Trung Quốc 'tập trận liên tục'

clip_image002  

Báo Hong Kong dẫn nguồn truyền thông đại lục nói trong những ngày gần đây quân đội Trung Quốc đã tổ chức tập trận không phải một mà là ba lần.

 

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post - SCMP) dẫn các tờ báo tiếng Hoa là Nhật báo Giải phóng quân Nhân dân, tờ Tấm gương trụ sở ở Bắc Kinh và tờ Nhật báo Thanh niên, cho hay đã có ít nhất ba cuộc tập trận, trong đó có một cuộc dò phá mìn ngoài biển và một vụ bắn thử tên lửa.

Tình hình Biển Đông đang ngày càng căng thẳng sau các động thái kiên quyết của nhiều nước tham gia tranh chấp lãnh thổ tại nơi đây.

Việt Nam tổ chức bắn đạn thật hai hôm 12-13/6 trong khi Philippines loan báo sẽ điều tàu chiến lớn nhất tới khu vực Biển Đông, mà nước này gọi là Biển Tây Philippines.

Thứ Sáu tuần trước 17/6, quân đội Trung Quốc cho biết là đã tập trận hỗn hợp ba ngày ở Biển Đông. Cuộc tập trận có sự tham gia của cảnh sát biển và lực lượng hải giám đã diễn ra gần đảo Hải Nam.

Tuy không nói rõ thời điểm của cuộc tập trận, nhưng thông tin được công bố trên Nhân dân Nhật báo hôm thứ Sáu nói tổng cộng 14 tàu tuần tra, chiến hạm săn tàu ngầm và hai chiến đấu cơ đã có mặt.

Mục tiêu của hoạt động này là luyện tập chống tàu ngầm, hậu cần và phòng thủ đảo nhằm ứng phó với các khủng hoảng nảy sinh.

Dò gỡ mìn trên biển

Trong khi đó, tờ nhật báo của quân đội Trung Quốc hôm Chủ nhật 19/6 đăng trên trang nhất bản tin về một cuộc tập trận dò mìn tại "một vùng biển" không xác định hồi đầu tháng.

Báo này tường trình rằng một chiến hạm của Trung Quốc đã chở một đội công binh 12 người ra dò gỡ hai quả ngư lôi gài dưới nước.

Tờ Tấm gương thì tường thuật rằng một đội thủy quân lục chiến đã bắn hỏa tiễn chống tăng vào các mục tiêu trong một cuộc tập trận vùng núi duyên hải ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc.

clip_image004

Một số cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đã diễn ra ở Việt Nam

Bên cạnh các cuộc tập trận nói trên, còn có tin đăng trên tờ Ta Kung Pao cũng của Hong Kong về ít nhất sáu cuộc tập trận khác trong tháng Sáu này, trong có các cuộc đổ bộ trên đảo Hải Nam.

Tàu tuần dương lớn nhất của Trung Quốc mang tên Hải Tuần 31 vừa cập cảng Singapore sau khi đi qua các vùng Biển Đông đang còn tranh chấp.

Giới quan sát nói chuyến hải hành của Hải Tuần 31, cũng như các cuộc tập trận, là thông điệp khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời cũng là tín hiệu cảnh báo các nước trong khu vực về sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Phân tích gia Vương Đông, Chủ tịch Hiệp hội Quân sự Quốc tế tại Macau, bình luận: "Tuy rằng các cuộc tập trận của Trung Quốc đều được giải thích là hoạt động thường kỳ và quy mô nhỏ, việc Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc một cách công khai trong thời gian ngắn ngủi như thế cho thấy họ muốn gửi thông điệp rằng họ đang chuẩn bị sẵn sàng để đối phó sau các động thái của Philippines và Việt Nam đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền".

Cảnh báo Việt Nam

Các căng thẳng tại Biển Đông dĩ nhiên đang thu hút sự chú ý của dư luận tất cả các nước liên quan.

Tại Trung Quốc, cũng đang có lời kêu gọi nước này phải cứng rắn hơn trước hành động của Việt Nam, mà một số nhà bình luận Trung Quốc nói là "gây căng thẳng".

Cây bút Lý Hồng Mai, người chủ trì một chuyên mục thường kỳ trên tờ báo chính thống Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa có phân tích nói Hà Nội cần "thức tỉnh trước nguy cơ".

Bà Lý nói các hành động như diễn tập bắn đạn thật hay chỉ thị về điều kiện nhập ngũ... của Việt Nam cho thấy Việt Nam đang muốn "huy động ủng hộ của quốc tế" trong tranh chấp với Trung Quốc.

"Một trong các lý do là Việt Nam, cũng giống như các nước quanh Nam Hải (Biển Đông), vẫn còn mang ảo tưởng về bàn tay giúp đỡ của Mỹ trong trường hợp xung đột leo thang thành chiến tranh".

Phân tích gia này nói rằng từ thời ông Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã duy trì lập trường "gác tranh chấp, cùng phát triển" đối với các vấn đề ở Biển Đông.

Một trong các lý do là Việt Nam, cũng giống như các nước quanh Nam Hải (Biển Đông), vẫn còn mang ảo tưởng về bàn tay giúp đỡ của Mỹ trong trường hợp xung đột leo thang thành chiến tranh.

Bình luận viên Lý Hồng Mai, Nhân dân Nhật báo

Tuy nhiên bà nói lập trường này có bốn khía cạnh:

1. Chủ quyền lãnh thổ (ở Nam Hải) là thuộc Trung Quốc.

2. Khi chưa đủ điều kiện để có giải pháp kỹ lưỡng cho tranh chấp lãnh thổ, tranh cãi chủ quyền có thể được gác lại. Điều đó không có nghĩa là từ bỏ chủ quyền, mà chỉ là tạm thời hoãn nói tới.

3. Khu vực tranh chấp có thể được cùng phát triển.

4. Cùng phát triển có mục tiêu là tăng cường hiểu biết thông qua hợp tác và tạo điều kiện cho một giải pháp lâu dài cuối cùng về chủ quyền lãnh thổ.

Bà Lý Hồng Mai nhận xét rằng các bên liên quan đều có vẻ mệt mỏi sau nhiều năm không đạt được tiến bộ gì về giải pháp Biển Đông.

Tuy nhiên, cây bút này đanh thép tuyên bố rằng điều này không phải là cơ hội cho các nước với "tham vọng vô đáy" như Việt Nam "tính sổ với Trung Quốc".

"Trung Quốc đề xuất giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình nhưng không bao giờ sợ hãi trước thách thức từ bên ngoài".

Bà Lý cũng nói Việt Nam nên từ bỏ hy vọng nhờ cậy Mỹ, vì "một khi Hoa Kỳ cảm thấy quyền lợi bị ảnh hưởng thì nước này sẽ sẵn sàng hy sinh lợi ích của các nước châu Á khác ở Biển Đông".

Trong ngày 20/6, báo chí Việt Nam đáp trả quan điểm của phía Trung Quốc bằng việc trích lời Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, ông Lê Lương Minh phản đối Trung Quốc có những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Phát biểu ở New York hôm 17/6, ông Lê Lương Minh nói về các vụ TQ gây rối, cắt cáp tàu Bình Minh 02 và Viking của Việt Nam là "những hành vi có chủ ý, được tính toán kỹ, nhằm mục đích biến các vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thành khu vực tranh chấp..."

clip_image006

Nguồn:

bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn