“Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà”

Phạm Xuân Nguyên

Nếu hôm nay người ta không dám ca ngợi anh hùng dân tộc của mình trên đất nước mình, thì ngày mai người ta sẽ thóa mạ ai?

Nếu hôm nay người ta đục bỏ lời của Hồ Chí Minh, thì ngày mai người ta giữ lại cái gì?

Đục bỏ những lời Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ tại đền thờ Quang Trung vì lý do sợ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao nước láng giềng là xúc phạm cả Nguyễn Huệ, cả Hồ Chí Minh, cả toàn thể nhân dân Việt Nam. Hơn lúc nào hết, trong những ngày này, những lời ca ngợi sức mạnh đoàn kết toàn dân để giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ dân tộc trong những lời thơ Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ đang rất cần được vang lên mạnh mẽ và thống thiết!

Đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài về lại Việt Nam ở Cao Bằng, lập căn cứ, tiến hành xây dựng tổ chức và lực lượng, chuẩn bị cho cách mạng giành chính quyền từ tay thực dân xâm lược.

Trong nhiều việc cấp bách phải làm lúc này, ông Nguyễn không quên việc tuyên truyền vận động nhân dân, và trong việc tuyên truyền thì ông không quên nhắc lại lịch sử nước nhà với truyền thống hào hùng chống giặc ngoại xâm, gìn giữ non sông đất nước. Bài học cốt lõi ông Nguyễn rút ra cho đồng bào mình từ trong lịch sử đến hiện tại, đó là: đoàn kết nhân dân là sức mạnh vô địch.

Trên báo Việt Nam Độc Lập xuất bản ở chiến khu, số 117 ra ngày 1/2/1942, ông Nguyễn có bài “Nên học sử ta”. Ông kết thúc bài viết: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.

Ngay trong năm 1942, Việt Minh tuyên truyền Bộ đã cho xuất bản cuốn diễn ca Lịch sử nước ta của ông Nguyễn viết theo thể lục bát. Mở đầu bằng hai câu thiết tha khẩn cầu “Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, ông Nguyễn đã khái quát vắn tắt sự nghiệp chống giặc phương Bắc và giặc phương Tây để cứu nước và giữ nước của các anh hùng dân tộc trải suốt hành trình lịch sử từ thời lập quốc đến đầu thế kỷ XX.

An Dương Vương thế Hùng Vương

Quốc danh Âu Lạc cầm quyền trị dân

Nước Tàu cậy thế đông người

Kéo quân áp bức giống nòi Việt Nam

Quân Tàu nhiều kẻ tham lam

Dân ta há dễ chịu làm tôi ngươi?

............

Vì Lý Phật Tử ngu hèn

Để cho Tàu lại xâm quyền nước ta.

Thương dân cực khổ xót xa,

Ông Mai Hắc Đế đứng ra đánh Tàu

Vì dân đoàn kết chưa sâu

Cho nên thất bại trước sau mấy lần

Ngô Quyền quê ở Đường Lâm

Cứu dân ra khỏi cát lầm ngàn năm

...............

Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn

Mặc dầu tướng ít binh đơn không nàn...

Mười năm sự nghiệp hoàn thành

Nước ta thoát khỏi cái vành nguy nan

Vì dân hăng hái kết đoàn

Nên khôi phục chóng giang san Lạc Hồng.

 

Những câu thơ sáu tám viết theo lối diễn ca dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi sâu vào lòng người. Đoạn thơ tập trung nhất, tiêu biểu nhất nói về sự đoàn kết nhân dân, đoàn kết giữa nhân dân và người cầm quyền, để giữ gìn và bảo vệ lãnh thổ chủ quyền quốc gia là đoạn nói về Nguyễn Huệ. Đây cũng là đoạn thơ hay nhất, theo tôi, trong bài diễn ca của ông Nguyễn. Tôi đồ rằng khi viết những dòng thơ này ông Nguyễn cũng rất tâm đắc và sảng khoái.

Nguyễn Huệ là kẻ phi thường

Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu

Ông đà chí cả mưu cao

Dân ta lại biết cùng nhau một lòng

Cho nên Tàu dẫu làm hung

Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà

 

Biểu dương thiên tài quân sự của người anh hùng dân tộc và sức mạnh đoàn kết toàn dân bằng những lời thơ ca khoát đạt như vậy, ông Nguyễn quả đã thổi vào lòng mỗi người dân Việt Nam khi đó đang trong vòng nô lệ và cả ngày nay đã độc lập tự do một niềm tự hào to lớn về dân tộc mình và một lòng yêu nước nồng nàn.

Cả đoạn thơ viết về Nguyễn Huệ trên đây của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã được khắc vào tấm bia đá đặt ở đền thờ “người anh hùng áo vải” trên núi Dũng Quyết ở thành phố Vinh (Nghệ An). Đền này được khánh thành năm 2008. Đi vào cổng đền, qua bình phong tứ trụ, là hai nhà bia nhìn vào nhau. Nhà bia bên trái khắc “Công trạng vua Quang Trung”. Nhà bia bên phải khắc “Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Quang Trung”, chính là đoạn thơ này. Đứng trên đỉnh núi lộng gió, đưa mắt nhìn toàn cảnh một vùng sơn thủy hữu tình địa linh nhân kiệt xứ Nghệ, đọc tấm bia khắc những lời người anh hùng dân tộc thế kỷ XX ca ngợi người anh hùng dân tộc thế kỷ XVIII tôi thấy lòng mình cảm khái vô cùng. Hồ Chí Minh không chỉ ca ngợi Nguyễn Huệ. Ông ca ngợi khối đoàn kết toàn dân, khi “vua hiền tôi sáng” biết ở giữa nhân dân, dựa vào sức dân, nhân mạnh lên sức của dân, để giữ nước và xây nước. Ông vua nào, nhà cầm quyền nào, thể chế nào có được, và giữ được, và phát huy được sức mạnh đó, thì sẽ bền vững và xứng đáng với dân tộc, giống nòi. “Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà” – đó là một chân lý truyền đời.

clip_image002

clip_image004

Những người làm văn hóa ở Nghệ An đã có công khi chọn được đoạn thơ của Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ và thuyết phục được các cấp lãnh đạo, quản lý chấp nhận khắc ghi nó lên tấm bia ở đền thờ. Tôi nói “thuyết phục” vì trong một lần về thăm đền tôi nghe phong thanh chừng như là đang có ý kiến cho rằng mấy câu thơ ấy “nhạy cảm”, dẫu là của cụ Hồ nhưng trong hoàn cảnh “tế nhị” hiện nay của quan hệ Việt-Trung thì khắc nó lên bia, bày nó ra giữa thanh thiên bạch nhật là không lợi. Ôi, chỉ mới nghe phong thanh thế thôi tôi đã bực mình, tức giận. Sao lại có thể hèn nhát đến vậy! Tôi nghĩ, đó chỉ là một vài ý kiến của ai đó, sẽ không được chấp nhận. Tôi tin, tấm bia khắc những câu thơ viết về Nguyễn Huệ của Hồ Chí Minh sẽ đứng mãi ở đền thờ Quang Trung, trên núi Dũng Quyết, giữa đất trời Nghệ An, đất trời Việt Nam, để tỏa sáng một chân lý của người Việt Nam, nước Việt Nam.

Hỡi ôi, lời phong thanh đã thành sự thực, niềm tin của tôi đã bị dập tắt phũ phàng. Khi viết bài này tôi đã gọi điện về Vinh nhờ một tiến sĩ văn học lên tận đỉnh núi Dũng Quyết, vào tận đền thờ Quang Trung, xem tận mắt tấm bia khắc lời Hồ Chí Minh viết về Quang Trung có còn nguyên đó không. Điện báo ra là đã thay, đã thay rồi chú ơi! Cháu gửi ảnh ra ngay cho chú đây.

Và nhìn những tấm ảnh chụp mới tức thì, tôi không tin vào mắt mình nữa!

Tấm bia bên trái khắc “Công trạng vua Quang Trung” đã thay bằng bài “Tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung” của Vũ Khiêu. Còn ở tấm bia bên phải, những lời của Hồ Chí Minh đã bị đục bỏ, thay bằng đoạn trích chiếu của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chọn đất đóng đô. Tôi đã điện hỏi kỹ người chụp đây có phải là thay bia mới vào bia cũ, hay là chỉ đục bỏ văn bia, thay bài mới. Anh cho biết đã hỏi người trông coi đền thờ thì họ nói là chỉ đục bỏ chữ, thay văn bia, chứ không thay bia.

clip_image006

clip_image008

Vậy là đã rõ.

Lý do việc đục bỏ văn bia lời Hồ Chí Minh là sợ Tàu! (Hãy gọi là Tàu như trong đoạn thơ của ông Nguyễn). Đau xót, nhục nhã biết bao! Chẳng lẽ trên khắp nước Nam cái gì nói đến lịch sử oai hùng của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc từ xưa đến nay đều là phải né tránh, cấm đoán?

Nhưng chính quyền tỉnh Nghệ An phải có trách nhiệm trả lời cho đồng bào cả nước biết rõ ràng, công khai, vì sao có sự đục bỏ văn bia ghi lời Hồ Chí Minh viết về Quang Trung tại đền thờ Quang Trung trên núi Dũng Quyết? Ai đưa ra chủ trương này? Một việc hệ trọng, thiêng liêng như vậy đã được quyết định ở cấp nào, theo nghị quyết nào của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, hay của Bộ VH-TT-DL, hay của một cấp cao hơn nữa?

Bởi vì tôi được biết, để chọn được đoạn thơ của Hồ Chí Minh và quyết định khắc vào bia dựng ở đền thờ Quang Trung là phải có cả một quá trình từ người chuyên môn đến nhà chính trị lựa chọn, cân nhắc và quyết định. Khắc bia rồi đục bia, xưa hay nay, đều là chuyện nghiêm trọng.

Nếu hôm nay người ta không dám ca ngợi anh hùng dân tộc của mình trên đất nước mình, thì ngày mai người ta sẽ thóa mạ ai?

Nếu hôm nay người ta đục bỏ lời của Hồ Chí Minh, thì ngày mai người ta giữ lại cái gì?

Đục bỏ những lời Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ tại đền thờ Quang Trung vì lý do sợ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao nước láng giềng là xúc phạm cả Nguyễn Huệ, cả Hồ Chí Minh, cả toàn thể nhân dân Việt Nam. Hơn lúc nào hết, trong những ngày này, những lời ca ngợi sức mạnh đoàn kết toàn dân để giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ dân tộc trong những lời thơ Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ đang rất cần được vang lên mạnh mẽ và thống thiết!

Dân ta lại biết cùng nhau một lòng

Cho nên Tàu dẫu làm hung

Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà

Hà Nội 23.7.2011

P.X.N.

(Toàn văn bài diễn ca “Lịch sử nước ta” được đăng trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3 (1930-1945), xuất bản lần thứ hai, NXB Chính trị quốc gia, H. 2000, tr. 221-230.)

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn