Trung Quốc và chiến lược chia nhỏ Đông Nam Á

Quốc Việt

Trong chiến lược hướng ra biển lớn của Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á có một vai trò cực kỳ quan trọng.

Có thể nói các nước Đông Nam Á đang nắm trong tay chiếc chìa khóa hướng ra biển lớn của Trung Quốc. Giải quyết mối quan hệ với các quốc Đông Nam Á đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của quốc gia này.

Chia nhỏ các tranh chấp trong khu vực

Đông Nam Á án ngữ biển Đông (phía Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa hay Nam Hải), nơi có 21/39 tuyến hàng hải quốc tế từ Trung Quốc đi qua khu vực này. Đông Nam Á cũng là khu vực có các quốc gia có tranh chấp  trực tiếp với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo trên biển Đông.

Từ lâu Trung Quốc luôn tìm mọi cách để phản đối sự đa phương hóa các vấn đề tranh chấp trong khu vực. Đa phương hóa các vấn đề tranh chấp trong khu vực là cơ hội để Mỹ can thiệp vào khu vực này. Họ luôn muốn giải quyết các tranh chấp theo phương thức đàm phán song phương. Lúc đó với sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự đang có họ sẽ có được kết quả có lợi nhất cho mình. Đồng thời, Bắc Kinh luôn phản đối sự hợp tác của các quốc gia Đông Nam Á với nước ngoài  trong các dự án khai thác tài nguyên trên biển Đông.

Bên cạnh đó, các nước trong khối ASEAN chưa đạt được sự thống nhất cao trong cách giải quyết các tranh chấp, đây là cơ hội tốt để Trung Quốc chia nhỏ ASEAN.

Duy trì tranh chấp trong chiến lược "nước chảy đá mòn"

Từ lâu các nước Đông Nam Á muốn có được một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) để các tranh chấp trong khu vực không lâm vào ngõ cụt, tránh các nguy cơ xung đột. Song Trung Quốc năm lần bảy lượt trì hoãn vấn đề này. Họ chỉ đáp ứng các yêu cầu của các nước Đông Nam Á một cách nhỏ giọt. 

Mãi đến năm 2002, Tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông (DOC) mới được ký kết, và cả hai bên Trung Quốc và ASEAN mới chỉ thống nhất nâng cấp DOC thành một Bộ Quy tắc ứng xử COC có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Nhưng 9 năm trôi qua, Trung Quốc vẫn “án binh bất động”, bên cạnh đó các nước ASEAN cũng không thực đạt được sự nhất quán trong vấn đề này.

Đầu năm 2011, ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết: “Các bên đã mất quá nhiều thời gian để xem xét các nguyên tắc chỉ đạo. Nếu chúng ta tiếp tục để tình hình im lìm và bất động, nó có thể tạo ra những phức tạp không cần thiết”. Đó là cơ hội trời cho với Trung Quốc, trong lúc ASEAN chưa tìm được lối ra cho chính mình, Bắc Kinh có thêm nhiều thời gian để cũng cố yêu sách của mình trên biển Đông.

Trong thời gian qua họ liên tục tổ chức, quảng cáo  các chuyến du lịch  trên biển Đông, gia tăng các hoạt động khai thác tài nguyên trên các vùng biển tranh chấp. Nếu ASEAN không nhanh, dần dần thế giới chỉ biết đến biển Đông như là một phần của Trung Quốc.

Trung Quốc đã đệ trình lên Liên Hợp Quốc tấm bản đồ với đường “lưỡi bò”chiếm đến 80% diện tích biển Đông. Họ đưa ra những tuyên bố hết sức vô lý bất chấp sự phản đối của ASEAN. Bắc Kinh hiểu rõ tuyên bố này vi phạm công ước về Luật biển 1982, trái với tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông (DOC), đồng thời, cũng biết chắc các nước ASEAN, đặc biệt là các nước có tranh chấp với Trung Quốc về lãnh hải sẽ phản đối tới cùng yêu sách này. Điều đó có nghĩa họ không muốn kết thúc các vấn đề tranh chấp này.

Duy trì sự tranh chấp là cơ hội củng cố các yêu sách của mình. Một bên tiếp tục đưa ra yêu sách, một bên tiếp tục phản đối. Đồng nghĩa với các tranh chấp không có lối ra.

"Chia để trị"

Trong thời gian qua, Trung Quốc liên tục cũng cố và nâng tầm đối tác chiến lược với một số nước Đông Nam Á không có tranh chấp chủ quyền biển đảo với họ, đặc biệt là các nước có nền kinh tế yếu trong ASEAN.

Tháng 12/2010, trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, hai bên đã nhất trí nâng mối quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào Campuchia. Trung Quốc cũng đã nâng mối quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược với Lào. Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào các quốc gia này, nhằm trói buộc các nền kinh tế non yếu này. Trung Quốc cũng có những động thái tích cực để đẩy mạnh quan hệ song phương với Myanmar.

Theo Tạp chí Kanwa, thời gian qua Trung Quốc liên tục gia tăng bán vũ khí cho các quốc gia ĐNA, đặc biệt là các quốc gia không có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc về chủ quyền biển, đảo.

Hiện tại, Thái Lan là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực. Ngoài hợp đồng bán 2 tàu tuần tra Type-053H3, Thái Lan cũng là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mua tên lửa chống hạm C-802A tầm bắn 180km. Hai bên đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất pháo phản lực bắn loạt WS-1B. Đây là dự án hợp tác phát triển công nghệ tên lửa lớn nhất của quân đội Thái Lan. Một bạn hàng quan trọng khác của Trung Quốc ở khu vực là Myanmar, nước này có truyền thống hợp tác quân sự lâu đời với Trung Quốc. Nhiều vũ khí trong Quân đội Myanmar có nguồn gốc từ Trung Quốc như xe tăng MBT-2000, Type-69II, Type-59D, máy bay K-8, J-7, Q-5, Y-8... Với Campuchia, phần lớn các tàu chiến trong biên chế của Hải quân nước này có xuất xứ từ Trung Quốc.

Trong các cuộc mua bán, “giá cả phải chăng” là điểm mạnh để vũ khí Trung Quốc len lỏi vào Đông Nam Á, qua đó gây ảnh hưởng tới các quốc gia mua.

Hiện tại, trong khu vực, chỉ có Việt Nam, Philippines và Brunei là 3 quốc gia duy nhất Trung Quốc không xúc tiến các hợp đồng bán vũ khí lớn.

Đã đến lúc ASEAN cần phải đoàn kết hơn, thống nhất trong cách giải quyết các tranh chấp trong khu vực. Một ASEAN đoàn kết sẽ là đối trọng để giải quyết các tranh chấp trong khu vực với Trung Quốc.

Một chuyên gia nghiên cứu về biển Đông từng nói rằng “Chia nhỏ miếng bánh để mọi người cùng hưởng, còn hơn là cố giành lấy về mình để rồi mất trắng”.

Q. V.

Nguồn: baodatviet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn