Ingo Schulze – Nhà văn đương đại CHLB Đức

Khánh Trâm

Ingo Schulze là một trong những nhà văn Đức đang nổi danh. Ông sinh năm 1958 ở Dresden (CHDC Đức cũ). Theo “Lưu trú văn sĩ” tháng 10/2010 do Viện Goethe TP HCM gửi đến độc giả thì: “Sau khi tốt nghiệp ngành Triết học cổ điển tại Jena, ông làm nghề biên tập kịch bản và biên tập cho một tờ báo ở Altenburg. Ông sống ở Berlin từ năm 1993. Cuốn sách đầu tay của ông, 33 Augenblicke des Glucks (33 khoảnh khắc của hạnh phúc) viết một cách châm biếm ấn tượng về dân cư Sankt Petersburg, xuất bản năm 1995 đã lập tức được trao nhiều giải thưởng. Tiểu thuyết Simple Stories (1998) của ông viết về những sự kiện trong cuộc đời của hơn hai mươi tư người dân thành phố Altenburg, đã được trao Giải văn học Berlin cùng với Huân chương Johannes – Bobrowski. Năm 2005, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đồ sộ Neue Leben (Cuộc sống mới), tác phẩm được trao giải Premio Grinzane Cavour. Với tập truyện Handy (2007), trong đó các nhân vật chính của Schulze chống lại một thế giới luôn gia tốc, ông được trao giải của Hội chợ sách Leipzig. Trong hầu hết các tác phẩm của mình, Ingo Schulze thường đưa các sự kiện lớn trong lịch sử chia cắt và tái hợp giữa hai nhà nước Đức vào trong những trải nghiệm và tiểu sử của các nhân vật của mình, với một cái nhìn đầy chia sẻ và nhân bản. Ingo Schulze là thành viên của Viện Nghệ thuật Berlin và Viện Ngôn ngữ và Thi ca Đức. Sách của ông đã được dịch ra trên 30 thứ tiếng. Bản dịch tiếng Việt tiểu thuyết Adam và Evelyn sắp được phát hành tại Việt Nam”.

Năm 2010 ghi dấu cái nhân duyên cho cuộc viếng thăm Việt Nam lần đầu tiên đối với Ingo Schulze. Và cũng chính vì “Năm Đức ở Việt Nam 2010” này mà anh cùng với chị Juli Zeh trở thành khách mời trong số hai nhà văn đại diện cho các nhà văn CHLB Đức.

Người viết bài này thật khó quên cái buổi tối thứ Sáu ngày 15/10/2010 tại Viện Goethe, nơi diễn ra cuộc gặp mặt, thảo luận giữa Ingo Schulze và các độc giả TP HCM. Chủ nhà là Viện Goethe TP HCM do TS Paul Weinig chủ trì. Khán phòng gần hai chục người. Nhà văn đọc chương 33 của tiểu thuyết “Adam và Evelyn” (có 55 chương tất cả). Nhà văn đọc tới đâu thì trên màn hình hiện tiếng Việt để cho các độc giả tiện theo dõi. Sau đó chị Bảo Ngọc đọc chương 52 bằng tiếng Việt, trên màn hình hiện tiếng Đức. Mình thầm nghĩ: “Cách làm này hay quá, dân chủ ngay cả cách trình bày”.

Trong số độc giả có nhà thơ Hoàng Hưng và nhờ có ông, cuộc thảo luận Đức – Việt trở nên sôi nổi. Cuộc giao lưu này không chỉ để lại cái không khí “ấm cúng, thân mật” (nói theo lời của rất nhiều cuộc gặp mặt, giao lưu…) mà còn cho ta thấy cái tâm sự chân thật của nhà văn qua những câu trả lời, cái nhìn và nhận xét (phần nào) về xã hội và con người Việt Nam hôm nay. Đây cũng chính là cái lý do để nói “ thật khó quên cái buổi tối thứ Sáu này”.

Hỏi: Ông ở đâu cái ngày bức tường Berlin sụp đổ?

Trả lời: Tôi đi ngủ sớm, khi tỉnh dậy thì bức tường đã sụp đổ. Đối với cá nhân tôi ngày 9/10/1989 đã để lại ấn tượng đặc biệt. Chuẩn bị sự kiện 40 năm kỷ niệm ngày thành lập nước CHDC Đức, ngày thứ Hai ở Leipzig người dân tụ tập đi biểu tình từng thứ Hai hàng tuần và lên đến 300.000 người. Hồi đó người ta sợ rằng sau lễ kỷ niệm 40 năm, các cuộc biểu tình sẽ bị đàn áp, kiểu Thiên An Môn cách đó vài tháng ở Trung Quốc. Sự kiện ngày 9/10 – thứ Hai đầu tiên sau Quốc khánh Đông Đức có 40.000 người biểu tình ở Leipzig, đó là một ngày quan trọng. Nó tạo ra niềm hy vọng, con người có thể làm thay đổi hệ thống nhà nước bằng con đường hòa bình. Tôi cho là rất đẹp và nó có nhiều ảnh hưởng đến tác phẩm của tôi.

Hỏi: Tại Đông Đức có nhiều người Việt Nam, nhà văn có liên hệ gì với họ không?

Trả lời: Có một số quan hệ. Hồi học ở trường Tổng hợp Kỹ thuật ở Dresden họ vẫn đến thăm tôi. Người bạn đó đang tìm mua một cái xe đạp, một cái máy khâu. Khi chuẩn bị chia tay, khoảng 15 phút trước lúc lên tàu, anh kể về chiến tranh.

Hỏi: Đến thăm Việt Nam lần này, anh ở 45 ngày. Anh có thể cho biết cuộc hành trình từ Hà nội đến đây?

Trả lời: Rất khó nói.

Hỏi: Vậy thì cái gì khiến anh thích nhất?

Trả lời: Tôi có ấn tượng về cuộc sống công cộng rất sôi nổi. Ở người Việt Nam, công việc và nghỉ ngơi cứ đan vào nhau. Tôi có cảm thấy người ta nói chuyện với nhau rất dễ dàng. Có lẽ người Việt Nam cởi mở. Trong vài ba cuộc gặp có thể tạo ra mối quan hệ lâu dài. Tôi có may mắn tham gia vào vài sự kiện ở đây. Tôi có đến thăm Lê Quảng Hà. Hà nói: “Anh không phải là khách du lịch. Anh là bạn tôi”. Chính sự niềm nở cho tôi cảm thấy dễ chịu. Có lẽ đây là cách bắt đầu, còn thực chất chưa biết thế nào.

Hỏi: Ông thấy giao thông ở đây thế nào?

Trả lời: Sợ hãi rồi.

Sau những phút “tìm hiểu” thật thú vị giữa nhà văn và bạn đọc, khán phòng yên ắng chốc lát để rồi chuyển sang phần đọc 2 chương của tác phẩm. Ai nấy đều chăm chú vì rất hiếm khi có dịp như thế này. Mình không hiểu gì tiếng Đức nhưng đã có hỗ trợ của tiếng Việt trên màn hình và mình cảm được cái giọng trầm ấm áp của Ingo cùng với cái cười hài hước thoáng trên mặt anh. Khi 2 chương kết thúc là phần tiếp tục đặt câu hỏi trước khi chia tay nhà văn.

Hỏi: Tôi tò mò về bối cảnh làm việc của ông sau khi nước Đức thống nhất. Sau khi  nước Đức thống nhất, chỉ sau vài năm ông có tác phẩm thành công, vì so sánh với Việt nam rất khó có nhà văn nào ở miền Nam đạt được điều này.

Trả lời: Đây là một câu hỏi hay và bất ngờ. Tôi chưa bao giờ đặt ra. Vấn đề là thế này: Khi còn trẻ ở Đông Đức tôi đã mong nổi tiếng để khỏi phải đi bộ đội. Đến năm tôi 30 tuổi, tôi vẫn chưa viết được cái gì và viết không đạt. Khi được trải nghiệm của cả hai hệ thống, tôi cho đó là tốt. Mãi năm 1995 cuốn đầu tiên được xuất bản ở Đông Đức nhưng những người làm sách hầu hết là người Tây Đức. Cuốn đó viết về bối cảnh của đặc trưng chuyển đổi của 2 hệ thống nên đã đi vào chủ đề cả hai phía đều quan tâm. Nhưng tất nhiên người ta đánh giá văn học không chỉ dựa trên nội dung của nó.

Hỏi: Khi ông đưa sự kiện lịch sử lớn, cái thông điệp ông muốn gửi đến độc giả là gì?

Trả lời: Tôi chỉ có 2 cuốn có bối cảnh nước Đức thống nhất thôi. Số còn lại từ bối cảnh cá nhân mình. Tôi chưa nhìn thấy cái gì là XHCN ở Việt Nam cả trong những ngày tôi ở đây.

Niềm tin vào hy vọng “con người có thể làm thay đổi hệ thống nhà nước bằng con đường hòa bình” cùng với hai câu hỏi kết thúc cuộc giao lưu của nhà thơ Hoàng Hưng và câu nói: “Tôi chưa nhìn thấy cái gì là XHCN ở Việt nam cả trong những ngày tôi ở đây” của Ingo là không có gì chân thật hơn thế.

K.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn