Về việc VTV định phát sóng phim Đường tới thành Thăng Long, GS Lê Văn Lan: Tôi kịch liệt phản đối

clip_image001

 

Phát sóng “Đường tới thành Thăng Long” trên kênh quốc gia, lợi hay hại?.

 

TP - Tin VTV dự định phát sóng bộ phim dài tập Lý Công Uẩn- đường tới thành Thăng Long từ 30-6 đang gây xôn xao dư luận. Cũng có ý kiến cho rằng cần chiếu rộng rãi, mới biết hay dở, để có cơ sở khen chê. Rộng đường dư luận, Tiền Phong đưa ý kiến của GS sử học Lê Văn Lan, người đã có dịp xem phim này.

Thưa GS, vì sao ông phản đối việc phát sóng rộng rãi bộ phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” thời điểm này?

Không chỉ thời điểm này. Nhưng càng trong thời điểm này, thì càng rõ một vấn đề cơ bản qua các thời điểm là: Thực tế không như công văn của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) gửi Đài TH Việt Nam ngày 15-3-2011 cho rằng “phim này chuyển tải cho người xem biết và tự hào về một giai đoạn lịch sử của nước ta”. Qua tất cả các thời điểm, tôi đều không thể tự hào về cách người ta đưa giai đoạn lịch sử của nước ta lên phim như thế này.

Được biết tên của giáo sư có trong danh sách cố vấn cho bộ phim mà chưa được phép của ông?

Ở lần xem thứ nhất, khi thấy tên tôi trên giê-nê-ríc, đề là cố vấn lịch sử, tôi đã trực tiếp phản đối với ông Trịnh Thanh Sơn, Giám đốc hãng Trường Thành, đơn vị sản xuất phim này. Đồng thời tôi viết hai bài báo nói rõ chuyện đó, rằng tôi có được biết phim làm lúc nào và làm ở đâu để mà nhận việc cố vấn.

Thưa, vậy đến nay tên của giáo sư có còn trên giê-nê-ric?

Họ vẫn đề tên tôi với tư cách Người tu chỉnh kịch bản. Đáng tiếc, những điều tôi đề nghị tu chỉnh thì họ không tiếp thu.

Giáo sư có thể giải thích rõ vì sao không nên chiếu bộ phim này?

Thứ nhất, sự thật không như công văn của Bộ VHTTDL đã viết: “Về cơ bản, tinh thần lịch sử trong phim được tôn trọng”. Xin nêu ví dụ: Cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất (980 - 981) là niềm tự hào của tất cả những người Việt chân chính, nhưng phim lại chỉ nói về cuộc kháng chiến này dưới dạng một trận đánh ở một ngọn núi ất ơ nào đó tên là núi Chu Tước. Ở lần xem phim thứ nhất, tôi xem thấy trận đánh này diễn ra cảnh Thiền sư Vạn Hạnh khuyên và trao cẩm nang cho anh hùng dân tộc Lê Hoàn, nói rằng: “Không cần đánh! Giặc sẽ tự tan”. Và trên phim, vai Lê Hoàn còn ra lệnh: “Kẻ nào bàn đánh, chém!”.

Đến lần xem phim thứ hai và thứ ba (tức là lần duyệt cuối), sau ý kiến phản đối kịch liệt của tôi, họ đã sửa lại nhưng vẫn kéo toàn bộ cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc thời đó vẫn vào trận núi Chu Tước ất ơ ấy. Lại còn cho ông Vạn Hạnh đón đường hành quân ra trận của ông Lê Hoàn và khuyên: “Chớ sát sinh nhiều”. Vai diễn Lê Hoàn thì thể hiện sự băn khoăn về lời khuyên trận mạc này.

Nói chung, tinh thần và cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta oanh liệt là thế, nhưng Đường tới thành Thăng Long thể hiện rất mờ nhạt, chủ yếu là đấu đá, sát phạt nội bộ, chém giết, được tô đậm bằng những trường đoạn rất rùng rợn. Có nhân vật Hạng Lang sau khi đánh nhau với anh ruột là Đinh Liễn, đã chết với những mũi chông cắm xuyên từ gáy sang bên mặt, rất rùng rợn.

Lê Hoàn- nhân vật lịch sử chính của giai đoạn này thể hiện như thế nào trong phim, thưa giáo sư?

Mọi người Việt Nam chân chính đều hiểu và tôn vinh Lê Hoàn là anh hùng dân tộc. Hơn nữa, đây là nhà thủy lợi đầu tiên với việc đào kênh nhà Lê, bây giờ còn sử dụng. Trong phim, Lê Hoàn hiện ra như một ông vua có lối sống xa xỉ, chỉ biết bắt dân xây dựng vườn ngự uyển, không cần biết đến những lời can gián, thậm chí còn trừng phạt Lý Công Uẩn vì dám ngăn vua xây dựng những công trình phục vụ cho việc ăn chơi xa hoa.

Lê Hoàn còn hiện ra như một ông vua nhu nhược, đi kinh lý thì để cho giặc cỏ bắt được. Rồi sa thải các trung thần. Tóm lại, một ông vua không đúng như lịch sử đã ghi chép và các nhà sử học xưa nay đã nhận định và tôn vinh.

Còn những nhân vật lịch sử khác? Thái hậu Dương Vân Nga chẳng hạn?

Tôi và một số nhà nghiên cứu đang được dòng tộc họ Dương mời làm hội thảo khoa học về các nhân vật họ Dương trong lịch sử. Tôi sợ rằng dòng tộc họ Dương sẽ có thái độ phản kháng dữ dội khi phim này được chiếu trên sóng truyền hình quốc gia với hình tượng Dương Vân Nga ủy mị, sướt mướt, treo cổ tự tử khi được Lê Hoàn tỏ tình. Trong khi chính sử chép bà là người thông tuệ sắc sảo và quyết đoán trong những tình huống cam go.

Chi hậu Đào Cam Mộc hiện lên trong phim, từ đầu chí cuối là một ông tướng võ biền, cha của một ông tướng trẻ khác, cũng chỉ suốt ngày đòi thách đấu với Lý Công Uẩn. Khi được giao việc hộ vệ Lê Đại Hành tuần du thì lại ngơ ngẩn, sơ suất, để cho vua của mình bị giặc cỏ bắt sống. Trong khi đó, mọi người đều biết Đào Cam Mộc là quan Chi hậu, tức là người quản mọi việc trong nội cung, và quan văn.

Tóm lại, những nhân vật lịch sử trong phim đều bị bóp méo làm cho sai lệch đi. Điều này rất nguy hiểm, không chỉ vì nó là xuyên tạc lịch sử trong một tác phẩm nghệ thuật mà hơn thế, qua đây, việc giáo dục truyền thống anh hùng của dân tộc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

clip_image002

GS sử học Lê Văn Lan.

Các sự kiện lịch sử quan trọng trong giai đoạn này thì sao?

Một sự kiện quan trọng bậc nhất là Thái tổ Lý Công Uẩn lên ngôi. Phim này không chỉ gọi lên ngôi là “đăng cơ” (từ của phim Trung Quốc hoàn toàn). Rành rành sử viết Lý Công Uẩn lên ngôi ở Hoa Lư, được triều đình đồng thuận, nhưng trên phim thì Lý Công Uẩn lên ngôi ở một ngôi chùa Trung Quốc!

Trang phục của phim là đề tài được bàn luận nhiều. Cụ thể trang phục của Lý Công Uẩn ra sao?

Không chỉ trang phục của nhà vua mà của văn võ bá quan và trăm họ đều rất Trung Quốc. Rồi thì cảnh chùa chiền, cung điện, nhà cửa, ngựa xe, binh khí cũng đều rất Trung Quốc.

Tóm lại đó là những cảnh trên phim, ở lần duyệt cuối cùng phải không ạ? Và khán giả sẽ được xem đúng như thế?

Vâng! Đúng thế. Chính vì thế tôi mới kiên quyết phản đối việc chiếu bộ phim này ở các rạp và trên sóng truyền hình quốc gia cũng như các đài địa phương. Tôi tin chắc rằng mọi người cũng như tôi, không thể “tự hào” về mình và tổ tiên của mình, ở một giai đoạn lịch sử quan trọng mà lại được làm “rất Trung Quốc” như thế này.

Nguyễn Xuân Diện

Nguồn: http://www.tienphong.vn/Van-Hoa/540815/Toi-kich-liet-phan-doi.html

Phụ lục:

Chưa phát sóng "phim Trung Quốc nói tiếng Việt"

Chiều 8/6, trả lời về việc VTV có phát sóng bộ phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long vào ngày 30/6 tới như đã thông báo trên lịch phát sóng phim được đăng trên Tvad- Trung tâm Quảng cáo và dịch vụ truyền hình, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, ông Trần Bình Minh khẳng định: Phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long sẽ phát sóng vào thời điểm khác.

Song ông Trần Bình Minh cũng khẳng định, thông tin về ngày chiếu chiếu phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long vào cuối tháng 6 trên VTV là kế hoạch từ trước, báo SGGP thông tin.

Trước đó, sau thời gian dài "đắp chiếu", qua 3 lần chỉnh sửa và lỡ hẹn với dịp Đại lễ, theo kế hoạch, "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" lên sóng VTV3 vào khung giờ vàng (21h), bắt đầu từ ngày 30/6 thay cho bộ phim Huyền sử thiên đô.

Cảnh trong phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long trước khi chỉnh sửa ảnh do đoàn phim cung cấp.

Bộ phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long dài 19 tập. Ngay sau khi phát đi những đoạn giới thiệu ngắn về phim này trên mạng, đã có nhiều ý kiến phản hồi về tính không thuần Việt của bộ phim này. Sau đó, phim đã bị Hội đồng duyệt phim Quốc gia “thổi còi”.

Cụ thể, đa số cảnh quay thực hiện ở Trung Quốc nên Thái Tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long dễ gây cho người xem cảm giác đây là bộ phim truyền hình Trung Quốc.

Cục Điện ảnh cho rằng, một số chi tiết trong phim cần tái hiện đúng với lịch sử, tránh mang dáng dấp dã sử Trung Quốc. Những cảnh quay tại các địa danh quá quen thuộc của nước này hay những đại cảnh có đông diễn viên quần chúng là người Trung Quốc tham gia bị yêu cầu cắt bỏ. Ngoài ra, Cục cũng đề nghị đơn vị sản xuất chỉnh sửa lại những lời thoại hoặc quá hiện đại hoặc mang màu sắc phim dã sử Trung Quốc...

Theo Cục Điện ảnh, phim còn có nhiều chi tiết chưa phản ánh đúng lịch sử như việc Lê Hoàn lên ngôi; địa danh diễn ra sự kiện Lê Hoàn đánh đuổi quân Tống (tại sông Bạch Đằng - Tây Kết chứ không phải núi Chu Tước như trong phim); chuyện con Lý Công Uẩn sau này sẽ thi đỗ Trạng nguyên (vì thời đó chưa có Trạng Nguyên); cảnh Lý Công Uẩn đứng trên núi cao nhưng lại bảo đây là thành Đại La...

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, thành viên Hội đồng thẩm định nhận định: “Đây là một bộ phim Trung Quốc, không có gì để tranh cãi. Đạo diễn Trung Quốc, biên kịch Trung Quốc”.

Tóm tắt nội dung phim

Giữa thế kỷ thứ 10 sau công nguyên, 12 thế lực phong kiến cát cứ tranh giành quyền lực, tàn sát lẫn nhau. Giữa cảnh loạn lạc ấy, Đinh Bộ Lĩnh (Đại Thắng Minh hoàng đế), vốn xuất thân từ một chú bé chăn trâu, đã liên tiếp bình định 12 sứ quân, lập nên nhà nước Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư.

Thế nhưng, cuộc nội loạn tranh giành ngôi báu dẫn đến cơ nghiệp của nhà Đinh không được dài lâu. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn (Đại Hành Hoàng đế) từ đây mang trọng trách gánh vác giang sơn, đưa đất nước thoát khỏi cơn nguy khốn. Triều Tiền Lê theo đó được sáng lập.

Sau khi đăng cơ, Lê Hoàn trong bình nội loạn ngoài chống ngoại xâm, chỉnh đốn triều chính, khuyến khích canh nông, xã hội đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nhưng đến khi thái tử Lê Long Việt kế thừa ngôi báu, thảm cảnh triều Đinh lại lặp lại. Hoàng tử thứ năm Lê Long Đĩnh sau khi cướp được đế vị lại thi hành nhiều chính sách tàn bạo đẩy nhân dân vào cảnh lầm than.

Thái tổ hoàng đế Lý Công Uẩn thấm nhuần trí tuệ của Đức Phật, văn võ song toàn, trong thời khắc đất nước nguy nan đã lên ngôi hoàng đế, lập nên triều Lý. Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên thành Thành Thăng Long (nay là Hà Nội), mở ra một trang sử mới cho dân tộc.

Bắc Lưu (Tổng hợp)

Nguồn: bee.net.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn