Lời nguyền tài nguyên

Lê Trúc

clip_image001

Khai thác titan gây ô nhiễm môi trường

(Petrotimes) - Sự kiện xã hội “nóng” nhất trên hầu hết báo chí những ngày qua là việc liên tục xảy ra những vụ cướp tại mỏ vàng Bồng Miêu của hàng trăm người dân Quảng Nam.

Mới nhất là vào rạng sáng ngày 4 và tối ngày 13-6 vừa qua có hàng trăm người dân xông vào cướp quặng vàng, đập phá xe và hành hung nhân viên bảo vệ vỡ đầu, đổ máu khi họ ngăn cản.

Có lẽ đây được xem là những vụ cướp quy mô và ngang nhiên nhất trong xã hội hiện nay. Cướp của, hành hung là hành động đáng lên án và phải bị pháp luật trừng trị thỏa đáng. Chắc chắn trong số họ ai cũng đều biết hậu quả ấy nhưng vì sao họ lại cướp của và hành hung một cách táo tợn như vậy không chỉ một hai lần? Câu trả lời đã có từ mấy năm nay và được không ít lần báo chí lên tiếng, người dân phản đối nhưng những người có thẩm quyền đã ngoảnh mặt làm ngơ. Đó là khai thác quặng vàng gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước, không khí, trong đó mất đất canh tác, nguồn lợi thủy, hải sản bị tàn phá cạn kiệt làm cho người dân sống lầm than ngay trên mỏ vàng nhà mình… Mấy trăm người dân là “vàng tặc” đó họ thật đáng trách nhưng lại đáng thương hơn với hành động của mình vì xét cho cùng họ bị ép vào đường cùng.

 

Nói về việc khai thác quặng, mới đây lại xảy ra một nghịch lý là dân kêu cứu còn chính quyền địa phương thì bảo vẫn tốt và thấy mừng về việc nhiều người dân phản ánh các công ty khai thác titan đã làm tan hoang một dải bờ biển miền Trung. Lãnh đạo các địa phương này lên tiếng phủ nhận trên công luận, có vị còn khẳng định người dân ở vùng này còn được hưởng lợi và thấy mừng lắm! Phải chăng chính quyền ở mỏ vàng Bồng Miêu cũng thấy dân nơi đó có lợi và thấy mừng như vậy nên cứ mặc nhiên cho khai thác quặng vàng kéo dài, tràn lan? Mừng hay lo là do cảm nhận của mỗi người nhưng rõ ràng nhất là cảm nhận của người dân và các vị lãnh đạo hoàn toàn trái ngược nhau. Và một điều dễ thấy là ngày càng có nhiều người dân đang khổ sở vì sự giàu có của tài nguyên! Điều này trái hoàn toàn với logic thông thường vì nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú là một lợi thế quan trọng để phát triển. Nhưng sự phát triển của đất nước không phải lúc nào cũng tuân theo logic thông thường. Nhật Bản, Hàn Quốc… không giàu tài nguyên nhưng họ vẫn phát triển rất nhanh chóng và bền vững. Còn một số nước, có Việt Nam được mệnh danh là rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu nhưng vẫn nghèo. Sự phi logic này đã được các nhà nghiên cứu giải thích và được gọi là “lời nguyền tài nguyên”.

Về chủ quan, “lời nguyền tài nguyên” chính là những cám dỗ của thứ vật chất dễ kiếm, dễ bán. Nó tạo ra quyền lực to lớn cho những người có quyền nắm giữ, kiểm soát nguồn tài nguyên. Dĩ nhiên khi đó vấn đề mừng hay âu lo tùy thuộc vào góc nhìn của từng đối tượng và góc nhìn ấy thường trái ngược nhau. Khi ông Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị khẳng định trên báo chí rằng, ở những nơi khai thác titan, cuộc sống của người dân cũng bình thường lắm. Thậm chí ông còn cho rằng, người dân ở các vùng ấy “mừng lắm”. Chính vì nghĩ (hay buộc phải nghĩ) người dân mừng lắm nên ông ra sức bảo vệ việc khai thác titan của các doanh nghiệp, khen ngợi các doanh nghiệp đó đảm bảo tốt các tiêu chí môi trường, lo cho dân, biết khôi phục đất và trồng lại cây xanh. Nhưng hỡi ơi, rừng phi lao xanh ngát ngày xưa đâu chẳng thấy chỉ thấy những cây mới trồng chết héo trên mảnh đất tan hoang, cát bay mịt mù…

clip_image002

Hàng trăm "vàng tặc" đã ngang nhiên khống chế bảo vệ và cướp đi 15 tấn quặng vàng của Công ty Vàng Bồng Miêu vào đêm 13-6

Ông Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị cũng như ông Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và Quảng Bình đều có chung góc nhìn của người có quyền lực cho phép hay không cho phép việc khai thác titan trên địa bàn quản lý của mình. Vì thế họ có chung nhận định rằng, việc khai thác titan thực hiện nghiêm túc, không ảnh hưởng tới môi trường cũng là điều dễ hiểu. Chính vì vậy mà tỉnh Quảng Trị đã cấp hơn 20 giấy phép tận thu khai thác titan, làm tan hoang một đoạn bờ biển miền Trung. Chính vì cả nghĩ không ảnh hưởng gì và “có lợi” cho dân nên họ không thể thấy được cuộc sống lầm than của dân như thế nào. Bão cát, nước ngầm cạn kiệt, ô nhiễm, đồi xanh biến thành đồi trọc, dân mất đất canh tác… vì thế mà người dân mới kêu cứu chứ chẳng thấy mừng rỡ hay hớn hở gì như mấy vị ấy đã cho rằng thế. Những tiếng kêu cứu dẫu đã phát ra nhưng chỉ là bay vào hư không.

Đã bao giờ, tài nguyên không còn là của dân mà là của một số ít người có quyền lực!? Họ dùng quyền lực ấy để chi phối và kiếm lợi ích cho riêng mình. Những người được tận dụng từ quyền lực ấy thì tranh thủ càn quét tài nguyên mà bỏ quên vấn đề dân sinh hay nói cách khác là “sống chết mặc bay, ta giàu trước đã”! Chính điều đó đã làm nên sự phân hóa giàu nghèo rất rõ rệt trong xã hội hiện nay. Và trong xã hội mà yếu tố bất bình đẳng đến trước yếu tố giáo dục, văn hóa, kinh tế thì nó sẽ chứa đựng nhiều phi lý và tạo nên sự ức chế khôn cùng cho lớp người nghèo; từ đó dẫn đến việc dễ dàng tạo ra những làn sóng phản kháng mang tính manh động. Đó cũng chính là nguyên nhân để giải thích vì sao hàng trăm người dân ngang nhiên xông vào cướp quặng vàng Bồng Miêu, coi thường luật pháp. Họ bị quẫn bách và tâm trạng bất ổn khi thấy mình bị gạt ra bên lề của sự phát triển. Vậy nên mừng hay lo âu khi sống bên cạnh đống tài nguyên còn tùy thuộc vào cách nhìn của mỗi đối tượng. Và thực tế người dân đang rất điêu đứng, khổ sở về cái sự giàu có mà thiên nhiên ban tặng. Đó là một nghịch lý rõ ràng để chứng minh cho câu “lời nguyền tài nguyên” ở những nước ít phát triển lại giàu tài nguyên như Việt Nam. Và đương nhiên, bất cứ sự việc gì đều có nguyên nhân, gốc rễ của nó, muốn loại bỏ nó thì chỉ cần bứng cái gốc rễ mà ai cũng có thể dễ dàng thấy được. Vấn đề còn lại là ai có tâm để ra tay làm điều đó…!

L. T.

Nguồn: petrotimes.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn