Một nguyên nhân khiến Hải quân Việt Nam lạc hậu: Các chương trình đóng tàu bị chậm và… đội giá thành

Mai Thanh Hải blog – Không chỉ khi diễn ra các vụ tàu tuần tra biển của Trung Quốc ngang nhiên tiến sâu vào hải phận nước ta, cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu dân sự ta, mà đã từ rất lâu, người ta đã đặt câu hỏi "Tại sao?" khi nhìn vào thực lực phương tiện, vũ khí, khí tài của Hải quân Việt Nam - lực lượng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển, ở một quốc gia biển. Phải khẳng định rằng: Từ thời xa xưa, những người lãnh đạo Việt Nam đã rất quan tâm đầu tư, định hướng phát triển lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biển, thềm lục địa và bờ biển. Đơn cử:

clip_image002

Tàu chiến của Vùng 4, HQ làm nhiệm vụ tại Trường Sa (4/2008): Trên súng pháo, dưới WC và chuồng nuôi gà vịt.

Ngày 19/7/1946, Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng đã ký Quyết định thành lập Hải quân Việt Nam. Tiếp đó, ngày 10/9/1946, Chủ tịch Quân sự Ủy viên Hội Võ Nguyên Giáp ký Nghị định đặt Cơ quan chỉ huy Hải quân là Hải đoàn do một Hải đoàn trưởng phụ trách (tuy nhiên, đến đầu năm 1947, xét thấy không thể duy trì lực lượng Hải quân, Việt Minh đã tháo gỡ máy móc, vũ khí, thiết bị và đánh đắm tàu để không lọt vào tay quân Pháp).

clip_image003

Bác Hồ ăn cơm trên tàu HQ-254 cùng bộ đội Hải quân (3/1961)

Ngày 8/3/1949, thành lập Ban Nghiên cứu Thủy quân thuộc Bộ tổng Tham mưu. Ban này vừa làm nhiệm vụ nghiên cứu vừa làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu. Khoảng 100 người tổ chức thành đội 71, được cử sang đảo Hải Nam (Trung Quốc) huấn luyện về thủy quân trong thời gian 6 tháng (tuy nhiên Ban bị giải thể năm 1951).

Ngày 7/5/1955, Cục Phòng thủ bờ biển, trực thuộc Bộ Quốc phòng chính thức được thành lập và trở thành ngày truyền thống của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

clip_image004

Bác Hồ với cán bộ chiến sĩ Hải quân (3/1959)

Đặc biệt, lúc còn sống, Bác Hồ đã 3 lần chính thức đến thăm bộ đội Hải quân. Trong lần thăm thứ 2 (15/3/1961), Bác Hồ thăm bộ đội Hải quân tại Quân cảng Bãi Cháy (Hạ Long), lên tàu HQ 254 - Hải Lâm ra thăm bộ đội Hải quân làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, vùng trời tại đảo Hòn Rồng và căn dặn lời bất hủ: "Ngày trước ta chỉ có đêm có rừng, ngày nay chúng ta có ngày, có trời và có biển. Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ", "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó"...

Đó là chưa kể đến rất nhiều những Nghị quyết, Chỉ thị... về bảo vệ gắn liền với phát triển kinh tế biển đảo, qua các nhiệm kỳ lãnh đạo cấp cao đều đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát triển lực lượng bảo vệ biển đảo, đáp ứng yêu cầu - nhiệm vụ trong tình hình mới.

Vấn đề ở đây là việc triển khai thực hiện đã được tiến hành ra sao, ở Bộ chủ quản và các ngành liên quan? Người ta có tính đến những phương án có thể xảy ra trong tương lai, hay là chỉ "làm trên giấy"? Để suốt một thời gian dài, việc bổ sung - làm mới - trang cấp vũ khí, phương tiện, thiết bị cho lực lượng Hải quân phải "dậm chân tại chỗ" và những người lính biển phải sống - chiến đấu trên những phương tiện cũ kỹ, lạc hậu, lấy sức người hòng chiến thắng đối phương được trang bị mạnh, hiện đại hơn gấp nhiều lần...

Xin trân trọng giới thiệu bài viết liên quan đến vấn đề trên, mà dư luận đang rất quan tâm.

Các chương trình đóng tàu Hải quân đều bị chậm và giá thành bị đội lên

Cuối thập niên 1980, những cuộc gây hấn và xâm lấn do lực lượng tàu thuyền dân sự và nhà nước nước ngoài thực hiện trên những khu vực biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, tại khu vực Biển Đông, diễn ra ngày một gia tăng nghiêm trọng. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền trên biển và chiến đấu phòng thủ biển đảo, khi có tình huống phát sinh, lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam (HQNDVN) cần được trang bị và tái trang bị các loại tàu chiến đấu mặt nước hiện đại và có khả năng chiến đấu cao.

clip_image005

Tàu chiến đấu của HQVN những năm 60-70 của thế kỷ trước

Dựa vào tiềm lực công nghiệp quốc phòng và khả năng đáp ứng của nền kinh tế trong nước, cũng như cân nhắc tình hình khu vực và quốc tế, những năm đầu thập niên 1990, các Viện Nghiên cứu chiến lược và chuyên ngành thuộc Bộ Quốc phòng (BQP) và Quân chủng Hải quân (QCHQ) đã đề xuất chiến lược phát triển trang bị vũ khí, khí tài HQ đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020.

Trong đó, tập trung vào việc phát triển nội lực công nghiệp đóng tàu trong nước, thông qua hoạt động tiếp thu chuyển giao và từng bước làm chủ công nghệ đóng tàu quân sự, để tiến tới tự chủ tất cả các công đoạn thiết kế, đóng mới, sửa chữa, nâng cấp, cải hoán các loại tàu quân sự hiện đại phục vụ quốc phòng.

Theo đó sẽ tiến hành đóng nhiều loại tàu tên lửa thế hệ mới, kèm theo chuyển giao công nghệ, trong đó ưu tiên đóng những tàu có lượng choán nước nhỏ, tốc độ cao trước để học tập và làm chủ công nghệ đóng tàu tên lửa, rồi tiến tới đóng các tàu choán nước lớn hơn.

clip_image006

Tàu của Vùng 4-HQ đỗ ngay dưới cáp treo Vinpearland Nha Trang (7/2010)

Tuy nhiên, vì những nguyên nhân cả chủ quan và khách quan trong phát triển HQ, mà đến nay, hầu hết các chương trình đóng tàu đều bị chậm (ít thì 3 năm, nhiều thì từ 7-10 năm) và chi phí bị đội lên đáng kể. Điển hình:

1. Tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ PS-500 và tàu hộ vệ tên lửa hạng vừa KBO-2000

Trong khuôn khổ chiến lược phát triển trang bị vũ khí, khí tài HQ được BQP phê duyệt, Viện Thiết kế tàu quân sự thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế (nay là Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) và BTLHQ được giao chuẩn bị chương trình đóng tàu đến năm 2000 (mã số chương trình ĐT-2000), với mục tiêu cụ thể là qua trung gian Rosoboronexport, đặt mua đề án thiết kế chi tiết các loại tàu hộ vệ tên lửa thế hệ mới, được thiết kế phù hợp với quan điểm và địa bàn tác chiến biển đảo nước ta, từ các Viện Thiết kế tàu quân sự có uy tín của Liên bang Nga, rồi tự đóng trong nước dưới sự cố vấn kĩ thuật của chuyên gia bạn.

clip_image007

Tàu HQ-13, lớp tàu Hộ tống lớp Petya II, được Liên Xô (cũ) chuyển giao

Năm 1997, Ban Soạn thảo Dự án “Chương trình ĐT-2000” đã chọn sơ bộ bản vẽ tuyến hình và bố trí chung của một số mẫu tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ và cỡ lớn, do các Viện Thiết kế tàu quân sự phía Nga cung cấp, trong đó Viện Thiết kế Đề án Phương Bắc (Северное проектно–конструкторское бюро = СПКБ) cung cấp 2 mẫu: Tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ PS-500 và tàu hộ vệ tên lửa cỡ lớn KBO-2000.

clip_image008

Tàu HQ-381 neo đậu tại Quân cảng Ba Son, TP Hồ Chí Minh

Trong khi Ban soạn thảo đang hoàn chỉnh dự án đóng mới tàu hộ vệ cỡ lớn “Chương trình đóng tàu K”, để trình cấp thẩm quyền phê duyệt vào đầu năm 2000, thì xuất hiện nhiều thông tin bất lợi từ quá trình hoàn thành, thử nghiệm và nghiệm thu tàu hộ vệ tên lửa đề án PS-500: Chiếc tàu hộ vệ BPS-500 đầu tiên (số hiệu HQ-381) thuộc Chương trình đóng tàu P, gặp nhiều trục trặc trong quá trình đóng (từ 1997 đến 2000 mới hạ thủy), cũng như không đáp ứng được các tiêu chí đồng bộ và vận hành trong giai đoạn thử nghiệm và kiểm định nghiệm thu, vào nửa đầu năm 2001.

clip_image009

Kiểm tra ống phóng trên tàu của Hải quân Vùng 2

Sự thất bại của Chương trình đóng tàu P có nhiều nguyên nhân, phát sinh từ việc lựa chọn đơn vị thiết kế phía Nga, từ hiệu quả của đơn vị tham mưu, giám sát, kiểm định chuyên ngành và kinh nghiệm tiếp thu chuyển giao công nghệ đóng tàu trong nước...

Hệ quả là Dự án “Chương trình đóng tàu P” được thay bằng Dự án “Chương trình đóng tàu M”. Theo đó, kết hợp đặt đóng mới và chuyển giao công nghệ đóng tàu M trực tiếp tại Nga, kèm theo giấy phép đóng loạt tàu M tại Việt Nam. Còn Dự án “Chương trình đóng tàu K”, phải làm lại từ đầu.

Như vậy HQVN loay hoay với các chương trình đóng hàng loạt tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ (PS-500) và cỡ vừa (KBO-2000), mất vừa đúng 8 năm (1994-2001), cuối cùng đã thất bại hoàn toàn.

2. Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9

clip_image010

Tàu Đinh Tiên Hoàng (trái) tại cảng Ba Ngòi

Nhùng nhằng từ đầu những năm 2000, sau khi hủy dự án KBO-2000, HQVN đã lựa chọn phiên bản Gepard 3.9 nâng cấp, trên cơ sở thiết kế tàu thuộc dự án 1166.1 (thiết kế từ cuối thập niên 1980, chiếc đầu là Tatarstan hạ thủy năm 1993, hoàn thiện và đưa vào sử dụng năm 2001) và có sử dụng công nghệ tàng hình. Tháng 12/2006, ký hợp đồng đóng 2 chiếc tại Xưởng đóng tàu Zelenodolsk, chiếc đầu giao sau 31 tháng (7/2009), chiếc thứ 2 giao sau 37 tháng (1/2010).

Nhưng trên thực tế, Gepard 3.9 được thiết kế lại, vừa đóng vừa điều chỉnh thiết kế, sau gần 5 năm mới bàn giao chiếc đầu tiên (5/3/2011), chậm 20 tháng. Chiếc thứ 2 dự kiến bàn giao đầu tháng 8/2011, cũng chậm 20 tháng. Có tin là Việt Nam phải chi thêm tiền để hoàn thiện 2 tàu này và do biến động của tỷ giá Rúp/USD.

Cùng với Gepard, Nga cũng chào bán cho Việt Nam mẫu tàu Tiger thuộc dự án 20382 (phiên bản xuất khẩu của các tàu thuộc dự án 20380), do Xưởng đóng tàu Severnaya Verf, St. Petersburg thực hiện. Chiếc đầu tiên có tên Steregushchy, trong dự án đóng cho Hải Quân Nga, đặt ky 12/2001 và hạ thủy 5/2006, đưa vào biên chế 11/2007.

clip_image011

Tàu Đinh Tiên Hoàng tại Quân cảng Cam Ranh

Nếu xét về vũ khí, trang bị thì nhiều người cho rằng Tiger hiện đại hơn Gepard 3.9. Tuy nhiên, lựa chọn cuối cùng của Việt Nam thì mọi người đều đã biết. Giá trị của 2 chiếc Gepard 3.9 là 350 triệu USD (tức là 175 triệu USD/chiếc) vào thời điểm 2006. Tháng 7/2011, Algeria đã ký hợp đồng mua 2 tàu Tiger thuộc dự án 20382, với đơn giá khoảng 250 triệu USD/chiếc.

Như vậy, chương trình đóng tàu hộ vệ tên lửa cỡ vừa, từ khi lập kế hoạch (KBO-2000, sau này thay bằng Gepard 3.9), đến khi tiếp nhận chiếc đầu tiên (số hiệu HQ-011 Đinh Tiên Hoàng) mất 15 năm.

3. Tàu hộ vệ tên lửa Molniya

Sau khi dự án đóng tàu PS-500 (BPS-500) được tiến hành và hoàn thành chiếc đầu tiên, nhận thấy tàu không đáp ứng được yêu cầu, nên Quân chủng Hải quân đề nghị một Dự án mới, đó là tàu hộ vệ tên lửa M và tiếp thu công nghệ đóng tàu M tại Việt Nam.

clip_image012

Tàu HQ-376 thuộc lớp tàu Hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ Molniya

Năm 2001, Bộ Tư lệnh Hải quân đề nghị Bộ Quốc phòng cho chuẩn bị triển khai Chương trình đóng tàu M với mục tiêu là: "Trong quá trình chuyển giao công nghệ, cán bộ, công nhân Việt Nam phải làm chủ được công nghệ đóng tàu M, với sự trợ giúp của chuyên gia".

Trên cơ sở đàm phán, Quân chủng Hải quân chủ động xây dựng Dự án đóng mới tàu M nhằm mục tiêu là: "Trong khoảng thời gian ngắn nhất, chúng ta có trong trang bị những con tàu M, có tính năng chiến đấu và chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân với chi phí hợp lý, tránh gây lãng phí ngân sách". Dự án hoàn thành sẽ tạo ra sản phẩm: Mua ly-săng đóng tàu M với số lượng đóng 12 chiếc (9 chiếc đầu có cấu hình loại M). Từ chiếc thứ 9 trở đi (dự kiến sau năm 2010), trên cơ sở M, sẽ nghiên cứu xem xét việc thay đổi cấu hình hệ thống vũ khí, khí tài và điều khiển phù hợp với trình độ phát triển của khoa học, kỹ thuật và công nghệ của thế giới...

clip_image013

Molniya của HQVN nhìn từ phía sau

Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về việc tiếp tục đàm phán các hợp đồng thuộc Chương trình M, cho Quân chủng Hải quân gồm 2 hợp đồng (hợp đồng đóng mới 2 tàu Molniya tại Liên bang Nga; hợp đồng chuyển giao ly-săng tài liệu kỹ thuật để đóng mới tàu M tại Việt Nam và bổ sung hợp đồng đưa cán bộ kỹ thuật Việt Nam đi đào tạo tại Nga).

Trên cơ sở kết quả đàm phán năm 2002, tháng 6 năm 2003, Quân chủng Hải quân đã ký 2 hợp đồng. Theo đó, Hợp đồng thứ nhất: Việt Nam mua 2 tàu M đóng tại Nga, cùng 2 bộ tài liệu sử dụng cho mỗi tàu, trong đó có 1 bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng vũ khí chiến đấu trên tàu; 1 bộ DIP tàu đồng bộ kèm theo mỗi tàu, hàng nhận tại cảng Việt Nam; Hợp đồng thứ hai: Phía Nga chuyển giao ly-săng và tài liệu kỹ thuật để đóng 10 tàu Molniya tại Việt Nam. Hợp đồng bổ sung (thuộc hợp đồng số 2) về đào tạo các chuyên gia kỹ thuật Việt Nam tại Nga.

Ngoài việc xem xét ký kết 2 hợp đồng, hai đoàn đã thống nhất mức lương chuyên gia Nga sang làm việc tại Việt Nam, xác định giá 1 đơn vị vũ khí đặc chủng, giá vật tư, thiết bị và vật liệu để đóng... tàu tại Việt Nam. Tháng 10/2003, Bộ Quốc phòng quyết định cho phép thực hiện các hợp đồng thuộc dự án đóng tàu Molniya.

clip_image014

Molniya trong dịp "khoe hàng" hiếm hoi tại Trường Sa

Đến cuối 2007, 2 chiếc tàu Molniya đầu tiên đã được phía Nga bàn giao cho Việt Nam.

Như vậy, sau 14 năm (1994-2007), các tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ đầu tiên mới chính thức được bàn giao.

Kể từ khi ký hợp đồng mua giấy phép đóng tàu Molniya vào năm 2003, vì nhiều lý do cả khách quan và chủ quan nên sau 7 năm (2010), Việt Nam mới khởi đóng 2 chiếc tàu đầu tiên. Dự kiến phải đến nửa cuối 2012 hoặc đầu 2013 mới bàn giao các tàu này.

Sau khi chạy thử, nghiệm thu và đánh giá chất lượng, hoàn thiện quy trình đóng tàu, năm 2013-2014 sẽ khởi đóng 4 chiếc tiếp theo (bàn giao năm 2015-2016). Từ chiếc thứ 7 và thứ 8 trở đi (bắt đầu đóng từ sau 2015), nhiều khả năng là các tàu Molniya sẽ sử dụng vũ khí trang bị mới. Dự kiến sẽ có 4 chiếc loại mới được đóng (bàn giao 2017-2018).

Tóm lại, kể từ khi khởi động dự án tàu Molniya (2001), đến khi kết thúc dự án (2018) mất 18 năm và dự án tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ bắt đầu từ PS-500, rồi chuyển sang Molniya mất đúng 25 năm (1994-2018), mới hoàn thành.

4. Tàu tuần tra lớp Svetlyak thuộc dự án 10412

clip_image015

Tàu tuần tra lớp Svetlyak của HQVN đậu tại cảng Ba Son

Từ năm 1998, Hải quân Việt Nam hình thành kế hoạch đóng 12 tàu tuần tra cỡ 400 tấn đổ lại và sau một thời gian nghiên cứu, Quân chủng Hải quân đã chọn thiết kế thuộc Dự án 10412 (tàu pháo) lớp Svetlyak.

2 chiếc đầu tiên đóng theo hợp đồng ký giữa Việt Nam và Rosoboronoexport vào tháng 11/2001. Mùa hè năm 2002, 2 tàu tuần tra Projekt 10412 Svetlyak, do Hải quân Việt Nam đặt hàng đã được hạ thủy tại xưởng đóng tàu Almaz (St. Petersburg). 2 tàu này đã được bàn giao cho Việt Nam vào tháng 1/2003. Trị giá mỗi tàu là 10-15 triệu USD.

Tuy nhiên, Chương trình đóng các tàu tiếp theo bị gián đoạn 7 năm (kể từ năm 2003). Mãi tới năm 2009, Dự án mới được tiếp tục với hợp đồng đóng 4 chiếc Svetlyak. Mùa hè 2009, 2 xưởng đóng tàu Nga là hãng đóng tàu Almaz (22/6/2009) và Nhà máy sửa chữa tàu Vostochnaya Verf ở Vladivostok (22/7/2009) đã khởi đóng tổng cộng 4 tàu Projekt 10412 Svetlyak (mỗi xưởng đóng 2 tàu) theo đơn đặt hàng của Việt Nam.

Giá thành lúc này đã đội lên thành 25-30 triệu USD/chiếc, gấp đôi so với hợp đồng đầu tiên.

clip_image016

Tàu mới cũng đẹp. Tàu cũ cũng có giá trị... đồ cổ?

Hiện tại, 2 tàu do Almaz đóng, hạ thủy lần lượt vào ngày 12/11/2010 và 22/04/2011. Còn 2 tàu do Vostochnaya Verf đóng, chưa rõ đã hạ thủy hay chưa. Dự kiến, cả 4 chiếc này sẽ được bàn giao cuối năm 2011, đầu năm 2012 (có lẽ là lại do tàu Eide, quay vòng sau khi giao tàu Gepard 3.9 HQ-012 Ngô Quyền).

Chưa biết Hải quân Việt Nam có theo kế hoạch hay không. Nhưng giả sử là có thực hiện đóng đủ cả 12 chiếc, thì rõ ràng là Dự án này cũng phải ít nhất đến 2016 mới xong (với điều kiện từ 2012 bắt đầu đặt đóng nốt 6 chiếc còn lại). Kéo dài gần 15 năm.

Có một điều rất khó hiểu là tại thời điểm năm 2009, xét về mọi mặt (cả về công nghệ lẫn tay nghề công nhân), các nhà máy đóng tàu Việt Nam thừa sức đóng các tàu Svetlyak. Nhưng Việt Nam vẫn đặt đóng tới 4 chiếc tại Nga?

4. Tàu ngầm Kilo-636MV

clip_image017

Tàu ngầm huấn luyện của Lữ đoàn Tàu ngầm, Vùng 4 - HQ

Việt Nam có ý định thành lập lực lượng tàu ngầm từ những năm 198... và đã cử một số sĩ quan đi đào tạo về tàu ngầm (nhưng các sĩ quan tàu ngầm ngày ấy, bây giờ hầu hết đã... chuyển sang lĩnh vực khác).

Đẩy mạnh ý định thành quyết tâm từ những năm 199... và mãi đến tháng 12/2009, mới hiện thực hóa bằng hợp đồng trị giá 1,8 tỷ USD: Ngày 24/8/2010 đặt ky, đóng chiếc Kilo-636MV đầu tiên, dự kiến sau 32 tháng sẽ bàn giao (4/2013), nhưng vì Xưởng đóng tàu Admiralty Shipyards phải tập trung đóng các tàu lớp Yasen cho Hải quân Nga, nên phải giãn tiến độ đóng các tàu Kilo của Việt Nam. Phải đến cuối 2013 mới giao chiếc đầu tiên (không loại trừ khả năng, việc giao hàng có thể còn bị chậm hơn nữa).

Nếu đúng như gần đây Nga tuyên bố "2014 giao chiếc KILO đầu tiên cho Việt Nam", thì tiến độ giao hàng sẽ bị chậm từ 12-18 tháng, so với kế hoạch ban đầu.

clip_image019

Tàu ngầm Kilo của HQVN vẫn đang ở Nga

Kế hoạch đóng 6 tàu ngầm tiến công của Việt Nam dự kiến như sau (đã điều chỉnh tiến độ):

Chiếc số 1 (Kilo-636MV): Thời gian đóng 36 tháng; bắt đầu đặt ky 8/2010; hạ thủy 8/2013; chạy thử 2 tháng; giao hàng 12/2013.

Chiếc số 2 (Kilo-636MV): Thời gian đóng 32 tháng; bắt đầu đặt ky 6/2011; hạ thủy 2/2014; chạy thử 1 tháng; giao hàng 5/2014.

Chiếc số 3 (Kilo-636MV): Thời gian đóng 28 tháng; giao hàng 2015

Chiếc số 4 (Kilo-636MV): Thời gian đóng 26 tháng; giao hàng 2016

Chiếc số 5 (chưa rõ kiểu loại): Thời gian đóng 32 tháng; giao hàng 2017

Chiếc số 6 (chưa rõ kiểu loại): Thời gian đóng 28 tháng; giao hàng 2018.

(Nguồn số liệu: Quân sử Việt Nam)

M.T.H.

Nguồn: maithanhhaiddk.blogspot.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn