Bình tĩnh trong cơn sóng gió

Chua Chin Hon

Trưởng văn phòng The Straits Times tại Mỹ

(Tempering tempers in a storm, The Straits Times Singapore, July 4, 2011)

Mỹ có khả năng sẽ tránh xa việc xung đột trực tiếp với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.

WASHINGTON – Khi các quan chức, các nhà ngoại giao Đông Nam Á công du đến thủ đô nước Mỹ để thương thuyết, như thành thông lệ, họ thường rất kín tiếng và tránh tiếp xúc với báo chí.

Nhưng tình hình thay đổi ngược lại thông lệ nói trên khi các quan chức Việt Nam và Philippines đến Washington trong tháng vừa qua.

Trong suốt các chuyến công du dồn dập, các đại diện cấp cao của cả hai nước đã tiến hành hàng loạt cuộc gặp với các cố vấn Nhà Trắng, các nhà ngoại giao cấp cao, các quan chức quân sự, các nhà làm luật và các tổng biên tập báo chí Mỹ, trong nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn của Mỹ trong cuộc tranh chấp chủ quyền căng thẳng trên Biển Đông.  

Đặc biệt, họ cũng không quên công khai bày tỏ sự bất bình đối với Trung Quốc, nước yêu sách chủ quyền lớn nhất trong vùng biển tranh chấp.

Đơn cử sau cuộc đối thoại thường niên Chính trị - An ninh - Quốc phòng vào ngày 17/6, Mỹ và Việt Nam đã ra tuyên bố chung mô tả những diễn biến gần đây trên Biển Đông là “đáng lo ngại”, và kêu gọi các tranh chấp phải được giải quyết “mà không có sự ép buộc hoặc dùng vũ lực”, một lối nói bóng gió ám chỉ các hoạt động gây hấn của Trung Quốc trong khu vực. 

Tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã tố cáo, kể từ tháng Hai, các tàu Trung Quốc đã chín lần xâm nhập vào vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền, và tuyên bố các lực lượng vũ trang Philippines “đã được chuẩn bị sẵn và sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đương đầu với bất kỳ hành động gây hấn nào trong khu vực sân sau của chúng tôi”.

“Những gì thuộc về chủ quyền của chúng tôi thì vẫn là của chúng tôi, và những gì đang tranh chấp thì có thể đưa ra đàm phán”, ông Rosario nhấn mạnh.

Theo các nhà phân tích Mỹ, sách lược của Việt Nam và Philippines tại Washington rất đáng ngạc nhiên, thể hiện cuộc khẩu chiến với Bắc Kinh xung quanh căng thẳng đang leo thang trên biển Đông. 

“Nếu bạn đang lớn tiếng với một con khỉ đột nặng 800 pound, bạn phải làm cho nó nghĩ rằng phía bạn đang có một con khỉ đột nặng tới 1.600 pound”, ông Ralph Cossa, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương của CSIS, một trung tâm nghiên cứu chiến lược tại Hawaii, ví von.

Thực vậy, các quan chức cao cấp như bà Clinton đã phát biểu công khai và tái cam đoan mạnh mẽ. Nhưng sự ủng hộ mạnh mẽ nhất, dứt khoát nhất dành cho Việt Nam và Philippines lại đến từ các nhà làm luật Mỹ.

Chẳng hạn, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua một nghị quyết không mang tính ràng buộc, chỉ trích việc Trung Quốc sử dụng vũ lực trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Các nhà làm luật có ảnh hưởng đến các vấn đề an ninh - quân sự, như Thượng nghị sĩ John McCain và Jim Webb, cũng kêu gọi Mỹ cần ủng hộ nhiều hơn về mặt chính trị và quân sự cho các quốc gia Đông Nam Á, để các nước này có thể đương đầu tốt hơn với áp lực của Trung Quốc.

Vậy liệu Mỹ sẽ có thái độ cứng rắn hơn về vấn đề Biển Đông, đặc biệt tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) sắp đến? Tại diễn đàn AFR năm ngoái, Mỹ đã lần đầu tiên lớn tiếng trong chủ đề tranh chấp lãnh hải, qua tuyên bố của bà Clinton rằng Mỹ có “lợi ích quốc gia” trong vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông.

Ông Cossa cho biết, ông không kỳ vọng Mỹ sẽ có những lời lẽ đối đầu tại Hội nghị ARF sắp đến, và lưu ý rằng phía chính quyền Mỹ đã xác định lập trường với Bắc Kinh, và Mỹ sẽ không “làm muối mặt” Trung Quốc một lần nữa.

Một vài nhà quan sát Đông Nam Á tại Washington đã chia sẻ nhận định trên, và ở chổ riêng tư, họ cũng khuyên không nên có những hy vọng thiếu thực tế về việc có thêm phản ứng cứng rắn từ chính quyền Obama.

Trước hết, chính quyền Mỹ phải coi trọng lợi ích của Mỹ qua việc phát triển hơn nữa quan hệ Mỹ-Trung. Trong lúc có thể không hài lòng với thái độ của Trung Quốc trên Biển Đông, chính quyền Mỹ vẫn cần sự hợp tác của Bắc Kinh trong việc đứng ra giải quyết hầu hết các vấn đề quốc tế, như vấn đề Iran và Bắc Triều Tiên. 

Một nhà ngoại giao cho biết, trong năm qua, các cố vấn cao cấp của Nhà Trắng đã tốn nhiều thời gian để hàn gắn quan hệ ngoại giao và quân sự với Bắc Kinh, vốn bị căng thẳng theo sau những đấu khẩu giữa hai nước xung quanh việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, cũng như vụ Google bị hacker tấn công. Điều đó cho thấy, Mỹ sẽ khó có thể chịu vứt bỏ mọi nỗ lực nói trên một cách dễ dàng đến thế, nhà ngoại giao này nhận định.

Và điều quan trọng hơn, vẫn còn những câu hỏi chưa thể trả lời là liệu Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc có thật sự cùng quan điểm về vấn đề Biển Đông hay không, bất chấp những lời phát biểu bảy tỏ ủng hộ từ hành lang những cơ quan quyền lực tại Washington.

Như đã thấy qua sự bất đồng chính sách sâu sắc về vấn đề Afghanistan và Libya, nhóm bộ ba hàng đầu về chính sách đối ngoại của Mỹ thường có ý kiến rất khác nhau về việc sử dụng sức mạnh quân sự, cũng như đánh giá bản chất các mục tiêu của Mỹ.

Các nước Đông Nam Á không ý thức được những hàm ý về khả năng chia rẽ chính sách trong bối cảnh tranh chấp biển Đông. Do đó, nhiệm vụ quan trọng của ông del Rosario, Ngoại trưởng Philippines, trong suốt chuyến thăm Mỹ gần đây là tìm kiếm sự giải thích “rõ ràng” từ Washington, là Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu xảy ra xung đột trên Biển Đông, căn cứ vào Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương ký năm 1951 giữa hai nước.

Trong khi bản hiệp ước yêu cầu Mỹ và Philippines giúp nhau phòng thủ, chống lại các cuộc tấn công bởi một thế lực bên ngoài trong vùng Thái Bình Dương, ngôn ngữ của bản hiệp ước vẫn còn nhiều chỗ cần diễn giải rõ mức độ cam kết của Mỹ.     

Tại cuộc họp báo chung với ông del Rosario, một phóng viên đã hỏi thẳng bà Clinton là Mỹ sẽ làm gì nếu hải quân Trung Quốc tấn công các lực lượng Philippines trong vùng biển tranh chấp chung quanh quần đảo Trường Sa.

Bà Clinton đáp rằng bà không bàn về một sự kiện giả thuyết, nhưng cho biết Washington sẽ làm đúng theo cam kết trong hiệp ước, và coi trọng mối quan hệ đồng minh chiến lược với Manila.

Bà nói thêm: “Tôi muốn nhấn mạnh cam kết của chúng tôi đối với sự phòng thủ của Philippines… Tất nhiên, chúng tôi mong muốn làm những gì có thể, để trợ giúp Philippines theo đề nghị của họ muốn được hỗ trợ từ bên ngoài để phòng thủ biển, và các vấn đề khác mà chúng tôi đã thảo luận”.

Ông Walter Lohman, một thành viên kỳ cựu phụ trách Châu Á của tổ chức Heritage Foundation, cho rằng thật khó hình dung người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ lại tuyên bố rõ ràng như vậy nếu họ không đại diện đầy đủ cho lập trường của Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích khác lại không đoan chắc như vậy, họ tự hỏi liệu có phải bà Clinton đang chủ trương cho quan điểm mạnh mẽ hơn những gì chính quyền Mỹ cảm thấy phù hợp, trong hoàn cảnh có những yếu tố bất ổn đối với tình hình kinh tế và chính trị trong nước.

Bức tranh bi quan hơn có thể là không có quốc gia Asean nào, vốn có yêu sách chủ quyền, đứng cùng một phía với các hành động mạnh mẽ của Việt Nam và Philippines trong vấn đề Biển Đông.

Malaysia, một trong những nước có yêu sách chủ quyền lãnh hải, đã im lặng một cách đáng chú ý về chủ đề này khi Phó Thủ tướng Tan Sri Muhyiddin Yassin công du đến Washington cuối tháng qua. Gần đây, báo Thái The Nation đã có bài xã luận đặt câu hỏi liệu Việt Nam và Philippines có trở nên “quá tích cực” trong tranh chấp chủ quyền biển Đông.

“Điều quan trọng đối với các nước Asean là phải thật cố gắng đoàn kết với nhau”, đó là lời khuyên của ông Mr Bronson Percival, một nghiên cứu sinh tại Trung tâm Đông-Tây, Washington. Điều hữu ích là nên có thêm nhiều nước, như trường hợp Singapore,  kêu gọi Trung Quốc phải giải thích rõ lập trường của họ (về yêu sách chủ quyền lãnh hải).

Trong lúc không thể dự đoán cuộc tranh chấp này sẽ diễn tiến như thế nào trong những tháng tới, các nhà quan sát cho rằng ít nhất có một số tín hiệu mà các nước tranh chấp chủ yếu đã lưu ý đến lời kêu gọi kìm chế và đối thoại bình tĩnh hơn.

Trung Quốc và Việt Nam cam kết tìm kiếm một “giải pháp hòa bình” trong việc tranh chấp chủ quyền Biển Đông sau chuyến thăm Bắc Kinh tuần qua của Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn. Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng có kế hoạch sẽ đi thăm Trung Quốc trong thời gian gần đây để cải thiện quan hệ hai nước.

Trong lúc ấy, Mỹ và Trung Quốc đã tránh những phát biểu chỉ trích nhau sau cuộc họp kín giữa hai nước về chủ để Biển Đông tại Hawaii. Ông Kurt Campbell, quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ đặc trách Đông Á, phát biểu sau cuộc họp: “Chúng tôi muốn giảm căng thẳng. Chúng tôi có lợi ích vững chắc trong việc duy trì hòa bình và ổn định. Và chúng tôi đang theo đuổi cuộc đối thoại giữa các nước có yêu sách lãnh hải chủ yếu trong khu vực biển Đông”.

C.C.H.

Nguồn: viet-studies.info

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn