Thần chết lởn vởn bên dòng sông chết

Đoàn Quý – Trung Dũng

clip_image002

Những người dân chài đã bỏ nghề vì con sông Ba đã cạn kiệt nước và ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Đoàn Quý

 

SGTT.VN - Con sông Ba có nhiều đoạn trơ đáy, nước ngả vàng và ngai ngái mùi tanh nồng. Những ngư dân chài lưới, nuôi cá bè đã bỏ đi. Nước bơm từ sông, dù đã qua xử lý, nhưng người dân không dám dùng vì sợ nhiễm bệnh. Nhiều người đã phải bỏ đi vì mùi hôi thối của dòng sông... Con sông Ba thơ mộng ngày nào giờ trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân thị xã An Khê, Gia Lai…

Những ngày đầu tháng 6, nhóm phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã đi dọc theo “dòng sông chết” đoạn từ công trình thuỷ điện An Khê – Ka Nak (huyện Kbang) xuôi về thị xã An Khê, không chỉ ghi nhận toàn cảnh những xáo trộn cuộc sống người dân, về cái chết của một dòng sông mà theo nhận định của nhiều người là đã được báo trước.

Bỏ nhà, dẹp tiệm vì dòng sông

“Bây giờ thì đỡ rồi, chỉ mới tuần trước thôi, chạy xe qua đây là phải bịt mũi nếu không là nôn oẹ như chơi”, anh Sương, làm nghề xe ôm, nói. Theo anh Sương, cuối tháng 2.2011, cuộc sống người dân bắt đầu bị xáo trộn bởi mùi hôi thối bốc lên từ dòng sông. Trong đó, An Bình là phường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều người phải sơ tán tới nhà người thân cách đó cả chục cây số trú ngụ. Theo ông Đinh Ngọc Thắng, phó chủ tịch UBND phường An Bình, thị xã An Khê, những hộ dân thuộc tổ 1, 8, 9, 10 ở dọc theo sông là lao đao nhất, ở trong nhà họ phải đeo khẩu trang, hồi trước dùng nước sông để sinh hoạt, bây giờ họ phải chuyển qua dùng nước giếng.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thuỳ Loan (tổ 1, phường An Bình, thị xã An Khê), dòng sông hôi thối đã cướp mất của gia đình bà mỗi tháng trên 30 triệu đồng. Quán càphê Sông Ba của bà Loan từng bình thường mỗi ngày đón tiếp cả ngàn lượt khách ra vào, nhưng sau sự cố sông bốc mùi, chẳng có khách nào dám tới. “Nếu cứ tình trạng này, chắc tôi phải nghỉ bán, hoặc chuyển địa điểm”, chị Loan buồn rầu. Từ ngày sông Ba bị ô nhiễm, nhiều hộ dân sống hai bên bờ sông phải đào giếng để dùng. Dù người dân thị xã đã được dùng nước máy của nhà máy nước An Khê, nhưng nhiều người dân cho biết, họ không dám nấu ăn bằng nước máy, mà chỉ dùng để tắm giặt. “Nước máy đục không thể dùng nấu ăn được, mà phải mua nước bình. Mỗi tháng hai vợ chồng và hai đứa con tôi phải mua thêm mười bình nước. Đối với người chạy xe ôm như tôi thì đó là khoản chi phí không hề nhỏ”, ông Nguyễn Thế Tạo, tổ 6, phường Tây Sơn, bức xúc.

Cái chết được báo trước!

Chảy qua địa phận tỉnh Gia Lai, sông Ba là nguồn sống chính của khoảng 360.000 dân thuộc năm huyện và hai thị xã, thế nhưng, trong những ngày đầu mùa mưa, sông Ba có đoạn hầu như không còn dòng chảy, ở gần nhà máy nước, nhà máy đường, nhà máy tinh bột sắn Veyu, dòng nước đục vàng. Còn cả đoạn sông, sau khi bị công trình thuỷ điện An Khê – Ka Nak chắn ngang, đang dần biến thành một “ao tù” khổng lồ do chính bàn tay con người tạo nên. Nhiều kết quả khảo sát của các đoàn cán bộ địa phương khẳng định, công trình thuỷ điện An Khê – Ka Nak đã “cướp” mất nước sông, nước thải từ các công ty góp phần đầu độc dòng sông.

Khu vực đồng ruộng trước đập An Khê đã trở thành một cái hồ lớn. Nhiều hécta đất trồng hoa màu của người dân bị chìm trong biển nước. Nhiều người dân làm nghề trồng trọt đã được đền bù và nay đã ổn định trên một vùng đất khác. Còn những hộ dân làm nghề chài, nuôi cá bè thì vẫn loay hoay tìm nơi khác để sinh kế. Dòng sông Ba từng được biết đến khi có nguồn thuỷ sản dồi dào với 182 loài cá, trong đó có 11 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, hiện nay các loài cá quý hiếm này đã “chết” theo sông. Nhiều thuyền đánh cá của người dân sống bằng nghề chài lưới bên hai bờ sông đành gác bờ vì nguồn lợi thuỷ sản trên dòng sông này không còn.

Bà Đặng Thị Yến, trưởng phòng tài nguyên và môi trường thị xã An Khê, cho biết: “Từ kết quả khảo sát của các cơ quan chức năng, thủ phạm “đầu độc” sông Ba, có sự góp phần của các nhà máy sản xuất công nghiệp trên địa bàn, như: nhà máy đường An Khê, nhà máy tinh bột sắn Veyu, nhà máy MDF, nhà máy chế biến quặng sắt Kbang”.

Đ. Q. – T. D.

Nguồn: sgtt.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn