Nhân sĩ Sài Gòn tưởng niệm những người đã hy sinh để bảo vệ biên giới và hải đảo

Thụy My

clip_image001  

Lễ tưởng niệm những người đã hy sinh để bảo vệ biên giới và hải đảo (DR)

 

Hôm nay 27/7 nhân ngày kỷ niệm thương binh liệt sĩ ở Việt Nam, một số nhân sĩ, trí thức ở thành phố Hồ Chí Minh cùng với Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm tất cả những người đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và hải đảo. Đó là những người đã hy sinh ở Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như trong hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam.

Về hai cuộc chiến tranh biên giới, ngày 17/2/1979 quân Trung Quốc đã tràn vào xâm lược toàn bộ các tỉnh của Việt Nam nằm dọc theo biên giới Việt – Trung. Trận chiến này kéo dài đúng một tháng, gây nhiều thiệt hại cho cả hai bên. Trước đó, quân Khmer Đỏ được Trung Quốc trang bị và hậu thuẫn, cũng đã tấn công toàn tuyến biên giới Tây Nam của Việt Nam vào ngày 12/12/1978, sau nhiều lần xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam và thảm sát rất nhiều thường dân Việt.

Về hải đảo, đây là lần đầu tiên những chiến sĩ trong quân đội Việt Nam Cộng hòa trước đây, đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 khi quân Trung Quốc tràn lên xâm chiếm quần đảo này của Việt Nam, đã được vinh danh cùng với các liệt sĩ phía Bắc đã ngã xuống trong trận hải chiến chống quân Trung Quốc xâm lược đánh chiếm một số đảo tại Trường Sa năm 1988.

Đến dự buổi lễ tưởng niệm có nhiều nhà trí thức nổi tiếng như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Giáo sư Tương Lai, PGS TS Nguyễn Phương Tùng, các văn nghệ sĩ như nhà thơ Đỗ Trung Quân, Nguyễn Duy, các khuôn mặt trong phong trào sinh viên Sài Gòn trước đây như các ông Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm… Đặc biệt có sự hiện diện của bà quả phụ Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng chiếc Nhật Tảo, tức HQ-10, đã tuẫn tiết theo tàu trong trận hải chiến ngày 18/1/1974, nhằm chiếm lại các đảo Cam Tuyền, Quang Hòa, Duy Mộng, Vĩnh Lạc thuộc quần đảo Hoàng Sa bị quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Cũng trong buổi lễ tưởng niệm này, những người tham gia đã giơ cao các khẩu hiệu «Ủng hộ kiến nghị 10/7/2011 của nhân sĩ, trí thức gởi Quốc hội và Bộ Chính trị», «Phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam», «Hòa bình và công lý cho Biển Đông», «Yêu cầu nhà cầm quyền không đàn áp biểu tình yêu nước của nhân dân».

Sau đây là tâm sự của bà Huỳnh Thị Sinh, vợ góa cố Trung tá quân đội Việt Nam Cộng hòa Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng tàu Nhật Tảo, khi lần đầu tiên được mời tham dự một buổi lễ trong đó tên của người chồng quá cố đã 35 năm qua và các đồng đội trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974, được nhắc đến cùng với các liệt sĩ Trường Sa 1988.

 

Bà Huỳnh Thị Sinh - Thành phố Hồ Chí Minh

27/07/2011Nghe (03:36)

 

Tôi cũng rất cảm động vì tự nhiên bao nhiêu năm rồi không ai nhắc nhở tới, mà ngày hôm nay tôi được hân hạnh mời đi dự buổi lễ thương binh liệt sĩ. Thành ra tôi thấy cảm động lắm!

Bao nhiêu năm qua, sau ngày giải phóng thì tôi cũng có đi làm. Tôi xin vô làm ở hợp tác xã của phường. Rồi sau một thời gian, hợp tác xã giải tỏa thì tôi coi như bị thất nghiệp ở nhà không làm gì hết. Cũng sống nhờ mấy cháu, đứa cho chút đỉnh vậy thôi, chứ đâu làm được gì. Thì lúc đó mình cũng bán cái này cái kia ở trong nhà để sinh sống qua ngày, với lại nuôi các cháu ăn học tới lớn rồi gả chồng thôi, chứ đâu có đi làm gì cô.

Lúc đó con tôi cũng còn nhỏ quá, con gái lớn mới có 9 tuổi, con gái giữa 6 tuổi còn con gái út ba tuổi. Lớn lên thì mới nói, các cháu mới hiểu biết, chứ còn lúc nhỏ đâu nói được. Nó chỉ ngồi buồn sao không thấy ba về thôi.

Mà hiện giờ tôi đang ở tạm nhà của mấy chị em, chứ không phải nhà của tôi. Tại vì tôi phải chờ tái định cư mới có nhà, mà chờ cũng khoảng năm năm nữa mới có.

Lần đó bà có biết là ông Thà đi Hoàng Sa chiến đấu với quân Trung Quốc không?

Tôi cũng không biết nữa! Trong chuyến đi cuối cùng, ông Thà nói với tôi là đi công tác ở Đà Nẵng. Tôi thấy sao ông cứ xách va-li về hoài – lúc đó nhà tôi đang ở chung cư – ông đứng dưới đất kêu tôi, nói là không đi được vì tàu bị hư chờ sửa chữa. Thì sửa chữa tàu xong rồi, chuyến công tác đó ông đi ra Hoàng Sa là đụng nhau với Trung Quốc luôn.

Còn những đồng đội của ông Thà sau đó bà có gặp ai không?

Dạ không có, ít có gặp ai lắm. Tại vì mấy người đó chắc họ cũng chết hết rồi hay sao đó, theo tôi nghĩ vậy đó. Ở trên tàu đó có ông Nguyễn Thành Trí là Hạm phó. Nghe mấy anh kể lại là ổng đào thoát xuống bè, nhưng mà ra máu nhiều quá nên cũng chết luôn. Cũng giống như ông Thà của tôi, chết theo tàu luôn không có xác.

Khi ông Thà mất đi, ở Bộ Tư lệnh Hải quân người ta có tới làm lễ truy điệu tại nhà tôi. Tôi chỉ biết ông Thà làm Hạm trưởng chiếc tàu Nhật Tảo số 10 hình như cũng được hai năm hay hơn. Mà thường thường ổng đi tàu không à, khoảng hai tháng, ba tháng mới về. Mà về thì ổng ở chừng mười ngày, nửa tháng lại đi nữa. Ông đi vòng vòng ra Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu… Sau chuyến công tác cuối cùng là ổng mất luôn, thành ra tôi đâu có biết! Ổng chỉ nói là ổng đi công tác ở ngoài Đà Nẵng thôi. Nhưng mà qua ngày sau thì có tin báo về là các tàu đang đánh nhau với Trung Quốc, thì tàu của ổng bị bắn chìm và ổng chết ở trên tàu luôn. Thì chỉ biết vậy thôi. Mà tôi cứ trông đợi hoài, đợi hoài, coi có tin tức gì của ổng không. Đến buổi chiều hôm sau thì có người báo tin là ổng đã chết theo tàu rồi, mà tàu cũng chìm luôn rồi.

Hổng có mộ cô à! Hàng năm mình nhớ ngày mất là bao nhiêu thì mình làm giỗ thôi. Chứ còn đâu có mộ gì đâu mà đi ra ngoài đó cô!

Tôi cũng không ngờ ngày hôm nay tôi lại được quan tâm thì tôi cũng rất là mang ơn.

Xin rất cảm ơn bà Huỳnh Thị Sinh, tức bà quả phụ Ngụy Văn Thà.

T.M.

Nguồn: Viet.rfi.fr

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Cần tuyên dương công trạng các liệt sỹ ở Hoàng Sa để góp phần hòa giải dân tộc

Thụy My

Như chúng tôi đã đưa tin, hôm qua nhân Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 ở Việt Nam, một số thân hào nhân sĩ, trí thức và văn nghệ sĩ ở Sài Gòn đã phối hợp với câu lạc bộ Phao lô Nguyễn Văn Bình đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm những người đã hy sinh ở Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như trong hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam.

clip_image013

Lễ tưởng niệm các liệt sỹ hi sinh tại quần đảo Trường Sa năm 1988, khi chống lại các cuộc tấn công của Trung Quốc. DR

Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ sau buổi lễ, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở TP HCM đã cho biết:

Ông Lê Hiếu Đằng (Sài Gòn)

28/07/2011

by Thụy My

Nghe (10:21)

Từ lâu rồi, tức là sau chiến tranh biên giới ở phía Bắc xảy ra, và trận chiến ở Trường Sa, Hoàng Sa thì tôi chưa thấy năm nào Nhà nước Việt Nam tổ chức lễ tưởng niệm các chiến sĩ ở biên giới phía Bắc cũng như Trường Sa, Hoàng Sa. Đây là một việc làm rất không đúng, bởi vì dù là quan hệ với Trung Quốc như thế nào đi nữa, nhưng mà lịch sử là lịch sử!

Năm 1979 bọn bành trướng Bắc Kinh đã tấn công, gây ra bao mất mát hy sinh cho đồng bào, chiến sĩ ở các tỉnh biên giới phía Bắc, như thế phải tưởng niệm những người đã hy sinh, đã nằm xuống trong công cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới của chúng ta, cũng như các chiến sĩ ở Trường Sa và Hoàng Sa.

Lẽ ra là Nhà nước phải đứng ra làm. Nhưng ngay cả năm 2009, là dịp kỷ niệm 30 năm chiến tranh biên giới ở phía Bắc, thì cũng không có một buổi kỷ niệm nào để tưởng nhớ đến các chiến sĩ đó. Tôi cho đây là một sự vô ơn đối với những người đã chết, đã nằm xuống vì toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam chúng ta.

Chính điều đó đã thúc đẩy chúng tôi, một số nhân sĩ trí thức năm nay phối hợp với Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình phải làm buổi lễ để tưởng nhớ đến công ơn của những chiến sĩ đã hy sinh ở biên giới phía Bắc, cũng như ở Trường Sa và Hoàng Sa.

Riêng ở Hoàng Sa, việc 74 chiến sĩ của quân đội Sài Gòn trước đây đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa, thì hiện nay  dư luận trong nước cũng đang đặt vấn để có cách tuyên xưng công trạng của họ như thế nào. Bởi vì dù là chế độ có khác nhau nhưng mục tiêu chung vẫn là bảo vệ hải đảo, vùng biển, vùng lãnh thổ của Việt Nam chúng ta. Do đó trong buổi sáng nay, chúng tôi cũng đặt vấn đề đó ra.

Và như vậy có thể nói là lần đầu tiên nhân dân thành phố đã đứng ra tổ chức lễ tưởng niệm này, trong khi đó thì Nhà nước lại không tổ chức.

Thưa ông, có thể coi đây là một dấu hiệu của hòa hợp hòa giải không ạ, vì có lẽ còn nhiều người dân ở phía Bắc vẫn chưa biết về cuộc chiến Hoàng Sa, và có những người đã ngã xuống năm 1974 để bảo vệ Hoàng Sa?

Đúng là đây là một dấu hiệu cho việc hòa giải, hòa hợp dân tộc. Bởi vì những việc làm gì đúng của bất cứ chế độ nào thì chúng ta cũng phải thừa nhận. Đó mới là quan điểm lịch sử đúng đắn. Mà ngay cả cuộc biểu tình ngày 17/7 vừa rồi ở Hà Nội thì cũng nêu danh 74 anh em quân đội Sài Gòn đã tham gia vào trận đánh Hoàng Sa và đã hy sinh. Như vậy chứng tỏ là bây giờ ở miền Bắc người ta cũng hiểu được việc đó, và họ cũng đề nghị là phải công nhận việc này. Ngay tờ báo Đại Đoàn Kết là tờ báo của trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã đặt vấn đề này ra.

Thì tôi nghĩ đây là dịp để chúng ta thực hiện cái điều mà chúng ta đã cam kết, tức là hòa giải và hòa hợp dân tộc, để khép lại quá khứ, nhìn về tương lai, để cùng xây dựng đất nước. Bây giờ chuyện cũ đã qua rồi, cả hai bên không thể nào cứ vương vấn mãi chuyện đó, để chúng ta có được sức mạnh đoàn kết dân tộc, chống lại một kẻ thù mới hiện nay. Đó là các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang có nhiều âm mưu xâm lấn đất nước của chúng ta.

Sự có mặt của bà quả phụ Ngụy Văn Thà có lẽ là một sự ngạc nhiên cho nhiều người?

Sự xuất hiện của bà quả phụ Ngụy Văn Thà đúng là đã làm cho mọi người xúc động. Vì từ trước đến giờ trên các cơ quan thông tin báo chí không nêu là bà vẫn còn ở Sài Gòn, ai cũng nghĩ rằng chắc bà đã đi nước ngoài rồi. Nhưng mà sáng nay biết như vậy thì rất là xúc động. Nhiều anh em báo chí cũng đến phỏng vấn bà, và bà rất cảm động trước sự chăm sóc, sự chú ý của mọi người đối với bà. Trong tương lai chúng tôi đang nắm lại tình hình xem hoàn cảnh gia đình của bà như thế nào, nếu có khó khăn thì chúng tôi sẽ vận động để có thể giúp bà. Bởi vì dù sao anh Ngụy Văn Thà cũng hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa thì chúng ta, những người còn sống phải có nghĩa vụ chăm sóc gia đình của anh. Dù trước kia anh ở trong một chế độ đối lập, nhưng rõ ràng là hành động yêu nước của anh để bảo vệ Hoàng Sa là rất có ý nghĩa.

Buổi lễ có mặt đông người không thưa ông?

Rất đông, khoảng một trăm người. Tiếc là hội trường hơi nhỏ, nếu không sẽ còn nhiều người nữa. Đặc biệt là có nhiều nhà trí thức lớn như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Giáo sư Tương Lai, các văn nghệ sĩ như nhà thơ Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, rồi nhiều anh em sinh viên học sinh trong phong trào trước đây như anh Huỳnh Tấn Mẫm, Trần Quang Long rồi nhiều anh em khác, hay là các nhà văn hóa như anh Lữ Phương, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, v.v. Nói chung là cũng có đầy đủ những nhân vật ở thành phố Hồ Chí Minh.

Nhưng đặc biệt trong buổi này, chúng tôi không chỉ đặt vấn đề tưởng niệm các chiến sĩ ở biên giới phía Bắc, cũng như ở Hoàng Sa, Trường Sa. Chúng tôi cũng lên tiếng phản đối những hành động đàn áp các cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa của nhân dân hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đặc biệt là ở Hà Nội vừa qua, với hình ảnh tên đại úy Minh đã đạp vào mặt một người biểu tình. Chúng tôi kịch liệt lên án việc này, và đề nghị chính quyền Việt Nam phải tôn trọng quyền của nhân dân được biểu tình, để bày tỏ thái độ của mình đối với tình hình đất nước, hay đối với hành động ngang ngược của Trung Quốc đang ngày đêm lấn chiếm các vùng lãnh hải của Việt Nam.

Chúng tôi phản đối kịch liệt việc đàn áp và cũng khuyến cáo là trong trường hợp nếu tiếp tục đàn áp, thì chúng tôi sẽ có những hành động phản đối trở lại. Rất mừng là hôm Chủ nhật vừa rồi ở Hà Nội cuộc biểu tình đã diễn ra một cách êm thắm, tốt đẹp.

Và chúng tôi cũng xác định rằng cuộc biểu tình của nhân dân Hà Nội là một hành động yêu nước. Riêng cá nhân tôi thì chúng tôi cũng rất hoan nghênh và ủng hộ các cuộc biểu tình đó. Nhất là có một số nhân sĩ trí thức như anh Nguyễn Quang A, mặc dầu bị công an bao vây rồi đến đe dọa, nhưng mà vẫn vượt thoát ra để mà tham gia biểu tình. Tôi cho đây là một thái độ hết sức dũng cảm!

Ở thành phố Hồ chí Minh thì chúng tôi cũng phản đối việc công an cứ bao vây nhà anh Huỳnh Tấn Mẫm, anh Cao Lập, hay là một số anh em trong phong trào sinh viên cũ trước đây. Mỗi Chủ nhật hễ đi ra đều có công an theo dõi, rồi gây sức ép thế này thế kia. Tôi cho rằng việc đó là không được, vì vi phạm một cách nghiêm trọng quyền tự do của công dân.

Thành ra chúng tôi cũng đặt vấn đề với các nhà cầm quyền là phải tạo điều kiện để cho người ta đi biểu tình một cách ôn hòa. Vì chúng tôi quan niệm đi biểu tình như vậy là ủng hộ chính phủ Việt Nam. Để chứng minh cho Trung Quốc thấy rằng, dân Việt Nam là như thế đó. Để Trung Quốc không thể nào cứ tiếp tục có những hành động khiêu khích, làm cho ngư dân Việt Nam bị bách hại, và những tàu nghiên cứu khai thác dầu khí của Việt Nam bị ngừng trệ công việc được.

Đồng thời trong cuộc họp sáng nay, chúng tôi cũng khẳng định sự ủng hộ của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với kiến nghị ngày 10/7/2011 của 20 nhân sĩ trí thức gởi cho Quốc hội và Bộ Chính trị. Bởi vì có thể nói đây là một kiến nghị rất là toàn diện, đặt ra vấn đề một nguy cơ rất lớn. Đó là việc Trung Quốc đã có thể thọc sâu bàn tay của mình vào can thiệp ở Biển Đông, và trong các lãnh vực của nền kinh tế Việt Nam, kể cả lũng đoạn về chính trị.

Thì đây là một việc rất là nguy hiểm, và có thể nói là phải cấp báo để chúng ta có những biện pháp có hiệu quả để ngăn chận âm mưu của một số nhà lãnh đạo cầm quyền Trung Quốc hiện nay.

Xin phép được hỏi thêm, có nhiều người thắc mắc vì sao các nhân sĩ trí thức Sài Gòn chỉ xuất hiện trong cuộc biểu tình đầu tiên ngày 5/6?

Chúng tôi quan niệm là khi cần thiết thì mới phải tổ chức biểu tình. Chứ nếu Chủ nhật nào cũng biểu tình thì sợ rằng mất sức, và khi có một sự việc trọng đại nào xảy ra cần tập trung biểu tình thì lại yếu đi. Chúng tôi thì điều kiện không phải như ở Hà Nội được. Mỗi lần tập hợp lực lượng, rồi anh em cũng phân tán đi làm ăn, đi đây đi đó… thành ra cũng khó tập trung hơn Hà Nội. Do đó mà một số nhân sĩ trí thức bây giờ, ví dụ như cụ Nguyễn Đình Đầu mà tuần nào cũng đi biểu tình thì làm sao bằng anh Nguyễn Quang A, anh Chu Hảo… ở Hà Nội được. Thành ra cũng có những điều kiện không thuận lợi bằng ở Hà Nội. Do đó mà chúng tôi cũng phải lượng sức mình để làm.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi không ủng hộ các cuộc biểu tình của nhân dân thành phố Hà Nội. Và thật ra chúng tôi cũng chờ đợi, nếu Chủ nhật vừa rồi mà có đàn áp nữa thì chúng tôi sẽ tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh những cuộc biểu tình để phản đối việc đàn áp đó.

Thành ra chúng tôi nghĩ rằng Nhà nước Việt Nam nên khôn ngoan. Nhân dân Việt Nam đang biểu tình chống sự bành trướng của Trung Quốc, thì không nên có những hành động để nhân dân buộc lòng phải đứng lên tố cáo những cuộc đàn áp như vậy, sẽ rất bất lợi về mặt chính trị và sẽ làm cho hình ảnh của Việt Nam trên thế giới xấu đi. Chúng tôi rất mong là các nhà lãnh đạo Việt Nam thấy vấn đề này để mà ngăn chận sự việc đáng tiếc như đã xảy ra ở Hà Nội vào ngày 17/7 vừa qua, cũng như trong cuộc biểu t́nh ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 22/6 trước đây.

Xin chân thành cảm ơn ông Lê Hiếu Đằng.

T.M.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn