Biểu tình lòng yêu nước

Nguyễn Trọng Tạo

clip_image001

Dân biểu tình trước Đại sứ quán TQ 2007

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì biểu tình là một hình thức hành động bất bạo động thường diễn ra trong lịch sử được thực hiện bởi một nhóm người. Thuật ngữ này chỉ đến sự trưng bày một cách công khai những ý kiến chung của nhóm người này. Khái niệm này được phát triển bởi Mahatma Gandhitrong Phong trào độc lập Ấn Độ và bởi Martin Luther King, Jr. trong Phong trào Dân quyền Mỹ. Các biểu tình là một hình thức hoạt động tích cực (tiếng Anh: activism), thường có những người tụ họp vào một nơi hay diễu hành trên đường phố để phát biểu ý chí, nguyện vọng hoặc biểu dương lực lượng. Có lúc khi những hoạt động trước mặt hơn, như là cuộc phong tỏa hay cuộc biểu tình ngồi, cũng được gọi là cuộc biểu tình.

Các biểu tình có thể có mục đích bày tỏ quan điểm hoặc ủng hộ hoặc phản đối một vấn đề công cộng, nhất là về một vụ bất công xã hội. Người ta thường nghĩ rằng càng thêm người tham gia cuộc biểu tình thì nó càng thành công hơn. Các biểu tình thường có liên quan đến vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, thường nhằm mục đích gây sức ép cho một thay đổi nhất định.

Vậy biểu tình hiểu theo nghĩa tích cực là TỐT.

Chống thất nghiệp: Biểu tình. Đòi tăng lương: Biểu tình. Chống áp bức: Biểu tình. Vì quyền lợi động vật: Biểu tình. Ủng hộ tàu Bình Minh 2: Biểu tình. Biểu dương lòng yêu nước chống xâm lược: Biểu tình… Có hàng nghìn mục đích để biểu tình. Và cũng có nhiều hình thức biểu tình. Biểu tình đứng, biểu tình ngồi, biểu tình diễu hành, biểu tình tuyệt thực, v.v.

clip_image002

Biểu tình đình công ở thư viện Vancouver Canada 2007 - Ảnh: NTT

Ra nước ngoài gặp nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ diễn ra hàng ngày. Người tham gia biểu tình rất vui vẻ, hòa nhã. Cảnh sát bảo vệ cho họ.

Trong lịch sử cách mạng VN, cuộc biểu tình Xô Viết Nghệ Tĩnh là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của nhân dân trước sự đô hộ hà khắc của thực dân Pháp, dù bị dìm trong biển máu, nhưng đã báo hiệu một kỷ nguyên mới của dân tộc. Trong lịch sử CS Trung Quốc, cuộc biểu tình Thiên An Môn cũng bị dìm trong biển máu của xe tăng và súng đạn, để rồi TQ phải hiểu ra cái giá của sự đàn áp.

Hiến pháp Việt Nam ta cho phép và tôn trọng người dân biểu tình (chưa thấy luật nào ở ta cấm biểu tình).

Suốt tuần qua, sau sự kiện Trung Quốc gây hấn 26/5 xâm phạm lãnh hải Việt Nam, dân ta muốn có cuộc biểu tình để biểu dương lòng yêu nước. Trên các trang mạng xã hội, đã có nhiều cuộc kêu gọi biểu tình vào sáng 5/6 trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Lãnh sự quán TQ tại Tp. Hồ Chí Minh, đòi TQ chấm dứt các hành động xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải VN. Tôi nghĩ đó không chỉ là nguyện vọng của những người sẽ đi biểu tình mà là nguyện vọng của toàn dân tộc. Nguyện vọng Hòa bình, Độc lập là nguyện vọng mãi mãi chính đáng.

clip_image003

Lòng yêu nước của trẻ em VN

Vì là nguyện vọng chính đáng của dân tộc nên nếu xảy ra biểu tình, lực lượng cảnh sát, CA… của nhà nước cần phải bảo vệ cho tiếng nói chính đáng của người dân được cất lên. Cảnh sát, CA… cũng là dân của nước Việt Nam độc lập, họ không hà cớ chi chống lại tiếng nói chính đáng của dân tộc mà họ là những thành viên gương mẫu được dân nuôi dưỡng và giáo dục.

Nhưng đã nhiều lần cảnh sát, CA đã ngăn chặn các cuộc biểu tình yêu nước như 2 cuộc biểu tình khẳng định “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” vào ngày 9-12 và 16-12-2007. Điều này có thể hiểu là hạn chế giới hạn biểu tình, để bảo đảm an ninh, nhưng nó cũng làm cho người dân yêu nước nghi ngờ lòng yêu nước của mình!!!? Đó là mặt trái của sự ngăn chặn.

Lần này, cũng dễ rơi vào “cỗ xe đổ” ấy, khi có những dấu hiệu từ phía an ninh nhằm ngăn chặn người dân tham gia biểu tình ngày 5/6 dù nó chưa xảy ra. Tôi rất ngạc nhiên khi đọc được tờ thông báo của Trường đại học Công nghiệp Tp. HCM chỉ đạo rằng: “tất cả các cơ sở Đoàn yêu cầu HSSV không tham gia vào việc biểu tình ngày 5/6/2011”, và căng thẳng hơn nữa là “HSSV nào cố tình tham gia, nếu có tên trong danh sách mà Công an gửi về trường, nhà trường sẽ kỷ luật ở mức cao nhất: đuổi học”.

clip_image004

Biểu tình trước Đại sứ quán TQ

Yêu nước có thể bị đuổi học? Cả nước có thể khóc thương và che chở người học trò yêu nước ấy.

Học giỏi cũng là yêu nước, nhưng bao thế hệ cha anh đã “xếp bút nghiên lên đường cứu nước”. Đó là truyền thống bất di bất dịch của học sinh Việt Nam mỗi khi có họa ngoại xâm.

Tôi không tin các anh chị CA sẽ chống lại những người yêu nước. Chính các anh chị CA cũng muốn thể hiện tinh thần yêu nước của mình. Và nếu có đến cuộc biểu tình thì các anh chị cũng yêu nước như mọi người, và hơn thế nữa, các anh chị còn có nhiệm vụ bảo vệ lòng yêu nước của nhân dân mình.

Tôi tin như thế – một niềm tin như đá tảng trong lòng!

Thế có nghĩa là, trước nguy cơ mất còn của Tổ quốc, hơn 80 triệu người dân Việt Nam trong và ngoài nước có quyền nhất tề BIỂU TÌNH LÒNG YÊU NƯỚC.

Hà Nội, 4.6.2011

Nguồn: Nguyentrongtao.org

Phụ lục:

clip_image005

Nguồn: http://anhbasam.wordpress.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn