Kết thúc hội thảo an ninh Biển Đông

Nguyễn Khanh, biên tập viên RFA

clip_image001  

RFA photo Hội thảo An ninh khu vực Biển Đông diễn ra tại Washington hôm 20/6/2011

 

Sau hai ngày thảo luận, cuộc hội thảo về an ninh Biển Đông tại Washington vừa kết thúc, Diễm Thi vừa có cuộc trao đổi ngắn với anh Nguyễn Khanh của Đài Á Châu Tự Do, người tham dự cả hai ngày hội thảo này.

Vẫn chưa thấy hòa bình

Diễm Thi: Xin chào anh Nguyễn Khanh. Liệu chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc có xảy ra hay không? Và câu hỏi này có được nói tới tại hội thảo hay không, thưa anh?

Nguyễn Khanh: Đương nhiên câu hỏi đó có được đặt ra. Tôi nhớ mãi là trước khi cuộc hội thảo bắt đầu thì người ta đã nói đến chuyện là liệu chiến tranh có xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc hay không, cho đến khi trước khi chia tay nhau ở ngày thứ nhì của cuộc hội thảo thì các thành viên tham dự, một số người cũng nhắc lại câu hỏi đó: Liệu chiến tranh có xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc hay không?

Đây là câu trả lời: Tất cả mọi người đều đồng ý rằng chiến tranh khó có thể xảy ra, nhưng mà họ e ngại rằng có thể tình hình căng thẳng sẽ tiếp tục gia tăng. Lý do tại sao họ nói như vậy? Họ nói là cho đến giờ phút này thì phía Trung Quốc vẫn chưa có nhân nhượng, và rõ ràng là phía Việt Nam mỗi ngày dường như là mỗi bày tỏ thái độ cứng rắn hơn.

Diễm Thi: Anh mới nói là không ai nghĩ sẽ có chiến tranh, nhưng anh đừng quên là bây giờ vẫn chưa thực sự thấy hòa bình.

Nguyễn Khanh: Điều mà chị Diễm Thi vừa mới nói là điểm hoàn toàn không sai, nhưng mà người ta cũng nhìn thấy rõ ràng là trong thời một vài ngày gần đây thì đúng hơn là hai bên cũng tìm cách bày tỏ những dấu hiệu hòa hoãn hơn. Hòa hoãn ở điểm nào? Việc đầu tiên mà tất cả mọi người đều được biết là hải quân của Trung Quốc và hải quân của Việt Nam vẫn tiếp tục những cuộc thao diễn.

Ý họ muốn nói rằng là tranh chấp là một chuyện mà những gì chúng ta đã định để mà hợp tác, để mà xây dựng - phát triển quan hệ, quan hệ về ngoại giao, quan hệ về chính trị, quan hệ về quốc phòng, thì người ta vẫn tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, trong thời gian này thì mọi người vẫn cứ nói đến là phải đi tìm cái giải pháp mà cái giải pháp đó nhằm để giải quyết toàn bộ cuộc tranh chấp chủ quyền trên vùng Biển Đông.

Diễm Thi: Thế phía Việt Nam phải làm gì ạ?

Nguyễn Khanh: Cảm ơn chị Diễm Thi đã đặt câu hỏi này. Rõ ràng là trước hết người ta nói về phía Việt Nam. Theo như những gì mà tôi ghi nhận được sau 2 ngày hội thảo tại thủ đô Washington là hầu hết mọi người đều bảo rằng có lẽ Việt Nam phải giải quyết câu chuyện trong nhà rồi sau đó đến ngoài ngõ. "Trong nhà", ở đây có hai điều: điều thứ nhất "trong nhà" là đối với lại Việt Nam, và điểm thứ nhì "trong nhà" là đối với Việt Nam và ASEAN. Sau đó và từ đó thì Việt Nam cùng với các quốc gia bạn - các quốc gia trong ASEAN, với sự yểm trợ, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của thế giới, mới bắt đầu có thể nói chuyện được với Trung Quốc.

Vai trò của Hoa Kỳ

Diễm Thi: Còn Trung Quốc thì sao? Cộng đồng quốc tế sẽ ứng xử như thế nào với Trung Quốc, thưa anh?

clip_image003

GS Carl Thayer tại cuộc hội thảo. RFA photo

Nguyễn Khanh: Để trả lời câu hỏi mà chị đặt ra thì có lẽ tôi xin phép được thưa như thế này. Tôi có dịp được nói chuyện với ông Carl Thayer bên lề hội nghị, tôi hỏi ông rằng là Trung Quốc phải làm gì bây giờ? Người ta bảo rằng trước hết là làm thế nào để Trung Quốc tôn trọng luật pháp; sau đó thì ở hội thảo ai cũng bảo đã đến lúc Trung Quốc phải bày tỏ thái độ của một quốc gia biết tôn trọng luật pháp. Nói một cách khác, tức là mọi người đều hiểu rằng Trung Quốc phải nghiêm chỉnh, phải nói chuyện với những quốc gia láng giềng và Trung Quốc cũng phải thực tâm để cùng với các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, lúc đó câu chuyện may ra mới có thể giải quyết được.

Diễm Thi: Diễm Thi có dịp nói chuyện với một số người Việt trong và ngoài nước, ai cũng bảo là có Hoa Kỳ nhúng tay vào thì mới xong. Anh có nghĩ như vậy không? Và các nhà phân tích có nghĩ như vậy không, anh?

Nguyễn Khanh: Câu hỏi này cũng đã được đặt ra tại hội thảo và những thành viên của phái đoàn Việt Nam nói cho chúng tôi biết là đương nhiên họ cũng mong đợi thái độ của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ là một cường quốc, thành ra vai trò của Hoa Kỳ luôn luôn là vai trò quan trọng. Ai cũng nghĩ đến chuyện đó cả. Điểm thứ ba nữa là câu chuyện tôi biết chắc chắn thế nào chị cũng như quý vị khán thính giả của Đài Á Châu Tự Do cũng sẽ đặt ra câu hỏi: "Thế còn Hoa Kỳ và Việt Nam thì sao? Việt Nam mong đợi gì ở Hoa Kỳ?" Tôi nghĩ rằng Việt Nam mong đợi ở Hoa Kỳ thì mong đợi rất là nhiều. Hoa Kỳ cũng sẵn sàng mở rộng quan hệ với Việt Nam.

Nhưng mà nếu chị và quý vị khán thính giả cho phép thì tôi xin nhắc lại lời mà Nghị sĩ John McCain mới nói tối hôm qua. Ông bảo rằng chúng ta đừng quên khi mà mở rộng một mối quan hệ thì trong đó có nhiều vấn đề mà Washington phải cân nhắc. Và Washington cũng đã nói rất rõ với Hà Nội trong những cuộc thảo luận và trong những cuộc gặp gỡ giữa hai bên: vấn đề nhân quyền, vấn đề tự do và vấn đề dân chủ. Và đó là 3 điểm mà tôi tin chắc chắn rằng Washington có vẻ tiếp tục cân nhắc trước khi quyết định mở rộng quan hệ hơn nữa với Hà Nội. Đó là nhận xét của tôi.

Diễm Thi: Xin cảm ơn anh Nguyễn Khanh rất nhiều.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn