Tản mạn mấy ngày qua

Hiệu Minh

clip_image001

Người Việt xuống đường. Ảnh: Duy Ngọc.

Hà Nội vừa có cơn mưa lớn bất chợt kèm theo gió giật xảy ra đúng giờ tan sở ngày 6/6 đã khiến nhiều người ở Hà Nội trở tay không kịp. Trước đó, chiều 5/6, mưa dông đã khiến 3 người bị thương, rất nhiều người bị kẹt lại trên đường vì mưa ngập.

Không hiểu trong số họ có ai “tụ tập” trước Sứ quán Trung Quốc và bị “gặp khó khăn về thời tiết” nữa không.

Gió mưa là việc của trời, khó mà đoán định. Dông bão có thể nhìn thấy trước bởi mây đen, gió giật và sấm sét, đôi lúc con người phải bó tay trước thiên nhiên. Nhưng công tác dự báo tốt, khả năng chống và sống chung với thiên tai, lại nằm trong tầm tay của con người.

Khác với thiên tai, nhân tai đôi lúc có yếu tố “con người” được khéo léo che đậy, nên sự tàn phá nguy hiểm và bất ngờ hơn nhiều.

Đe dọa an ninh quốc gia, lấn chiếm biển đảo, kế hoạch chiến tranh… không đến như thời tiết bất thường. Nó thường tiềm ẩn hàng thập kỷ, nằm trong mưu đồ của kẻ tham lam đôi khi hàng thế kỷ.

Nó đến từ từ, không phải là cơn gió giật cấp 13, tiếng sét kinh thiên động địa, mà bằng những bản đồ cố ý in thêm chữ China, sách giáo khoa dạy trong trường từ nửa thế kỷ trước, rồi cả lời đường mật, bằng tình hiếu hảo hay đoàn kết quốc tế.

Bỗng dây cáp bị cắt ngang nhiên, dân đánh cá bị giết, bị uy hiếp, rồi Trung Quốc tuyên bố “vùng biển ấy thuộc quyền kiểm soát” với lưỡi bò liếm cả Biển Đông, nếu lúc đó mới hiểu ra thì quá muộn.

Những nhà lãnh đạo Việt Nam có biết không? Tôi tin là họ biết rất rõ. Trừ một số ít vẫn còn tin vào tình hữu nghị anh em, do quá khứ quốc tế vô sản, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, môi hở răng lạnh và gần đây là 16 chữ vàng hay bốn tốt. Chỉ vì thế kẹt nước nhỏ nên họ đã chọn sự khéo léo trong mối bang giao.

Đã đến lúc nên nhìn lại thế nào là tình bạn quốc tế. Trong thời đại hội nhập, lợi ích quốc gia cần đặt lên hàng đầu, trên cả những tư tưởng và triết lý, mà đôi khi kẻ khác dùng để làm mồi nhử cho người khác đi theo và sa vào bẫy đã đặt sẵn.

Đa số những người có tri thức đều biết, không trước thì sau, lưỡi bò này sẽ xảy ra. Lịch sử 1000 năm trước và trong thế kỷ qua đủ nói lên những lời hoa mỹ tại các cuộc gặp cấp cao thường không đúng với sự “giao thiệp” ngoài đời.

Giáo sư Tương Lai đã viết thật tuyệt vời: “Hòa bình và hòa hiếu không thể là sự nhân nhượng yếu hèn mà có được vì chúng ta càng nhân nhượng họ càng lấn tới. Sóng Biển Đông đang lay hồn người Việt”.

Dân thường Việt Nam có biết điều này không? Tôi tin là có. Vì nhiều người biết nên mới có chuyện “tụ tập” hôm qua tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh.

Điều gì xảy ra nếu dân ta không lên tiếng, không xuống đường. Thì có thể những lời lẽ mạnh mẽ và hiếm có của Việt Nam tại Dialog Shangri-La sẽ chìm vào quên lãng. Tướng nói mà quân dưới trướng im lặng mới nguy nan cho xã tắc.

Qua ngày 5-6, thông điệp được gửi ngắn gọn, dứt khoát và rõ ràng tại hội nghị quốc tế, trên blog, trong báo chí, từ người dân xuống đường và cả người chọn sự im lặng. Tôi tin kẻ cắt cáp hiểu điều này.

Tác giả blog HM viết entry này để cảm ơn các anh chị đã xuống đường ngày 5-6 tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới, những blog và những tờ báo dũng cảm đưa tin, dù có người đã bị câu lưu, bị cảnh cáo, có blog bị xóa sạch.

Nhờ có họ mà cảnh báo về những bất thường trong “thời tiết” khu vực, đe dọa sự tồn vong của một hay nhiều quốc gia được nâng lên hơn ở mức mầu vàng. Cảm ơn sự tỉnh táo ấy mà “dông tố” từ phương Bắc được biết chính xác hơn, không bất ngờ như trận mưa lớn hôm qua tại Hà Nội.

H. M. 6-6-2011.

Phần tái bút

Tự nhiên tôi muốn kể chuyện thời thơ ấu. Nhớ thời bằng tuổi cu Luck bây giờ (10 tuổi), tôi rất thích mò cua, bắt ốc, úp cá đẻ vào mùa nước lụt. Đó cũng là một nguồn thu nhập “đáng kể” cho mẹ đi chợ, kiếm thêm bơ gạo.

Trước mặt nhà tôi là mấy mẫu ruộng của làng. Về mùa lũ chẳng trồng được gì vì nước ngập. Nhớ một lần, nước lên vào ban đêm, thấy có cá quẫy mạnh trong ruộng, tôi mang mấy cái đó ra đơm cái rãnh chảy ra sông Chanh. Nước rút, cá nhiều vô kể, tôi kiếm được mấy gánh.

Thấy thế, tay hàng xóm liền ra quát “Đây là chỗ của tao. Mày cấm được đơm đó ở đây”. Tôi hậm hực vô cùng, nhưng mình bé đánh nhau với thằng lớn thế nào được.

Hôm sau, nhìn lão ấy bắt cá mà tức nghẹn trong lòng. Mấy anh em nhà này định ra đánh nhau. Nhưng ông già bảo “Chỉ vì mấy con cá lẹp không làm ai nên vương tướng. Các con hãy học giỏi, có nhiều tiền thì mua cá của kẻ khốn khổ đi bắt có hơn không”.

Chính lão cướp ấy từng chở xe bò thuê trong làng. Có lần xe của lão va phải ông già nhà này, làm cụ bị hỏng một mắt và gẫy tay mà kẻ cướp không hề sang xin lỗi.

Xa nhà đã 40 năm nhưng tôi không quên chuyện cũ. Đôi lần về quê, tôi thăm mảnh ruộng ngày trước. Gặp người từng dọa nạt trong xóm, bây giờ là một lão già mất trí nhớ, vợ chết từ hồi còn trẻ, con cháu nhiều, nhưng chẳng đứa nào học hành đến nơi đến chốn, toàn nghiện ngập, hầu hết hư hỏng. Phàm đã là trộm cướp, khó mà dạy con cháu thành người.

Điều gì sẽ xảy ra nếu như nhà tôi cố chiếm cái rãnh để đơm đó để bắt cá. Nếu thắng thì tôi dễ là kẻ điên lang thang ở quê và người bị thua đang hội nhập với thế giới văn minh.

Ở đời, được đấy, mất đấy, họa đấy, phúc đấy, chẳng biết đâu mà lần. Người Hoa, người Việt,và kể cả người Mỹ, ai cũng hiểu rõ điều này.

clip_image002

Trước cửa SQ TQ 5-6-2011. Ảnh: Nhất Đình

Nguồn: hieuminh.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn