Tin về Hội nghị “An ninh hàng hải trên Biển Đông” trên RFA

Hội thảo an ninh Biển Đông

Việt Hà, Phóng viên RFA

clip_image001  

Hội thảo an ninh Biển Đông ở Washington ngày 20 tháng 6 năm 2011. RFA PHOTO

 

Một cuộc hội thảo về Biển Đông quy tụ những học giả của nhiều nước như Việt Nam, Trung Quốc, Úc, Hoa Kỳ được tổ chức tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington từ ngày 20 đến 21 tháng 6.

Có mặt tại buổi hội thảo, Việt Hà của đài chúng tôi gửi về bài tường trình.

Bày tỏ quyền lợi của mình

Hội thảo an ninh tại khu vực Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế tổ chức ở Washington trong hai ngày 20 và 21 tháng 6 hứa hẹn là một diễn đàn với nhiều trao đổi sôi nổi giữa các học giả và những người quan tâm đến khu vực Đông Nam Á, nhất là vào giữa lúc những căng thẳng tại khu vực này đang gia tăng trong những tháng gần đây.

Ngay trong bài phát biểu mở đầu buổi hội thảo, cựu Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, John Negroponte nhìn nhận những xung đột về lợi ích trên Biển Đông giữa các nước trong khu vực:

Rõ ràng là có sự xung đột về lợi ích giữa các nước và các nước có sự diễn giải khác nhau đối với phạm vi về nguồn lợi hợp pháp trên biển.

Ô. John Negroponte

“Rõ ràng là có sự xung đột về lợi ích giữa các nước và các nước có sự diễn giải khác nhau đối với phạm vi về nguồn lợi hợp pháp trên biển, và đây cũng là trường hợp xảy ra tại Biển Đông khi nhiều nước đã bày tỏ cho các nước khác biết về quyền lợi của mình theo nhiều cách khác nhau qua ngoại giao và trong một số trường hợp là sử dụng sức mạnh quân sự để xác định và bảo vệ quyền lợi của mình”.

Bài thuyết trình được nhiều người chú ý nhất và nhận được nhiều câu hỏi nhất trong chương trình buổi sáng đầu tiên là của giáo sư Su Hao, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc trường Đại học Ngoại giao Trung Quốc.

Giáo sư Su Hao mở đầu bài thuyết trình của mình bằng cách chứng minh về chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông qua các dẫn chứng lịch sử. Ông nói Trung Quốc đã có chủ quyền về lịch sử không chối cãi đối với Biển Đông từ 2000 năm. Từ đời nhà Tống cách đây vài trăm năm, Trung Quốc đã có một cơ quan phụ trách hành chính về khu vực này và đã có đội tàu đi tuần trên biển.

Giáo sư Su Hao cũng nói đến những luận điểm dựa trên quy tắc quốc tế mà ông cho là ủng hộ quan điểm về chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc:

clip_image003

Giáo sư Su Hao, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc trường Đại học Ngoại giao Trung Quốc tại Hội thảo an ninh Biển Đông ở Washington ngày 20 tháng 6. RFA PHOTO

“UNCLOS là một cơ sở pháp lý quan trọng và Trung Quốc đã tham gia hiệp ước này. Cho nên chủ quyền của Trung quốc trên Biển Đông cũng được luật quốc tế đảm bảo. Ngoài ra còn các cơ sở pháp lý quốc tế khác mà chúng tôi có thể dùng để bảo vệ quan điểm của mình. Cộng đồng quốc tế thời hiện đại đã chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông. Cuối cùng là trong hệ thống luật quốc tế có một nguyên tắc là nếu một nước đã có tuyên bố về chủ quyền và một số nước đã chấp nhận tuyên bố này. Tuy nhiên rất tiếc là hiện có một số nước đã thay đổi quan điểm của mình”.

Theo ông thì Trung Quốc coi Biển Đông là một mối quan tâm nhưng không phải là một mối quan tâm sống còn như đối với Tây Tạng và Đài Loan. Điều này khác hẳn với những lời nói trước đây của Trung Quốc coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Ông cũng miêu tả mối lợi của Trung Quốc trên Biển Đông đã tràn sang các nước khác ở khu vực và vì vậy cần phải có sự hợp tác chia sẻ quyền lợi cùng các nước.

Giải quyết tranh chấp qua đa phương

Theo giáo sư Su Hao, chính phủ Trung Quốc vẫn luôn duy trì một chính sách hòa hợp, giải quyết vấn đề qua hòa bình và tránh sử dụng vũ lực. Và vì vậy cho đến giờ Trung Quốc là một cường quốc không có kẻ thù.

Đại diện học giả Trung Quốc nói Trung Quốc kêu gọi việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo đàm phán song phương nhưng cách tiếp cận đa phương cũng có thể coi là một giải pháp.

Theo tôi thì việc giải quyết tranh chấp qua đa phương cũng là một cách. Bản thân Trung Quốc đã là thành viên của nhiều cơ chế an ninh đa phương.

GS Su Hao

“Theo tôi thì việc giải quyết tranh chấp qua đa phương cũng là một cách. Bản thân Trung Quốc đã là thành viên của nhiều cơ chế an ninh đa phương để thảo luận các vấn đề về an ninh khu vực Biển Đông”.

Giáo sư Su Hao cũng cho rằng việc Hoa Kỳ tham gia một cách tích cực để giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông cũng được Trung Quốc chào đón.

Tuy nhiên trong phần nói về những thách thức tại khu vực này, giáo sư Su Hao lại cho rằng những can thiệp của Mỹ có nhiều khi không tích cực và đó là lý do vì sao Trung Quốc không chào đón những can thiệp này.

Liên quan đến những diễn biến gần đây trên Biển Đông, giáo sư Su Hao cho rằng hành động của các nước trong khu vực đã làm cho Trung Quốc lo lắng và những hành động của Trung Quốc không phải là hiếu chiến như những học giả nước ngoài nhìn nhận. Ông nói:

“Một vài nước nói rằng Trung Quốc những năm gần đây có thái độ quá mạnh đối với vấn đề Biển Đông, nhưng tôi tin là lý do Trung Quốc có thái độ như vậy bởi một vài nước đã có những phản ứng quá mạnh đối với những gì đang xảy ra chống lại Trung Quốc. Đó là lý do làm cho Trung Quốc lo lắng và làm cho chúng tôi phải nói gì đó để bảo vệ chủ quyền đối với Biển Đông”.

Đại diện của ASEAN tại hội thảo lần này là ông Termsak Chalermpalanupap,  Giám đốc Ban an ninh chính trị thuộc Ban thư ký ASEAN. Ông Chalermpalanupap khẳng định quan điểm của ASEAN đối với vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông qua hợp tác và theo luật quốc tế.

clip_image005

Ông Termsak Chalermpalanupap, Giám đốc Ban an ninh chính trị thuộc ban thư ký ASEAN tại Hội thảo an ninh Biển Đông ở Washington ngày 20 tháng 6. RFA PHOTO

Ông cũng nói đến những nỗ lực mà ASEAN đã làm nhằm đưa tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông thành một bản quy tắc có tính ràng buộc nhưng cả 20 lần đề nghị đều bị Trung Quốc từ chối. Hiện ASEAN đang đưa ra đề nghị thứ 21 liên quan đến vấn đề này.

Ông Chalermpalanupap nêu quan điểm khác với đại diện từ phía Trung Quốc đối với những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian qua, mà ông gọi là hiếu chiến.

Theo thông tin mới nhất từ ASEAN thì hiện khối này đã có kế hoạch tiếp tục bàn thảo về vấn đề này để có thể đưa COC [Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông] lên một mức cao hơn.

Người đại diện của ASEAN cũng cho rằng có lẽ để có thể giải quyết vấn đề Biển Đông, việc đổi tên biển từ biển Nam Trung Hoa thành Biển Đông Nam Á hay biển Hữu Nghị có thể sẽ hợp lý hơn.

Các học giả đến từ Nhật bản và Ấn độ có mặt trong buổi hội thảo sáng 20 tháng 6 cũng bày tỏ sự quan ngại trước những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông vì cả hai nước này cũng có những tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc trên biển. Học giả đến từ Ấn Độ, ông Amer Latif, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho rằng những tranh chấp tại Biển Đông cũng làm Ấn độ quan tâm vì thái độ hành xử của Trung Quốc ở đây cũng giúp Ấn độ hiểu được thái độ và hành xử mà Trung Quốc có thể áp dụng với nước láng giềng Ấn độ và với biển Ấn Độ Dương.

Buổi chiều 20 tháng 6, các học giả tiếp tục cuộc thảo luận về những diễn biến gần đây trên Biển Đông. Chúng tôi sẽ có bài phỏng vấn tiến sĩ Trần Trường Thủy, thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Việt Nam, người có bài thuyết trình về các diễn biến trên Biển Đông trong hội thảo này.

V. H.

Nguồn: rfa.org

------------------------------------

Quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông

Việt Hà, Phóng viên RFA

Tiến sĩ Trần Trường Thủy, thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Việt Nam, trả lời phỏng vấn RFA nhân Hội thảo Quốc tế về Biển Đông.

clip_image007

Tiến sĩ Trần Trường Thủy (trái), thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Việt Nam, trả lời phỏng vấn phóng viên Việt Hà của RFA nhân Hội thảo Quốc tế về Biển Đông tại Washington DC hôm 20-6-2011. RFA PHOTO

Tham dự Hội thảo về Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington tổ chức, ngoài những học giả đại diện cho nhiều nước như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc… còn có các đại diện đến từ Việt Nam.

Nhân dịp này, Tiến sĩ Trần Trường Thủy, thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Việt Nam, người có bài thuyết trình về các diễn biến trên Biển Đông trong hội thảo này; đã dành cho phóng viên Việt Hà của Đài Á châu Tự do một cuộc phỏng vấn đặc biệt.

TS Trần Trường Thủy trả lời phỏng vấn RFA.

Hội thảo Quốc tế về Biển Đông diễn ra trong hai ngày 20 và 21 tháng 6-2011 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS ở thủ đô Washington của Hoa Kỳ.

Cuộc hội thảo diễn ra trong bối cảnh những tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam, ngày càng căng thẳng.

Nguồn: rfa.org

-----------------------------------------

Ghi nhận nhanh về Hội thảo an ninh Biển Đông

Nguyễn Khanh & Quỳnh Chi, RFA

Về cuộc Hội thảo an ninh Biển Đông đang diễn ra tại Washington. Nguyễn Khanh của Đài chúng tôi cũng được cử theo sát cuộc hội thảo và trong giờ nghỉ giữa cuộc họp, anh có cuộc trao đổi ngắn với Quỳnh Chi sau đây.

clip_image010

Hội thảo an ninh Biển Đông diễn ra tại Washington DC hôm 20-6-2011. RFA PHOTO

Phản đối hành động của TQ

Quỳnh Chi: Chào Anh Nguyễn Khanh, xin anh cho biết những điểm nào được anh chọn là những điểm đáng chú ý nhất trong ngày đầu tiên của cuộc hội thảo?

Nguyễn Khanh: Có một số điểm đáng chú ý mà tôi muốn thưa cùng quý khán thính giả của Đài Á châu Tự do. Điểm đầu tiên mà tôi để ý thấy đây là  một trong những cuộc hội thảo với sự hiện diện của hàng trăm người, phần đông là các học giả và những nhà báo, tất cả đều là những người quan tâm đến vấn đề Biển Đông và để nghe trình bày về vấn đề Biển Đông. Thành ra tôi nghĩ rằng vì đề tài hội thảo nói về Biển Đông nên số người tham dự cũng rất là đông.

Điểm kế tiếp mà mọi người đều thấy là tất cả những người tham dự đều lên tiếng phản đối những hành động hay là chính sách, lập trường của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông. Điểm thứ ba là có những thí dụ được đưa ra để chúng ta thấy rõ ràng có những cái khó khăn giữa Việt Nam và Trung Quốc, tôi xin đơn cử một thí dụ là khi chiến hạm Hoa Kỳ đi qua vùng lưỡi bò để vào Đà Nẵng thì Trung Quốc không lên tiếng phản đối, nhưng khi ngư dân Việt Nam hay các tàu của VietnamPetro hoạt động ở vùng lưỡi bò thì gặp những phiền nhiễu do phía Trung Quốc gây nên. Đó là một chuyện mà chúng ta cần phải lưu ý đến.

clip_image012

Biên tập viên Nguyễn Khanh bên ngoài nơi diễn Hội thảo an ninh Biển Đông tại Washington DC hôm 20-6-2011. RFA PHOTO

Một điểm nữa là người ta bảo rằng giữa ASEAN và Trung Quốc có sự khác biệt. ASEAN thì sẵn sàng đàm phán và đàm phán, còn Trung Quốc thì miệng nói nhưng đi kèm với hành động. Nếu chị và quý khán thính giả cho phép thì tôi xin nói là mọi người đều đồng ý thái độ của Trung Quốc là thái độ miệng thì nói, tay thì vồ.

Quỳnh Chi: Anh nghĩ liệu hội nghị có đưa ra những giải pháp để giải quyết tình hình căng thẳng Biển Đông hay không?

Nguyễn Khanh: Nếu hỏi là có một giải pháp nào được đưa ra hay không thì tôi tin rằng ở một cuộc hội thảo kéo dài có 2 ngày thì khó để mà đưa ra giải pháp. Tôi tin rằng ngày mai khi kết thúc sẽ có rất nhiều đề nghị được đưa ra. Đề nghị quan trọng nhất mà tôi tin chắc chắn sẽ được nói đến là làm thế nào đi tìm được giải pháp hòa bình, tránh sử dụng võ lực ở vùng Biển Đông.

Thú thật với chị và thưa cùng quý khán thính giả của Đài Á châu Tự do là tôi tin giải pháp hòa bình đó là giải pháp sẽ luôn luôn được nói tới, nhưng đó không hẳn là giải pháp mà tôi nghĩ có thể thành hình. Lý do là chúng ta đừng quên hiện giờ Trung Quốc đang gây rất nhiều khó khăn, khó khăn không chỉ với Việt Nam mà còn cho Philippines, khó khăn không chỉ cho Việt Nam và Philippines mà còn cho khu vực ASEAN cũng như cho cả Vùng Châu Á - Thái Bình Dương. Thành ra có nhiều người mà tôi có dịp nói chuyện bảo rằng chưa hẳn đây đã là thời điểm thuận lợi để chúng ta tiếp tục đàm phán, nói chuyện hòa bình.

Một yếu tố khác nữa mà tôi cũng xin được thưa ở đây là theo tôi nghĩ Trung Quốc đang ở thế - dù tôi không dám nói là thế thượng phong - nhưng rõ ràng là có lợi cho Trung Quốc. Lý do tại sao như vậy? Họ là một nước mạnh, họ có một lực lượng quân sự hùng hậu, và bây giờ, họ đang đá bóng và đang cầm còi.

Quỳnh Chi: Cám ơn anh Nguyễn Khanh.

N.K & Q.C.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn