Tin trên báo nước ngoài về cuộc biểu tình ngày 5/6 tại Sài Gòn và Hà Nội

Cả ngàn người xuống đường tại Sài Gòn và Hà Nội phản đối Trung Quốc

Thụy My / Trọng Nghĩa / Trọng Thành

clip_image001

Biểu tình tại Hà Nội ngày 5/6/2011, phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông. REUTERS

Hàng trăm người tập hợp trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, cả ngàn người trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh, vào hôm nay, 5/6/2011, đông đảo người dân trong nước, đã xuống đường phản đối các hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại khu vực Biển Đông.

Các cuộc biểu tình và tuần hành đã diễn ra một cách ôn hòa, quy tụ chủ yếu là thanh niên, nhưng cũng thu hút nhiều nhân sĩ trí thức lớn tuổi.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, khoảng 300 người đã tập hợp biểu tình trong nửa tiếng đồng hồ trước khi giải tán một cách ôn hòa theo yêu cầu của 50 cảnh sát vũ trang được phái đến nơi theo dõi.

Hãng tin Mỹ AP còn cho biết thêm là sau khi rời nơi biểu tình, đoàn người còn tuần hành qua các đường phố trung tâm Hà Nội hướng về hồ Hoàn Kiếm, vừa đi vừa hát quốc ca và hô vang các khẩu hiệu chống Trung Quốc.

Những người tham dự đã mang theo đủ loại biểu ngữ, nội dung đả kích Trung Quốc xâm lấn vùng biển đảo của Việt Nam như: "Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam", " Phản đối Trung Quốc gây hấn", "Trung Quốc phải chấm dứt gây hấn", "China, hàng xóm to xác, xấu tính", "Phản đối đường lưỡi bò phi pháp"…

Có người còn trương cờ Trung Quốc nhưng bên trên có in thêm biểu tượng của quân cướp biển là hình chiếc đầu lâu bên trên hai lưỡi kiếm đan chéo vào nhau. Bên cạnh đó cũng có những khẩu hiệu ghi bằng Việt ngữ và Hoa Ngữ, nội dung nêu bật "Trung Hoa vĩ đại, xử sự tầm thường".

Một biểu ngữ khác mang chân dung tướng Võ Nguyên Giáp bên trên ghi chữ "Trung Quốc phải chấm dứt gây hấn", bên dưới kêu gọi "Việt Nam tinh nhuệ hóa quân đội".

Trả lời câu hỏi của AFP, một tư chức 50 tuổi, giải thích lý do thúc đẩy ông tham gia cuộc biểu tình như sau: "Chúng tôi đến đây để yêu cầu chính phủ có một số biện pháp bảo vệ chủ quyền quốc gia". Một sinh viên 21 tuổi cho biết là sở dĩ họ phải biểu tình vì cảm thấy đất nước bị Trung Quốc sỉ nhục.

Trả lời RFI, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện tại Hà Nội, một người đã quan sát cuộc biểu tình, xác nhận đây là một hành động "tự phát" của quần chúng :

"Cuộc tuần hành, biểu tình trước đại sứ quán tại Hà Nội diễn ra ngày hôm nay là cuộc biểu dương lực lượng không có người tổ chức, người cầm đầu, đều là do tự phát.

Vào khoảng lúc 7giờ 30, đã có lác đác một số người tập trung ở một số quán cà phê xung quanh công viên, chỗ có tượng đài Lênin, tức là trước cửa đại sứ quán Trung Quốc.

Đến lúc vào khoảng gần 8 giờ, đã có khoảng 100 người tụ tập, giương cao biểu ngữ và khẩu hiệu. Chúng tôi thấy tất cả những khẩu hiệu này đều là phản đối việc nhà cầm quyền Trung Quốc vừa có cử chỉ gây hấn tại vùng Biển Đông thuộc lãnh hải của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Tất cả những người đi biểu tình hôm nay đều thể hiện một tinh thần yêu nước, luôn luôn đứng bên cạnh nhau và tỏ một thái độ rất cương quyết đối với Trung Quốc. Cử chỉ thì rất ôn hòa.

Vào khoảng gần 9 giờ, cảnh sát, các lực lượng an ninh có tới và yêu cầu mọi người rời khỏi khu vực vườn hoa ở trước cửa đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Họ dùng một cái dây mềm tiến vào đoàn người để buộc đoàn người rời khỏi cái khu vực vườn hoa đó. Lúc đó có hai đoàn, một đoàn kéo về bờ hồ, một đoàn kéo dọc theo đường Phùng Hưng rồi cũng ra bờ hồ, tuần hành trên các đường phố. Kết thúc cuộc tuần hành là vào khoảng 12 giờ.

Chúng tôi thấy rằng buổi tuần hành, biểu tình hôm nay diễn ra ở Hà Nội là ôn hòa và rất tôn trọng các điều luật, không có gây ra một sự cố gì đáng tiếc.

Tôi thấy là người dân đã thể hiện được tinh thần yêu nước, luôn luôn đứng bên cạnh nhau và đứng bên cạnh chính quyền Việt Nam trong việc phản đối sự xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc trong thời gian vừa rồi. Cuộc biểu tình này không phải là cuộc biểu tình lớn, nhưng tôi rất mừng là lòng dân rất đoàn kết và các cơ quan an ninh hôm nay đã ứng xử một cách rất là «được», không gây ra một sự xung đột nào.

Tôi cho rằng, dù là tự phát nhưng cuộc tuần hành đã thể hiện được tinh thần của nhân dân Việt Nam trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông thuộc lãnh hải của Việt Nam trong thời gian vừa qua".

Tính đến 12 giờ trưa nay, giờ Paris, tức 18 giờ Hà Nội, báo chí chính thức tại Việt Nam chưa thấy đưa tin về các cuộc biểu tình, nhưng thông tin, hình ảnh và video về các cuộc biểu tình đã rộ nở trên các trang blog.

Ít nhất 1000 người biểu tình tại Sài Gòn

Theo nguồn tin trên blog, tại thành phố Hồ Chí Minh, thủ phủ kinh tế của Việt Nam, phong trào biểu tình rất rầm rộ, quy tụ từ ít nhất 1000 người cho đến 3000 người, có ước tính lên đến 8000 người.

Theo các nhân chứng, công an đã cho chận xe trên các đường phố phía trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc, ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai (tên cũ là Hồng Thập Tự rồi Xô Viết Nghệ Tĩnh) và Phạm Ngọc Thạch (tức là Duy Tân trước đây), nhưng vẫn cho người đi bộ vào. Sau khi tập hợp trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc, đoàn biểu tình cũng tuần hành trên các trục lộ lớn khu vực chung quanh nhà thờ Đức Bà, tòa Tổng lãnh sự Mỹ, dinh Thống Nhất (tức Dinh Độc lập).

Về phong trào biểu tình ở Sài Gòn, giới quan sát ghi nhận nhiều yếu tố đáng lưu ý. Trước hết là số người tham gia rất đông, vượt mức 1000, lại có sự hiện diện của nhiều nhân sĩ, trí thức, như nhà sử học lão thành Nguyễn Đình Đầu, ông Lê Hiếu Đằng - nguyên phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ Đỗ Trung Quân, ông Huỳnh Tấn Mẫm - cựu lãnh đạo phong trào sinh viên Sài Gòn trước đây…

Mặt khác, đoàn biểu tình cũng hô hàng loạt khẩu hiệu khi đứng trước cửa tòa tổng lãnh sự Trung Quốc như: "Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam", "Ðả đảo Trung Quốc"… Biểu ngữ cũng đa dạng, có cả khẩu hiệu bằng Anh ngữ như "China must respect UNCLOS 1982 (Trung Quốc phải tôn trọng Công ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc) ; Justice and Peace on Oriental Sea (Hòa bình và Công lý trên Biển Ðông) ; Paracel and Spratly belong to Viet Nam (Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam)…”.

Một sinh viên 24 tuổi, đã từng tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc cách nay 4 năm, lần này cũng có mặt trong đoàn người đã không tránh khỏi so sánh hai sự kiện. Trả lời RFI, anh cho biết : 

«Hồi sáng mình lên trên quận Nhất hồi khoảng 9 giờ, lúc mới lên thì đường đông nghẹt luôn. Bình thường sáng Chủ nhật thì dân Sài Gòn hầu hết là họ cũng vẫn còn ngủ, nói chung rất lười, nhưng buổi sáng nay rất là đông. Mà lúc lên thì thấy công an giao thông họ chặn hết mấy đoạn đường xung quanh Tòa tổng lãnh sự Trung Quốc, chặn toàn bộ luôn. Mình không thể nào đi xe tới quanh khu vực đó được hết. Lúc đó cảm thấy rất là buồn, nghĩ rằng lần này chắc trấn áp mình rất dữ.

Mình thấy rất ngạc nhiên khi thấy chung quanh đó đột nhiên có rất nhiều bãi giữ xe tự phát lập ra để giữ xe cho mình. Bình thường thì mấy cái chỗ này không có những bãi giữ xe đó đâu. Bây giờ thì rất là nhiều chỗ để giữ xe cho mình. Tất cả các bãi giữ xe đều không giữ quá 11 giờ trưa.

Mình đi bộ tới khu công viên trước Dinh Thống Nhất, lúc này còn sáng sớm. Thật ra ban đầu công an họ làm rất là dữ, không cho mình đi vô khu vực đó. Nhưng mà dân mình tụ tập trước khu Dinh Độc Lập rất đông, rồi một vài người họ thử bước vào khu vực của Lãnh sự quán Trung Quốc, thì thấy công an cũng giả lơ cho mình luôn. Thế là người ta bắt đầu túa vô rất là đông. Thanh niên, người già, người trẻ đều mang nhiều khẩu hiệu. Đây là lần đầu tiên… Thế hệ trẻ 8x như mình chưa bao giờ có được cái dịp như vậy hết.

Ngày xưa, cách đây bốn năm, cuối năm 2007 thì cũng có một cái dịp tương tự nhưng chỉ trăm mấy, hai trăm người thôi. Chứ cái số lượng mà mấy ngàn người như vậy là cực kỳ khủng khiếp! Đây là lần đầu tiên mình thấy cái sự kiện hoành tráng như thế này. Mình nghĩ đây là một tín hiệu rất đáng mừng. Chưa chắc mình nói lên tiếng nói như thế này thì Trung Quốc sợ mình, nhưng đây là một cái dịp để cho người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ như mình quen dần với chuyện dân chủ, quen dần với chuyện tự do ngôn luận.

Nói chung là đợt này kể cả những người mà họ ghét chính quyền của mình, họ cũng không có nhân cơ hội này để mà chỉ trích. Ví dụ như mình chẳng hạn, bản thân mình cũng không có ưa gì chính quyền, nhưng mình cũng không đeo những khẩu hiệu gì đả phá chính quyền hết, mà mình chỉ tập trung vào chống đối hành động của tụi Trung Quốc mà thôi. Thành ra không hề có việc xô xát lẫn nhau trong đám đông hoặc với cảnh sát gì hết. Mọi người rất là vui vẻ.

Đi ngang khu Đồng Khởi rồi những khu công viên trước Dinh Độc Lập… nói chung rất là vui. Đi từng đoàn, từng đoàn… xong rồi nhiều người đi về thì những lớp người khác họ tới hòa nhập vô, hòa nhập vô… Rồi những khẩu hiệu hô lên là đám đông còn lại hô theo, thành ra cảm thấy rất là phấn khích, ai cũng vui hết. Thậm chí nhiều khi mình thấy mấy anh công an mặt hầm hố nhưng vẫn như là «tát nước theo mưa», theo mình vậy đó. Thậm chí mấy người lớn lớn họ dạn, họ nói với cảnh sát, tui biểu tình xong tui mời anh đi nhậu nha, thì mấy ổng cũng cười cười rất vui vẻ. Mình cũng không ngờ biểu tình lại vui như vậy, lần đầu tiên trong đời mình thấy!»

Theo hãng AFP, biểu tình là một hành động đầy rủi ro tại Việt Nam, và nhiều người tham gia các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh trước đây, vào năm 2007, từng bị bắt giữ sau khi chính quyền Việt Nam bị Trung Quốc phản đối vì đã cho phép sự kiện này diễn ra.

Lần này, các cuộc biểu tình đã được gián tiếp bật đèn xanh cho thấy là việc Trung Quốc chèn ép Việt Nam tại Biển Đông đã trở thành nghiêm trọng, đặc biệt sau vụ Bắc Kinh cho tàu hải giám tiến vào bên trong vùng thềm lục địa của Việt Nam để cắt cáp thăm dò của tàu nghiên cứu địa chấn của Việt Nam, ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam cuối tháng Năm vừa qua, rồi sau đó tiếp tục sách nhiễu một tàu thăm dò khác của Việt Nam ngoài khơi miền Nam… Khi bị phản đối, Bắc Kinh lại đổ lỗi cho Việt Nam là đã hoạt động tại các vùng biển thuộc chủ quyền của họ.

T.M./T.N./T.T.

Nguồn: Viet.rfi.fr

----------------------------------

Biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam

Các cuộc biểu tình chống chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông đã diễn ra sáng Chủ nhật 5/6 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Các nhân chứng cho hay con số người tham gia cuộc biểu tình hiếm khi xảy ra ở Hà Nội là 'hàng trăm người', trong khi con số ở TP Hồ Chí Minh được biết là đông đảo hơn.

Người biểu tình mang cờ Việt Nam và các biểu ngữ phản đối hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam cũng như yêu sách đường chín đoạn của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Đã nhiều lần kế hoạch biểu tình chống Trung Quốc bị ngăn cản, nhưng lần này các cuộc tuần hành đã diễn ra tại cả hai đô thị lớn nhất nước, dường như đã có sự nhân nhượng ngầm của chính quyền.

Người biểu tình mang cờ Việt Nam và các biểu ngữ phản đối hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam cũng như yêu sách đường chín đoạn của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Một nhân chứng

Tại Hà Nội, nhân chứng nói đám đông đa phần là thanh niên đã tụ tập từ sáng sớm trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc trên phố Hoàng Diệu.

Nhiều người mặc áo T-shirt màu đỏ có sao vàng, mang theo các khẩu hiệu 'Phản đối Trung Quốc gây hấn' và 'Trung Quốc hãy chấm dứt việc xâm lược biển đảo của Việt Nam'.

Một số người mang cờ Trung Quốc có hình sọ người của hải tặc.

Đám đông tụ họp chừng nửa tiếng, tới khoảng 8:45 phút sáng thì bị công an giải tán.

Từ vị trí trên đường Hoàng Diệu , đoàn người đã tiến về hướng hồ Hoàn Kiếm, hát vang quốc ca Việt Nam và kêu gọi phản đối Trung Quốc.

Tại TP Hồ Chí Minh, đám đông tiến về Lãnh sự quán Trung Quốc qua các ngả chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, với con số người đông đảo hơn Hà Nội, mà nhân chứng nói cao điểm có thể hàng nghìn.

Nhiều người mang khẩu hiệu đòi Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại cho Việt Nam trong các vụ gây hấn và sách nhiễu.

Bên ngoài tòa lãnh sự quán Trung Quốc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, thanh niên cũng hát quốc ca và một số bài hát cách mạng.

Phản ứng chính quyền

Hai cuộc tuần hành tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được biết đã kết thúc trong buổi sáng.

Lời kêu gọi tổ chức biểu tình ôn hòa chống chính sách của Trung Quốc đối với lãnh thổ Việt Nam đã được lưu truyền nhiều ngày nay trên internet và các diễn đàn cũng như mạng liên kết xã hội.

Cuộc tuần hành theo tôi được biết đã diễn ra bình tĩnh, trật tự, không cản trở giao thông và cũng không mang các biểu ngữ mang tính kích động.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh

Lúc đó đã có nhận xét rằng cuộc tuần hành có thể sẽ được phép diễn ra, vì sức ép của sự bức xúc lớn trong xã hội sau việc ngày 26/05 tàu hải giám Trung Quốc gây hấn với tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam chưa có phản ứng gì trước hoạt động biểu tình và báo chí chính thống cũng chưa có tường thuật về sự việc này.

Tuy nhiên, bên lề diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La tại Singapore, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh nói với BBC rằng ông "được biết đã có nhiều người dân tụ tập phản đối" chính sách của Trung Quốc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

clip_image002

Ông Vịnh nói: "Đây là hành động tự phát của người dân".

Ông thứ trưởng cho hay ông được thông báo qua điện thoại rằng sau khi các địa phương vận động giải thích, đám đông đã tự động giải tán.

"Cuộc tuần hành theo tôi được biết đã diễn ra bình tĩnh, trật tự, không cản trở giao thông và cũng không mang các biểu ngữ mang tính kích động".

Thế nhưng Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói quan điểm của riêng ông đối với các hoạt động biểu tình như trên là "không nên, dù đây là bắt nguồn từ lòng yêu nước".

"Người dân phải tin rằng nhà nước sẽ có giải pháp, có đủ trách nhiệm để vừa giữ chủ quyền lãnh thổ, vừa duy trì hòa khí và quan hệ với Trung Quốc".

Dư luận bức xúc

Năm 2007-2008 đã có một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc cũng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Sau đó hoạt động này bị chính quyền ngăn cản, vì không muốn quan hệ với nước lớn láng giềng bị ảnh hưởng, cũng như ngăn chặn việc "các thế lực xấu" lợi dụng lòng yêu nước của người dân.

Đã có cáo buộc đảng Việt Tân tại hải ngoại có thể tham gia kích động chống chính quyền trong nước, khiến tổ chức này phải lên tiếng giải thích.

Việt Tân hôm thứ bảy ra thông cáo nói họ "tôn trọng vị trí độc lập... của mọi đoàn thể, tập hợp người Việt yêu nước khác" và bác bỏ 'sự hiểu lầm' nói trên.

Trước cuộc tuần hành nhiều cá nhân, tổ chức của Việt Nam bằng cách này hay cách khác cũng đang tìm cách bày tỏ thái độ của mình trước hành xử "ngang ngược" của Trung Quốc.

Từ nhiều ngày nay, liên tục có các cáo buộc tàu Trung Quốc vi phạm lãnh hải của Việt Nam, uy hiếp ngư dân và các tàu thuyền của Việt Nam.

Sinh viên Việt Nam tại Australia và cộng đồng người Việt ở Los Angeles cũng đã có các cuộc biểu tình trước cơ quan đại diện ngoại giao của Trung Quốc trước các cuộc tuần hành ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Nguồn: bbc.co.uk

-------------------------------------------------

Hà Nội và Sài Gòn biểu tình chống Trung Quốc

RFA 05.06.2011

Vài trăm người biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội hôm nay để phản đối việc tàu hải giám Trung Quốc bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải Việt Nam tại khu vực Biển Đông đang có tranh chấp chủ quyền.

clip_image004

Thanh niên sinh viên Việt Nam thể hiện quyết tâm bảo vệ tổ quốc. Kami's blog

Hãng thông tấn AFP của Pháp và Reuters của Anh loan tin này hôm nay.

Tin cho biết những người biểu tình mang theo các biểu ngữ như ‘Phản đối Trung Quốc gây bất ổn’, ‘Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam’… đã ôn hòa biểu tình chừng một tiếng đồng hồ trước khi giải tán theo yêu cầu của cảnh sát theo dõi cuộc biểu tình.

Ngoài ra những người biểu tình còn hát những bài ca yêu nước.

Bản tin của hãng thông tấn Reuters còn cho biết theo những hình ảnh được đưa lên mạng thì có chừng 1000 người cũng tuần hành ở thành phố Hồ Chí Minh, hay thường được gọi là Sài Gòn.

clip_image006

Tại TP HCM, đoàn biểu tình tuần hành trên tất cả các tuyến đường dẫn đến Lãnh sự quán TQ, lượng người tiếp tục kéo đến chật kín cả đoạn đường, kéo dài từ nhà thờ Đức Bà đến Đại sứ quán Mỹ, và càng lúc càng đông hơn

Những cuộc biểu tình hôm nay tại hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn được kêu gọi qua các phương tiện như Facebook và điện thoại di động… trong những ngày qua.

Đây được xem là những cuộc biểu tình hiếm hoi ở Việt Nam, và kể từ tháng 12 năm 2007 đến nay là những cuộc biểu tình chống Trung Quốc đầu tiên.

Hồi ngày 9 và 16 tháng 12 năm 2007, nhiều sinh viên và trí thức tại Việt Nam cũng tiến hành biểu tình sau khi Trung Quốc tuyên bố cho thành lập đơn vị hành chính Tam Sa tại Hải Nam để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Công an và an ninh tại Việt Nam lúc đó đã giải tán những cuộc biểu tình, và một số người tham gia như nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, thường được biết đến với danh xưng blogger Điếu Cày Nguyễn Hoàng Hải, hay luật gia Phan Thanh Hải… đến nay vẫn còn bị giam giữ dù chính thức không phải do tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam.

Đài Á Châu có nhiều bài tường trình chi tiết về sinh hoạt biểu tình, tuần hành phản đối Trung Quốc diễn ra hôm nay ở Hà Nội và Sài Gòn, tại trang web www.rfa.org/vietnamese, cũng như tại trang www.youtube.com/RFAVietnamese.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn