Trung Quốc đòi Việt Nam xử lý vụ bùng phát ở trong nước

Tháng 12 năm 2007 đã xảy ra các cuộc biểu tình tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phản đối Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa của Việt Nam. Ngay tức khắc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương yêu cầu  lãnh đạo Việt Nam phải có biện pháp hữu hiệu để chấm dứt tình trạng này, “phòng việc quan hệ song phương bị tổn hại”. Trên thực tế sau đó người ta thấy chính quyền Việt Nam đã “ra tay” khá tích cực: hàng loạt bloggers bị tạm giữ, những người tham gia biểu tình bị trấn áp, khẩu hiệu “Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam” bị coi là khiêu khích và những ai dám mang áo có in câu khẩu hiệu đó đều bị sách nhiễu.

Nay cuộc biểu tình ngày 5/6 cũng bị Trung Quốc phản ứng tương tự: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lại thúc giục Việt Nam phải có “những nỗ lực nghiêm túc” để ngăn dân chúng biểu tình. Đó là hành động của kẻ cướp ra lệnh cho chủ nhà không được la làng, hơn nữa, còn bắt chủ nhà bịt miệng con cái trong nhà. Vì kẻ cướp ỷ vào sức mạnh của súng đạn và vào sự thôi miên bịp bợm của 16 chữ vàng hay 4 tốt gì gì đó.

Trung Quốc cho tàu hải giám xông vào tận nhà của chúng ta, phá hủy tài sản của chúng ta, rồi ngang nhiên tuyên bố đây là "hoạt động bình thường trong vùng biển chủ quyền" của Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích cho rằng hành động táo tợn này của tàu hải giám Trung Quốc là một phép thử phản ứng của Việt Nam, của ASEAN. Nếu Việt Nam im lặng và ASEAN giữ thái độ bàng quan, thì đó là tín hiệu khuyến khích Trung Quốc dấn tới. Nhưng cần phải thấy yêu cầu của Trung Quốc đòi Việt Nam phải ngăn cản dân chúng thể hiện lòng yêu nước, cũng là một phép thử quan trọng không kém chuyện tàu hải giám cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02. Nếu Chính phủ Việt Nam thực hiện yêu cầu đó, thì đấy là tín hiệu khẳng định ảnh hưởng của Trung Quốc lên lãnh đạo nhà nước Việt Nam to lớn như thế nào, muốn thanh minh cách gì với dân cũng "há miệng mắc quai" hay như một cái vết đã thích lên trán, đố mà giấu ai cho nổi. Nhìn theo hướng khác, yêu cầu đó cho thấy Trung Quốc vừa hết sức kiêu căng, vừa tỏ ra đánh giá rất thấp chính quyền Việt Nam. Làm sao Trung Quốc dám yêu cầu tương tự nếu đó không phải Việt Nam, mà là Mỹ hay, Pháp, Đức? Biểu tình là quyền công dân được ghi vào Hiến pháp của hầu hết quốc gia trên thế giới kia mà! Trước yêu cầu của Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam sẽ có động thái như thế nào đối với người dân đi biểu tình, đấy còn là phép thử của người dân Việt Nam đối với nhà nước. Những động thái ấy sẽ cho người dân hiểu chính quyền là của ai.

 

Nói thêm về bài viết của BBC: Điều kỳ lạ là trong bài dưới đây, BBC không hề nhắc đến cuộc biểu tình rầm rộ tại TP Hồ Chí Minh, với khoảng trên 3.000 người, được gần như tất cả các tờ báo lớn trên thế giới đưa tin. Còn cuộc biểu tình tại Hà Nội thì lại được miêu tả là “Họ đã gặp gỡ âm thầm chừng nửa giờ đồng hồ hôm Chủ Nhật, trước khi giải tán trong ôn hòa khi bị chừng 50 cảnh sát có vũ trang yêu cầu”! Âm thầm mà lại hát vang trên Công viên Lê Nin và suốt dọc đường phố! Nửa giờ mà lại có thể tập trung biểu tình trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc, rồi kéo nhau đi về phía Hồ Gươm rảo một vòng, sau đó quành sang Trường Thi và trở lại Công viên Lê Nin trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc một lần nữa (xem Một buổi sáng Chủ nhật được là mình trên BVN)!

Bauxite Việt Nam

Hôm thứ Ba 7/6, Trung Quốc lên tiếng thúc giục Việt Nam hãy có "những nỗ lực nghiêm túc" nhằm giải quyết tình trạng giận dữ quanh vùng lãnh hải đang tranh chấp ở Biển Đông, sau khi hàng trăm người tham dự cuộc biểu tình hiếm hoi tại Hà Nội nhằm phản ứng lại hành động của Bắc Kinh.

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội trở nên căng thẳng trong 10 ngày qua, quanh cuộc tranh cãi kéo dài lâu nay về vấn đề chủ quyền ở vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa giàu trữ lượng tài nguyên.

Hãng tin AFP trích lời phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi: "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa và các vùng lãnh hải lân cận."

"Trung Quốc và Việt Nam đã nhiều lần đạt được nhận thức chung quan trọng về phương cách xử lý các vấn đề trên biển và duy trì sự ổn định ở Nam Hải."

"Chúng tôi hy vọng là phía Việt Nam sẽ có những nỗ lực nghiêm túc nhằm thực thi các nhận thức chung đó."

Bản tiếng Anh trích thuật tuyên bố của ông Hồng Lỗi dùng từ "Spratlys" là tên tiếng Anh của quần đảo Trường Sa, còn biển Nam Hải là tên mà Trung Quốc dùng để chỉ khu vực Việt Nam gọi là Biển Đông.

Một nhóm chừng 300 người đã biểu tình tại Hà Nội, mang theo các dòng chữ như "Đả đảo Trung Quốc gây hấn".

Họ đã gặp gỡ âm thầm chừng nửa giờ đồng hồ hôm Chủ Nhật, trước khi giải tán trong ôn hòa khi bị chừng 50 cảnh sát có vũ trang yêu cầu.

Phớt lờ hiện trạng

Chúng tôi hy vọng là phía Việt Nam sẽ có những nỗ lực nghiêm túc nhằm thực thi các đồng thuận có liên quan.

Phát ngôn nhân Hồng Lỗi

Hồi tháng Năm, tàu hải giám của Trung Quốc đã chặn một tàu thăm dò khai thác dầu của Việt Nam ở Biển Đông, điều bị Hà Nội coi là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và vi phạm công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về luật biển.

Việt Nam đã cáo buộc Trung Quốc mở rộng phạm vi tranh chấp và đòi Bắc Kinh phải bồi thường thiệt hại trong vụ trên. Trung Quốc thì đòi Việt Nam phải chấm dứt hoạt động ở các vùng biển đang tranh cãi.

Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm xa hơn về phía nam đều giàu trữ lượng tài nguyên và nằm trên các tuyến hàng hải chiến lược.

Cả Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng đòi chủ quyền từng phần hoặc toàn phần đối với vùng lãnh hải đang có tranh chấp này.

Những căng thẳng mới đây khiến cho Hoa Kỳ hôm thứ Bảy đã phải ra lời cảnh báo rằng các tranh chấp có thể sẽ dẫn tới cuộc xung đột có vũ trang.

Hôm 7/6, báo New York Times, ấn bản online có bài của tác giả Philip Bowring, bình luận rằng Trung Quốc đã tấn công tàu thăm dò của Việt Nam ở ngay vùng biển mà các nước khác đều coi là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Bài báo này nhận xét hành động mới nhất, cùng các hành động hồi năm 2010 như gây sự về vấn đến lãnh thổ với Việt Nam, Philippines, Nhật Bản và Ấn Độ, hay việc Bắc Kinh khiến Nam Hàn tức giận vì đã không lên án sự hung hăng của Bình Nhưỡng, cho thấy Trung Quốc đang tỏ thái độ không tôn trọng hiện trạng thực tế trong vấn đề lãnh thổ với các quốc gia láng giềng.

Cũng trong ngày 7/6, báo chí Philippines trích lời quan chức nước này nói rằng sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ "là đảm bảo an toàn" cho vùng biển có tranh chấp.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Voltaire Gazmin nói Hoa Kỳ "có quyền lợi trong việc duy trì ổn định, an ninh và tự do tại tuyến hải hành bận rộng thứ nhì thế giới".

Ông cũng cho rằng sự có mặt của Mỹ có tác dụng răn đe mọi hành động bất hợp pháp ở vùng biển này.

clip_image001

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn