Mỹ - Phi tập trận

Nguyễn Xuân Nghĩa

Cách ứng xử của Phi Luật Tân trước sức ép Trung Quốc...

clip_image001  
Hộ tống hạm xa xưa của Mỹ trở thành BRP Rajah Humabon của Phi Luật Tân  

Trung tuần tháng Tư vừa qua, trước Diễn đàn Bác Ngao (Boao Forum) được tổ chức hàng năm tại thành phố Tam Á của đảo Hải Nam, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc đã trình bày quan điểm của Bắc Kinh về an ninh châu Á: Trung Quốc không có tham vọng bá quyền, mong muốn các nước Á châu cùng hợp tác cho công cuộc phát triển chung của toàn khu vực. Tam Á là thành phố nằm ở vùng cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc.

Vài ngày sau, hôm 20 tháng Tư, Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Kinh là Trương Chí Quân đến Việt Nam gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Hà Nội, và đôi bên "nhất trí" về quy tắc ứng xử tại biển Đông, trong đó có vấn đề tranh chấp chủ quyền ngoài lãnh hải. Người ta không rõ chi tiết về những cam kết này, ngoài việc nhắc lại quy tắc hành xử đã thoả thuận giữa Trung Quốc và Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á năm 2002 và những thoả thuận song phương năm 2008, nhân chuyến thăm viếng Bắc Kinh của Nguyễn Tấn Dũng.

Hai tháng sau, ngày 25 tháng Sáu, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Nội là Hồ Xuân Sơn gặp lại Thứ trưởng Trương Chí Quân và hội kiến Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc – nhân vật lãnh đạo chính sách đối ngoại của Trung ương đảng Cộng sản Trung Hoa. Đôi bên cũng lại ra thông cáo chung về tinh thần hợp tác ôn hoà giữa hai nước.

Ở giữa hai lần gặp gỡ là những biến động ngoài Đông Hải, thật ra khởi sự từ tháng Ba, với việc Trung Quốc bảy lần uy hiếp Phi Luật Tân và ba lần khiêu khích Việt Nam. Chúng ta không nên ngạc nhiên về sự lật lọng của Bắc Kinh.

Mà nên tự hỏi về mục tiêu của lãnh đạo Hà Nội.

Đáng chú ý là trong khi Hà Nội gửi người đi Bắc Kinh dàn xếp chuyện song phương, Manila chuẩn bị cuộc tập trận hàng năm với Hải quân Hoa Kỳ. Đó là chuyện nên tìm hiểu...

clip_image002

Chiếc BRP Gregorio del Pilar vừa mua lại từ Duyên phòng Hoa Kỳ vào tháng Ba

Ngày 28 vừa qua, hải quân hai nước bắt đầu tập trận trên vùng biển ngoài khơi Tây-Bắc của đảo Palawan. Ba chiến hạm Mỹ cùng 800 thủy binh Hoa Kỳ sẽ thao dượt với 300 lính thủy và một chiến hạm Phi Luật Tân. Gọi tắt là CARAT (Cooperation Afloat Readiness and Training) cuộc tập trận sẽ kéo dài 11 ngày, và được thông báo là nằm trong khuôn khổ của Hiệp định Phòng thủ Hỗ tương hai nước đã ký kết từ năm 1951 – cách đây 60 năm.

Manila đã hai lần chính thức phản đối Bắc Kinh về hành động uy hiếp này và vừa trang bị thêm vũ khí – mua tàu tuần duyên hạng Hamilton của Hoa Kỳ và đang tu bổ lại thành chiến hạm BRP Greorio del Pilar - vừa kêu gọi thế giới quan tâm đến rủi ro xung đột trong khu vực

Bắc Kinh lập tức phản ứng. Hôm 29, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên tiếng trong một cuộc họp báo, rằng "hợp tác quân sự Mỹ - Phi không nên nhắm – hoặc đe dọa quyền lợi của – một nước thứ ba nào đó". Nhân đó, Bắc Kinh cho nhắc lại lập trường của mình: Hoa Kỳ nên đứng ngoài cuộc tranh chấp trên vùng biển Hoa Nam – South China Sea [biển Đông], hay Trung Nam Hải.

Trước sức ép của Trung Quốc, người ta nhìn ra hai cách ứng xử khác nhau, của Việt Nam và của Phi Luật Tân. Hà Nội đi tìm giải pháp song phương với Bắc Kinh, Manila nhích về phía Mỹ và muốn quốc tế quan tâm hơn đến tình hình Đông Á.

Trong 10 quốc gia Đông Nam Á – có thể là ngoại trừ hai nước tý hon là Singapore và Brunei – Phi Luật Tân là quốc gia hải đảo có lực lượng hải quân yếu kém nhất.

Thí dụ như cho cuộc thao dượt CARAT đang tiến hành, Hoa Kỳ đưa tới hai khu trục hạm trang bị hỏa tiễn là USS Chung-Hoon và USS Howard và một tàu cứu hộ thuộc loại khinh tốc đỉnh là USNS Safeguard. Phía Phi Luật Tân có chiến hạm BRP Rajah Humanon. Thật ra, đây là hộ tống hạm USS Atherton có mã số DE-169 của Hoa Kỳ, hạ thủy từ năm 1943, đã tham gia Thế chiến 2 trước khi được bán lại cho Hải quân phòng vệ Nhật Bản rồi cho Phi Luật Tân. Và Phi Luật Tân có bảy chiến hạm loại đó, đều xuất phát từ kho chiến cụ Hoa Kỳ đã sử dụng từ Thế chiến 2.

Theo quy luật "khoẻ dùng sức - yếu dùng mưu", Phi Luật Tân đang dùng mưu để mượn sức người khác. Mà chuyện này mới chỉ xảy ra từ đầu năm thôi.

Trước đây, dưới thời Tổng thống Gloria Macapagal - Aroyo, Manila muốn thoả hiệp với Bắc Kinh – có thể là do ảnh hưởng khá mạnh của giới tài phiệt người Phi gốc Hoa – và năm 2005 còn tham gia giải pháp do Trung Quốc đề nghị là cùng hợp tác để thăm dò tài nguyên ngoài khơi và đẩy lui việc tranh cãi về chủ quyền vào tương lai 50 năm tới. Đến năm 2008 Manila mới thấy là bị hố và tìm cách tháo lui mà không dám mạnh miệng phản đối sự lấn lướt của Trung Quốc. Khi Benigno Aquino II được bầu lên làm Tổng thống từ tháng Sáu năm ngoái, Manila xoay chuyển lập trường, và ngày nay trước đà bành trướng của Trung Quốc, họ trở lại với Hiệp định Phòng thủ 1951.

Dù là ở xa Trung Quốc, Phi Luật Tân cũng rát mặt với sức ép Thiên triều và muốn mượn sức Hoa Kỳ để có tiếng nói mạnh hơn. Từ đầu tháng Sáu, Manila tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tôn trọng những cam kết trong hiệp định song phương và sẽ bảo vệ một đồng minh bị uy hiếp. Sau đó, khi viếng thăm thủ đô Washington của Mỹ, Ngoại trưởng Phi là Albert del Rosario phát biểu rằng vụ tranh chấp chủ quyền tại Đông Hải có nằm trong phạm vi xử lý của Hiệp định 1951.

Trước lời kêu cứu đó, Hoa Kỳ cam kết bảo vệ Phi Luật Tân, sẽ cung cấp phương tiện tăng cường khả năng phòng vệ cho xứ này, mà tránh không trả lời về phạm vi áp dụng của Hiệp định. Lập trường chính thức là Mỹ không phân xử chuyện chủ quyền của các nước trong khu vực, nhưng chủ trương bảo vệ quyền tự do lưu thông trên các dòng hải lưu của quốc tế.

Nhìn trên toàn cảnh, ta thấy là vì quyền lợi sinh tử của mình, Hoa Kỳ cần hiện diện tại Đông Á và đang chuẩn bị trở lại khu vực. Nhưng sau khi tuyên bố như vậy từ năm ngoái, siêu cường này còn bị vướng bận quá nhiều chuyện nên chưa thể làm gì hơn mà cũng không muốn trực diện đối đầu với Trung Quốc. Cho nên vẫn chỉ là cách trả lời nước đôi, lại còn bán được vũ khí.

Manila cũng biết vậy chứ không hoàn toàn phó thác sinh mệnh vào tay Hoa Kỳ.

Trong trường kỳ, là mươi mười lăm năm tới, xứ này phải quan niệm lại quyền lợi về kinh tế và an ninh trên vùng biển tiếp cận với hướng Tây của lãnh thổ. Phi Luật Tân còn có một ưu thế rất đáng chú ý là hiện đang có 500 binh lính và huấn luyện viên Hoa Kỳ hiện diện trên lãnh thổ. Chẳng để chiếm đóng mà chỉ để giúp Phi canh chừng khủng bố.

Khi tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ, trước nhất là qua biểu hiện quân sự, Manila có một cường quốc đứng bên để nâng cao tiếng nói của mình. Người ta không tin là Phi Luật Tân sẽ dựa thế Hoa Kỳ để khiêu khích Trung Quốc – lãnh đạo xứ này thật ra không dại – nhưng với Hiệp định Phòng thủ trong tay, xứ này còn có khả năng chống trả mỗi khi bị uy hiếp như người ta đã thấy từ tháng Ba.

Hà Nội thì tính kiểu khác.

Chúng ta chưa biết kết quả ra sao vì mọi việc đều được giữ kín. Mà lãnh đạo còn kềm chế phản ứng của người dân vì sợ phản ứng bài Hoa sẽ biến thành chống chế độ, hoặc kêu đòi dân chủ.

Nhìn trong lâu dài thì Phi Luật Tân đã có nỗ lực xây dựng dân chủ – từ khi Ferdinand Marcos bị lật đổ vào năm 1986 tới nay, xứ này đã bầu lên năm đời Tổng thống – và cũng do mối quan hệ với Hoa Kỳ mà phải thực thi dân chủ. Ngày nay, nhờ mối quan hệ đó xứ này có nhiều giải pháp chọn lựa hơn. Việt Nam chưa được như vậy!

Cho nên lại gặp rủi ro lớn hơn.

N.X.N.

Nguồn: dainamax.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn