Rất cần nghiên cứu về Biển Đông

Nguyễn Văn Tuấn

clip_image001

Tập san Waste Management vừa công bố một bài báo khoa học của một nhóm tác giả Trung Quốc có “đường lưỡi bò” như là một phần lãnh hải của Trung Quốc. Có thể xem đây là một sự kiện đáng chú ý trong bối cảnh Trung Quốc gây căng thẳng trong vùng Biển Đông. Nhưng sự kiện cũng đặt ra vài vấn đề trong văn hóa khoa học.

Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Đó là một sự thật. Có thể nói Việt Nam đã có thực hiện chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỉ 15. Các thương thuyền của phương Tây cũng từng ghi nhận điều này. Thư tịch và ấn tích từ triều Nguyễn và trước đó cũng cho thấy hai quần đảo này. Người Việt hoặc từng định cư hoặc đánh cá chung quanh hai quần đảo này hàng trăm năm. Sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, hai quần đảo này đặt dưới sự quản lí của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (tỉnh Đà Nẵng). Do đó, nhìn dưới góc độ lịch sử và khoa học, Hoàng Sa và Trường Sa thật sự là lãnh thổ của Việt Nam.

Năm 1974 hải quân Trung Quốc khiêu khích hải quân Việt Nam Cộng Hòa, và sau ba ngày (17 đến 19/1/1974) giao tranh ác liệt Trung Quốc tiến chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Trong cuộc hải chiến này, 58 chiến sĩ hải quân VNCH đã hi sinh. Ngày 14/3/1988, hải quân Trung Quốc lại gây chiến và chiếm đóng một số đảo trong quần đảo Trường Sa. Trong cuộc hải chiến 1988, có 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hi sinh.

Tuy nhiên, nhiều nước trong vùng Đông Nam Á (như Phi Luật Tân, Mã Lai và Brunei) cũng cho rằng họ có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khách quan mà nói, chứng cứ của họ không nhiều và cũng thiếu tính nhất quán. Sau này, Trung Quốc cũng cho rằng họ có chủ quyền với hai quần đảo do chính quyền Việt Nam quản lí. Năm 1947 chính phủ quốc gia Trung Quốc công bố một bản đồ lãnh hải, gồm có 11 đường đứt đoạn bao gồm gần như tất cả các quần đảo của Biển Đông. Đến năm 1953, bản đồ 11 đường đứt đoạn được “tiến hóa” thành 9 đường đứt đoạn, còn gọi là "đường lưỡi bò". Đường lưỡi bò được vẽ ra một cách hoàn toàn tùy tiện, không căn cứ vào một qui ước quốc tế nào. Thật ra, trên phương diện khoa học, không thể nào xác định vị trí của đường lưỡi bò trên biển. Do đó, đường lưỡi bò của Trung Quốc chẳng có giá trị khoa học gì cả.

Năm 2007, Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã thiết lập một đơn vị hành chính trên đảo họ kiểm soát và đặt dưới sự quản trị của huyện Sansha [Tam Sa – BVN]. Ngày nay, Trung Quốc cho rằng những tuyên bố lãnh hải (chiếm 80% Biển Đông) của họ phù hợp với qui định của luật biển (UNCLOS) năm 1982. Nhưng thật ra, UNCLOS không đề cập đến lãnh hải trong vòng 200 dặm. Theo UNCLOS, có thể claim trong vòng 12 dặm cho những đảo nhỏ không có người cư ngụ và không có đời sống kinh tế. Phần lớn các đảo trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không có đời sống kinh tế. Do đó, những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc qua đường lưỡi bò chẳng những tùy tiện, vô lí, mà còn vi phạm qui chuẩn quốc tế. Chính vì thế mà không một tổ chức quốc tế nào công nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Ấy thế mà một tập san khoa học in một bản đồ Trung Quốc có 9 đường đứt đoạn hình lưỡi bò. Tập san Waste Management số 31 (2011) có công bố một bài báo khoa học của một nhóm tác giả Trung Quốc. Trong bài báo, các tác giả trình bày một bản đồ của Trung Quốc với đường lưỡi bò. Chẳng những trình bày đường lưỡi bò, họ còn vẽ những đốm đen nhỏ, hàm ý chỉ những quần đảo trong khu đó là lãnh thổ của Trung Quốc. Một nhà khoa học gốc Việt ở Pháp phát hiện ra bản đồ trong bài báo, và cấp báo cho đồng nghiệp Việt Nam trên khắp thế giới để phản ứng. Nhiều nhà khoa học gốc Việt ở Âu châu, Mĩ, Úc và Việt Nam đã viết thư đến tổng biên tập để phản đối sai sót có thể nói là nghiêm trọng này. Theo tôi, đó không chỉ đơn giản là sai sót mang tính khoa học, mà còn là một sai sót về sự thật – error of fact. Như trình bày trên, đường lưỡi bò không được tổ chức quốc tế nào công nhận, chưa từng công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế, nên việc làm của các nhà khoa học Trung Quốc là hoàn toàn phi khoa học (unscientific).

Câu hỏi đặt ra là tại sao nhóm tác giả Trung Quốc trình bày bản đồ đó trong bài báo của họ, và với mục đích gì. Nhiều giả thuyết có thể đặt ra để trả lời câu hỏi đó. Đơn giản nhất là chính nhóm tác giả Trung Quốc bị chính quyền họ nhồi sọ về đường lưỡi bò và cứ tưởng đó là một sự thật, nên họ "vô tư" trình bày bản đồ đó như là một fact – dữ liệu thật. Giả thuyết thứ hai là có một sự cố ý. Vì bản đồ đường lưỡi bò chưa bao giờ được công bố trên một tập san khoa học quốc tế, nên có thể các tác giả này lợi dụng một tập san không mấy danh tiếng để làm một chứng từ khoa học. Từ chứng từ này, họ sẽ có "cơ sở khoa học" để tuyên bố rằng bản đồ của họ đã được một hội đồng khoa học của tập san thông qua. Cố nhiên, đó chỉ là hai giả thuyết, chúng ta không có bằng chứng để khẳng định giả thuyết nào đúng. Tuy nhiên, dù là cố ý hay vô tình, thì đó vẫn là một error of fact cần phải chỉnh sửa. Sau khi nhận được nhiều thư phản đối, ban biên tập hứa sẽ chỉnh sửa trong thời gian sớm nhất.

Sai sót trong bài báo khoa học là điều rất ... bình thường. Kinh nghiệm của người viết bài này, với tư cách là biên tập và phục vụ trong ban biên tập, tỉ lệ sai sót có khi lên đến 50%. Đại đa số là những sai sót nhỏ, như sai về con số, sai về chú thích, sai tên tác giả, sai tài liệu tham khảo, v.v. Nhưng thỉnh thoảng cũng có những sai sót nghiêm trọng ảnh hưởng đến kết luận của công trình nghiên cứu. Nhưng dù là nhỏ hay nghiêm trọng, tất cả những sai sót đều được chỉnh sửa và thông báo rộng rãi đến đồng nghiệp. Bài báo của nhóm tác giả Trung Quốc tôi đề cập chẳng những sai sót về dữ liệu thật, mà còn sai về tiếng Anh. Thật vậy, ngay cả tiêu đề bản đồ họ cũng viết sai! Còn sai sót về văn phạm và ngữ vựng thì đầy rẫy trong bài báo. Thật khó tưởng tượng một bài báo khoa học mà chất lượng kém như thế.

Có người nghĩ rằng việc Waste Management công bố bài báo là một cách nói rằng hội đồng biên tập chấp nhận bản đồ của Trung Quốc. Nhưng đây là một hiểu lầm. Cần phải nói qua qui trình công bố một bài báo khoa học để hiểu rõ rằng việc công bố một bài báo không có nghĩa rằng hội đồng biên tập đồng ý với nội dung bài báo. Thông thường, một bản thảo bài báo (sau khi nộp cho tập san) được gửi cho 2 hoặc 3 chuyên gia độc lập để bình duyệt; các tác giả phản hồi; sau khi có báo cáo của các chuyên gia bình duyệt và phản hồi của tác giả, tổng biên tập sẽ dựa vào đề nghị của các chuyên gia để quyết định từ chối hay chấp nhận cho công bố. Các chuyên gia bình duyệt làm việc hoàn toàn tự nguyện (không nhận thù lao) và thường khách quan. Họ quan tâm đến ý tưởng, phương pháp nghiên cứu, nội dung, dữ liệu là chính, chứ ít khi nào quan tâm đến bản đồ. Dù thế, các chuyên gia bình duyệt không thể nào phát hiện tất cả các sai sót trong bài báo. Do đó, dù bản đồ được Management Waste (hay bất cứ tập san khoa học nào) công bố hoàn toàn không phản ảnh quan điểm của hội đồng biên tập.

Công bố bài báo khoa học là một hình thức "acid test". Một khi bài báo được công bố, đồng nghiệp và công chúng khắp thế giới có quyền săm soi tất cả chi tiết trong bài báo và có quyền phản hồi. Đó là một trong những nét văn hóa khoa học. Cũng có thể nói rằng khoa học là một hoạt động dân chủ, hiểu theo nghĩa mọi người đều có tiếng nói. Trong trường hợp đề cập trên, nhiều nhà khoa học đã có tiếng nói, và tiếng nói đã đem lại hiệu ứng tích cực. Đó cũng chính là một hình thức làm sạch khoa học và giữ uy tín cho khoa học. Nói cho cùng, khoa học học từ sai sót; cho nên một sai sót như thế là một bài học quí báu cho tập san.

Chẳng những là bài học cho tập san mà còn là bài học cho giới khoa học Việt Nam. Đó là bài học về chứng từ khoa học. Một dữ liệu sau khi công bố trên một tập san khoa học có thể xem là một chứng từ khoa học. Chứng từ khoa học có thể sử dụng trong các phiên tòa để đi đến một phán quyết. Chúng ta đã thấy trong vụ kiện chất độc da cam, phía nguyên đơn (Việt Nam) thiếu hẳn những chứng từ khoa học và không thuyết phục được tòa án. Trong vấn đề Biển Đông, chúng ta có nhiều dữ liệu lịch sử, có nhiều chứng cứ thực tế, nhưng chúng ta chưa trình bày những dữ liệu đó cho cộng đồng khoa học thế giới thấy. Chúng ta thiếu các công trình nghiên cứu, các bài viết mang tính học thuật, bằng tiếng Anh trên các tập san quốc tế. Cách đây vài năm, tôi có làm một thống kê các bài báo khoa học của Việt Nam trên các tập san quốc tế. Tôi đã phát hiện ra một điều thú vị: Trong số 3456 bài trong 10 năm, từ 1996 đến 2005, chỉ có 69 bài, xấp xỉ 2%, liên quan đến khoa học xã hội. Tôi xem qua tất cả 69 bài này thì không có bài nào liên quan đến vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Có thể nói rằng mặc dù chúng ta có nhiều chứng từ, nhưng dường như chúng ta nói để chúng ta nghe, chứ chúng ta chưa có trình bày các chứng từ đó một cách có hệ thống trên các diễn đàn quốc tế. Đây là một thiệt thòi của phía Việt Nam.

Ngược lại, Trung Quốc trong thời gian qua đã có khá nhiều bài báo khoa học về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi nhớ có một chuyên gia người nước ngoài cho biết ông rất muốn trình bày bằng chứng để cho thấy là Việt Nam có tư cách chủ quyền trên hai quần đảo đó, thế nhưng khi tìm tài liệu trên các diễn đàn khoa học quốc tế, ông ấy chỉ tìm thấy tài liệu của Trung Quốc mà không thấy tài liệu của Việt Nam! Đó là một sự thật rất đau lòng. Chỉ vì sự yếu kém và thiển cận của giới lãnh đạo khoa học mà chúng ta phải chịu thiệt thòi như hiện nay.

Có một sự nhầm lẫn tai hại về chứng cứ khoa học. Có nhiều người, kể cả giới nghiên cứu xã hội học, cho rằng những bài báo trên báo đại chúng hay các tạp chí của Việt Nam là chứng từ khoa học. Nhưng rất tiếc đối với cộng đồng khoa học quốc tế, đó không phải là chứng từ khoa học, vì chưa qua bình duyệt. Những công trình nghiên cứu mà chúng ta cần có là những công trình nghiên cứu mới, cho ra ý tưởng mới, hay là cách diễn giải mới. Chúng ta không có những bài như thế. Thay vào đó, chúng ta có những ý kiến cảm tính, cũng chẳng khác gì giới học giả Trung Quốc rất cảm tính. Có những luận điệu của họ mà khi đọc, mình không biết họ thuộc giới học thuật hay là họ thuộc loại chỉ nói lấy được. Chúng ta phải khác họ, phải thể hiện khả năng học thuật cao hơn họ. Khi xuất hiện trên diễn đàn quốc tế, thì không thể dùng cảm tính được, phải dùng bằng chứng. Những yêu cầu như vậy đòi hỏi phải có nghiên cứu nghiêm chỉnh, phải có học thuật, phải có chuyên môn, chứ không thể là cứ thỉnh thoảng chúng ta lại trưng bày ra một bằng chứng từ thế kỷ 19 hay 18 rồi nói đây là bằng chứng cho thấy chúng ta có chủ quyền trên hai hòn đảo này. Đó cũng là một cách diễn giải, nhưng đã là khoa học, thì chúng ta phải trình bày một cách diễn giải khác. Tức là đặt ra một cách diễn giải, rồi bác bỏ cách diễn giải đó, để chứng mình rằng cách diễn giải về chủ quyền của mình là đúng.

Hi vọng rằng qua sự kiện trên Waste Management, giới khoa học xã hội sẽ có dịp suy nghĩ đến một chương trình nghiên cứu (chứ không chỉ là một dự án) về Biển Đông. Trong chương trình đó, chúng ta rất cần những nghiên cứu về lịch sử, địa lí, hải dương học, khảo cổ, khoa học tự nhiên, v.v. Chúng ta cần cả nghiên cứu định tính và định lượng. Chúng ta cần hợp tác với đồng nghiệp quốc tế và phải công bố kết quả nghiên cứu trên tập san khoa học quốc tế. Chúng ta nói nhiều đến những dự án khoa học to lớn, những trung tâm rất "kêu", nhưng hình như chưa quan tâm đến một chương trình khoa học thiết thực như tôi vừa đề cập. Tôi nghĩ nếu khoa học muốn có một đóng góp gì có ý nghĩa cho nước nhà, thì một chương trình nghiên cứu về Biển Đông là một cách đóng góp thiết thực nhất trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

N. V. T.

TB: Một bản ngắn của bài này đã đăng trên bee.net.vn

bee.net.vn

Có thể xem bài dưới đây phân tích những cái phi lí trong việc Trung Quốc đòi chủ quyền Biển Đông:

hoover.org

Countering Beijing in the South China Sea

by Dana Dillon

Why the U.S. must not let China’s territorial ambitions go unopposed

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn