diễn đàn an ninh Châu Á lần thứ 10, diễn ra một tuần sau đó. Mới nhất, ngày 17/6, tại trụ sở LHQ, Đại sứ Việt Nam Lê Lương Minh đã lên tiếng phản đối Trung Quốc có những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Cộng hưởng với những động thái trên của Chính phủ và truyền thông, người dân, nhất là giới trẻ, ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã tuần hành ôn hòa trước Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc để bày tỏ sự phản đối vào ngày 5/6/2011([7])và sau đó là ngày 12/6/2011; 19/6/2001 để phản đối sự leo thang của Trung Quốc với sự kiện Viking 2.

clip_image001Đội tàu bảo vệ Bình Minh 02 sau vụ bị tàu hải giám Trung Quốc được tăng cường thêm 5 chiếc nữa lên 8 chiếc. Ảnh VNE

Trung Quốc đang ráo riết tìm cách hiện thực hóa điều mà họ tuyên bố trước đó: coi Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" và đòi hỏi độc chiếm 80% diện tích Biển Đông qua yêu sách "đường lưỡi bò" 9 đoạn vô lý của mình.

Nếu những va chạm hoặc gây hấn trước đây thường xảy ra ở khu vực được Trung Quốc cho là nằm trong vùng tranh chấp, thì nay đã chuyển dịch về phía bờ biển Việt Nam, hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc đang tìm cách biến những nơi không tranh chấp thành có tranh chấp để thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông của mình.

Nhân dân Việt Nam bừng tỉnh trước nguy cơ chủ quyền biển đảo bị xâm phạm, lợi ích hợp pháp bị đe dọa, các hoạt động kinh tế biển bị phá hoại. Sự bừng tỉnh này đang lan rộng trong khắp mọi tầng lớp nhân dân. Chưa khi nào, thông tin và sự quan tâm về chủ quyền biển đảo lại được cập nhật nhanh chóng và thảo luận sôi nổi như trong thời gian này.

Về thông tin, người dân và báo chí đã ý thức rõ ràng rằng, dù có chính nghĩa thì trước hết chúng ta cũng vẫn phải lên tiếng để nêu cao chính nghĩa đó và tranh thủ sự ủng hộ của công luận thế giới. Công luận quốc tế sẽ chỉ lên tiếng nếu như công luận trong nước lên tiếng trước.

Về ngoại giao, việc yêu cầu Trung Quốc không chỉ chấm dứt sự khiêu khích, mà còn phải bồi thường thiệt hại do các hoạt động phá hoại và cản trở này đã thể hiện sự kiên quyết về chủ quyền biển đảo, do đó có tác dụng thu hút và đoàn kết toàn dân. Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam tại Diễn đàn an ninh Châu Á lần thứ 10 cũng là một sự cộng hưởng đầy ý nghĩa.

Về kinh tế, ý thức ủng hộ hàng Việt, sử dụng hàng Việt và chấn hưng kinh tế cũng bùng lên. Vì người dân đã nhận thức rõ, không thể bảo vệ chủ quyền khi kinh tế của mình yếu.

Giới nghiên cứu cũng tích cực thu thập tài liệu, tìm kiếm các bằng chứng lịch sử và chuẩn bị các hồ sơ pháp lý nhằm bảo vệ chủ quyền theo công pháp quốc tế. Hội Luật gia[8] và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã ra "tuyên bố phản đối phản đối Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế"[9]. Một số đoàn thể quan trọng khác cũng đã có những phản ứng tương tự.

Chiến lược giải quyết tranh chấp ở Biển Đông cũng có những đổi mới đáng khích lệ. Thay vì giải quyết bằng đàm phán song phương như Trung Quốc đề nghị, chiến lược đàm phán đa phương trên cơ sở công pháp quốc tế đã được đề cập ngày càng rõ ràng. Ý thức đoàn kết các quốc gia có lợi ích chung ở Biển Đông đã được khởi động bằng những hành động cụ thể: 7 nước ASEAN đã "cùng kệu gọi việc tìm ra giải pháp hòa bình và sử dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông"[10] trong Hội nghị các quốc gia thành viên UNCLOS (13-17/6/2011, New York) cũng như tuyên bố chung Việt - Mỹ trong Đối thoại về chính trị - an ninh - quốc phòng Việt-Mỹ lần thứ tư (17/6/2011, Washington) nhấn mạnh "mọi tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua con đường ngoại giao và hợp tác, không gây sức ép hay sử dụng vũ lực"[11].

Nhưng hơn hết là tinh thần đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong vào người nước của người Việt, bước đầu gạt qua những bất đồng tưởng chừng đã hằn sâu trong tâm thức, để cùng cất lên tiếng nói chung bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Nhiều vấn đề được cho là nhạy cảm nay đã bắt đầu được xới lên: tất cả đều hướng đến một mục tiêu duy nhất: bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chẳng hạn như những phát biểu của Giáo sư Hồ Trọng Ngũ, TS Lê Văn Cương...

Không chỉ dừng lại ở sự chuyển biến nhận thức ở trong nước, quốc tế cũng có bước ngoặt lớn trong nhận thức về tranh chấp Biển Đông.

Trước sự xâm phạm của Trung Quốc, Philippines đã nhiều lần lên án mạnh mẽ và hiện đang chuẩn bị hồ sơ pháp lý để kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế[13].

Nước Mỹ cũng đã có những thay đổi quan trọng trong nhận thức về Biển Đông qua việc tuyên bố Mỹ có "quyền lợi quốc gia quan trọng" ở khu vực này của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Diễn đàn khu vực ASEAN ở Hà Nội tháng 7 năm 2010([14]). Và gần đây nhất, ngày 13/6/2011, hai thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb và James Inhofe, thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đã đệ trình một nghị quyết lưỡng đảng mang tiêu đề: "Kêu gọi một giải pháp đa phương, hòa bình cho những tranh chấp lãnh hải ở Đông Nam Á", nhằm "yêu cầu Trung Quốc ngưng các hành động quân sự và trở lại bàn đàm phán đa phương để giải quyết các vấn đề chủ quyền. Mục đích của chúng ta trong tương lai ở khu vực là thúc đẩy giao ước đa phương".[15]

Tất cả những điều đó cho thấy, với Việt Nam, sức mạnh tổng hợp từ mọi giới, mọi ngành, mọi nơi,  mọi người, mọi nguồn đã bắt đầu được huy động. Sự đồng thuận lớn đang có cơ hội hình thành và phát huy tác dụng.

Nhận thức về cách thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam đã có bước ngoặt lớn và từng bước cộng hưởng với những chuyển biến quan trọng trên trường quốc tế về tranh chấp Biển Đông chống lại  sự gây hấn của Trung Quốc.

Sức mạnh dân tộc đã bắt đầu kết hợp cùng sức mạnh thời đại. Giải pháp cho tranh chấp Biển Đông đã bắt đầu bước sang một chương mới. Nhưng chương mới này được viết như thế nào, trước hết phụ thuộc vào hành động của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt quan trọng là những người lãnh đạo.

Tác giả cảm ơn Phạm Thu Xuân, Lê Vĩnh Trương, Nguyễn Quang A đã đọc và góp ý cho bản thảo.

G. V. D.

Nguồn: Tuanvietnam.vietnamnet.vn

Ghi chú:

[1] Thông tấn xã Việt Nam, ngày 27/5/2011.

[2] Phát biểu của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tại Diễn đàn an ninh châu Á 10.

[3] Tuần Việt Nam, ngày 30/5/2011.

[4] Thayer Consultancy, ABN # 65 648 097 123

[5] Báo Tuổi trẻ, ngày 17/6/2011.

[6] VietNamNet, ngày 27/5/2011.

[7] Thông tấn xã Việt Nam, ngày 5/6/2011.

[8] Thông tấn xã Việt Nam, ngày 5/6/2011.

[9] Thông tấn xã Việt Nam, ngày 12/6/2011.

[10] Vnexpress.net, ngày 19/6/2011.

[11] Giaoduc.net.vn, ngày 18/6/2011.

[12] VietNamNet, ngày 16/6/2011.

[13] BBC Vietnamese, ngày 3/6/2011.

[14] Báo Tuổi trẻ,ngày 23/7/1010.

[15]Báo Tuổi Trẻ, ngày 15/6/2011.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn