Tí Hớn có thể không được đi học

Người Buôn Gió

clip_image001

Tí Hớn giờ đọc sách, báo vanh vách. Thậm chí cậu xem phim phụ đề cũng đọc và hiểu được luôn. Toán làm cũng khá, viết chữ lúc đẹp ơi là đẹp như chữ mẫu, còn xểnh bố ra thì gà bới cũng còn dễ hiểu hơn cậu ta viết.

Tuần nay bố cậu biệt tăm, biệt tích với blog. Mặc dù bao tin tức nóng hổi, nhưng bố cậu chả còn thời gian vào Nét, bởi đi làm thủ tục xin học cho cậu.

Sau hơn 10 ngày chờ đợi, tất cả đi lại vòng nửa tháng hôm nay bộ phận nhập hộ khẩu của Công an quận Hoàn Kiếm đã khước từ cho Tí Hớn và mẹ nhập tịch về với bố.

clip_image002

Lý do là do mẹ con Tí Hớn không ăn ở tại 22 ngõ Phất Lộc nên theo quyết định nào đó thì không được nhập tịch. Mặc dù đây là nơi đăng ký hộ khẩu của bố Tí Hớn, hàng ngày bố Tí Hớn vẫn về đó ăn ở làm việc.

Mẹ con nhà Tí Hớn ở Hoàng Quốc Việt, tuần nào cũng về nhà Phất Lộc ăn ở đó, nhưng không được tính là thường xuyên.

Quy định thật lạ đời, nhà chật ở nhà chỗ khác cũng vẫn trong thành phố chứ đi đâu. Lúc khám xét nhà hay đưa giấy triệu tập, đọc lệnh bắt bố Tí Hớn, có lần nào trượt đâu. Khám xét cả hai nơi. Giờ đến lúc nhập tịch cho Tí Hớn đi học thì giả bộ như không hề biết gia đình Tí Hớn ở phương trời nào. Xác nhận nhoằng cái không ăn ở tại đây thế là xong.

Giờ phải lo xem Tí Hớn học hành thế nào lu bù quá.

N. B. G.

Nguồn: nguoibuongio1972.multiply.com

Tôi được giao viết mấy lời giới thiệu bài của anh Gió. Tôi nhận việc, nhưng xin BBT đăng bài của tôi ở bên dưới bài của anh Gió. Đó là vì tôi kính trọng tài năng và tư cách anh Gió. Và còn vì tôi muốn nhân ngày Trẻ em Mồng Một tháng Sáu được rông dài chút chút.

Trong nền văn chương Việt Nam đương thời, tôi yêu quý và kính trọng hai nhà văn, anh QCh và anh Gió – người được bạn tôi đánh giá là “thằng cha nứt trên Giời rơi xuống” và tôi thấy đánh giá như vậy là hoàn toàn thỏa đáng. Ai không đồng tình với đánh giá này, trước khi phản đối, xin hãy cứ thử viết xem có bằng anh QCh và anh Gió không. Thử đi rồi sẽ hết ấm ức.

Người như anh Gió gọi là người tài. Người tài hiếm lắm. Người tài cao như bạn Ngô Bảo Châu lại càng hiếm. Chẳng ai đào tạo được người tài cả. Người tài thường là… “nứt trên Giời rơi xuống” thôi. Những ý đồ gắn người tài với một “môi trường tốt đẹp” để người tài phải biết ơn môi trường chỉ là những ý đồ ảo tưởng. Tiếng Tây gọi người tài là génie hoặc genius là thứ gì đó gắn với gien và gắn với ông Giời. Ta thường nói “Giời sinh ra thế”, chẳng ai nói “môi trường sinh ra thế”… Môi trường giỏi lắm là làm ra bông hoa sen trên vũng bùn. Nhưng sen chỉ đẻ ra sen là cùng. Người tài dù có sống trong vũng bùn thì cũng làm được những công trình cao hơn kiếp sen, chẳng hạn như viết được những áng văn… hay gần bằng của anh Gió ấy!

Nhưng con của người tài chưa chắc đã thành tài. Nên các cháu cần học hành như con em bình thường của mọi nhà. Bạn Ngô Bảo Châu cũng từng đi học lớp Một. Cô giáo của bạn Châu bây giờ vẫn nhắc tới Châu trong 5 năm tiểu học, “thằng cu nó nói mà cái mồm cứ như phụng phịu…” Vào mấy năm đời bé bỏng đó, nào ai ngờ sau này, “Phụng phịu cùng một âm đầu Phờ như tiếng Phin ấy – Fields, Fields, Fields…”

Một đất nước tử tế phải biết chăm lo cho toàn bộ trẻ em được học, để những mầm tài năng được vun vén. Trong sách Nền Dân trị Mỹ của Alexis de Tocqueville, có kể rằng ở cấp xã bên Mỹ không có Hội đồng nhân dân, toàn bộ chính quyền xã chỉ có 7 người. Đều chằn chặn 7 người: ông xã trưởng bầu trực tiếp, ông cảnh sát, ông lập biểu thuế, ông thu thuế, ông phụ trách người nghèo, một ông gì gì nữa đấy (dịch lâu, quên rồi) và một ông phụ trách giáo dục (ông này thì nhớ). Ông phụ trách giáo dục này (cũng như mọi ông khác) đều hoạt động theo Luật, chứ không “chịu chách nhệm” chung chung chỉ tổ mở đường cho vòi vĩnh. Và cái ông Giáo dục này cứ đầu năm học phải lên kế hoạch đưa các em bé đến tuổi phải vào được trường học.

Đất nước ấy, vừa mới hơi yên yên, đã định ngay việc trẻ em đi học không mất tiền và chữa bệnh không mất tiền. Chẳng có lý do gì để bày ra thêm đủ thứ lệ bộ khiến cho những người có con đến tuổi học như anh Gió phải chạy đôn chạy đáo. Mà ai cũng biết rằng hệ quả của chạy đôn chạy đáo sinh ra hối lộ và tham nhũng – “chạy trường” là một thuật ngữ mới mà không lạ! Và chạy như thế đâu có là thể dục thể thao, mà là sinh ra đau khổ cho con người, kể cả người tài (và nghèo) như anh Gió.

Tí Hớn có đủ các dấu hiệu của một em bé có tài. Chín mươi chín phần trăm trẻ em đều có các dấu hiệu tích cực như Tí Hớn. Bà con cứ nhìn vào ngay gia đình mình: chính hình ảnh trẻ nhỏ là liều thuốc lạc quan hy vọng tích cực để người lớn kiên trì chịu đựng.

Nhưng sức chịu đựng của con người bao giờ cũng có hạn, kẻ cả người có tài.

Phạm Toàn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn