Ứng phó với chiến thuật dùng tàu dân sự quấy nhiễu của Trung Quốc

Nguyễn Đức Hùng

clip_image001

 

Ngay bên lề Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Jakarta (Indonesia) và Đối thoại Shang-ri La 10 ở Singapore, Trung Quốc đã liên tiếp cho các tàu hải giám, ngư chính và tàu đánh cá giả dạng vào quấy nhiễu và cắt cáp tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 2 và Viking 2 ngay trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bài viết này trình bày khái quát về các lực lượng tuần tra và giám sát biển của Trung Quốc và đề xuất một số biện pháp đối phó.

Các lực lượng tuần tra và giám sát biển của Trung Quốc

Dưới vỏ bọc tàu dân sự, các tàu hải giám, ngư chính, và tàu đánh bắt cá Trung Quốc ngày càng tăng cường hoạt động gây hấn và xâm phạm  sâu vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam và của các nước khác. Vụ việc tàu Bình Minh 2 (thuộcTập đoàn dầu khí Việt Nam, PVN) đang hoạt động khảo sát địa chấn ở vị trí chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 120 hải lý (khoảng 222 km) bị ba tàu hải giám Trung Quốc quấy nhiễu cắt cáp khảo sát vào ngày 26/5 chưa kịp lắng xuống và Đối thoại Shang-ri La 10 ở Singapore chưa kịp kết thúc thì ngày 9/6 tàu ngư chính và tàu đánh cá giả dạng của Trung Quốc với thiết bị cắt cáp khảo sát chuyên nghiệp đã lại quấy nhiễu và cắt cáp của tàu Viking 2, cũng thuộc PVN, đang khảo sát địa chấn ở vị trí chỉ cách mũi Vũng Tàu về phía đông nam chưa đầy 180 hải lý (khoảng 333 km), nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cả hai trường hợp này vị trí tàu bị quấy nhiễu không thuộc bất kỳ khu vực biển có tranh chấp theo UNCLOS 1982.

Vậy thực chất đội tàu hải giám và ngư chính cũng như các tàu đánh cá liên tục xâm phạm và quấy nhiễu các vùng biển của Việt Nam là những loại tàu gì và chúng hoạt động ra sao?

Đội tàu hải quân và các loại tàu tuần tra giám sát biển của Trung Quốc có thể phân chia thành các loại như sau:

1.    Lực lượng hải quân Trung Quốc (PLAN, Bộ Quốc phòng): khoảng 740 tàu các loại từ tàu ngầm, tàu sân bay và các loại tàu lớn nhỏ phục vụ cho hải quân;

2.    Hải giám (trực thuộc Cục Hải dương Quốc gia, Bộ Quốc thổ và Tài nguyên, (trực thuộc Quốc vụ viện) - thực hiện giám sát các khu vực Trung Quốc cho là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và các hoạt động khai thác tài nguyên trên biển;

3.    Ngư chính (Bộ Nông nghiệp) - quản lý các hoạt động đánh bắt cá và khai thác thủy hải sản;

4.    Cảnh sát biển (Bộ Công an) - cảnh sát tuần tra biển (liên quan đến các vấn đề dân sự);

5.    Tổng cục An toàn Hàng hải (Bộ Giao thông) - chịu trách nhiệm an toàn hàng hải, tìm kiếm và cứu nạn trên biển;

6.    Hải quan (Tổng cục Hải quan) - giám sát ngăn chặn buôn lậu, và giám sát, kiểm tra, theo dõi các vùng biển, hải phận thuộc Trung Quốc; và

7.    Các lực lượng khác - điều tra khảo sát biển (trực thuộc Bộ Giáo dục và các đại học, viện nghiên cứu).

Đội tàu thuộc lực lượng hải quân

Trước hết, đội tàu mạnh nhất và dữ tợn nhất của Trung Quốc phải kể đến là đội tàu hải quân, trực thuộc lực lượng Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN), Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Lực lượng hải quân Trung Quốc bao gồm tổng số 250 ngàn binh lính, 26 tàu phá hủy (destroyers), 50 tàu khu trục (frigates), 3 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN), tự đến 7 tàu ngầm hạt nhân không mang tên lửa đạn đạo (SSN, Ship Submersible Nuclear), 56 tàu ngầm hạng K (SSK), 58 tàu quân vụ đổ bộ, 80 tàu quân vụ ven bờ (có tên lửa), 27 tàu đổ bộ cỡ lớn, 31 tàu đổ bộ cỡ trung bình và khoảng 200 xuồng tấn công cao tốc. Ngoài ra còn có một tàu chuyên chở máy bay (airplane carrier). Tổng cộng khoảng chừng 740 tàu các loại. Một số tàu hải quân Trung Quốc được minh họa trong Hình 1. Lực lượng hải quân Trung Quốc được cho là hùng mạnh hàng thứ 2. Căn cứ hải quân (tàu ngầm) Tam Á thuộc hạm đội Nam Hải nằm ở phía đông của đảo Hải Nam[1].

Ngoài lực lượng hải quân, Trung Quốc phái đội tàu tuần tra trên Biển Đông được gọi tên bằng "5 con rồng khuấy động Biển Đông" bao gồm hải giám, ngư chính, cảnh sát biển, an toàn hàng hải và hải quan[2]. Hai đội tàu gây sóng gió cho các tàu thuyền đánh bắt cá và tàu thuyền thăm dò khảo sát khai thác tài nguyên biển Việt Nam là đội tàu hải giám và ngư chính.

Đội tàu hải giám

Đội tàu hải giám Trung Quốc trực thuộc Cục Hải dương Quốc gia (State Oceanic Adminstration, Bộ Đất đai và Tài nguyên) của Trung Quốc. Cơ quan Giám sát Hàng hải Trung Quốc (China Marine Surveillance) được thành lập vào ngày 19/10/1998. Cơ quan này có các chi nhánh rộng khắp các tỉnh thành phố ven biển Trung Quốc. Các tàu hải giám này là loại tàu bán quân sự nhằm mục đích tuần tra các vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và bờ biển của Trung Quốc. Các tàu này cũng làm nghiệm vụ bảo vệ môi trường biển, các nguồn tài nguyên, các thiết bị dẫn đường và công trình biển, khảo sát biển và trong trường hợp khẩn cấp tham gia việc tìm kiếm và cứu trợ[3]. Nếu đội tàu hải giám này hoạt động trong các vùng nước của Trung Quốc phù hợp với UNCLOS 1982 thì không có gì đáng nói, nhưng đội tàu này hoạt động ra ngoài phạm vị vùng nước phù hợp UNCLOS 1982, quấy nhiễu và cản trở các hoạt động khai thác tài nguyên biển của các nước khác.

clip_image002

Tàu hải giám 84, 1 trong 3 tàu đã cắt cáp tàu Bình Minh 2

Với sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật đóng tàu ở Trung Quốc và sự đầu tư của chính quyền nhiều cấp, đội tàu hải giám đã tăng thêm số tàu và máy bay. Tính đến năm 2008, sau 10 năm thành lập, đội tàu này đã phát triển thành đội tàu gồm 200 tàu tuần tiễu (patrol vessels) và 9 máy bay. Các tàu hải giám này có tên Trung Quốc Hải Giám + số tàu, ví dụ Trung Quốc Hải Giám 84 là tàu mới được bổ sung cho đội tàu nam hải (đóng năm 2009). Đến thời điểm 2011 đội tàu hải giám có 300 tàu (với 30 tàu có trọng tải hơn 1000 tấn) và 10 máy bay (trong đó có 4 máy bay trực thăng). Năm 2011 đội tàu hải giám này tuyển mộ thêm 1000 nhân viên mới, nâng số nhân viên làm việc lên tới trên 10 nghìn người có kỹ năng sử dụng vũ khí. Cơ quan hải giám tiếp tục tăng số tàu trong những năm tới, nhằm mục tiêu tăng thêm 36 tàu trong năm năm tới[4].

Đội tàu hải giám được phân thành 4 cấp bao gồm 3 đội tàu cấp khu vực, 10 đội tàu cấp tỉnh, 46 đội tàu cấp thành phố, và 142 đội tàu cấp quận huyện[5]. Ba đội tàu cấp khu vực bao gồm: đội tàu bắc hải (hoạt động trong các vùng biển phía đông bắc của Trung Quốc), đội tàu đông hải (hoạt động trong các vùng biển phía đông và đông nam Trung Quốc), và đội tàu nam hải (hoạt động ở vùng biển phía nam Trung Quốc - Biển Đông Việt Nam).

Đội tàu hải giám Trung Quốc bao gồm nhiều tàu phân hạng từ 500 tấn đến 4000 tấn, và một số tàu trong đội tàu này có trang bị cả máy bay trực thăng và máy bay quân sự.

Bảng 1 Thông tin về một số tàu hải giám Trung Quốc thuộc Đội tàu hải giám Nam Hải (Biển Đông)[6]

Tên, năm đóng và đội tàu trực thuộc

Thông số chính

Tàu Hải Giám 84 (2009) (Hình 1(a))

Đội tàu hải giám Nam Hải

Lượng dãn nước 1740 tấn

Chiều dài tổng thể: 88 mét

Chiều rộng: 12 mét

Mớn nước: 5.6 mét

Vận tốc: 18 hải lý/giờ

Tầm hoạt động 5000 hải lý, 40 ngày liên tục

Tàu Hải Giám 17 (2005)

Đội tàu hải giám Nam Hải

Lượng dãn nước: 1150 tấn

Chiều dài tổng thể: 73.9 mét

Chiều rộng: 10.2 mét

Tầm hoạt động: 5000 hải lý

Tàu Hải Giám 72 (1991)

Đội tàu hải giám Nam Hải

Lượng dãn nước: 898.8 tấn

Chiều dài tổng thể: 65 mét

Chiều rộng: 9.40 mét

Mớn nước: 4.5 mét

Tàu Hải Giám 75 (2010)

Đội tàu hải giám Nam Hải

Lượng dãn nước 1290 tấn

Chiều dài tổng thể: 77.39 mét

Chiều rộng: 10.4 mét

Động cơ hai kỳ, công suất 2380 mã lực

Tốc độ: 20.6 hải lý/giờ

Thuyền viên: 43

Tầm hoạt động: 5000 hải lý, 30 ngày liên tục

Tàu Hải Giám 71 (2005)

Đội tàu hải giám Nam Hải

Lượng dãn nước: 1111 tấn

Vận tốc: 16 hải lý/giờ

Tầm hoạt động: 5000 hải lý, 30 ngày liên tục

Tàu Hải Giám 83 (Hình 1(b))

Đội tàu hải giám Nam Hải

Lượng dãn nước trên 3000 tấn

clip_image003

Đội tàu ngư chính

Ngư chính là cơ quan quản lý giám đốc nghề cá thuộc các bộ phận chủ quản hành chính nghề cá của chính quyền các cấp. Cơ quan giám đốc nghề cá của Trung Quốc là Cục Ngư nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp. Cũng có địa phương đặt Ngư chính vào bộ phận thủy sản. Chức trách của Ngư chính trên biển là [7]:

  • Tổ chức quản lý cho phép việc đánh bắt cá trong vùng phụ trách;

  • Bảo hộ nguồn tài nguyên cá;

  • Kiểm tra các hành vi vi phạm pháp luật phá hoại tài nguyên cá và trật tự sản xuất nghề cá;

  • Cứu trợ các động vật dã sinh trong nước;

  • Điều tra xử lý các sự cố gây ô nhiễm vùng nước, vùng biển nuôi đánh bắt cá;

  • Phụ trách quản lý giám sát việc sản xuất sử dụng các loại thuốc dùng trong nuôi trồng thủy sản; và

  • Điều tra xử lý các tranh chấp về đánh bắt cá, duy trì trật tự sản xuất ngư nghiệp.

 

clip_image004

Đội tàu ngư chính có nhiều tàu lớn hoạt động trên nhiều vùng biển khác nhau, vừa làm nhiệm vụ giám sát và bảo vệ tàu đánh cá của Trung Quốc và các nước khác vừa làm nghiệp vụ quấy nhiễu và sử dụng tàu đánh cá trá hình với trang thiết bị phá hoại dùng để phá hoại các công trình khai thác dầu khí. Trong vụ Viking II ngày 9/6/2011, có nhiều tàu ngư chính và tàu đánh cá Trung Quốc tham gia phá rối và cắt cáp ở tọa độ cách mũi Vũng Tàu chưa đầy 200 hải lý. Trong đó có tàu Ngư Chính 311 thuộc hạng tàu 4500 tấn, là tàu hải quân thay đổi hình dáng chuyển sang làm tàu Ngư Chính năm 2006. Vận tốc tàu Ngư Chính 311 đạt tới 22 hải lý/giờ, cự ly hoạt động 8000 hải lý (Hình 3).

Cảnh sát biển (Bộ Công an) - cảnh sát tuần tra biển (liên quan đến các vấn đề dân sự);

Cảnh sát biển (Hải Cảnh) là lực lượng chấp pháp của Bộ Công an, có nhiệm vụ duy trì trị an trên biển. Trước mắt, cảnh sát biển được trang bị chủ yếu tàu tuần tra cao tốc "Báo Biển" và tàu tuần tra kiểu 218. Tàu 218 dài 41,03m; rộng 6,2m; sâu 3,4m; lượng choán nước 130 tấn, biên chế 23 người, trang bị một bộ súng máy cao xạ hai nòng 14,5mm. Tàu cao tốc "Báo Biển" HP1500 kiểu 22 dài 14,5m, máy chủ do Đức chế tạo, động cơ 1400 mã lực, chạy liên tục 220 hải lý, biên chế 6-8 người, có hệ thống định vị dẫn đường bằng vệ tinh.

Cảnh sát biển là lực lượng được chuẩn hóa quân sự nhất trong các lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc. Năm 2007, Hải quân Trung Quốc bàn giao cho cảnh sát biển hai tàu lượng choán nước 1.700 tấn: "Hải Cảnh 1002" và "Hải Cảnh 1003". Trước đó đã có "Hải Cảnh 1001" loại 1.000 tấn, những tàu này đã nâng cao năng lực chấp pháp trên biển của Trung Quốc.

clip_image005

 

Cán bộ sĩ quan chỉ huy quản lí, nhân viên kĩ thuật của Cảnh sát Biển Trung Quốc được đào tạo duy nhất tại trường Đại học chuyên ngành Cảnh sát Biển Công an - Triết Giang. Từ tháng 8-1983 trường chuyển từ Tổng bộ Vũ Cảnh về Bộ Công an trực tiếp quản lí và lãnh đạo.

Tổng cục An toàn Hàng hải

Lực lượng tổng cục An toàn Hàng hải trược thuộc Bộ Giao thông Trung Quốc chịu trách nhiệm an toàn hàng hải, tìm kiếm và cứu nạn trên biển theo quy định của IMO (Tổ chức Hàng hải Thế giới). Lực lượng thuộc Tổng cục An toàn Hàng hải chính là cảnh sát trị an trên biển, và theo tên tiếng Trung Quốc là Hải Tuần. Nhiệm vụ chủ yếu của Hải Tuần là quản lý, giám sát an toàn giao thông trên biển. Công việc chính trên biển của tổ chức này chủ yếu là phụ trách công tác an toàn cứu sinh trên biển, kiểm tra giám sát an toàn trên nước, phòng chống ô nhiễm và kiểm nghiệm tàu bè và các công trình thi công trên biển. Tàu "Hải Tuần 31" lượng choán nước 3.000 tấn là tàu hiện đại nhất thuộc lực lượng này, có nhiều chức năng tác nghiệp trên biển, trang bị máy bay trực thăng hiện đại, sự ra đời của "Hải Tuần 31" đã nâng cao năng lực cứu trợ, tuần tra an toàn giao thông trên vùng lãnh hải và vùng kinh tế đặc quyền của Trung Quốc[10]. Cho dù có nhiệm vụ như trên nhưng các tàu thuộc lực lượng an toàn hàng hải cũng phải hoạt động tuân thủ theo UNCLOS 1982.

Hải quan (Tổng cục Hải quan)

Tổng cục Hải quan Trung Quốc thuộc Quốc Vụ viện. Theo luật Hải quan, chức năng của Hải quan gồm 4 nhiệm vụ: Giám quản, thu thuế, chống buôn lậu, thống kê hải quan. Trong đó Giám quản là chức năng quan trọng của Hải quan, tiến hành giám sát và quản lý hàng hóa, vật tư, phương tiện trong xuất nhập cảnh. Thu thuế chính là thu thuế xuất nhập khẩu hải quan. Chống buôn lậu là chức năng mà Bộ Công an ủy quyền. Ở Tổng cục Hải quan có Cục Chống buôn lậu. Thống kê hải quan là việc Hải quan tiến hành thống kê tình hình xuất nhập khẩu trong từng khoảng thời gian nhất định, báo cáo các đơn vị liên quan của Nhà nước, để Nhà nước ra quyết sách về xuất nhập khẩu mậu dịch. Đối với Hải quan thì nhiệm vụ chấp pháp trên biển chính là đánh vào các hoạt động buôn lậu trên biển [11].

Các lực lượng khác

Ngoài các lực lượng kể trên, ở Trung Quốc còn có các cơ quan có tàu điều tra và nghiên cứu. Đội tàu điều tra nghiên cứu cũng góp phần đáng kể trong việc quấy nhiểu các vùng biển không thuộc Trung Quốc theo UNCLOS 1982 (Hình 6 và 7).

Như vậy cho thấy ngoài lực lượng hải quân, 5 lực lượng tuần tra giám sát biển của Trung Quốc tạo thành 5 con rồng quậy phá Biển Đông. Bảng 2 tóm tắt số tàu chính của 5 lực lượng này.

Việt Nam nên ứng phó thế nào?[12]

Như trên đã trình bày năm đội tàu tuần tra giám sát của Trung Quốc vẫn tiếp tục được củng cố và phát triển cả về số lượng tàu, nhân viên và chất lượng. Bằng việc sử dụng các tàu thuyền mang vỏ bọc dân sự, người Trung Quốc dùng thủ thuật tạo một bộ mặt hòa bình để phục vụ những mục đích bành trướng của mình đến khắp nơi trên vùng Biển Đông bắc Thái Bình Dương (Biển Nhật Bản, Biển Hoàng Hải), Biển Đông Việt Nam và sang cả Ấn Độ Dương[13]. Những quốc gia liên quan cần có những đối sách thích hợp để tránh sự bất cân xứng khi Trung Quốc lạm dụng đội tàu tuần tra và giám sát biển cho những mục đích quân sự của mình (trang bị cả AK 59, AK 81 và súng trường tự động 95).

Các đội tàu tuần tra giám sát biển (đặc biệt hải giám và ngư chính) của Trung Quốc liên tục xâm phạm các vùng biển Việt Nam và quấy nhiễu các hoạt động khai thác tài nguyên trên biển, gây thiệt hại nhiều cho Việt Nam. Do vậy Việt Nam cần có những biện pháp đối phó bao gồm cả một chiến lược dài hạn  và các biện pháp ngắn hạn. Trong phần này, các tác giả đề xuất một số biện pháp đối phó đội tàu hải giám và ngư chính trên Biển Đông nhằm bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ các nhà đầu tư và ngư dân Việt Nam hoạt động trên Biển Đông.

Bảng 2 Các tàu của 5 lực lượng tuần tra giám sát biển của Trung Quốc [14]

 

Vịnh Bắc Bộ

Biển Đông Trung Quốc

Biển Hoàng Hải

Vịnh Bột Hải

Biển Đông

Tổng số

Tàu lớn (3500 tấn)

-

4

-

-

4

8

Tàu vừa (1500 tấn)

2

6

5

1

5

19

Tàu nhỏ (500 tấn)

20

30

30

26

43

149

Thuyền nhỏ (100 tấn)

26

95

103

80

304

Tỗng số toàn bộ

480

 

clip_image006

 

clip_image007

 

clip_image008

Tăng cường tuần tra và giám sát trên Biển Đông

  • Vạch ranh giới và vẽ bản đồ ranh giới biển theo UNCLOS 1982 có các vị trí chính xác, nhanh chóng soạn thảo, bàn bạc tại Quốc Hội và nếu cần cho phép tham gia rộng rãi bên ngoài xã hội để thông qua bộ luật biển và công báo với quốc tế về các chủ trương của Việt nam về ranh giới trên biển, các khu đặc quyền kinh tế biển, phổ biến cho ngư dân khi đánh bắt cá xa bờ cũng như cho các cơ quan tổ chức và cá nhân làm kinh doanh trên biển.

  • Việt Nam cần liên tục tăng cường đội tàu tuần tra và giám sát vùng duyên hải và biển xa, đặc biệt các vùng Việt Nam tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và các khu vực Việt Nam đang khảo sát địa chấn và khai thác dầu khí. Đội tàu tuần tra và giám sát biển thực hiện các nhiệm vụ giám sát các hoạt động của tàu thuyền khác trong khu vực chủ quyền của mình cũng như trong các khu vực hợp tác quốc tế khác.

  • Thành lập một đội tàu tuần tra giám sát biển (thuộc Tổng cục biển đảoViệt Nam) tai5 đảo: Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Cù lao Chàm. Và tại các đảo này cần có thêm các tàu tốc độ cao và máy bay trực thăng, và khi cần thiết có thể huy động cả máy bay quân sự từ các sân bay quân sự trực thuộc tỉnh ven biển.

  •  

clip_image009

  • Bổ sung thêm tàu tuần tra và giám sát biển thường trực tại các vùng trọng yếu thuộc khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, các khu vực có các công trình khai thác tài nguyên trên biển, ví dụ các đảo nổi và giàn khoan dầu khí dân sự cố định.

  • Song song với việc bố trí tàu tuần tra và giám sát riêng của chính quốc gia mình, Việt Nam cần đề nghị thành lập một lực lượng có vai trò cảnh sát biển quốc tế hoặckhu vực, gồm các nước có bờ biển quanh và nhu cầu hải hành trên Biển Đông để giữ bình an cho khu vực này theo đúng luật quốc tế, và theo đúng các hiệp ước đã ký kết. Việt Nam sẽ có sĩ quan của mình làm việc đồng đẳng với các nước bạn trên những tàu tuần tra giám sát hải dương nàỵ

  • Tăng cường các đội trực thăng tìm kiếm và cứu nạn hiện có ở các tỉnh ven biển và trang bị thêm một số máy bay trực thăng có thêm chức năng giám sát và bảo vệ vùng biển ở quanh các khu vực trọng yếu mà Việt Nam đang tiến hành khảo sát và khai thác dầu khí, các khu vực có nhiều tàu thuyền đánh bắt cá Việt Nam hoạt động. Trong khả năng tài chính có thể được cần tăng cường thêm một số tàu ca nô có tốc độ cao để có thể có mặt nhanh chóng tại hiện trường có ngư thuyền gặp nạn và đang kêu cứu để giải quyết các khó khăn cho ngư dân và các doanh nghiệp đang hoạt động trên biển.

  • Cho các huyện đảo quản lý phạm vi rộng hơn kèm ranh giới tọa độ cùng với các phương tiện thông tin liên lạc đầy đủ.

  • Cần xem xét lại chiến lược phát triển các đảo, bao gồm cả các đảo trong quần đảo Trường Sa, để có thể khuyến khích và hỗ trợ các nhà kinh doanh đầu tư phát triển kinh tế trên các đảo. Việc phát triển kinh doanh trên các đảo mang lại nhiều lợi ích trong đó có lợi ích quan trọng là làm cho người dân gắn liền với đảo và ổn định cuộc sống ở trên đảo hơn, tạo ra mối quan hệ chặt chẽ với đất liền.

  • Thành lập quỹ xây dựng lực lượng giám sát biển Việt Nam. Kêu gọi các cơ quan, tổ chức và cá nhân có các hoạt động kinh doanh trên biển đóng góp thành lập quỹ xây dựng lực lượng giám sát biển Việt Nam. Quỹ này chắc chắn phải lớn vì cần phải dùng cho việc đóng tàu giám sát, thực hiện các đề tài nghiên cứu (kết hợp với việc bảo vệ các công trình trên biển), v.v.

  • Tăng cường hệ thống cảm biến từ xa, hệ thống giám sát vệ tinh, máy bay giám sát vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tàu phải có thiết bị ghi lại các sự xâm phạm vùng biển chủ quyền, quyền tài phán của Việt nam; hồ sơ hóa các vụ xâm phạm của tàu nước ngoài (nhất là các tàu hải giám, ngư chính và hải quân) để dùng cho các công bố quốc tế, đàm phán,tranh cãi, kiện tụng về sau.

Ngư dân

  • Cần có chính sách khuyến khích và bảo vệ ngư dân, đặc biệt các ngư dân đánh cá xa bờ.

  • Mỗi tàu đánh cá cần được trang bị hải đồ tổng thể có ranh giới biển theo UNCLOS 82, khi đánh cá trên biển cần xác định vị trí tàu liên tục để biết mình đang ở vùng biển nào và giữ liên lạc với các tàu tuần duyên và giám sát biển của Việt Nam. Nếu gặp tàu tuần tra, tàu hải giám và tàu ngư chính của Trung Quốc thì trước hết cần liên lạc và thông báo vị trí của mình cho các tàu tuần duyên và giảm sát biển của Việt Nam, nếu nhân viên các tàu này tràn lên tàu mình thì chỉ cho họ bản đồ ranh giới biển và khẳng định rằng vị trí đánh bắt cá đó vẫn thuộc về Việt Nam.

  • Khi ra biển tập cho ngư dân đi theo từng đội, có tổ chức và có đủ thiết bị vô tuyến liên lạc với nhau và các đội tuần tra biển Việt Nam.

  • Cần tổ chức các đội tàu thuyền đánh cá có một tàu mẹ (tàu lớn) có nhiệm vụ cung cấp kỹ thuật đánh bắt cá, thông báo ngư trường, giữ liên lạc với các tàu thuyển tuần duyên, cảnh sát biển Việt Nam, thông báo thông tin về bão cũng như sự xâm nhập của các tàu thuyền nước ngoài vào khu vực đánh bắt cá thuộc chủ quyền Việt Nam.

  • Cần tăng cường các biện pháp an toàn cho ngư dân Việt Nam. Khuyến khích ngư dân trang bị đồ dùng an toàn cá nhân (áo phao) khi làm việc trên biển, lắp đặt đầy đủ trang thiết bị an toàn và thông tin hàng hải,lắp đặt radar trên các tàu đánh bắt cá, hoặc trong một đội tàu đánh bắt cá cần có một vài tàu có radar quan sát các tàu mục tiêu lạ xuất hiện để có thể thông tin và có biện pháp xử lý kịp thời.

Kết luận

Ngoài lực lượng hải quân, năm đội tàu tuần tra giám sát biển của Trung Quốc là năm lực lượng hùng hậu hoạt động rộng khắp trên các vùng biển phía tây Thái Bình Dương. Các đội tàu tuần tra giám sát này thuộc dạng tàu bán quân sự giả danh tàu dân sự, có trang bị vũ khí và đội thuyền viên biết sử dụng vũ khí thành thạo nhằm xâm phạm các vùng biển, quấy nhiễu các hoạt động khai thác tài nguyên và phá hoại các công trình thiết bị trên biển của các nước khác.

Qua các hoạt động của các đội tàu tuần tra giám sát biển của Trung Quốc, chúng ta thấy rằng Trung Quốc sẽ tiếp sẽ tiếp tục cho nhiều loại tàu giả dạng tàu dân sự xâm phạm sâu vào vùng biển của Việt Nam, gây hấn và gây thiệt hại cho Việt Nam. Việt Nam cần có những biện pháp đối phó phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích cho các công ty khai thác dầu khí, các công ty Việt Nam và nước ngoài đầu tư trên Biển Đông, và bảo vệ ngư dân Việt Nam đánh bắt cá và khai thác thủy hải sản trên Biển Đông.

N. Đ. H.

Nguồn: Tuanvietnam.vietnamnet.vn


[1] http://giaoduc.net.vn/quoc-te/43-tu-lieu/4182-tim-hiu-cn-c-tau-ngm-bi-mt-nht-ca-hi-quan-trung-quc.html

[2] Lyle J. Goldstein, L.J. Five Dragons Stirring up the Sea http://www.andrewerickson.com/wp-content/uploads/2010/05/China-Maritime-Study-5_China-Coast-Guard_Goldstein_2010-04_Color-Version.pdf or www.usnwc.edu/Research---Gaming/China-Maritime-Studies-Institute.aspx

[3] http://www.chinadaily.com.cn/china/2011-05/02/content_12429245.htm

[4] http://ph.news.yahoo.com/chinas-maritime-surveillance-forces-expand-meet-challenges-082002933.html

[5] http://blog.zaq.ne.jp/blueocean/article/695/

[6] http://www.seasfoundation.org/research-documents/others/1056-i-tu-tu-hi-giam-trung-quc-va-bin-phap-i-pho

[7] Theo Nguyễn Ngọc Điệp, Báo "Biên Phòng Việt Nam", 2009.

[8] Theo Nguyễn Ngọc Điệp, Báo "Biên Phòng Việt Nam", 2009.

[9] http://blog.zaq.ne.jp/blueocean/article/461/

[10] Theo Nguyễn Ngọc Điệp, Báo "Biên Phòng Việt Nam", 2009.

[11] Theo Nguyễn Ngọc Điệp, Báo "Biên Phòng Việt Nam", 2009.

[12] http://www.seasfoundation.org/research-documents/others/1056-i-tu-tu-hi-giam-trung-quc-va-bin-phap-i-pho

[13] http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-04-chien-luoc-chuoi-ngoc-trai-va-viec-bao-ve-chu-quyen-vn-tren-bien-dong

[14] Lyle J. Goldstein, L.J. Five Dragons Stirring up the Sea

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn