Vấn đề của GD Việt Nam: Trường sư phạm phải là trường nghiệp vụ (*)

Ngày đăng: 2011-06-07 23:10:33
Lượt xem: 16

Ý tưởng về một trường sư phạm phải là trường dạy nghề không có gì mới. Hồ Ngọc Đại là người đầu tiên ở Việt Nam đã nói điều đó ở đúng chương mở đầu cuốn sách Bài học là gì? (NXB Giáo dục, Hà Nội, 1986, 2010). Chương sách đó có tên "Vẫn chưa có trường sư phạm", và chỉ riêng cái vẻ như "nói không với thành tích sư phạm" như thế đã đủ để gây nên biết bao tranh cãi một thời.

Nói cho công bằng, có những phản ứng lại với nhận xét của Hồ Ngọc Đại cũng là chính đáng thôi. Vì trong năm sáu chục năm, những điều ngành Giáo dục đã gây dựng được trong ngạch sư phạm thật quá to lớn. Bây giờ đây, hình như chúng ta đã có tới trên dưới một trăm trường sư phạm. Nhưng mừng cho thành tựu to lớn đó về số lượng thì cũng lo cho nó về chất lượng. Chỉ một chi tiết sau đủ nói nhiều điều. Đã biết bao nhiêu năm, ngành Giáo dục có một câu nói đi nói lại như thành khẩu hiệu "Sư phạm đi trước một bước". Thế nhưng, đã có khi nào sư phạm đi trước được một bước? Và nếu có đi trước, thì cái "bước" ấy là bước gì và cách đi của cái "bước" ấy như thế nào?

Nói tới vấn đề đào tạo sư phạm, chúng ta đứng trước ít nhất một vấn đề kép: nội dung đào tạo sư phạm và cách thức triển khai nội dung đào tạo sư phạm ấy.

Có lẽ ta có thể lần tìm một vài chỉ dẫn là những văn bản gốc của ngành Giáo dục. Chẳng hạn, ta có quyết định 2493-GD-DT ngày 25-7-1995, ban hành Mục tiêu, kế hoạch, chương trình cao đẳng sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học và các tài liệu ban hành kèm. Cạnh đó, ta cũng có quyết định 3049-GD-DT ngày 1-9-1995, ban hành Mục tiêu, kế hoạch, khung chương trình đào tạo giáo viên tiểu học lên trình độ cao đẳng sư phạm và các tài liệu ban hành kèm.

Một số bộ sách gốc đã được hội đồng thẩm định sách của  Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu làm sách dùng chung cho các trường cao đẳng sư phạm toàn quốc.

Trong các quy đinh về mục tiêu đào tạo sư phạm nói trên, ta bắt gặp, chẳng hạn, nhiều điều cần dừng lại suy nghĩ:

  • Quy định "về văn hoá và khoa học: trang bị một cách có hệ thống và rộng những tri thức các môn văn hoá-khoa học (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhân văn, nghệ thuật...) liên quan đến các môn học và hoạt động ở tiểu học".

  • Quan niệm "chính quy hoá" bằng các quy định trong chương trình sư phạm phải dạy những cái được coi là chung nhất hoặc được xem là vừa chung nhất vừa có tính nâng cao, được coi như là toàn diện nhưng bước đầu có chuyên sâu.

  • Yêu cầu cho giáo sinh học những "khái quát nghệ thuật âm nhạc thế giới", "giới thiệu và nghe tác phẩm một số nhạc sĩ tiêu biểu như J. S. Bach, Mô-Da, Bê-Hô-Ven, Su-Be, Sô-Panh, Tsai-Cốp-Xki"..., học các "khuynh hướng âm nhạc hiện đại (jazz, pop, rock)", và "nhạc phi điệu tính"! Phần chương trình mỹ thuật dự kiến cho học "Lịch sử mỹ thuật Việt nam và thế giới", "đi sâu vào giới thiệu danh hoạ và tác phẩm tiêu biểu của một số khuynh hướng nghệ thuật", "phân tích tác phẩm hội hoạ và điêu khắc", v.v...

  • Nhìn xa vào tương lai, còn có chỉ dẫn đào tạo năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực tự tổng kết kinh nghiệm và năng lực tự chọn phương pháp giáo dục thích hợp nhất.

Nghĩ rằng người Việt Nam đương thời, trước hết là các nhà giáo dục tự thấy trách nhiệm "đàn anh" của mình, xin hãy bắt tay tổ chức lại ngạch sư phạm, hãy chấp nhận lời phê phán "Vẫn chưa có trường sư phạm" và - xin lỗi, cho tôi, một người ngoại đạo được gợi ý - hãy tổ chức lại công việc đào tạo giáo viên một cách năng động

Thật khó tìm dùng lời lẽ nào để khen hoặc phê phán những quy định mang tính pháp quy của Nhà nước như thế! Quy định mang động cơ tổ chức một nền sư phạm được đào tạo để dần dần thành chính quy, chấm dứt tình trạng "sư phạm gốc tre, sư phạm gốc mít" như lời nói đùa của một vị lãnh đạo ngành Giáo dục nhiều năm trước đây.

Quy định cẩn thận và kỹ đến vậy, mà cái ông Hồ Ngọc Đại cứ la to lên "vẫn chưa có trường sư phạm". Ô hay? Sao vậy?

Có lẽ lại nên tìm thêm nguyên nhân trong nội dung giáo trình giảng dạy chăng? Thử lần tìm vào các cuốn sách đã qua một hội đồng nào đó thẩm định chăng? Vậy thì, trước hết nên lần mò vào nội dung quan trọng của trường sư phạm, ấy là Tâm lý học. Vâng, thì ta có đây tác phẩm vô cùng kinh điển vì cái tên của nó đã vô cùng kinh điển rồi: Nhập môn Tâm lí học. Tác giả sách này rất có ý thức mình là nhà tâm lí học đầu ngành của nước Nam ta. Sách được tái bản rất nhiều lần. Tác giả mới ngày nào còn là nhà tâm lý học non trẻ, hơn hai chục năm gần đây đã được phong tước Viện sĩ Hàn lâm khoa học chính trị Nga (1999).

Mở một trang bất kì để con người được tỉnh táo, ta bắt gặp những điều tác giả viết về nhà tâm lý học Mỹ theo thuyết hành vi, ông trùm B.F.Skinner:

"Cũng giống như hầu hết các nhà hành vi khác, Skinner đem tất cả các kết luận rút ra từ các công trình nghiên cứu trên động vật (chuột, bồ câu) vận dụng vào lí giải tâm lí của con người. Có lẽ trong những điều kiện nào đó, hoàn cảnh của con người ở xã hội Mỹ đã đưa các nhà khoa học tới cách suy nghĩ, cách nghiên cứu như vậy chăng" (Sách vừa dẫn, trang 60).

Giáo sinh sư phạm, bỡ ngỡ vào đời, rõ là vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay! Và ta có thể phân vân tự hỏi: có bao nhiêu sinh viên sư phạm tốt nghiệp từng cùng  giáo sư tâm lý học làm lại dù chỉ một thí nghiệm của Jean Piaget về thao tác tư duy của trẻ em? Có bao nhiêu thày trò cùng tiến hành những nghiên cứu thực chứng về sự hình thành tư duy con trẻ để thấy đầu óc trẻ em Việt Nam có đặc điểm gì khác những điều đã được Piaget phác họa ra từ những năm 1920? Và đã có ai phác họa một tiến trình phát triển tâm lý học mô tả hành trình nó đi từ siêu hình sang thực nghiệm, từ thực nghiệm trên trẻ em khuyết tật sang thực nghiệm trên trẻ em bình thường, từ thực nghiệm trên diện hẹp sang thực nghiệm diện rộng (trên động vật) để vào năm 1910 qua Edward Thorndike (Hoa Kỳ) khoa Tâm lý học đã ra được tuyên ngôn "Về đóng góp của tâm lý học cho Giáo dục"...? Và đã có những công trình nào để cho sinh viên sư phạm thấy tâm lý học đã không dừng lại chỉ ở Piaget mà đã vươn tới những miền xa cảnh đẹp nào khác nữa chẳng hạn như với V. V. Davydov (Nga), Hồ Ngọc Đại (Việt Nam) và Howard Gardner (Hoa Kỳ)?

Nghĩ rằng người Việt Nam đương thời, trước hết là các nhà giáo dục tự thấy trách nhiệm "đàn anh" của mình, xin hãy bắt tay tổ chức lại ngạch sư phạm, hãy chấp nhận lời phê phán "Vẫn chưa có trường sư phạm" và - xin lỗi, cho tôi, một người ngoại đạo được gợi ý - hãy tổ chức lại công việc đào tạo giáo viên một cách năng động (dynamic) như công thức này:

Cấu trúc một vòng đào tạo sư phạm

clip_image001

Trên mô hình cấu trúc một vòng đào tạo sư phạm này,

A là công việc nghiên cứu trẻ em trên thực nghiệm,

B là đưa kết quả nghiên cứu thực nghiệm vào trường sư phạm và

C là "trao cho" giáo sinh sư phạm (đào tạo mới) và

giáo viên cũ (bồi dưỡng) áp dụng ra đại trà.

Trong thực tiễn động của cuộc sống, trẻ em thay đổi, thì "vòng tròn" trên phải thay đổi theo. Do đó, ta có thể thấy ba công việc trong một cấu trúc A B C đó diễn ra trên đường thẳng (trục thời gian D1, D2, D3) như sau:

clip_image003

Còn đây là điều quan trọng cuối cùng trong chu trình đào tạo sư phạm nêu trên: Nội dung học tập của giáo sinh (đào tạo mới) sẽ hoàn toàn là học nghề gồm chủ yếu 3 nội dung sau:

  1. Học cách làm việc trên lớp với trẻ em, hướng dẫn các em thực hiện các thao tác học khi các em làm lại những sách giáo khoa đã hình thành qua thực nghiệm. Về khái niệm "làm lại sách giáo khoa", xin tham khảo "Những hình thái khác nhau của sách giáo khoa" tại đây.

  2. Học về lý thuyết để hiểu tại sao lại có những nội dung thành sách giáo khoa đó và tại sao lại có cách thực hiện bằng các thao tác học do chính trẻ em thực hiện như thế.

  3. Học cách ghi lại nhật ký nhà giáo để thu thập số liệu đóng góp với bộ phận thực nghiệm về những khác biệt và thay đổi ở học sinh - không hạn chế các công trình nghiên cứu dựa trên các số liệu đó.

Tất cả những điều vừa trình bày trên đây lẽ ra đã được hệ thống Công nghệ Giáo dục triển khai trong thực tiễn. Lẽ ra, điều mong ước "Sư phạm đi trước một bước" đã có thể thành hiện thực. Tiếc rằng hệ thống Công nghệ Giáo dục đã không được phép tồn tại trong tư cách một hệ thống nghiên cứu khoa học giáo dục đầy trách nhiệm. Thái độ khôn ngoan nhất bây giờ là ngừng bàn chuyện cao siêu vô căn cứ về "tiềm năng con người" này nọ! Hãy khiêm tốn làm lại từ đầu, để từng bước tạo ra hệ thống trường sư phạm đúng là một trường học nghề.

Phạm Toàn

(*) đây là tựa gốc. Tựa do TuanVietnam đặt lại là "Vấn đề của Giáo dục VN: "Nói không" với trường sư phạm?"

Đã đăng TuanVietnam và trang www.hiendai.edu.vn

hiendai.edu.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn