Tổn thất do ô nhiễm môi trường Việt Nam có thể lên tới 5,5% GDP/năm

Thanh Tuyền

Chưa có đô thị nào được công nhận xanh - sạch

clip_image002

Kênh rạch ô nhiễm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân. Ảnh: Lê Quỳnh

 

SGTT.VN - Ngày 10.6, tại Hà Nội, bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) đã công bố báo cáo môi trường quốc gia 2010. Theo báo cáo này, tốc độ suy thoái môi trường ở nước ta tiếp tục gia tăng, Việt Nam xếp vào nhóm 15 nước hàng đầu thế giới về suy giảm số loài thú, nhóm 20 nước hàng đầu về suy giảm số loài chim. Ngân hàng Thế giới đánh giá, chúng ta có thể phải chịu tổn thất do ô nhiễm môi trường lên tới 5,5% GDP mỗi năm.

Môi trường nước mặt ở hầu hết các đô thị và ở nhiều lưu vực sông đều bị ô nhiễm chất hữu cơ. Ở hầu hết các sông, hồ, kênh, rạch trong nội thành, nội thị, trị số hàm lượng các chất ô nhiễm của các thông số đặc trưng ô nhiễm hữu cơ đều vượt trị số giới hạn tối đa cho phép đối với nguồn nước loại B từ 2-6 lần. Đây là thông tin do TS Hoàng Dương Tùng, phó tổng cục trưởng tổng cục Môi trường cho biết tại hội nghị.

Tại TP.Hà Nội và TP.HCM, ô nhiễm chất hữu cơ trong môi trường nước mặt và ô nhiễm bụi trong môi trường không khí vào loại nhất nhì thế giới. Hầu hết chưa có đô thị nào được công nhận là đô thị sạch/đô thị xanh (nước sạch, không khí sạch, đất sạch). Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị đáng lo ngại.

Nhìn lại môi trường cả nước 5 năm qua, các chuyên gia môi trường không khỏi giật mình lo ngại khi hiện nay khoảng 70% trong số hơn 1 triệu m3 nước thải/ngày từ các khu công nghiệp xả thẳng ra các nguồn tiếp nhận không qua xử lý, gây ra ô nhiễm môi trường nước mặt trên diện rộng. Ô nhiễm môi trường làng nghề, ô nhiễm nông nghiệp do sử dụng không hợp lý phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.

Bệnh tật kéo theo ô nhiễm

Báo cáo cho hay, các đô thị bị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người nhiễm khuẩn hô hấp cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. TP.HCM, Đồng Nai, Bắc Giang, Hải Phòng, Ninh thuận.. tỷ lệ bệnh nhân lao phát hiện năm 2008 tại các địa phương này cao gấp 4-5 lần so với các địa phương ít có phát triển hoạt động công nghiệp như Bắc Kạn, Điện Biên.

Một nghiên cứu về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cảnh sát giao thông làm việc tại một số nút giao lộ ở TP.HCM cũng cho thấy, dù tỷ lệ cảnh sát giao thông đạt sứ khỏe loại tốt là 74,4% nhưng nhiều người mắc đồng thời nhiều bệnh, thậm chí hơn 3 bệnh. Nổi bật trong cơ cấu bệnh của cảnh sát giao thông là bệnh về tai mũi họng. Kết quả nghiên cứu đến tháng 12.2010 của cục Y tế bộ Giao thông vận tải cho thấy tỷ lệ người bị bệnh đường hô hấp ở Hà Nội cao hơn TP.HCM. Một trong những nguyên nhân chính được xác định là do môi trường không khí ở Hà Nội ô nhiễm hơn.

Một nghiên cứu nữa khi các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu đối chứng giữa 2 xã chịu ảnh hưởng của bãi rác thải là Quảng Lạc và Hoàng Đồng (nhóm nghiên cứu) và 2 xã không có bãi rác là Hợp Thịnh và Mai Pha (nhóm đối chứng) ở Lạng Sơn. Kết quả nhóm nghiên cứu có tỷ lệ người ốm trong 2 tuần cao hơn nhóm đối chứng (10,2% và 6,7%). Triệu chứng các bệnh như da liễu, viêm phế quản, đau xương khớp của nhóm nghiên cứu có tỷ lệ cao hơn hẳn so với nhóm đối chứng.

Kết quả điều tra tại Phú Thọ và Nam Định, ước tính thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí tác động đến sức khỏe trung bình trên đầu người mỗi năm là 295.000 đồng. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể phải chịu tổn thất do ô nhiễm môi trường lên tới 5,5% GDP hàng năm.

Ô nhiễm xuyên biên giới chưa được kiểm soát

Theo báo cáo môi trường quốc gia năm 2010, ô nhiễm xuyên biên giới chưa được kiểm soát cũng là một mối đáng lo. Việc nhập khẩu phế liệu lẫn rác thải công nghiệp nguy hại về các cảng diễn ra từ nhiều năm nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, và xử lý hiệu quả đã gây ra những hệ lụy xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh môi trường quốc gia. Tình trạng sinh vật ngoại lai xâm hại và sinh vật biến đổi gen xâm lấn, tình trạng khai thác khoáng sản phá hoại môi trường cũng gây ra những hệ lụy xấu.

PGS. TS Nguyễn Đình Hòe, khoa Môi trường, đại học KHTN (ĐHQG Hà Nội) cho biết, theo số liệu thống kê, tổng trữ lượng nước mặt của Việt Nam đạt khoảng hơn 830-840 tỷm3/năm, trong đó hơn 60% lượng nước được sản sinh từ nước ngoài. Hiện nay, mỗi năm chúng ta đang sử dụng 400 tỷ m3 nước. Điều này cho thấy nước ta đang phụ thuộc vào nguồn nước chảy từ nước ngoài đến. Ngoài ra việc dùng nước lãng phí và làm ô nhiễm tất cả hệ thống sông ngòi nội địa, khiến cho mối de dọa an ninh nước ở Việt Nam rất đáng báo động.

PGS. TS Trương Mạnh Tiến, nguyên giám đốc quỹ Bảo vệ môi trường cho rằng, cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bởi nhân lực chính là cái cốt lõi trong việc bảo vệ môi trường. Hệ thống quan trắc của Việt Nam quá kém và cần phải được hiện đại hóa trong tương lai, cũng là ý kiến được nhiều chuyên gia nhắc tới. Bởi khi hệ thống quan trắc được hoàn thiện, sẽ có những số liệu trung thực nhất, nâng cao chất lượng nhân lực, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường, tăng cường sự tham gia của cộng đồng... sẽ giúp Việt Nam giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường luôn trong tình trạng chạy phi mã.

Từ năm 2005-2009, báo cáo Môi trường quốc gia thực hiện theo các chuyên đề: đa dạng sinh học (2005), môi trường nước 3 lưu vực sông Cầu-Nhuệ- Đáy và hệ thống sông Đồng Nai (2006), môi trường không khí đô thị (2007), môi trường làng nghề (2008) và môi trường khu công nghiệp (2009). Báo cáo Môi trường quốc gia 2010 đề cập tổng thể về hiện trạng môi trường từ năm 2006-2010.

T. T.

Nguồn: sgtt.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn