Đối Thoại: Xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà chưa nắm được công nghệ thì nên hoãn (*)

Chỉ còn 3 năm nữa (năm 2014) nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận 1 sẽ chính thức được khởi công. Theo lộ trình đến năm 2020 sẽ chính thức phát điện thương mại.

Theo khuyến cáo của các nhà khoa học cứ 1MW điện công suất tương đương với một nhân lực. Như vậy, đặt giả thiết nếu Việt Nam xây lò 1.000MW, sẽ phải cần tới 1.000 nhân lực cho tất cả các bộ phận. Trong số đó cần có từ 200 - 300 chuyên gia. Đó là xét trên mặt lý thuyết, còn thực tế dư luận xã hội đang đặt câu hỏi, vậy Việt Nam đang có những lợi thế gì để có thể xây dựng và vận hành thành công nhà máy điện hạt nhân? Nhất là trong giai đoạn hiện nay đối tác thứ hai của Việt Nam – Nhật Bản – đang dần hé lộ những thông tin chưa từng công bố về sự lúng túng của Chính phủ, quan chức Nhật Bản trước sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1...; cùng thời điểm này, Đức, Thụy Sĩ là những cường quốc về điện hạt nhân đã chính thức tuyên bố chấm dứt điện hạt nhân… Tất cả những sự kiện này đã tác động đến người dân Việt Nam. Một lần nữa câu hỏi “nên hay không nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân” lại trở nên nóng hơn bao giờ hết. Văn nghệ trẻ đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Phạm Duy Hiên – nguyên Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt – xung quanh vấn đề này.

Văn nghệ trẻ

Vì sao VN vẫn kiên trì xây dựng nhà máy điện hạt nhân, việc xây dựng này có lợi gì thưa ông?

Nói về điện hạt nhân (ĐHN), lâu nay trong công luận trên thế giới luôn có hai phe, ủng hộ và chống đối. Các chính phủ cũng vậy. Ngay trong giới khoa học cũng thế, có nhiều nhà khoa học hạt nhân lại cương quyết phản đối ĐHN. Vấn đề thật không đơn giản để chỉ nói ngắn gọn như chị vừa nêu. Những người phản đối và ủng hộ ĐHN đều có những lý do xác đáng. Hai luồng ý kiến trái chiều này thể hiện ĐHN có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Một số nước như Pháp, Nhật đã từng xem ĐHN đóng vai trò trụ cột trong chương trình phát triển năng lượng của mình. Song nhiều nước văn minh khác lại không chấp nhận. Đâu có phải vì dân trí của họ thấp.

Trước Fukushima đã như vậy, sau Fukushima phía chống đối càng có chứng cứ để mạnh lên và tác động đến nhiều quốc gia. Đức là một ví dụ, trước đây Chính phủ Đức đã nói không với ĐHN, nhưng sau đó họ nhận thấy nếu không tiếp tục duy trì các nhà máy điện hạt nhân thì sẽ không đủ điện cho nền kinh tế nên họ đã kéo dài thời hạn cho một số nhà máy cũ. Tuy nhiên vừa qua chính phủ Đức lại tuyên bố chấm dứt hẳn ĐHN trước 2020. Sau Đức là Thụy Sĩ, và ngay cả Nhật Bản cũng đã quyết định sẽ tạm dừng phát triển ĐHN.

Nhưng Mỹ, Nga và Pháp thì vẫn kiên trì theo đuổi ĐHN, và để trấn an dân chúng họ hứa sẽ nâng chuẩn mực an toàn lên cao hơn… Các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ cũng sẽ theo đuổi ĐHN.

Nói tóm lại, nên làm ĐHN hay không tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi quốc gia. Không có một công thức nào chung cho toàn thế giới được xem như chân lý. Nhất là tư duy theo hai thái cực: hoặc loại bỏ hoàn toàn, hoặc xem ĐHN là con đường độc nhất vô nhị.

Ông có thể nói rõ hơn? Và cụ thể Việt Nam nên theo công thức nào?

Nước nào làm ĐHN cũng đều xuất phát từ một số ưu thế nhất định mà họ sẵn có. Mỹ, Nga, Pháp, Đức là quê hương của khoa học hạt nhân, công nghệ ĐHN cũng ra đời từ các nước này. Đó là chưa kể họ có nhiều lợi thế khác của những nền công nghệp tiên tiến. Trung Quốc, Ấn Độ đi sau, nhưng cũng đã có vũ khí hạt nhân, một loại đỉnh cao trong công nghệ hạt nhân. Họ có đội ngũ vừa đông, vừa giỏi, họ có những đỉnh cao để có thể giải quyết bài toán ở tầm quốc gia. Và họ đã chọn con đường ĐHN bởi biết chắc sẽ sớm làm chủ được công nghệ này. Và họ đã thành công.

Việt Nam ta chẳng có bất cứ một lợi thế nào về ĐHN cả. Tài nguyên uranium hầu như không có. Tri thức khoa học công nghệ còn ở mức a, b, c. So với những nước đang vận hành nhà máy ĐHN thì trình độ đội ngũ của chúng ta còn quá thấp kém. Tiền bạc phải đi vay mượn, đâu có sung túc như mấy nước A rập thuê người nước ngoài làm tất. Cơ sở hạ tầng công nghiệp quá thấp, chỉ có sức lao động giản đơn là không phải nhập từ nước ngoài. Trình độ quản lý và kỷ luật công nghiệp hiện đại còn lâu mới xứng tầm với ĐHN, tai nạn lao động xảy ra liên tục, mọi nơi. Lại thêm vấn nạn tham nhũng và lợi ích riêng, ĐHN đâu phải là ốc đảo để tránh được vấn nạn này. Những ngày qua nhiều thông tin từ nước Nhật cho thấy thảm họa trầm trọng thế nào khi ĐHN bị nhóm lợi ích thao túng hệ thống chính quyền. Mà đó là ở một nước văn minh như Nhật Bản. Nhiều nhà khoa học hạt nhân trên thế giới chông đối ĐHN cũng vì lý do này.

Hóa ra chúng ta không có bất cứ một lợi thế nào?

Cái chúng ta hiện có chỉ là ý muốn làm ĐHN ở một số người. Mà một khi ý muốn trở thành duy ý chí, nhất là trong điều hành chỉ đạo, thì ta không nhận ra những khó khăn thách thức, không biết mình là ai. Nguy hiểm! ĐHN có an toàn hay không chính là ở chỗ này, chứ đâu phải là cụng nghệ thế hệ hai, ba hay bốn. Chủ quan, coi thường tri thức KHCN mà chỉ luôn hô hào an toàn tuyệt đối, 100%, sẽ làm cho toàn bộ hệ thống tê liệt, ngủ quên giữa ban ngày, ắt sẽ dẫn đến những kịch bản tồi tệ.

Sau Fukushima, một số người muốn trấn an công chúng bằng cách khoác lác rằng chúng ta sẽ có công nghệ tiên tiến hơn, và động đất hay sóng thần ở nước ta sẽ không dữ dội như ở Nhật. Trên thực tế, chưa có công nghệ ĐHN nào được xem là an toàn tuyệt đối cả. Mà cái khái niệm an toàn tuyệt đối là vô nghĩa, chỉ những ai thất học mới nghĩ vậy. Cái lý thuyết xác suất xảy ra sự cố ĐHN “một lần trong hàng triệu năm” hầu như đã phá sản sau ba sự cố lớn liên tiếp xảy ra trong vài thập kỷ.

Thế mà giờ đây các tập đoàn ĐHN vẫn tiếp tục quảng cáo cho cái xác suất ấy. Họ còn thi nhau nâng thời gian chịu đựng mất điện của nhà máy do sóng thần. ĐHN sẽ đắt lên do phải chạy theo những công nghệ “tiên tiến” ấy. Nhưng đâu có phải cứ đợi đến động đất hay sóng thần mới xảy ra thảm họa. Tai nạn ĐHN có thể xảy ra theo nhiều kịch bản khác. Chuyện này thì người ta cố tình phớt lờ.

Trên hết, ĐHN có an toàn hay không, nhất là ở những nước như Việt Nam, là do con người quyết định (bao gồm cả hệ thống quản lý), chứ không phải do máy móc. Tôi đã từng đưa ra thí dụ. Trước một hành trình dài bạn được quyền chọn một trong hai chiếc xe. Chiếc thứ nhất đời mới, rất hiện đại với tài xế có tấm bằng dởm. Bạn sẽ không dại gì mà ngồi vào đó. Bạn sẽ chọn chiếc thứ hai, tuy đời cũ nhưng ngồi trước vô lăng là một tài xế chuyên nghiệp.

Làm ĐHN mà không đủ tri thức để từng bước làm chủ công nghệ, lại thích xây ào ạt, 16 lò trong 10 năm, thì chỉ còn cách lệ thuộc hoàn toàn vào người nước ngoài. Trong hoàn cảnh ấy, ĐHN rất có thể trở thành một thứ con tin chính trị khi ai đó muốn gây sức ép lên chúng ta.

Vậy GS có kiến nghị cụ thể gì?

Nên tạm lùi thời hạn 2020 lại ít nhất là mười năm. Trong thời gian này tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng về nhân lực. Chừng nào chưa có ít nhất 100 chuyên gia thứ thiệt, và một hệ thống điều hành tốt trong ngành hạt nhân để họ phát huy năng lực của mình, thì chưa nghĩ đến chuyện bắt đầu. Chưa kể các điều kiện khác đều phải đạt đến khối lượng tới hạn về tài chính, hạ tầng công nghiệp đủ sức tiêu hóa được công nghệ ĐHN, và nhất là niềm tin của công chúng, yếu tố số một bảo đảm sự thành công.

Nghĩa là không từ bỏ hoàn toàn như nước Đức?

Không, ta không nên ưu tiên ĐHN bằng cách định kế hoạch 2020 vận hành tổ máy đầu tiên, sau đó xây một lèo 16 lò phản ứng trong 10 năm. Nhưng ĐHN vẫn nên xem là một thành phần trong cơ cấu năng lượng đa dạng sau 2030. Tôi nói thế không phải với tư cách một trong hai người được nhà nước giao nhiệm vụ xây dựng ngành này cách đây 35 năm, cho nên tôi phải theo đuổi nó. Nhưng tôi tin rằng, rồi ra, ĐHN sẽ vượt qua những khó khăn hiện nay để được công chúng đón nhận hơn, ngay cả ở Việt Nam.

Vậy giải quyết vấn đề thiếu điện hiện nay bằng cách nào?

Nhà nước cần tổ chức nghiên cứu bài toán năng lượng một cách khoa học, khách quan, đừng duy ý chí, đừng để những nhúm lợi ớch thao tỳng. Chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra giải phỏp.

Về phần mình, tôi đã phát biểu rất nhiều lần rồi. Chúng ta sử dụng điện năng rất không hiệu quả. Hàng năm điện tăng với tốc độ gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP là chuyện không thể chấp nhận được. Ở các nước khác, tốc độ tăng điện chỉ bằng hoặc thấp hơn tốc độ GDP. Bao nhiêu công trình tiêu tốn điện năng không hiệu quả, hoặc do công nghệ lạc hậu, hoặc không có luận chứng thuyết phục. Tiền của, nguồn lực đổ vào xây nhà máy điện, giống như đổ xăng vào một bình thủng đáy. Hãy đi tìm lỗ thủng, bịt chúng lại, và đây chính là giải pháp cơ bản cho bài toán thiếu điện. Tất nhiên còn có những giải pháp khác.

- Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.

Thu Hà (thực hiện)

*Tuy nhiên sau hàng loạt sự cố liên tiếp xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản, Việt Nam vẫn sẽ tiến hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận như dự kiến… Phó Cục trưởng cục Năng lượng nguyên tử, ông Hoàng Anh Tuấn, cho rằng, sự cố hạt nhân ở Nhật Bản một lần nữa cho chúng ta cân nhắc kỹ hơn các điều kiện hiện có để xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Những vấn đề chọn địa điểm xây dựng, cần phải xem xét lại. Bên cạnh đó, các thiết bị ngoại vi như thiết bị dẫn điện cũng cần được tính toán kỹ hơn. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng sẽ cho làm luận chứng về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân,, nếu thấy không an toàn thì thôi…

(*) Đã đăng trên Văn nghệ trẻ - số 23 - ngày 6-6-2011. Bản trên đây là toàn văn, do GS Phạm Duy Hiển trực tiếp gửi cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn