Từ sàn diễn tới lòng đường

Blogger Người Buôn Gió

clip_image001

Chủ nhật ngày 12-6-2011.

Chỉ một nhóm hơn trăm người mang theo những khẩu hiệu, băng rôn bày tỏ sự phản đối Trung Quốc xâm phạm trắng trợn lãnh thổ Việt Nam, đoàn người tuần hành từ đại sứ quán Trung Quốc đi qua những phố lớn đến hồ Gươm rồi trở lại đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.

Trong đoàn có nhiều gương mặt, già trẻ, trí thức, nông dân, nam nữ thanh niên. Có cô bé đi theo cha, hai cha con giương cao lá cờ tổ quốc. Nhìn gương mặt của cô bé, thấy rõ sự hiểu biết và nhận thức về sự an nguy của tổ quốc, hành động nhịp nhàng vươn cờ cùng nhịp với khẩu hiệu đoàn người thể hiện được tấm lòng yêu đất nước xuất phát từ tận đáy lòng, trong con tim. Không phải là sự hăng hái phổi bò, hay do người khác kích động. Cô bé đi cuối đoàn người, chốc lại lau mồ hồi, chốc lại giơ cao lá cờ miệng hô Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam.

clip_image002

Nhìn cô bé đi trong đoàn tuần hành, bỗng nhớ tới những lời của nhiều người nói rằng:

- Biểu tình làm gì, có được gì đâu, chỉ gây rắc rối, bọn xấu lợi dụng, để yên cho nhà nước giải quyết.

Hoặc có người thì sỗ sàng luôn:

- Đâu phải việc của mình, việc mình là làm sao lo cho gia đình mình hàng ngày đã...

Những người không đi vào những ngày đó, và sẽ còn nhiều ngày họ không đi, thậm chí họ còn không cầm súng ngay cả khi đất nước chiến tranh. Họ có quyền lợi của họ nếu đất nước cứ mãi lầy lội trong lạm phát, trong cảnh tài nguyên đất mẹ bị bán rẻ, trong tình trạng lãnh hải chủ quyền ngày càng bị thu hẹp. Họ không đi vì họ được lợi từ những hiện trạng của đất nước như thế. Thật cay đắng khi phải nói rằng, có quá nhiều kẻ mong muốn đất nước cứ trì trệ , bạc nhược mãi để chúng trục lợi.

Nếu chiến tranh xảy ra, con em dân nghèo sẽ phải lên đường đầu tiên. Đó là quy luật, với sự an nguy của non sông, đất nước. Những người lính thường đặt vận mệnh tổ quốc lên hàng đầu, họ không bao giờ ngoái đầu so sánh với những kẻ ở tuyến sau đang ăn chơi, hay đang phè phỡn. Bởi cái tâm như thế, nên hình tượng người lính bao giờ cũng đẹp trong lòng dân tộc và cũng như trong lịch sử.

Cô bé xinh xắn, trắng trẻo kia với người cha của mình trong đoàn tuần hành không phải là người nghèo khổ. Thậm chí cô không mang vẻ thiếu thốn vật chất, trái lại còn dáng dấp của sự đầy đủ về vật chất. Người như cô và cha cô thì không thể nói có ai xúi dục, càng không thể nói vì thiếu nhận thức... chỉ có thể khẳng định một điều, những người như cô và cha cô xuống đường tuần hành, đi bộ hàng chục cây số trong nắng gắt chỉ minh chứng rằng lòng yêu đất nước lớn hơn cả những so đo, tính toán cá nhân.

Yêu nước là như vậy, là bỏ qua miệng lưỡi thế gian, bỏ qua phòng lạnh điều hòa với máy tính chơi game hay ti vi chiếu phim ăn khách. Yêu nước là làm những gì trái tim mách bảo.

Trong đoàn người ấy còn có một nữ ca sĩ trẻ, nhìn thấy cô giản dị, không son phấn, tóc búi cao, trang phục bình dân hòa với đám người tuần hành, cũng hò hét biểu lộ tinh thần yêu nước, tha thiết với non sông. Bạn nghĩ gì khi các ngôi sao ca nhạc đánh bóng mình bằng cách tạo những scandal, những lộ hàng, những quan hệ đồng tính, những câu nói gây kích thích tò mò đầy rẫy trên báo lá cải, rồi những ăn mặc, những thú chơi gây chấn động sự tò mò thấp kém của thiên hạ… ngày càng tràn lan trên mặt báo. Những con người kiếm được bộn tiền từ nhân dân, nhưng chưa bao giờ họ quan tâm đến đời sống nhân dân, vận mệnh đất nước. Họ mở miệng là cái tôi thế này, tôi thế kia, tôi là, tôi vậy...

Hiếm hoi trong muôn vàn những con công sặc sỡ, diêm dúa đầy màu mè cái tôi của riêng mình, còn có những con người trong ánh hào quang của đèn sân khấu, còn biết ngoài cái tôi của mình ra là còn biết đến đất nước mình đang ở đâu, đang thế nào. Bước từ những bộ trang phục diễn lóng lánh, ánh đèn lung linh trên sàn diễn xuống hòa mình với đoàn người tuần hành trên lòng đường Hà Nội, với bề ngoài giản dị, mấy ai nhận ra nữ ca sĩ Khánh Linh.

clip_image003

Từ sàn diễn trên sân khấu bước xuống lòng đường không phải là điều dễ dàng cho những nghệ sĩ. Nhất là trút bỏ vẻ diêm dúa của bộ cánh sặc sỡ để trở thành một công dân bình thường hòa cùng nỗi khát khao chung của dân tộc , dẫu có là nghệ sĩ tên tuổi lớn đến đâu cũng chưa dễ gì học được bài học này.

http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/26015/sao-viet-ao-mong-tang--khoe--nguc-khung.html

http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/25897/ngoc-quyen-nghich-noi-y-va--hen-ho--cau-thu-mu.html

http://vietnamnet.vn/vn/tin-nhanh/25892/sau-le-cuoi-2-ngay--vo-minh-tiep--lo--bung-bau-.html

Nhưng sự bàng quan, ích kỷ của các ngôi sao có phần đóng góp lớn của những tờ báo lớn ở Việt Nam, chuyên nhăm nhe soi mói những câu chuyện hậu trường đẩy lên mặt báo để thu hút thị hiếu tò mò của người dân. Tất cả sự tương tác qua lại giữa ngôi sao tạo ra sự kiện, báo chí lăng xê sự kiện rùm beng, người đọc hút tâm trí vào. Tất cả cái mớ bung xung này tạo thành một xã hội bát nháo về ý thức, tư tưởng. Mà xã hội như thế thì lấy đâu ra chỗ cho tinh thần dân tộc?

N. B. G.

Nguồn: nguoibuongio1972.multiply.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn