Ngang qua bình yên

Mai Thanh Hải

clip_image001

Nếu em biết anh phải bấm ngón chân vào vách núi mà đi suốt 6 tiếng đồng hồ (17 km đường rừng dốc ngược), chắc là em sẽ cản và không cho anh đi. Nơi đây cách thành phố của mình chừng 400 cây số, nhưng là một thế giới hoàn toàn tách biệt. Dưới chân anh đứng là đỉnh Phù Huống, còn bên kia là thung lũng Xiêng My, từ đây anh có thể nhìn thấy những người con gái bằng tuổi em đang dùng chính đầu mình để gùi những bó củi to về nhà.

Anh đã từng không tin ai cả nhưng khi anh đứng trước rừng già với muôn vàn chồi non biêng biếc, khi mùa xuân rưng rưng về bên những khe suối nhỏ thì anh tin là mùa xuân đã trở về.

Anh đang ở Tương Dương, một huyện miền núi của Nghệ An có 8 dân tộc, có những “bộ lạc” mà chắc em cũng mới chỉ nghe nói: Người Ơ Đu ở ven dòng Nậm Nơn, người K. Mú sống ven các khe suối, người H. Mông ở Mai Sơn vẫn còn tục để người chết dựng trong góc nhà vài ngày, để tất cả những người trong thôn bản đến tiễn biệt, để nhìn cho chán rồi mới chôn, để rồi không bao giờ nhớ tới nữa...

clip_image002

Nhìn cho chán rồi không nhớ nữa - Anh cũng từng nghĩ như thế nhưng rồi sau này anh nhận ra rằng anh chẳng quên được điều gì cả.

Hôm anh lên xã Nga My, nghe báo cáo thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 160.000đồng/1 năm, anh vô thức nhìn xuống bộ quần áo mình đang mặc, nó đáng giá hơn 1 năm thu nhập của họ rất nhiều. Anh nhớ tới những bữa tiệc triền miên mà anh từng tham gia, có lẽ nó đủ để nuôi sống cả cái xã Nga My với những bản nghèo đến kiệt quệ như Đình Tài, Xốp Kho...

Ở đây, anh đánh rơi tiền cũng không ai nhặt, vì đồng bào ít trông thấy tiền. Lên đây không phải đồng bào, mà chính anh trở nên lạc lõng. Anh thấy mình là dân tộc thứ 9 ở vùng đất này, khi không biết ăn cơm nếp nương, bởi ở đây người dân ăn nếp nương từ ngày này sang tháng khác. Đó là khi no. Còn khi đói, đồng bào ăn củ mài, ăn sắn, thậm chí ăn cả củ nâu trong những ngày đói nhiều hơn ngày no.

clip_image003

Anh ngủ ở trường Nga My 2, nơi đây có hai cô giáo người Kinh lên dạy tăng cường. Một cô tên Cúc, một cô tên Hà, đều xinh xắn, nhưng đã 25 tuổi mà chưa có người yêu. Buổi sáng bọn anh ăn nếp nương, cô Hà bảo: "Đó là gạo dân bản gửi nuôi cô giáo!". Buổi tối bọn anh ăn cá mát nướng, cô Cúc bảo: "Đó là của dân bản gửi biếu cô giáo!". Sáng hôm sau nữa, khi ngủ dậy, anh nhìn thấy các em học sinh bé như những con chim chích, quần áo vá lỗ chỗ, đứng xếp hàng, mỗi em bế một con gà chừng 2 lạng đưa cho cô giáo, với nét mặt rất hớn hở. Các em góp gà để các cô giáo nuôi lấy tiền ăn tết, làm liên hoan tổng kết cuối năm...

Phụ nữ ở đây phần lớn mù chữ, đàn ông học hết cấp 1 vài năm rồi cũng quên luôn. Ngôn ngữ giao tiếp còn chưa thạo, vậy mà họ vẫn khao khát cho con tới trường học cái chữ.

Em sẽ hỏi anh: "Các cô giáo tốt thế sao không có ai yêu?". Tại đường đấy em ạ! Từ thị trấn Hòa Bình lên Nga My mất 5 tiếng, đi xe ôm với giá 400.000 đồng/1 lượt đi về. Đến trung tâm xã phải lội qua 73 khe suối, khe nông cao đến đầu gối, khe sâu đến thắt lưng mới đến được bản các cô ở.

clip_image004

Còn người dân Na Ngân (kể cả nam lẫn nữ), mỗi khi ra trung tâm xã Nga My thường ở truồng ngay từ ở nhà, quần - váy đội lên đầu, tới gần trung tâm xã mới mặc vào. Em đừng cười khi anh kể chuyện này, và em sẽ không cười, nếu biết đồng bào chỉ có mỗi bộ quần áo lành lặn, nếu ướt họ sẽ không có đồ thay.

Với rừng, có lẽ chẳng có gì phải xấu hổ đúng không em? Bởi thế ở trên này, chiều chiều phụ nữ và nam giới cùng tắm chung một đoạn suối. Hôm mới lên, anh sững sờ khi ra đến bờ suối, trước mặt bao nhiêu đàn ông, các cô sơn nữ đều nhất loạt lột phắt áo ra và ở trần lội xuống suối. Khi lên họ thay quần áo ngay bên bờ suối, chẳng cần bờ cây nào che chắn.

Rừng hồn nhiên, trong veo như sớm nay anh leo từ Nga My sang Pù Huống để đến Đình Tài (kiểu như Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây vậy). Dọc con đường rừng ẩm ướt, anh gặp cả trăm đoàn kiến gió lầm lũi, nối đuôi nhau chạy trên các thanh củi mục. Đường rừng vắng teo và thanh thản.

clip_image005

Vào trong này, anh quên hẳn cảm giác chạy xe bạt mạng trên phố, quên luôn cả những quán cà phê mịt mù khói thuốc và tiếng nhạc sầu não. Anh đã gặp nhiều người bằng tuổi anh và em, để rồi nhận ra đôi lúc chúng ta đã tự tiêu phí cuộc đời mình.

Người dẫn đường cho anh có cái tên rất thành phố L. V. Ngọc - vốn là con một quan chức có máu mặt ở địa phương. Không thi đỗ đại học, Ngọc sinh hư đua đòi bạn bè. Mà xứ này vốn là thủ phủ của cây thuốc phiện, thuốc nhiều và dễ kiếm hơn cơm ăn. Ngọc kể rằng, Ngọc cũng có một cô bạn gái. Khi biết Ngọc sa vào thuốc phiện bàn đèn, cô ấy đã lôi được Ngọc ra khỏi vũng lầy ấy sớm nhất. Ngọc đi cai nghiện thành công rồi về công tác tại huyện vùng cao này. Cô gái đã đi lấy chồng. Cô ấy không thể theo Ngọc lên vùng sơn cước heo hút, điện không có, đường đi lại thì khổ như thời chiến tranh...

clip_image006

Em thấy không? Tình yêu có thể kéo một người hư hỏng thành một người tử tế, nhưng lại không đủ để người ta chịu đựng gian khổ!...

Anh quay sang nhìn gương mặt Ngọc nghiêng nghiêng trong nắng chiều. Như hiểu ánh mắt dò hỏi của anh, Ngọc bảo: "Chỉ thương cô ấy chứ không trách gì cả! Mấy ai dám bỏ phố lên rừng?". Còn Ngọc, chẳng phải vì mặc cảm lỗi lầm mà phi lên đây. Đó là một tình yêu khác, tình yêu với cây rừng. Công việc của Ngọc ở cái bản nghèo này là vận động bà con không phá rừng, hướng dẫn bà con làm lúa nương, tham mưu cho chính quyền xã giao đất, khoán bảo vệ rừng cho dân để người dân sống dựa được vào rừng, mà rừng vẫn được phát triển một cách bền vững...

Nghe thật dài dòng đúng không em? Nhưng việc của Ngọc là ngày nào cũng đi bộ từ bản nọ sang bản kia, đói đâu ăn đó, tối đâu ngủ đó. Đêm về nhẩm tính mỗi ngày đi quanh tới ba ngọn núi. Với một người như Ngọc, ở thành phố chúng mình gọi là COCC (con ông cháu cha), và nhiều COCC ở thành phố chỉ biết có mỗi việc là ăn và chơi... Như Ngọc, chẳng lạ lắm sao em?

clip_image007

Nhìn Ngọc hùng hục lội khe, đêm về để cả quần áo ướt rượt mà ngủ. Anh tin là Ngọc yêu rừng thật. Hơn thế, Ngọc đang làm việc với một khát vọng được cống hiến. Tuổi trẻ của cha anh và cha em cầm súng bảo vệ Tổ quốc vì khát vọng hòa bình. Còn bao người trẻ tuổi ở thế hệ chúng mình, đã từ bỏ những cám dỗ đời thường, từ bỏ nhu cầu được ăn ngon, mặc đẹp để tình nguyện về những bản làng xa xôi hẻo lánh, góp sức mình, để mong có ngày “miền núi tiến kịp miền xuôi”?

Bên cạnh bọn anh, tiếng chim rừng kêu khe khẽ sau lùm sim dại, vài con rết to tướng nằm im lìm trên phiến lá mục buồn rầu và rất nhiều vắt, chỉ chờ chân người qua là bám lấy hút máu rồi tự chết khi đã quá no nê. Có lẽ, rừng cũng giống như một xã hội thu nhỏ, nơi anh và em mỗi ngày vật lộn với cuộc sống quanh mình!

clip_image008

Ở thành phố mùa này đang tới tiết Noel, mọi người sẽ bàn chuyện Noel này tổ chức party ở đâu. Chắc ngoài phố, nhiều gian hàng đã bán cây thông lắp giàn đèn nhấp nháy. Anh cũng đang băn khoăn đứng trước một quầy hàng tạp hoá bán hàng Tết ở Xiêng My. Quầy hàng bán những chiếc cặp ba lá, mà 20 năm trước ở nông thôn, mọi người hay dùng, những chiếc khăn mặt dệt dầu mỏng tang mà lại không thấm nước, đường hoa mai và những gói kẹo thủ công. Học sinh lớp 5A bản Naka khiêng thùng mứt được tài trợ về trường, anh đi theo chúng, nghe mùa Xuân rưng rưng về bên khe suối nhỏ...

Bọn anh đi qua thung lũng Xiêng My - nơi đang có một dự án của nước ngoài tài trợ nhằm cải tạo đất đồi thành ruộng nước. Người ta đang cố gắng hạ sơn để bóc lớp đá sỏi thành cơm, gạo cho người dân…

Anh đang tập để biết tin và anh biết niềm tin đã có, thì bao giờ cũng là có thật. Anh tin là khi trở về, anh sẽ sống tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn rất nhiều.

clip_image009

Những ngày ở rừng, anh mới biết là chưa bao giờ mình cảm thấy cuộc sống thanh thản như thế. Như lớp đất mịn vừa được xới lên và khi anh cúi xuống, chạm vào lớp đất mịn còn ấm đường cày, thì bình yên cũng về, bồi hồi trôi qua ngón tay!...

Xiêng My - Nghệ An

(Entry này, với những tấm hình chụp lại từ hồi công tác tại báo Công an Nhân dân, như hoài niệm đẹp, không thể nào quên nổi qua gần 15 năm làm báo và 4 năm gắn bó với báo Công an. Cảm ơn nghề báo đã cho tôi được đi, được viết và đau đáu với những nỗi niềm chung riêng mà không phải ai cũng cảm nhận được. Cảm ơn cuộc đời...).

M.T.H.

Nguồn: maithanhhaiddk.blogspot.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn