Doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt thu mua nông sản Việt Nam: Lợi trước mắt, hại lâu dài?

Dương Hà

 

Vải thiều là một trong những nông sản được thương nhân Trung Quốc thu mua nhiều nhất. Ảnh: D.H

 
Chưa năm nào tình trạng thương lái Trung Quốc (TQ) sang Việt Nam trực tiếp thu mua nông sản ồ ạt như năm nay. Đây có thể coi là tín hiệu vui cho nông dân, song nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, liệu lợi ích này sẽ dẫn thị trường nông sản nội địa đi đến đâu?

Rủi may chuyện quả vải

Cứ vào chính vụ, đặc sản vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) lại được thương lái TQ sang tận vườn trực tiếp thu mua. Năm nay cũng không ngoại lệ. Hiện tại, những vườn vải ngon, quả to, chín đều được nhà buôn TQ “để mắt”, sẵn sàng mua với giá 18.000 – 20.000đ/kg so với mức giá chỉ 8.000 – 10.000đ/kg của lái buôn trong nước. Mức giá này, cộng với quá trình thu mua chuyên nghiệp, từ công đoạn hái, bảo quản và chuyên chở về nước sở tại, bà con trồng vải rất phấn khởi.

 

Chị Thu - nông dân thị trấn Chũ - cho hay: “Từ đầu vụ chúng tôi đã được các thương lái TQ trả giá hơn 25.000đ/kg, chính vụ giá cả giảm hơn, nhưng so với mặt bằng chung thì giá này vẫn lý tưởng”. Bà con có thể yên tâm tái vốn làm ăn, tập trung trồng vải với khấp khởi hy vọng năm sau lại trúng mùa để bán cho TQ. Phía thương nhân TQ, với nhu cầu tiêu thụ khổng lồ, có bao nhiêu sẵn sàng tận thu bấy nhiêu, người dân không hề lo ngại về đầu ra sản phẩm.

Thế nhưng, có ai dám khẳng định việc thu mua vải sẽ được phía TQ tiếp tục duy trì trong một, hay vài năm tới? Thương nhân TQ chỉ “đến hẹn lại lên” đúng mùa họ vào thu mua và với giá cả có lợi cho nông dân, hoàn toàn có quyền lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao nhất. Bà con vẫn cứ thế phụ thuộc vào việc mua đứt bán đoạn của TQ mà không hề lường trước được những rủi ro nếu thương nhân TQ ngừng việc thu mua. Hơn nữa, về việc tự do mua bán, bà Trần Thị Miêng - Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông - lâm - thuỷ sản và nghề muối (Bộ NN & PTNT) - cho biết: “Việc kiểm soát ở biên giới cũng chỉ mới trên cơ sở chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế. Còn nếu đặt ra việc “ngăn sông cấm chợ” như trước thì không thể nào thực hiện được, vì hiện Việt Nam (VN) đã gia nhập WTO theo đúng như cam kết đã đề ra”.

Nhìn lại “sân nhà”

Trừ vải thiều được xuất sang TQ theo đường chính ngạch (tập trung cửa khẩu Hà Khẩu - Lào Cai), thì hầu hết các nông sản khác đang được nước này tận thu như trứng gà, trứng vịt, sắn lát, thậm chí thịt lợn... đều tuồn qua đường tiểu ngạch. Gia nhập WTO, việc thương nhân TQ ồ ạt thu mua nông sản VN là điều không tránh khỏi. Song, cần có cái nhìn lâu dài đối với thị trường trong nước trước sự tận thu quá đà của phía TQ. Điển hình là mặt hàng sắn lát.

Điều đáng nói ở đây là trong khi VN thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu để chế biến thức ăn chăn nuôi (TACN), nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn nguyên liệu với trị giá gần 2 tỉ USD mỗi năm, thì nguyên liệu trong nước vẫn xuất khẩu sang TQ vô tội vạ. Giá TACN tăng khiến ngành chăn nuôi nhiều tháng qua điêu đứng, không ít nông hộ phải treo chuồng vì không trụ được sức ép tăng giá. Một thực tế đáng báo động là do hiện nay giá thu mua nguyên liệu sắn tăng cao, có hiện tượng nhiều người dân ở Quảng Ngãi, Quảng Nam và Phú Yên đã ngang nhiên đốt rẫy, phá rừng đầu nguồn chắn lũ để trồng sắn.

Với tình trạng trên, nông sản nước ta đang đứng trước nhiều nguy cơ khó lường, trong đó có mất cân đối thị trường. Trong khi doanh nghiệp (DN) trong nước chưa có phản ứng gì, thì nông sản vẫn mỗi ngày “chảy” sang TQ với số lượng không nhỏ. Thay vì chủ động nắm bắt thị trường, chính DN trong nước đang rơi vào thế bị động khi để cho láng giềng “thay” mình tính toán bài toán cung - cầu.

Bà Trần Thị Miêng cho rằng, với khó khăn về tiếp cận vốn và chịu sức ép lãi suất cao hiện nay của DN trong nước, DN nước ngoài (trong đó có TQ) có lợi thế hơn khi vào VN. Nông dân hoàn toàn hài lòng trước sự chào giá mức cao hơn so với DN VN để bao tiêu thị phần. “Bộ NN & PTNT đã nhiều lần kiến nghị giải pháp ưu tiên DN thu mua nông - lâm - thuỷ sản xuất khẩu.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn DN chưa tiếp cận được vốn, nhưng không phải tất cả các DN đều không tiếp cận được vốn vay” - bà Miêng nói. Trước mắt, để sớm quản lý nguồn thực phẩm xuất sang TQ, Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT) cho biết, sẽ yêu cầu các tỉnh rà soát lại tình trạng mua bán thịt thương phẩm (thịt lợn, gà, vịt và trứng gia cầm) và sớm có báo cáo chính thức trong tuần này.

Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Diệp Kỉnh Tần:

Có tình trạng tận thu cả hàng kém chất lượng

Hiện DN nước ta đang gặp nhiều khó khăn bởi các mặt hàng nông sản đang được thương nhân TQ mua tận nơi, đặt đại lý thu mua tận làng, xã và tranh mua tranh bán. Thay vì mua chọn lọc những hàng hóa đạt tiêu chuẩn như trước đây, thì hiện nay có tình trạng họ mua ồ ạt, gây khó khăn cho quản lý chất lượng. Điển hình là với thủy sản, ta đang quyết liệt với tình trạng tiêm tạp chất để đảm bảo tiêu chuẩn XK. Nhưng thương nhân TQ tận thu cả những sản phẩm có tạp chất với giá cao hơn giá trong nước.

Hai vấn đề được đặt ra: Hoặc TQ khó khăn về nguồn cung thực phẩm, hoặc cố tình gây khó khăn cho nỗ lực mà chúng ta mong muốn. Chúng ta càng gắt gao muốn bán nông sản có chất lượng thì TQ vẫn cố tình mua cả hàng kém chất lượng với giá cao, nhằm “tiếp tay” cho những DN xấu, gây cản trở những nỗ lực của thị trường trong nước. Chúng tôi đã báo cáo việc này với Chính phủ và Bộ Công Thương để sớm có giải pháp trong thời gian tới.    D.H. (ghi)

D.H.

Nguồn: laodong.com.vn

–––––––––––––––––––––––––––––––––––

Ám ảnh chiêu ép giá của Trung Quốc

clip_image002

Mặt hàng thanh long từng là "nạn nhân" của cách làm ăn lắt léo, tráo trở của các thương nhân Trung Quốc. (Ảnh minh họa).

Những ngày gần đây, việc thương lái Trung Quốc đẩy mạnh thu gom hàng nông sản khiến những người buôn bán tỏ ra bất an. Bởi việc trả giá cao, đặt hàng nhiều, nhưng khi hàng tập kết tại biên giới thì đột nhiên ngưng mua với muôn vàn lý do...

Từ bài học thanh long

Từng nhiều phen chứng kiến cảnh thanh long chở lên biên giới “nằm chờ”, ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, nghiệm ra một điều, cánh dân buôn Trung Quốc tỏ ra khá đoàn kết trong việc định giá đẩy giá mặt hàng thanh long lên cao. Lợi dụng ưu điểm của hình thức buôn bán tiểu ngạch, vào mùa thu hoạch rộ, hầu hết khối tiêu thụ lớn nhỏ tại Bình Thuận đều tham gia vào việc tiêu thụ, đưa hàng lên biên giới.

Ông Hưng cho biết vào vụ thanh long chín rộ, lái buôn Trung Quốc vào tận vườn hỏi mua, chủ yếu theo hình thức ký gửi, nhưng không có bất cứ hợp đồng hay sự ràng buộc nào. Việc đặt hàng có khi còn được tiến hành qua điện thoại, email, sau đó chủ hàng trong nước ồ ạt đưa hàng lên biên giới, rồi với muôn vàn lý do, dân buôn Trung Quốc “bắt tay” tạo ra những cơn khủng hoảng thừa giả tạo để dễ dàng ép giá, không nhận hàng; nhiều xe hàng có thiết bị bảo quản lạnh cũng bị ép cho đội chi phí phải kiếm đường bán tống bán tháo. Tình trạng này diễn ra như cơm bữa.

clip_image003

Những cánh đồng khoai ở Vĩnh Long do Trung Quốc thuê đất trồng thông qua người dân tại chỗ, nay có giá cao ngất ngưỡng, nhưng mai có thể rớt “tận đáy” là chuyện thấy trước.

Nhiều chủ DN thanh long Bình Thuận cho biết “ngán” nhất là cách làm ăn lắt léo, tráo trở của các bạn hàng Trung Quốc. Nhất là kiểu cắm người tận vườn thu gom hàng. Dù vào tận vườn đặt tiền cọc, nhưng đến khi hàng lên biên giới, cứ thấy hàng nhiều là lập tức ép giá, không mua. Bà Nguyễn Thị Ngọc, chủ một DN ở Hàm Thuận Nam - nhiều năm đưa thanh long bán sang Trung Quốc, cho biết: “Buôn bán với họ phập phồng lắm. Lãi, lỗ cứ song hành nhau, không biết thế nào mà lần. Có khi giá thanh long 21.000 đồng/kg, nhưng họ tráo trở ép xuống 4.000 đồng, mình không bán thì mất trắng, vì hàng nằm dài ngày ở biên giới, không bán rẻ chỉ có đổ đi”.

Bình Thuận có khoảng 14.000 ha thanh long với tổng sản lượng khoảng 400.000 tấn một năm. Sản lượng thanh long xuất khẩu mỗi năm hàng trăm ngàn tấn nhưng Hiệp hội thanh long Bình Thuận ước chỉ có khoảng 10% được xuất theo hình thức chính ngạch có hợp đồng và được kiểm dịch. Hơn 75% sản lượng xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch không có ký kết bất cứ hợp đồng nào. Cũng vậy mà mỗi năm thanh long đi Trung Quốc thường vài lần bị dội hàng, khiến giá thanh long rớt thê thảm.

Đến thuê đất sản xuất

Ông Trần Đăng Bộ, một người kinh doanh mặt hàng long nhãn, vải khô tại Phố Hiến (Hưng Yên) kể, mấy năm trước ông thường chuyển mặt hàng vải thiều sấy khô lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) bán cho thương lái Trung Quốc. Việc mua bán nhiều lần ông cũng quen mặt một vài đối tác, trong số đó có những bạn hàng đặt hàng của ông một cách lạ lùng, đặt mua hàng chục tấn vải khô nhưng yêu cầu phải tưới nước cho ướt trái vải để tăng trọng lượng và tránh dập vỡ trước khi đem đóng thùng các tông, giá bán giữ nguyên như vải khô. Mặc dù nghi ngờ nhưng vị khách đặt cọc trước nên ông cũng nhận lời. Tuy nhiên, lúc hàng chở lên giao vị khách lật lọng, ép giá xuống mức rẻ như cho. Trong tình thế vải đã “uống” no nước, lại được bọc ni lông đựng trong thùng kín, ông Bộ phải bán với giá chỉ đủ tiền thuê xe vận chuyển hàng lên.

Theo cánh lái buôn đánh hàng đi Trung Quốc, thay vì đặt hàng từ các chủ hàng Việt Nam như trước đây, hiện nhiều người Trung Quốc dùng cách thuê người trong nước dẫn về các địa phương mua hàng. Với những mặt hàng nguồn cung hạn chế, dân buôn Trung Quốc còn tìm về tận ruộng đặt hàng. Tình trạng nhờ người thuê đất trồng khoai tại các xã Tân Quới, Tân Thành, Nguyễn Văn Thảnh... huyện Bình Tân (Vĩnh Long) hiện nay là ví dụ. Hàng ngàn ha đất trồng khoai lang Nhật là thương nhân Trung Quốc thuê trồng.

Nguồn: .24h.com.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn