“Chảy máu” nguyên liệu thô

Kỳ 1: Dăm gỗ, quặng sắt chảy sang Trung Quốc

clip_image001

 

Xuất khẩu dăm gỗ tại cảng Kỳ Hà, Quảng Nam - Ảnh: B.Hoàn

 

TT - Rất nhiều mặt hàng thuộc nhóm quặng, khoáng sản và nguyên liệu thô đang được xuất khẩu ồ ạt, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước sử dụng các loại nguyên liệu trên lại phải nhập khẩu để phục vụ sản xuất.

Tình trạng “chảy máu” khoáng sản, nguyên liệu thô đang dần dẫn tới nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và phải nhập khẩu trong tương lai.

Sẵn sàng hạ giá để tranh bán

Một phụ trách bán hàng một công ty cổ phần chuyên xuất khẩu dăm gỗ tràm, bạch đàn, keo, thông (trụ sở tại Hà Nội) cho biết nhu cầu nhập khẩu dăm gỗ của thị trường Trung Quốc đang rất lớn. Thông qua cảng Hải Phòng và cảng Quy Nhơn (Bình Định), hiện mỗi tháng đơn vị này xuất khẩu đi Trung Quốc khoảng 200.000 tấn, giá chỉ khoảng 104 USD/tấn.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ, mặt hàng này được xuất chủ yếu qua khu vực cảng Hải Phòng và dọc các cảng miền Trung. Tại rất nhiều cảng ở khu vực miền Trung như Kỳ Hà (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế)... thường xuyên có các tàu hàng rời cập cảng chỉ để vận chuyển dăm gỗ đi các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Điều tiết bằng chính sách thuế

Để hạn chế tình trạng xuất thô nguyên liệu, Bộ Tài chính vừa xin ý kiến Thủ tướng về việc tăng thuế xuất khẩu gỗ lên mức tối đa 20% vì đang có hiện tượng Trung Quốc đẩy mạnh thu mua gỗ tràm, cao su từ VN. Liên quan đến quặng sắt xuất khẩu, VSA đã kiến nghị lên Bộ Tài chính cần có các biện pháp hữu hiệu chống lại việc buôn lậu quặng sắt qua biên giới.

Bộ Tài chính đã nâng thuế xuất khẩu quặng sắt lên 40%, mức kịch trần đối với nguồn tài nguyên khai thác thô, áp dụng từ ngày 2-7 tới.

Giám đốc một bến cảng ở Quảng Nam cho biết nếu trong những năm tới, Nhà nước hạn chế xuất khẩu dăm gỗ thì cảng này sẽ không có việc để làm! Còn tại hệ thống cảng khu vực Dung Quất (Quảng Ngãi), trong năm 2010 có khoảng 1,2 triệu tấn dăm gỗ tươi được xuất khẩu. Nếu tính trên quy mô cả nước, theo Tổng cục Hải quan, năm 2009 giá trị xuất khẩu dăm gỗ lên tới 237,8 triệu USD. Lượng dăm gỗ khô xuất khẩu khoảng 2,3 triệu tấn, tương đương 4,3 triệu m3 gỗ tròn.

Giá dăm gỗ xuất khẩu hiện nay dao động ở mức 105-120 USD/tấn. Tuy nhiên, do có cả trăm nhà máy chuyên làm dăm gỗ xuất khẩu nên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hạ giá xuất khẩu để giành khách.

Theo Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), với tốc độ xuất khẩu dăm gỗ như trên, dự báo đến năm 2020 VN sẽ xuất khẩu vượt 5 triệu tấn dăm khô/năm (tức vượt 10 triệu m3 gỗ tròn/năm).

Xuất thô, nhập tinh

Việc xuất khẩu ồ ạt dăm gỗ không chỉ ảnh hưởng đến tổng cầu nguyên liệu gỗ trong tương lai mà còn dẫn đến tình trạng “xuất thô, nhập tinh”. Cụ thể, hiện các nhà máy giấy trong nước đang phải nhập khẩu nguyên liệu bột giấy với giá cao gấp 9-10 lần giá dăm xuất đi. Ông Vũ Ngọc Bảo, tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy VN, cho biết ngành sản xuất bột giấy cần phải đầu tư rất lớn mới có hiệu quả kinh tế và giải quyết được bài toán môi trường. Nếu làm quy mô nhỏ thì hiệu quả kinh tế thấp và gây ô nhiễm.

“Một doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất bột giấy cần ít nhất 150 triệu USD trở lên. Đây là số vốn cực lớn nên số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đếm không quá một bàn tay!” - ông Bảo nói.

Theo ước tính của ông Bảo, phải đến năm 2013-2015 mới có khoảng ba dự án sản xuất bột giấy đi vào hoạt động với công suất sản xuất dưới 1 triệu tấn/năm. Số lượng nhà máy này không đủ sức tiêu thụ hết một lượng nguyên liệu dăm gỗ khổng lồ sản xuất ra hằng năm. Cũng vì thế, VN trở thành quốc gia xuất khẩu dăm gỗ làm bột giấy lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Úc.

Điều đáng nói là trong khi giá xuất khẩu dăm gỗ của VN sang hai thị trường Trung Quốc và Nhật chỉ khoảng 110-120 USD/tấn thì giá nhập bột giấy lại ở mức trung bình 900-1.000 USD/tấn. “Mức chênh lệch gấp gần 10 lần thật đáng suy nghĩ” - ông Bảo thừa nhận. Theo ông Bảo, đây là ví dụ rõ nét về thực trạng “xuất thô, nhập tinh” mà ngành giấy đã lên tiếng từ hàng chục năm qua.

clip_image002

Số liệu thống kê xuất khẩu quặng và khoáng sản - Nguồn: Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương - Đồ họa: Vĩ Cường

Ồ ạt xuất quặng sang Trung Quốc

Ông Nguyễn Tiến Nghi, phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), cho biết từ hai năm gần đây VSA liên tục có các công văn gửi đến nhiều tỉnh, thành phố, địa phương và các bộ ngành liên quan về việc thăm dò xác định trữ lượng quặng sắt ở các địa phương có mỏ. Lý do hiện có quá nhiều dự án lò cao được xây dựng và đưa vào hoạt động với tổng công suất luyện gang lên đến 1,8 triệu tấn/năm.

“Đây là chủ trương của Chính phủ và sự chỉ đạo của Bộ Công thương khuyến khích ngành thép đầu tư vào thượng nguồn, tức sản xuất gang từ quặng sắt nấu luyện ở lò cao, luyện thép và cán thép” - ông Nghi nói.

Nhu cầu cần quặng sắt cung cấp cho các dự án nói trên rất lớn. “Nhưng thực tế trữ lượng quặng sắt của VN chỉ có hạn, lại đang bị khai thác rất manh mún hết sức nguy hiểm, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng và nhanh chóng làm cạn kiệt tài nguyên” - ông Nghi nhận định.

Đã có không ít doanh nghiệp quyết định xây dựng lò cao với hi vọng sẽ thu mua được quặng sắt ở các địa phương khác, sau đó vận chuyển tới nơi xây dựng nhà máy, nhưng thực tế đã không thực hiện được: lò cao xây dựng xong đã không đủ quặng buộc phải dừng sản xuất gây lãng phí lớn.

“Nhiều địa phương đã có lúc ngăn cản không cho vận chuyển quặng ra khỏi địa phương, trong khi đó việc xuất khẩu quặng qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp, với mức độ ngày càng tăng” - ông Nghi nhấn mạnh.

Theo ước tính của Bộ Công thương, tính đến hết tháng 5-2011, xuất khẩu quặng và một số loại khoáng sản đã lên đến 995.000 tấn, trị giá khoảng 66 triệu USD, tăng 237.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc đang là thị trường “hút” quặng và các loại khoáng sản lớn nhất của VN.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 4 năm nay, xuất khẩu các mặt hàng này sang Trung Quốc đã lên tới trên 733.000 tấn. Trong năm 2010, lượng quặng và khoáng sản xuất khẩu sang Trung Quốc lên tới trên 1.399.800 tấn.

Ông Nghi cho rằng việc xuất khẩu quặng sắt diễn ra ồ ạt trong thời gian qua xuất phát từ việc doanh nghiệp luyện gang thép với doanh nghiệp khai thác quặng “không tìm được tiếng nói chung” vì “người khai thác được quặng chỉ muốn xuất khẩu do nhận được giá chào mời rất hấp dẫn, trong khi người muốn mua lại không thể mua giá cao như bên bán đề xuất vì tính toán hiệu quả kinh tế không có lợi”.

TRẦN VŨ NGHI - BẠCH HOÀN

Nguồn: Tuoitre.vn

Kỳ 2: Mỗi tháng xuất hơn 1,5 triệu tấn than

TT - Sự kiện VN vừa phải nhập khẩu gần 10.000 tấn than để phục vụ nhu cầu trong nước khiến nhiều người giật mình. Bởi năm 2010 Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) được đánh giá là nhà xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới...

clip_image003

Tàu chở than lậu bị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh bắt giữ - Ảnh: Minh Quang

Hiện nay việc khai thác, xuất khẩu than tại VN hầu hết do TKV thực hiện. Là tập đoàn lo chuyện đảm bảo than cho phát triển ngành năng lượng, nguyên chủ tịch HĐQT TKV Đoàn Văn Kiển đã cảnh báo đến năm 2012 sẽ phải nhập khẩu than. Tuy nhiên đến năm 2010, xuất khẩu của TKV vẫn rất lớn. Theo đánh giá của Ngân hàng CitiBank, khi thu xếp khoản vốn 200 triệu USD cho TKV làm dự án bôxit Lâm Đồng thì TKV đang đứng đầu thế giới về xuất khẩu than đá (antraxit) qua đường biển.

Giá than nhập rẻ hơn xuất

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 16-6 về việc nhập khẩu than của TKV vừa qua, ông Trần Xuân Hòa, chủ tịch HĐTV TKV, không tiết lộ mức giá cụ thể nhưng khẳng định đảm bảo hiệu quả. “Chắc chắn giá nhập than từ Indonesia vừa qua thấp hơn nhiều so với giá than sản xuất bán cho các hộ tiêu thụ không được bao cấp” - ông Hòa nhấn mạnh.

Xuất khẩu than năm 2010: 1,4 tỉ USD

Theo báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của TKV cả năm 2010 và kế hoạch năm 2011, TKV vẫn hoạch định nguồn lợi nhuận chủ yếu từ xuất khẩu than. Với tổng lượng than bán được năm 2010 là 42 triệu tấn, TKV cho biết đã xuất khẩu gần 19 triệu tấn với giá trị xuất khẩu than khoáng sản lên đến con số ấn tượng: 1,4 tỉ USD! Tính bình quân năm 2010, mỗi tháng TKV xuất hơn 1,5 triệu tấn.

TKV hiện là một trong những nhà đầu tư vào nhiệt điện than lớn bên cạnh Tập đoàn Điện lực và Tập đoàn Dầu khí. Do vậy, Bộ Công thương đã chỉ đạo TKV tính toán khả năng đáp ứng than cho nhu cầu phát điện, sản xuất trong nước. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu cao hơn bán trong nước nên bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, TKV đã bắt đầu tìm đối tác nhập khẩu.

Theo báo cáo của TKV gửi Bộ Công thương, cùng thành tích xuất khẩu 1,4 tỉ USD than khoáng sản, trong năm 2010 tập đoàn này đã ký kết biên bản ghi nhớ với một số đối tác Indonesia, Úc về việc cấp than vào VN trong tương lai, trong đó có biên bản ghi nhớ với Công ty Hancock Coal thuộc Tập đoàn Hancock Prospecting của Úc; biên bản ghi nhớ với Công ty Sojitzs (Nhật Bản) về xúc tiến nhập khẩu than cung cấp cho các dự án nhà máy điện tại VN. Ngoài ra, TKV cho biết vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với các tổ chức xúc tiến thương mại của Indonesia, Úc và các công ty thương mại, khai thác và cung cấp than.

Sẽ phải nhập đến 60 triệu tấn/năm

Theo ông Vũ Mạnh Hùng - phó tổng giám đốc TKV, tập đoàn này vừa chính thức nhập khẩu một sà lan trên 9.600 tấn than về VN để thử nghiệm cách thức và phương pháp nhập khẩu than, chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới sẽ chính thức thiếu than. Loại than này là than thô, độ bền kém nên khi bốc xếp thường bị vỡ vụn. “Nguồn than nhập khẩu đang được chế biến, trước mắt sẽ phục vụ nhu cầu của một số hộ tiêu thụ phía Nam, không phải các nhà máy điện” - ông Hùng nói.

Dự kiến trước đây khoảng năm 2012-2015 VN mới phải nhập khẩu than. Nêu lý do phải nhập trước hạn, theo ông Hùng, là để “chuẩn bị dần dần và thực tế năm 2011 VN chưa thiếu than”. Việc nhập khẩu than tới đây, ông Hùng thừa nhận rất khó khăn và lượng than sắp tới VN sẽ phải nhập không nhỏ, từ năm 2015 mỗi năm sẽ nhập khoảng 6 triệu tấn, cao điểm đến năm 2025 sẽ phải nhập tới 60 triệu tấn/năm.

Theo báo cáo giải trình của TKV gửi Thanh tra Chính phủ, tính chung giai đoạn 2006-2010 TKV sản xuất và tiêu thụ bình quân mỗi năm 40-41 triệu tấn than sạch. Hiện TKV vẫn đang xuất khẩu khoảng 50% sản lượng và sẽ giảm dần. Theo TKV, năm 2009 tập đoàn này xuất khẩu 24,4 triệu tấn, năm 2010 xuất khẩu giảm còn 18,7 triệu tấn.

Không xuất khẩu, TKV khó tồn tại?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Mạnh Hùng cho biết TKV vẫn phải xuất khẩu than nhưng chủ yếu là than đẹp, giá cao, trong khi các nhà máy điện chủ yếu dùng than chất lượng trung bình. “Đào mỏ cũng như mổ lợn không phải chỉ lấy phần tốt mà phải lấy cả than tốt, than xấu”. Theo ông Hùng, than tốt của VN hiện giá rất cao, có thể lên tới 300 USD/tấn, chủ yếu dùng cho luyện kim và sản xuất điện cực. VN chưa có nhu cầu này nên việc xuất khẩu là hợp lý.

Bên cạnh đó, ông Hùng cho biết một trong những lý do khiến TKV phải xuất khẩu than là hiện giá than trong nước đang thấp, than bán cho nhiều hộ còn dưới giá thành nên càng bán càng lỗ. “Riêng than bán cho điện dưới giá thành năm qua đã lên tới 3.000 tỉ đồng”. Bên cạnh thực hiện chỉ đạo của Nhà nước, TKV phải lo đảm bảo hiệu quả, có lợi nhuận. Vì vậy, ông Hùng cho biết TKV phải tính toán, nếu không xuất khẩu, TKV khó có thể tồn tại, phát triển sản xuất đáp ứng nhu cầu than trong nước đang ngày càng tăng.

Trong khi đó, theo đánh giá về trữ lượng than ở Quảng Ninh - nguồn than chính của VN, tổng trữ lượng than Quảng Ninh không quá nhiều, ước chỉ 10 tỉ tấn. Và với công nghệ khai thác hiện nay, ông Hùng cũng thừa nhận khả năng đào lên được để sử dụng nhiều nhất chỉ 70%.

Năm 2011: sẽ xuất 16,5 triệu tấn than

Về kế hoạch năm 2011, TKV cho biết mục tiêu doanh thu của tập đoàn này là 72.800 tỉ đồng, riêng sản xuất, bán than phải đảm bảo doanh thu 46.000 tỉ đồng. Vì vậy, tổng lượng than khai thác theo đó phải tăng lên 47 triệu tấn và lượng than xuất khẩu phải lên tới trên 16,5 triệu tấn - có giảm nhưng mức giảm chỉ khoảng 2,2 triệu tấn so với năm 2010. Không chỉ than, trong năm 2011 TKV dự tính sẽ khai thác, tiêu thụ được một lượng lớn đồng tấm, kẽm thỏi, thiếc và đặc biệt 300.000 tấn alumin của Công ty Nhôm Lâm Đồng sẽ được chế biến đem bán.

CẦM VĂN KÌNH

Nguồn: Tuoitre.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn